TP.HCM ngày 23 tháng 9 năm 2010
Thưa Chủ tịch Nguyễn Minh Triết,
Tôi là một người dân ở Sài Gòn (TP.HCM), nơi mà Chủ tịch đã từng làm việc trên cương vị Bí thư thành uỷ Đảng CSVN nhiều năm. Chúng tôi được biết trước đó, sau những cố gắng không ngừng của ông tại Bình Dương (Sông Bé khi ấy) ông đã để lại cho Bình Dương một diện mạo mới mà nhiều tỉnh thành khác phải ngưỡng mộ, kể cả TP.HCM. Cái nguyên nhân làm nên những thành tựu đó, theo chúng tôi là ở chỗ tấm lòng nơi ông – tấm lòng gần dân, coi lợi ích của dân là của mình, “cái gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng làm”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn. Tấm lòng ấy thu phục được lòng dân, nên có sức mạnh vô song (“khó vạn lần dân liệu cũng xong”). Chúng tôi cũng được biết ông cũng gặp nhiều trở ngại khi được điều động về TP.HCM – nơi có tiềm năng kinh tế lớn nhất nước nhưng do tư tưởng hẹp hòi cục bộ đã không hoan nghênh sự có mặt của ông. Đến rồi lại đi, phải mất vài năm sau, Thành uỷ TP.HCM mới có người bí thư mong đợi là ông. Sau này, ông nhận nhiệm vụ khác, cao hơn, chúng tôi vẫn cảm mến và tin ông, luôn nhớ và dõi theo công việc của ông, như một người thân dù chưa bao giờ gặp mặt.
Hôm nay, khi viết những dòng thư này, chúng tôi vẫn còn niềm tin nơi ông, muốn được trao đổi với ông thân tình như vậy. (Nhưng nếu do qui tắc nào đấy của nhà nước mà không tiện thì xin ông bỏ quá cho thái độ “thấy người sang bắt quàng…” này).
Thưa ông,
Những ai thật lòng quan tâm đến thời cuộc nước nhà, không khỏi lo lắng bồn chồn ngày đêm. Lá thư này là kết quả dồn nén của bao suy tư lo lắng ấy. Tuy nhiên chúng tôi chỉ xin gợi ý vài điều, vài sự việc trong vô vàn vấn đề khúc mắc tồn đọng, mà trách nhiệm giải quyết đang đặt trên vai ông và TW Đảng.
1. Về giáo dục: Ngày trước ông có học ở trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong ngày nay) chắc không quên ngôi trường rộng lớn ngự giữa 4 tuyến đường bao quanh, có hồ bơi và cả sân banh, được xây dựng từ thời Pháp cai trị, nay thì thưa ông, nó đã bị thu hẹp theo tầm nhìn của chính quyền, các sân tập ấy nay đã bị lấy đi cho mục đích khác vì cho rằng quá lãng phí.
Và chắc ông còn nhớ trên đường Thống Nhất cũ (nay là Lê Duẩn) có ngôi trường tiểu học mang tên Thống Nhất trong một khuôn viên rộng, sân trường đầy sắc đỏ hoa phượng luôn là những kỷ niệm đẹp tuổi học trò, thế nhưng giờ đây nơi ấy cũng bị biến mất, nhường chỗ cho một khách sạn nguy nga mang tên nước ngoài. Ngày trước, chính quyền cũ có nhiều quan chức quân nhân đầy thế lực, dù có tham lam thèm muốn mấy nhưng họ cũng chẳng dám đụng đến đất trường học, nơi dành cho trẻ em – rường cột của tương lai.
Thế nên mỗi khi nghe chính quyền nói “giáo dục là quốc sách”, dân Sài Gòn chỉ bưng miệng cười, bởi đã là quốc sách thì không ai làm như thế. Cụ Hồ nói: “Muốn có CNXH thì phải có con người XHCN”, nhưng mấy chục năm qua, mỗi việc dậy cho trẻ dũng cảm thật thà theo 5 điều Bác dặn cũng không làm được thì nói chi đến đào tạo được con người hoàn chỉnh hơn là con người XHCN? Mà thiếu nó thì CNXH đi về đâu? Gần đây trên báo chí xuất hiện cụm từ “tị nạn giáo dục” để nói về một hiện tượng xã hội đáng buồn đang diễn ra, phản ánh sự thất vọng lớn của dân chúng. Điều tệ nhất là ở chỗ nhà nước không chịu thừa nhận sự thất bại đó để tìm kế sách hiệu quả. Biết bao kiến nghị, tiếng nói chân thành tha thiết tới các vị lãnh đạo, nhưng tất cả chỉ như đá ném ao bèo.
Báo Tuổi trẻ cuối tuần (TP.HCM) số 12.9.2010 đăng ý kiến của Giáo sư vật lý nổi tiếng người Pháp Pierre Darriulat – người gắn bó với VN nhiều năm qua, cho thấy nhiều thất sách tồn tại kéo dài quá lâu trong giáo dục, đến mức chỉ còn có thể hy vọng vào một cuộc cách mạng theo lời khuyên của vị danh tướng họ Võ.
