Ở một thành phố người dân có thói quen đọc báo như Sài Gòn, cứ đi vài trăm mét là có một chỗ bán đủ các loại báo, nhưng dù có đi lùng đỏ con mắt cũng không tài nào tìm ra một nơi có bán báo Nhân dân. Muốn đọc báo này, tiện nhất là vào một cơ quan Nhà nước: cơ quan nào cũng đặt mua vài ba tờ báo, trong đó nhất định phải có tờ Nhân dân. Và cứ chọn những tờ nào phẳng phiu nhất vì không có một bàn tay nào sờ tới, đó nhất định phải là báo Đảng! Người ta mua báo về mà không đọc, cứ để vào một góc phòng chờ đến lúc bán ve chai! Ấy thế, tịnh không có cơ quan nào cả gan không mua báo Nhân dân. Mà tiền mua báo suy cho cùng cũng là từ tiền thuế của dân!
Thật kỳ lạ: lấy tiền thuế của dân trả lương cho một đội ngũ làm báo, rồi lại lấy tiền thuế của dân mua báo! Thế mà số lượng phát hành vẫn không thể so sánh với những tờ báo hoàn toàn không tốn một xu thuế, trái lại còn nộp thuế cho Nhà nước, như Tuổi trẻ chẳng hạn. Tạp chí Cộng sản và báo Nhân dân là hai tờ báo về mặt hành chính được coi là lớn nhất nước: Tổng Biên tập hàm bộ trưởng, Ban Biên tập được tôn là Bộ Biên tập. Thế mà ảnh hưởng của nó trong nhân dân gần như là con số không. Vì nó không trăn trở cái trăn trở của dân, vì nó không đau nỗi đau của dân. Vì nó đi bên lề cuộc sống thực, chứ không thực tắm mình trong cuộc sống đó. Tác giả Bút Lông nói thẳng: “Muốn báo Đảng tăng lượng người đọc, chỉ có cách là dấn thân!” Báo Nhân dân là cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên điều đó có nghĩa là chính Đảng chưa nói lên Tiếng Dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam dấn thân ư! Bao giờ?
Anh Hoàng
Tham luận đầu tiên đọc tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Hội Nhà báo (sáng qua 29-9) là của một vụ trưởng thuộc chi hội Tạp chí Cộng sản, đại biểu Nguyễn Thuý Anh. Đại diện cho những người làm báo Đảng trong cả nước, bà đề cập thẳng tới một sự thật: càng giữ tôn chỉ mục đích, việc phát hành báo Đảng càng khó khăn!
Theo đại biểu này, những năm gần đây số lượng phát hành các báo, tạp chí của Đảng ngày càng giảm. Cơ quan phát hành nhiều lần bày tỏ việc khó khăn trong tiếp cận khách hàng để “tiếp thị” báo chí của Đảng, kể cả việc phải mang các chỉ thị, nghị quyết về đặt mua và đọc báo Đảng ra để giới thiệu. Thậm chí khối báo chí Đảng và các cơ quan phát hành đã mở nhiều cuộc hội thảo để mổ xẻ, đề xuất giải pháp song số lượng người đặt mua vẫn hạn chế, bạn đọc vẫn thờ ơ! Ngay Tạp chí Cộng Sản cũng trăn trở, đổi mới các hình thức thông tin, đưa lên website, mời “thầy” về giảng nghiệp vụ viết cho đội ngũ… nhưng các ấn phẩm của đơn vị vẫn chưa được bạn đọc đón đợi.
“Rõ ràng đang có sự cạnh tranh dữ dội. Bạn đọc đang có nhiều sự lựa chọn, nếu báo Đảng ít nói hoặc đề cập sơ sài tới các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống thì sẽ bị bạn đọc bỏ rơi” – đại biểu Nguyễn Thuý Anh đúc kết. Bà nói lâu nay khối báo chí của Đảng thường tránh né, đi sau những vấn đề đang diễn ra mà đó lại là vấn đề người dân quan tâm. Hoặc nếu có đề cập thì lại không đủ chiều sâu, không đủ độ sắc sảo, lập luận khoa học để bảo vệ lý lẽ, quan điểm của mình. Có lẽ đó là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến việc phát hành báo Đảng ngày một khó.
Mặc dù xác nhận rằng “định rõ những vấn đề bạn đọc quan tâm” là một việc không dễ làm, song việc vụ trưởng một cơ quan báo chí lớn như Tạp chí Cộng sản công khai thừa nhận sự hạn chế trong tìm kiếm người đọc cho thấy nhu cầu thông tin của nhân dân “lớn” quá nhanh mà sự “đủng đỉnh” của báo chí chính thống chỉ mang đến thất bại.
Không quá khó để hiểu chuyện “có nhiều sự lựa chọn” như mô tả đại biểu Thuý Anh, bởi thực tế quá rõ: trong thời đại bùng nổ thông tin mọi sự kiện đều có thể được công khai, được đo lường ở mọi chiều kích. Báo chí chính thống im lặng hoặc nói chậm, ắt sẽ có những tiếng nói khác thay thế đáp ứng nhu cầu ấy.
Muốn báo Đảng tăng lượng người đọc, chỉ có cách là dấn thân!
B. L.