Nếu vì một lí do nào đó mà luật chỉ là “tiếng vọng” của một nhóm lợi ích nào đó, tất yếu các nhóm lợi ích khác sẽ có “ý kiến”.
Luật của ai?
Các nhà hàn lâm thừa nhận về mặt lí luận, pháp luật là một đại lượng công bằng. Đó là những ứng xử nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội, vì lợi ích của xã hội.
Thực tế là trong một xã hội tồn tại những tầng lớp người với những lợi ích khác nhau. Trong một chừng mực nào đó, các lợi ích này là đối lập nhau.
Việc xây dựng nên một đạo luật cũng tương tự như việc một bà nội trợ chọn món ăn cho bữa tiệc gia đình. Trong nhà có nhiều người với nhiều khẩu vị khác nhau. Với tư cách là bà nội trợ, bà phải biết chồng và các con của mình thích ăn món gì. Người thích món nướng, người lại thích món chiên…Bà phải đứng trước lựa chọn phải nấu như thế nào. Bà có thằng con trai út, được thương nhiều hơn. Bà phải ưu ái nấu cho thằng con út mấy món mà nó thích. Nhưng không vì thế mà có quyền bỏ qua sở thích của ông chồng và đứa con lớn.
Tương tự cho việc làm luật. Nhà làm luật phải xây dựng luật trong bối cảnh xã hội tồn tại nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Nhà nước cũng sẽ đừng trước lựa chọn giống như việc bà nội trợ chọn món ăn. Bà này chỉ nấu toàn món thằng út thích thì ông chồng và đứa con lớn sẽ giận. Do đó, bà phải bảo đảm sự hài hoà giữa các món ăn trong bữa tiệc trên. Cũng vậy, luật cũng phải được xây dựng trên cơ sở hài hoà các nhóm lợi ích của xã hội. Nếu vì một lí do nào đó mà luật chỉ là “tiếng vọng” của một nhóm lợi ích nào đó, tất yếu các nhóm lợi ích khác sẽ có “ý kiến”.
Luật vì ai?
Một khi đã ban hành một đạo luật, về nguyên tắc, luật sẽ áp dụng với tất cả mọi đối tượng thuộc phạm vi mà nó điều chỉnh. Tương tự, như bàn tiệc gia đình mà chúng ta vừa đề cập ở trên. Sau khi cân nhắc “khẩu vị” của các thành viên trong gia đình, bà nội trợ thực hiện các món ăn. Khi món ăn được dọn lên bàn tiệc, các thành viên của gia đình đều có quyền thưởng thức các món ăn mà bà nội trợ đã bỏ công làm ra. Bà nội trợ không thể lấy lí do món này tôi làm cho thằng út nên mọi người không được ăn! Một khi bà phát ngôn như thế thì chỉ có nước bà và thằng út ngồi đó mà tự ăn cho hết bàn tiệc kia.
Do đó, hiệu lực của luật không tạo nên sự phân biệt cũng như những biệt lệ giữa các cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi mà luật điều chỉnh. Trên thực tế, nguyên tắc này được nhà nước ta ghi nhận một cách trịnh trọng: “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Điều đó có nghĩa là, dù là một doanh nhân giàu có hay một người công nhân bình thường, là một quan chức đầy quyền uy hay chỉ là một công dân bình thường một khi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý.
Thực tế như thế nào?
Theo thiển ý của tôi, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật khá đầy đủ. Tất nhiên, đi vào cụ thể còn nhiều chuyện phải bàn. Nhưng sau một thời gian dài chiến tranh, việc xây dựng một hệ thống pháp luật như thế này là một điều đáng mừng. Để có một hệ thống pháp luật hoàn thiện là một điều cần phải có cả quá trình.
Cũng giống như việc đá bóng, chúng ta không thể yêu cầu, ngay lập tức nền bóng đá của chúng ta phải ngang hàng với các quốc gia hàng đầu thế giới về bóng đá được. Nhưng cái chúng ta đòi hỏi, trông mong và thậm chí hi vọng là việc thực thi pháp luật như thế nào.
Chúng ta có quá nhiều “biệt lệ” trong quá trình thực thi pháp luật. Trong lĩnh vực xây dựng, không ít lần chúng ta chứng kiến các “biệt lệ” trên. Cùng là xây dựng sai phép (bao gồm cả có giấy phép nhưng thực hiện không đúng và xây dựng không có giấy phép) thì đôi khi hậu quả lại khác nhau với các đối tượng áp dụng khác nhau. Người ta có nhiều lí do để biện minh cho các biệt lệ này.
Nếu bạn chịu khó giở lại bài trả lời của một cán bộ quản lý lĩnh vực xây dựng của TP.HCM về việc xây sai phép của cao ốc Pacific thì sẽ thấy một minh chứng cụ thể cho “biệt lệ” đó.
Có cảm tưởng pháp luật cũng như món phô mai. Nếu là ăn là người thuộc tầng lớp thương lưu, việc nhấm nháp một li vang đỏ với chút pho mai là điều tuyệt diệu! Nhưng nếu người dùng chỉ là người lao động bình thường, thì việc nhấm nháp li vang cùng với pho mai chưa chắc là một điều thú vi.
Chính những biệt lệ này tạo nên những hệ lụy nguy hiểm.
Thứ nhất, người ta không tin tưởng vào tính nghiêm minh của pháp luật. Kết quả là, mục đích điều chỉnh hành vi của con người theo những trật tự được định trước của nhà nước sẽ không đạt được. Người ta vẫn cứ tìm đến những cách hành xử dã man để giải quyết các vấn đề phát sinh hơn là cầu cứu đến pháp luật.
Thứ hai, một bộ phận khác sẽ vẫn cứ khinh nhờn pháp luật. Vì đã có những tiền lệ. Họ hi vọng, xuất phát từ những tiền đề sẵn có, họ chấp nhận chà đạp pháp luật. Các đại gia vẫn cứ xây dựng sai phép, vì đã có những biệt lệ. Vì nếu những biệt lệ không tồn tại, tôi nghĩ các cao ốc Pacific, Bảo Việt… không đến mức không biết được xây sai phép hậu quả như thế nào nào.
Để mọi người tự nguyện cuối đầu trước uy quyền của pháp luật, không chỉ yêu cầu một sự hoàn thiện về pháp luật mà còn bao hàm trong đó một cơ chế thực thi pháp luật tốt. Dẫu biết rằng để có thể thực thi pháp luật một cách thấu tình đạt lí là một điều khó khăn lắm thay.
P. H. H.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-09-27-luat-le-va-biet-le