Trung Quốc thăng tiến nhưng vẫn nhận viện trợ nước ngoài

AP 25/9/2010

Bắc Kinh đã chi hàng chục tỷ đô la cho Thế vận hội 2008 – một kỳ Olympic làm lóa mắt thiên hạ. Nước này đã đưa được phi hành gia lên không gian. Gần đây nhất, đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, đất nước này vẫn nhận được hơn 2,5 tỉ USD mỗi năm từ viện trợ của chính phủ nước ngoài. Câu hỏi “tại sao” đang ngày càng lớn thêm đối với người nộp thuế và các nhà lập pháp ở các nước có tài trợ cho quốc gia này.

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều chính phủ phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu ngân sách, nhiều nước đang tìm kiếm sự hào phóng như vậy trước nền kinh tế và chính trị sắp lung lay. Trung Quốc vẫn cho rằng mình là một nước đang phát triển, có nghĩa là cần viện trợ, trong khi đó một số nhà chỉ trích đã phản bác và khuyên tiền bạc nên ưu tiên cho các nước nghèo hơn ở châu Phi và những nơi khác.

Những tháng gần đây, Đức và Anh đã dần giảm bớt hoặc từng bước cắt bỏ viện trợ. Nhật Bản, nhà tài trợ thâm niên và lớn nhất của Trung Quốc, đã tạm dừng các khoản cho vay lãi suất thấp trong năm 2008.

Người đứng đầu cơ quan viện trợ của chính phủ Anh tại Bắc Kinh – nơi đang có kế hoạch triển khai các dự án tại Trung Quốc vào tháng Ba tới – ông Adrian Davis đánh giá: “Dân chúng ở Anh hay các nước phương Tây khác chứng kiến kiểu tiêu pha cho các sự kiện như Thế vận hội, Triển lãm quốc tế Thượng Hải và thật khó khăn để họ nghĩ rằng nước Anh đang và vẫn cần viện trợ cho Trung Quốc”.

“Thực sự, tôi không nghĩ bạn sẽ cho phép bất kỳ ai gửi viện trợ thông thường sang Trung Quốc sau khoảng ba đến năm năm tới”, ông nói.

Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tính riêng, trung bình mỗi nước viện trợ đã tài trợ cho Trung Quốc 2,6 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2007-2008.

Ethiopia, nơi có thu nhập bình quân thấp hơn 10 lần so với đại lục, nhận được 1,6 tỷ USD, Iraq nhận 9,462 tỷ USD và Afghanistan là 3,475 tỷ USD. Mặc dù có dân số khoảng 1,3 tỷ người, chia sẻ viện trợ nước ngoài của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn tất cả.

Các con số viện trợ cho Trung Quốc đã có biết bao nhiêu thay đổi kể từ năm 1979, khi đất nước cộng sản này phá bỏ các rào cản vốn đã cô lập họ khỏi phương Tây trong 30 năm. Thời điểm đó, OECD cho biết viện trợ nước ngoài của Trung Quốc là một con số khiêm tốn 4,31 triệu USD.

Ngày nay, số viện trợ tăng lên đến 1,2 tỷ USD/ năm từ chính phủ Nhật Bản, theo sau là Đức với khoảng một nửa số tiền viện trợ của Nhật, tiếp theo đó là Pháp và Anh.

Hoa Kỳ cũng đã rót vào 65 triệu USD trong năm 2008, chủ yếu nhắm vào các chương trình trọng điểm thúc đẩy an toàn năng lượng hạt nhân, y tế, nhân quyền và cứu trợ thiên tai. Drew Thompson – một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nixon ở Washington DC – cho biết lý do mà Washington đưa ra các gói tài trợ rất ít là vì Nhà Trắng vẫn còn duy trì các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau vụ đàn áp quân sự đối với người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989.

Trung Quốc cũng là một trong những khách hàng vay lớn nhất từ Ngân hàng Thế giới, mỗi năm khoảng 1,5 tỷ USD.

Khi được hỏi tại sao Trung Quốc vẫn cần viện trợ nước ngoài trong khi đã thực hiện được rất nhiều thành quả kinh tế, Bộ Thương mại đã đáp rằng Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển với những thách thức lớn về môi trường, năng lượng và 200 triệu người nghèo.

Các chủ đề tranh luận nổi bật hiện nay xoay quanh những thách thức giải quyết nghèo đói ở các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil – những nơi mà tăng trưởng kinh tế thì mạnh mẽ nhưng sự phân hóa giàu nghèo thì quá chênh lệch. Sau Mỹ, Trung Quốc đã có tỷ phú thế giới nhưng thu nhập bình quân chỉ đạt 3.600 USD vào năm ngoái.

Khoảng 3/4 trong 1,3 tỷ người nghèo trên thế giới đang sống ở các nước có thu nhập trung bình, theo Andy Sumner, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Phát triển, Đại học Sussex của Anh. Sumner nói đã có một chuyển biến lớn kể từ năm 1990, lúc ấy 93% người nghèo sống ở các nước thu nhập thấp. Điều này làm nảy sinh câu hỏi ai sẽ giúp đỡ người nghèo ở những nơi như thế: chính phủ của họ hay các nhà tài trợ nước ngoài?

Các chuyên gia nói rằng thật khó mà biện minh hành động viện trợ cho Trung Quốc khi ước tính năm ngoái quốc gia này đã chi 100 tỷ USD cho quân đội để trang bị và huấn luyện cho đạo quân lớn nhất thế giới đồng thời nắm giữ 2,5 nghìn tỷ USD dự trữ nước ngoài.

