Hai hình ảnh trái ngược trên công trường bôxít ở Tây Nguyên

SGTT.VN – Trái ngược với sự tĩnh mịch trên mặt bằng trống vắng của dự án khai thác bôxít Nhân Cơ, tỉnh Dăk Nông, khu vực xây dựng nhà máy alumin Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng đêm ngày tấp nập màu áo của hàng ngàn công nhân Việt Nam và Trung Quốc…

Lùi tiến độ xây nhà máy Nhân Cơ

Các hạng mục dở dang của nhà máy alumin Tân Rai tháng 9.2010. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Các hạng mục dở dang của nhà máy alumin Tân Rai tháng 9.2010. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Trên công trường xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ vắng vẻ, lác đác vài chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo công nhân kéo điện vào vùng mặt bằng rộng lớn trơ nền đất đỏ đã được san gạt khá lâu, dự kiến sang tháng 10.2010 mới bắt đầu đào móng và đổ những mẻ bêtông đầu tiên xây nhà máy. Từ giữa năm 2008, đơn vị chủ đầu tư là tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã được Thủ tướng đồng ý với phương án nâng công suất nhà máy alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do cần có thời gian hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo hiệu quả kinh tế của dự án để trình bộ Công thương kiểm tra, đánh giá và đàm phán với nhà thầu Chalieco về hợp đồng, Chính phủ đã đồng ý thay đổi thời gian bắt đầu tính tiến độ dự án từ ngày 18.10.2010 thay vì 1.10.2009.

Ông Biện Văn Minh, giám đốc sở Công thương tỉnh Dăk Nông cho biết, do kế hoạch được điều chỉnh, nên việc mới san ủi mặt bằng, lấy mẫu nền móng để kiểm tra kết cấu nền xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ là kịp với tiến độ. Nhân viên văn phòng công ty cổ phần alumin Nhân Cơ xác nhận: nếu không có gì thay đổi đột xuất, cuối năm 2012, nhà máy sẽ cho ra lò những mẻ alumin đầu tiên.

Tân Rai: sắp đi vào hoạt động

Tại cuộc họp do ông Lê Dương Quang, thứ trưởng bộ Công thương, trưởng ban chỉ đạo các dự án bôxít chủ trì ngày 7.9.2010, giám đốc ban quản lý dự án tổ hợp bôxít – nhôm Lâm Đồng Phan Bội Lợi cho biết, đến nay, đã xây dựng được 88% khối lượng công trình của gói thầu nhà máy alumin, hoàn thành khoảng 78% tổng khối lượng lắp đặt nhà máy nhiệt điện, với hơn hai vạn tấn thiết bị đã tập kết về tới công trường. Thế nhưng, tiến độ thực hiện vẫn bị chậm, chủ yếu là do khâu tổ hợp lại các thiết bị tháo rời nhập khẩu từ Trung Quốc kéo dài, chậm đóng điện 110kV để chạy thử một số thiết bị, và phải bổ sung hiệu chỉnh các hồ sơ tài liệu liên quan.

Trên công trường hiện có 1.101 cán bộ công nhân người Trung Quốc, 800 lao động người Việt và một chuyên gia người Úc sẽ phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục còn lại như: xây dựng và lập trạm quan trắc hồ Bùn Đỏ; thảm xanh khu vực nhà máy, phấn đấu kịp đưa vào vận hành trong ba tháng cuối năm nhà máy nhiệt điện, nhà máy khí hoá than và các khu: kho bôxít, trung hoà quặng, hoà tách, lắng rửa bùn đỏ, kết tinh, cô đặc và điều chỉnh dung dịch, lọc hydrate, nung hydrate… để có thể chạy thử và hoàn chỉnh toàn bộ nhà máy alumin vào giữa tháng 2.2011.