2. Về môi trường: Ngày nay cả thế giới văn minh đang lo lắng biến đổi khí hậu do tác nhân con người hành xử thô bạo với môi trường trái đất. Với nước ta thì sao? Các nhà khoa học, dư luận trong nước càng lo lắng và đã có nhiều kiến nghị xác đáng gửi tới các cấp chính quyền nêu nhiều giải pháp, thuyết phục can ngăn vì lợi ích lâu dài cho con cháu, cho dân tộc. Từ những vụ việc cả làng bị ung thư ở Lâm Thao (Phú Thọ) đến lũ lụt dữ dội cướp đi sinh mạng nhiều người ở miền Trung (hậu quả phát triển thuỷ điện bừa bãi) và xót xa đau đớn nhất là ngày ngày vẫn phải chứng kiến người ta đang hô hào đổ tiền cho nhanh vào cày xới bạo ngược như xé thịt đất Tây Nguyên, thúc đẩy dự án khai thác bô-xit theo một thoả thuận đã ký với đảng CS Trung Quốc, không chỉ phá huỷ môi trường mà còn đẩy cả dân tộc Việt Nam vào cái thế “nắm dao đằng lưỡi” ắt dẫn đến cái hoạ bị huỷ diệt đầy hiểm độc.
Bạn tôi kể tại Đồng Nai, có lần chỉ một sự cố bể bờ bao ở một trại heo đã làm ô nhiễm thê thảm sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sinh hoạt của cả một vùng, nay cứ nghĩ đến việc người ta xây một bể chứa hàng vạn tấn bùn đỏ trên Tây Nguyên – (ví như cài bom nổ chậm trên nóc nhà mình), thì thảm hoạ khôn lường. Ông có thể tin vào lời cam kết của vài kẻ xu nịnh “cố đấm ăn xôi” để tán thành thực hiện một chủ trương “lớn” như vậy sao? Chúng tôi không tin. Có một uẩn khúc gì chăng? Thông tấn xã VN mới đây đưa tin kể lại việc người dân Quảng Tây (TQ) biểu tình phản đối chính quyền cho khai thác bôxít nơi đó đã gây ra những hậu hoạ nghiêm trọng, càng khiến chúng tôi không khỏi nghĩ đến cả một vùng đông nam bộ rộng lớn từ Bình Dương quê ông, Bình Phước, Đồng Nai, đến TP.HCM, Sài Gòn sẽ lãnh cái hậu quả khủng khiếp treo trên đầu họ bắt đầu từ hôm nay, từ cái ngày mà dự án bôxít Tây Nguyên được nhà nước coi là một chủ trương lớn của Đảng CSVN. Quả bom ấy có thể nổ ra bất cứ lúc nào thưa ông. Những nạn nhân của chất độc da cam hôm nay có thể được đón tiếp ở Hoa Kỳ, còn những nạn nhân dị dạng quái thai do bùn đỏ (không kém phần khốc liệt thê lương trên cả một vùng rộng lớn) trong đó có thể có cả con cháu ông, thì ngày mai ai sẽ đón họ ở Bắc Kinh? Có lời nào bênh vực họ và lên án kẻ chủ mưu lẫn kẻ đồng phạm? và khi ấy nếu có thì cũng chỉ còn là một màn trình diễn quá muộn màng.
Thưa, vì sao tướng Võ Nguyên Giáp phải lên tiếng? Liệu có thể có những chủ trương của Đảng CSVN còn lớn hơn vận mệnh của quốc gia, của dân tộc, như chủ trương khai thác bôxít này? Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tàn phá môi trường chỉ mang lại lợi lộc cho một nhóm ít người, còn dân chúng đại đa số thua thiệt nặng nề, đúng như một vị cựu bộ trưởng nói: “càng tăng trưởng càng nghèo” (như hiện nay) !
Thưa Chủ tịch, quyền lực là con quỉ dễ khiến người ta sai lầm, ví dụ như ngài đại tá Trần Dụ Châu thời kháng chiến chống Pháp, nhưng sai lầm đến mức biến dạng, đặt quyền lực lên trên cả tổ quốc, bắt quân đội anh hùng (của) nhân dân từ bỏ lời thề “trung với nước” là đã tước bỏ đi của quân đội cái hồn cốt thiêng liêng nhất là nguồn gốc tiềm ẩn tạo nên sức mạnh, thì khi đối mặt trực diện kẻ xâm lược cho dù có hô vạn lần “trung với đảng” cũng vô ích. Tôi có cảm tưởng như TW Đảng hoặc tự mãn hoặc quá coi thường bài học “cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” của trung đoàn thủ đô trong lịch sử nước nhà?