Ông Thompson cho biết: “Trung Quốc đã xây dựng chiến lược số một là đầu tư cho quân sự và thu được những nguồn dự trữ lớn, nhưng đồng thời lại thiếu đầu tư cho các dịch vụ xã hội, vì vậy tôi cho rằng sẽ ngày càng khó khăn hơn để các quốc gia tài trợ nghĩ đến việc tiếp tục các dự án ở Trung Quốc”.

Sự rộng lượng của Nhật Bản mang tính lịch sử bởi người Nhật được thúc đẩy làm một cái gì đó tối thiểu để mong muốn bù đắp những thiệt hại trong cuộc xâm lược Trung Quốc những năm 1930 của mình. Nhưng những năm gần đây, các nhà lập pháp Nhật Bản và các quan chức đã nhiều lần đặt câu hỏi liệu có nên tiếp tục rót tiền để chứng kiến một Trung Quốc (vốn nhận tài trợ) lại nổi lên như là một nhà tài trợ cho các nước châu Phi.

Năm ngoái, Trung Quốc viện trợ cho châu Phi khoảng 1,4 tỷ USD, theo Giáo sư Deborah Brautigam, một chuyên gia về quan hệ Hoa-Phi tại trường Đại học Mỹ châu ở Washington, DC.

Nhật Bản đã cắt giảm viện trợ xuống mức hợp lý và trợ giúp kỹ thuật cho các dự án môi trường và y tế. Các dự án hiện nay của Đức sẽ kết thúc vào năm 2014.

Trung Quốc rất khôn ngoan trong tình hình mới. Một mặt luôn tự hào đã đưa nửa tỷ người thoát nghèo và đang bắt đầu “cuồn cuộn cơ bắp” đi lên như một siêu cường kinh tế. Tuy nhiên, ví dụ khi được kêu gọi để đồng ý cắt giảm lượng khí thải carbon ràng buộc, họ sẽ trả lời rằng họ không có nghĩa vụ ràng buộc đó vì họ vẫn là một nước đang phát triển.

Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chống đói nghèo của Liên Hiệp Quốc trong tuần này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết sẽ mở rộng viện trợ của Trung Quốc cho các nước và công bố tăng 200 triệu USD viện trợ cho Pakistan đang bị lũ lụt.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn còn phải giúp đỡ hàng chục triệu người nghèo trong nước. Và nhân dịp đại diện ngoại giao hàng đầu của châu Âu, bà Catherine Ashton, viếng thăm trong tháng này, Bắc Kinh đã sốt sắng đưa bà đến một ngôi làng nghèo ở tỉnh miền Nam xa xôi Quý Châu.

Sự phát triển viện trợ không phải lúc nào cũng dựa trên nhu cầu. Các nhóm trợ giúp cho rằng Trung Quốc là nơi lý tưởng để thí điểm các dự án, bởi vì các chính phủ độc tài có thể mở rộng nhanh chóng những mô hình thành công trên một quy mô rộng lớn.

Tiến sĩ Jack C. Chow – Trưởng đoàn Hoa Kỳ trong cuộc đàm phán thiết lập trụ sở Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tại Geneva, nhà tài trợ chính của các chương trình y tế – nói rằng Trung Quốc đang mất đi tính hiệu quả trong công tác giảm nghèo bởi sự cạnh tranh trợ cấp.

Ông Chow cho biết với 1 tỷ USD các khoản trợ cấp đã trao tặng cho Trung Quốc từ quỹ này, có thể đủ chi phí cho 67 triệu chiếc mùng chống sốt rét, 4,5 triệu người điều trị lao hoặc mở được gần 2 triệu khóa học điều trị AIDS tại các nước nghèo hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Chow nói thẳng: “Tôi nghĩ Trung Quốc đã đánh dấu cột mốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nghĩa là, tôi muốn nói họ không còn là một nước đang phát triển giống như các nước ở vùng cận Sahara châu Phi nữa”. “Lấy tiền từ Quỹ toàn cầu cho Trung Quốc thực sự là việc làm giảm uy tín và tiêu tan ý nghĩa trong sứ mệnh giúp đỡ người dân ở các quốc gia nghèo nhất”.

Phát ngôn viên của Quỹ toàn cầu Jon Liden nói Trung Quốc nên giúp đỡ bằng cách đóng góp nhiều hơn nữa để quỹ này tồn tại.

Ngân hàng Thế giới thì bênh vực các hỗ trợ của mình cho Trung Quốc, khi giải thích rằng ngân hàng đã được phép làm việc với Bắc Kinh trong vấn đề biến đổi khí hậu và các dự án ở vùng cận Sahara châu Phi.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick phát biểu gần đây tại Bắc Kinh: “Đôi khi, có một cái nhìn đơn giản rằng có nên chỉ là các nước phát triển và các quốc gia nghèo nhất. Nhưng họ buộc phải bắt kịp… những đổi thay trong nền kinh tế thế giới cách chính xác, nơi mà vai trò của các nền kinh tế đang nổi lên là để hỗ trợ nhu cầu, để đảm nhận trách nhiệm như các bên liên quan đối với môi trường, để hỗ trợ các nước nghèo”.

Nguồn: http://www.msnbc.msn.com/id/39361557/ns/world_news-asiapacific/

Quốc Ngọc dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.