Đừng câm điếc như thế

Thời xa vắng ở nước mình, cán bộ khuyến cáo dân: “Không được nghe đài địch”. “Không được” có nghĩa là Cấm.

Địch bao gồm các nước đế quốc như Mỹ, Anh và chế độ cũ ở miền Nam. Thưở ấy các nước có truyền hình từ lâu nhưng ở mình (miền Bắc xã hội chủ nghĩa) mới có radio. Đấy là các cán bộ có, chứ dân chỉ nghe loa phóng thanh công cộng treo ở các cột điện (nếu là ở thành phố), treo trên cây xoan, cây si giữa làng (nếu là ở nông thôn). Ở Hà Nội, có người biết về kỹ thuật thì mày mò tự chế radio gọi là đài Galen bằng mấy linh kiện thô sơ như ống bơ, cuộn dây, cục nam châm và tấm selen. Vậy mà nghe tin tức tốt ra trò.

Chiến tranh thì khổ rồi. Đói vàng mắt ra. Đói là đói ăn chứ dân mình không chịu được đói thông tin. Đó là món ăn tinh thần quý báu không thể thiếu được trong cuộc sống. Con người khác con cừu chỗ đó.

Bây giờ phương tiện truyền thông dồi dào chẳng thiếu thứ gì. Ti vi, radio, báo chí các loại, lại còn có anh Internet nữa. Tha hồ hưởng thụ món ăn tinh thần nhé. Nhưng “chén” nhiều quá, không khéo bội thực rồi ngộ độc chứ chẳng phải chuyện chơi.

Cũng phải nói thật, để xảy ra “ngộ độc” thông tin lại do chính các anh làm công tác truyền thông gây ra. Nếu các anh đưa tin đúng đắn, tử tế, khách quan thì rất tốt. Còn đưa thông tin theo kiểu một chiều là cách làm rất dở. Đó là cách suy nghĩ ngây thơ và ngạo mạn, tự cho mình là nhất, là đỉnh cao rồi. Các anh ấy cứ tưởng thích nói gì người nghe cũng chịu. Bảo củ khoai lang là sâm Cao ly cũng bắt người ta phải tin, phải nghe. Đã thế cứ chém gió vù vù y như thật mới tài.

Hồi nhỏ, bọn trẻ con ăn na chẳng may nuốt hạt vào dạ dày, người lớn dọa: “Chết rồi, mấy hôm nữa hạt nảy mầm, mọc thành cây trên đầu cho coi”. Nói vậy mà cũng khối đứa tin, sợ xanh mặt, khóc đứng khóc ngồi. Trẻ con ngày nay có thông tin, biết phân tích dữ kiện rất sớm. Nhưng người lớn lại suy nghĩ theo kiểu ngày xửa ngày xưa. Vẫn coi thường bọn trẻ. Bé cái nhầm quá.

Nước mình bây giờ thống nhất. Đảng ta chủ trương quan hệ quốc tế đa phương hóa. Địch không còn là mấy thằng đế quốc nữa. Đến Mỹ là nước cựu thù thì bây giờ ta cũng coi là bạn rồi. (Còn “nó” có coi ta là bạn không thì chẳng được rõ lắm). Đài của Mỹ, của Anh quốc phát bằng tiếng Việt không thấy cán bộ cấm nhân dân nghe nữa.

Có điều người nghe, người đọc rất bực mình vì đài ta, nhất là báo chí ta hay “lạng lách” quá. Nhiều khi lại giả đò “điếc” để rồi “câm” trước bao nhiêu vấn đề hệ trọng quốc gia dân tộc.

Chuyện “điếc” và “câm” trong vấn đề quan hệ Trung – Việt chẳng nói nữa vì nói quá nhiều rồi. Nói về việc gần đây thôi. Ngày 24/9/2010 vừa qua ở New York diễn ra cuộc hội kiến trong tòa nhà Liên Hiệp Quốc giữa chính phủ Mỹ và nguyên thủ các nước ASEAN thì bên ngoài, người Việt nam tại Mỹ tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do nhân quyền và đòi thả tù nhân chính trị.

Vậy mà báo chí, truyền thông của ta im thin thít như thịt nấu đông là sao? Các nước họ đưa tin về chuyện của mình mà giới truyền thông của mình lại “điếc đặc” và “câm” như thế?

Nếu chúng ta đàng hoàng, chúng ta nên đăng tin để rộng đường dư luận. Nếu chúng ta có chính nghĩa sáng ngời, chúng ta cứ bình luận, phân tích rõ phải trái cho những người Việt ở bên kia Thái Bình Dương nghe và cả nhân dân trong nước được biết.

Đàng này báo chí ta cứ “lạng lách” hoặc lờ đi như thế này, dư luận lại cứ tưởng ta “sai lè” ra thì nguy hiểm quá.

M. X. D.

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/dungmb64/article?mid=832&prev=844&next=823

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.