3. Câu chuyện về bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc (đã dựng phim) là một câu chuyện đau đớn về sự quan liêu bảo thủ trong nội bộ Đảng CSVN, nó kéo lùi sự tiến bộ xã hội nhiều thập kỷ. Cả bí thư Kim Ngọc và ông, với tư cách là bí thư tỉnh ủy, cả hai đều có chung một mục đích là hành động vì lợi ích của nhân dân, nhưng có lẽ ông gặp nhiều may mắn hơn nên được nhìn thấy thành quả của mình.
Thưa ông, có khi nào ông tự hỏi: Mình có thực là người đổi mới (tư duy) hay chỉ là người biết lắng nghe và làm theo tiếng gọi của nhân dân? Những gì chúng ta đang gọi là đổi mới hôm nay chỉ là những gì chúng ta khờ dại phản bác khi xưa, như nhà thơ Việt Phương đã viết cách đây mấy chục năm:
Ta ngây thơ,
Tưởng đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ,
tưởng trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ,
và
Tội nghiệp nhất là ta lại chân thành hết mực..
Vậy thì thưa ông, từ bài học ấy, nay thà nhận mình sai lầm để mà triệt để thay đổi có tốt hơn không? Trong báo cáo chính trị đại hội XI kỳ này có ý tự khen “phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một sáng tạo về tư duy lý luận của Đảng ta.” Thực tế thì chưa đâu vào đâu (như vụ Vinashin thâm thủng tới 58.000 tỉ đồng liên quan đến tài chính công chẳng hạn), nhưng mấy người chấp bút văn kiện sính chữ nghĩa quá nên cứ tô vẽ kiểu “mẹ hát con khen hay” thế này, thiệt tình “lợi bất cập hại” chứ chẳng đem lại cho Đảng thêm vinh dự nào.
4. Trong một phỏng vấn của VTV4 gần đây, hỏi về những suy nghĩ của Việt kiều trở về xây dựng quê hương, Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên – người đã từng làm việc trong ngành điện tử viễn thông NASA Hoa Kỳ nay tình nguyện về giảng dạy ở ĐHQG TP.HCM – đã trả lời thế này: “Từ bỏ lương cao và nhiều điều kiện tốt ở nước ngoài là không dễ, nhưng vì mong muốn đóng góp xây dựng nước nhà vươn lên bằng các nước khác thì mỗi người phải chấp nhận hy sinh quyền lợi riêng thôi”.
Thưa Chủ tịch, là người đã làm công tác thanh niên rồi dân vận nhiều năm, khuyến khích nhiều Việt kiều trở về xây dựng quê hương, vậy nay ngược lại, họ (đa số) mong muốn Đảng CSVN cũng vì tổ quốc Việt Nam mà hy sinh một phần quyền lợi của mình thì ông nghĩ sao? Tôi chợt nhớ đến những học giả danh tiếng, những kiến nghị sâu sắc của vị Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, hay những tiên liệu bậc thầy của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện – là những trí thức tại Pháp theo Bác Hồ về nước, các ông yêu dân tộc, yêu đất nước này xiết bao, các ông đích thực là những bậc hiền tài vì đại nghiêp đã viết cho Đảng những lời lý giải thật thấu đáo chân thành, nhưng lập tức các ông bị loại trừ.
Tiếc thay cho đến nay trong đảng CSVN vẫn không có thói quen lắng nghe lời khuyên can của họ, do bệnh cửa quyền quan liêu đã thành thâm căn mãn tính nên thường dị ứng quá đáng với lời “nghịch nhĩ”, ác cảm với sự khác biệt, thậm chí còn “chụp mũ” qui tội họ rất nặng nề. Vụ việc IDS cũng là một ví dụ. Khi gian thần được trọng dụng thì nguy hiểm đến từng ngày. Thiết nghĩ cái cách ứng xử kiểu Tần Thuỷ Hoàng này vẫn duy trì đến hôm nay thì thật tệ và chỉ khích lệ đám quan tham giỏi xu nịnh đầu cơ trục lợi. Nay Đảng lại kêu gọi “đồng thuận”, vậy vì sao Đảng không muốn “đồng thuận cùng nhân dân”?
Thưa Chủ tịch Nguyễn Minh Triết,
Ước mong của chúng tôi khi viết thư này, là từ những người còn biết khiêm nhường như Chủ tịch, có thể lan toả ảnh hưởng đến nhiều đồng chí khác, để hy vọng trong đại hội sắp tới đây của Đảng CSVN, tiếng nói phản biện của nhân dân, của các nhân sĩ trí thức yêu nước, của các vị tiền bối sẽ được lắng nghe, được thấu hiểu và được trân trọng phản ánh vào trong các văn kiện của đại hội, tạo nên bước ngoặt mới cho tiền đồ tươi sáng của dân tộc Việt Nam.
Bằng không thì lá thư này còn ích lợi gì?
Kính chúc Chủ tịch mạnh khoẻ.
Trân trọng kính chào.
Ký tên,
VÕ ĐỨC BAN
Công dân TP.HCM.
Ghi chú: Do không tin các thư ký của Chủ tịch chuyển thư đến tay Chủ tịch, nên xin nhờ mạng Boxit-VN gửi ngỏ thư này.