Đến khu vực nhà máy Tân Rai, chúng tôi thấy trên hầu khắp công trường, các cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang chỉ đạo công nhân lắp đặt các hạng mục của nhà máy với thái độ căng thẳng. Đi vào trong nhà máy, chúng tôi gợi chuyện với một cán bộ kỹ thuật của tổng công ty Lắp máy Việt Nam – Lilama, đơn vị thầu phụ Việt Nam tham gia hợp đồng cơ khí, lắp đặt hệ thống vận chuyển sản phẩm trong nhà máy. Anh cho biết, tổng giá trị hợp đồng thầu phụ của Lilama cho hạng mục này khoảng 300 tỉ đồng, cuối tháng 9 hoàn thành. Ngoài 300 công nhân của Lilama, đa số công nhân làm việc trên công trường là người Trung Quốc. Công nhân Việt Nam chỉ làm một ít hợp đồng đào đắp và xây dựng không đáng kể.

Chưa quan trắc môi trường

Mặt bằng trống trải của nhà máy alumin Nhân Cơ tháng 9.2010. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Mặt bằng trống trải của nhà máy alumin Nhân Cơ tháng 9.2010. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Trao đổi với ông Phạm Quang Tú, phó viện trưởng viện Tư vấn phát triển (CODE) về chuyến thị sát mới đây của các chuyên gia CODE trên công trường Tân Rai, chúng tôi được biết, các nhà khoa học còn nhiều băn khoăn trước thực trạng đang diễn ra trên công trường. Do chưa có cảng biển Kê Gà, cũng chưa thể tính ngay tới việc xây dựng đường sắt, nên phương án vận chuyển được lựa chọn cho nhà máy Tân Rai tại thời điểm này là đi theo quốc lộ 20, quốc lộ 51 xuống cảng Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai. Hiện tại, mặt đường quốc lộ 20 hẹp, nhiều đoạn đã xuống cấp. Trong thời gian tới, nếu không được tu bổ, chắc chắn tuyến đường sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu cho vận chuyển hàng triệu tấn hàng lên và xuống cho nhà máy Tân Rai.

Thêm nữa, dù đã có phương án phối hợp giữa TKV và sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng, nhưng các hoạt động quan trắc môi trường vẫn chưa được triển khai, trong khi đây là hoạt động hết sức cần thiết, lẽ ra, đã phải có kết quả nghiên cứu tỉ mỉ từ trước, nhằm đảm bảo cung cấp được các thông số về môi trường trước khi nhà máy đi vào vận hành, đặc biệt là hệ thống quan trắc xung quanh hồ bùn đỏ.

Và mối lo ngại đã được dự báo và gây tranh cãi nhiều nhất, chính là đến nay, vẫn chưa có kết quả nghiên cứu, thử nghiệm về hoàn thổ, phục hồi môi trường và sử dụng đất sau khai thác bôxít. Với đặc thù về tự nhiên bao gồm lớp đất mặt mỏng, lượng mưa lớn và tập trung trong một thời gian ngắn trong mùa mưa, công tác hoàn thổ, tái tạo cây trồng và phục hồi môi trường theo trình tự bốn bước sau khai thác bôxít ở Tân Rai và Nhân Cơ mà TKV dự kiến sẽ gặp không ít khó khăn trong tương lai. Nếu không có những nghiên cứu, thử nghiệm bài bản, tỉ mỉ, đất đai sau hoàn thổ sẽ có nguy cơ xói mòn, rửa trôi.

Giữa tháng 9, Nhân Cơ bụi còn đỏ, nhưng Tân Rai, mưa đã chan đầy. Tôi lại nhớ đến thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, nơi đang nhộn nhịp công trường Tân Rai từng được mệnh danh là “rốn mưa” vùng Nam Tây Nguyên, với lượng mưa trung bình trên 2.200mm/năm. Nơi đó, hàng ngàn cán bộ công nhân hai quốc tịch đang từng giờ dầm mưa dãi nắng, chờ ngày dòng quặng qua nung luyện chảy về xuôi.

H. T. N.

Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/Phong-su-Dieu-tra/130162/Hai-hinh-anh-trai-nguoc-tren-cong-truong-boxit-o-Tay-Nguyen.html

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.