Lỡ con tàu ánh sáng

Tác giả Đoàn Khắc Xuyên trong bài Lỡ tàu trích câu của Bernard Tan (“Hễ người giỏi là chúng tôi (NUS) tiếp nhận, mời gọi”) làm tôi nhớ đến một câu nói ấn tượng khác của Chris Tan, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học phân tử và tế bào (IMCB – Institute of Molecular and Cell Biology). Chris Tan, trong một bài viết về lịch sử thành lập của IMCB, cho biết rằng “Trong giai đoạn đầu, tôi phải đi lạy lục, vay mượn, thậm chí ‘ăn trộm’ nhân tài từ các nơi trên thế giới để gầy dựng nên IMCB như ngày nay”.

Tôi tự hỏi trong những người đã và đang lãnh đạo nền khoa học – giáo dục nước nhà, có được bao nhiêu người đi “lạy lục” cầu tài như Chris Tan. Với kinh nghiệm tiếp cận thực tế, tôi tự trả lời là “chẳng có ai”. Nói cho công bằng, các lãnh đạo giáo dục – khoa học Việt Nam cũng không thể đi “lạy lục” được, bởi vì vẫn còn đó chủ nghĩa lí lịch và chủ nghĩa Mao-ít (1).

Qua phát biểu của các quan chức đại học và qua tiếp xúc vài người tôi thấy các hiệu trưởng đại học lớn, các viện trưởng viện nghiên cứu chỉ là những người quản lí (manager) chứ không phải những chiến lược gia (strategist). Nhưng để đưa khoa học và giáo dục nước nhà lên, chúng ta cần chiến lược gia, những hiệu trưởng thực thụ. Thật ra, cũng không thể trách các hiệu trưởng và viện trưởng ở nước ta về cái tầm của họ, vì họ cũng chỉ là “sản phẩm” của lịch sử. Sau hai thập niên bị cấm vận, giới khoa học Việt Nam bị cô lập, thiếu thông tin, kém tiếp cận với thế giới bên ngoài.

Trên danh nghĩa, chúng ta có vài trăm hiệu trưởng đại học, nhưng trong thực tế, chúng ta chỉ có một hiệu trưởng: đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất cả những chính sách, định hướng, thậm chí chuyện quản lí đại học và tuyển sinh, các hiệu trưởng không có quyền hành bao nhiêu, mà tất cả đều chịu sự chi phối/chỉ thị của Bộ trưởng. Cái vấn nạn giáo dục của nước ta là ở cái cơ chế tập trung quyền lực. Không ai có thể sáng tạo và phát huy sáng kiến trong cái cơ chế như thế được.

Do đó, tôi nghĩ khó mà so sánh chuyện cầu tài ở nước ta với với Singapore. Ở Singapore, cơ chế của họ thoáng hơn ta rất nhiều, và theo tôi biết, chủ nghĩa lí lịch và chủ nghĩa Mao-ít không tồn tại trong đại học. Singapore có môi trường tự do học thuật để nhà khoa học tự do theo đuổi đề tài nghiên cứu và tự phát huy tiềm năng của mình, còn ở Việt Nam, những cụm từ như tự do học thuật vẫn là những từ “nhạy cảm”.

Chúng ta không phải lỡ tàu 20 năm, mà đã lỡ tàu 35 năm. Chúng ta lỡ con tàu từ ngày chủ nghĩa lí lịch ngự trị trong giáo dục và học thuật. Thời gian 35 năm là dài hơn một thế hệ. Ngày nay, cứ mỗi 20 năm lượng tri thức khoa học tăng gấp đôi. Lỡ con tàu là một chuyện, nhưng hệ quả của nó đến tri thức còn nghiêm trọng hơn nữa. Nhìn như thế để thấy chúng ta đã tự đi lùi hơn một thế hệ ánh sáng.

N. V. T.

Chú thích:

(1) Một điển hình về tư duy chủ nghĩa lí lịch có thể xem qua hai phát biểu mới đây trong Quốc hội. Ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, nói : “không tán thành việc cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức vì quan ngại có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá”. Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn thì cho rằng: “Nếu quy định Việt kiều được dự tuyển viên chức được thông qua thì phải quy định rất cụ thể về ngành, nghề và xem xét cả quá trình làm việc cũng như nhân thân của người dự tuyển …”

Nguồn: http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1094-lo-con-tau-anh-sang

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.