“Gà ấp đà điểu”

Câu chuyện “gà ấp đà điểu”

Có một chị gà mái, một hôm tung tăng dạo chơi, vô tình gặp được quả trứng đà điểu. Chị hì hục đưa quả trứng vừa to vừa nặng ấy về cái tổ bé nhỏ chật hẹp của mình, trong lòng mừng như mở hội vì nghĩ là mình sẽ ấp ra một đứa con thật to khỏe, nó sẽ bảo vệ mình. Các gia đình hàng xóm sẽ khen ngợi mình thật tài giỏi khi cho ra đời đứa con như vậy. Một cảm giác mới tuyệt làm sao. Chị nhắm mắt, nhún mình nhảy tót vào ổ. Cứ thế ấp trứng ngày qua ngày, nhưng cái trứng kia chẳng chịu nở trong khi chị vẫn cứ kiên trì ấp ủ, bỏ mặc đàn con ốm đói nheo nhóc, trôi dạt tứ phương. Một tháng, hai tháng rồi lại một năm hai năm, vỏ trứng kia dần chuyển sang sắc xanh mà vẫn chưa có động tĩnh gì bên trong.

Có người tốt bụng đi qua khuyên chị thôi đừng ấp nữa, hãy giữ sức mà lo cho đàn con. Nhưng lại cũng có người hàng xóm xấu bụng khuyên chị cứ tiếp tục công việc của chị, còn nhà cửa, đất đai và lũ con hãy để tôi “lo” hộ.

Trụ sở Vinashin tại Hà Nội hôm 19/7/2010. AFP photo

Trụ sở Vinashin tại Hà Nội hôm 19/7/2010. AFP photo

Câu chuyện Vinashin

Trở lại câu chuyện Vinashin. Có nhiều người đặt câu hỏi liệu có nên đánh đắm con thuyền thiếu sức sống kia đi, hay cố gắng tìm ra những phương án khả dĩ khác?

Đánh đắm con thuyền đó?

Dường như là không thể, vì đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Vả lại, dù đang vận hành một cách yếu ớt, nhưng trong lòng Vinashin vẫn còn tiềm tàng một nguồn vốn không nhỏ.

Những phương án có thể có lúc này là hoặc để cho một tập đoàn tư nhân mua lại rồi phát triển, hoặc tuyên bố phá sản, phủi tay hết nợ, khi thời cơ đến sẽ xây dưng lại.

Với phương án thứ nhất, liệu có ai dám mạo hiểm bỏ ra tiền tỉ để mua về một đống sắt vụn và một mớ những bất động sản mà giá trị giống như quả bong bóng đang xì hơi từng ngày? Một lý do không kém phần quan trọng là luật lệ lằng nhằng, chưa có một quy định cụ thể nào cho nhà đầu tư tư nhân tiếp cận mua lại tập đoàn nhà nước, quả là nhiều rủi ro cho nhà đầu tư một khi đã vướng vào. Hơn nữa là “sĩ diện” cũng không cho phép Chính phủ bán một tập đoàn nhà nước cho tư nhân vì tính “đúng đắn” của nền kinh tế theo định hướng XHCN.

Phương án thứ hai là phá sản, phủi tay hết nợ, rồi thời cơ đến thì xây dựng lại như cách mà nước Mỹ đã làm với một số tập đoàn trong thời kỳ suy thoái vừa qua. Nhưng luật pháp Việt Nam không phải như luật pháp Mỹ, thậm chí còn khó mà thi hành một cách suôn sẻ việc phá sản vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa, phần lớn nợ của Vinashin là nợ của Chính phủ khi phát hành trái phiếu. Một khi đã mang danh Chính phủ thì khó mà “phủi tay” được, cho dù có lấy bất cứ lý do gì.

Phương án này không xong, phương án kia cũng chẳng thành. Bỏ thì thương mà vương thì tội, con dại cái mang, thôi thì đành mang vậy. Nhưng liệu rằng “cái” có mang nổi không, khi mà còn đào sâu để tái cơ cấu thì còn khai quật được nhiều sai phạm. Con số 6 lãnh đạo cấp cao bị bắt cho tới lúc này chưa phản ánh được hết những tiêu cực, những bất cập vẫn đang còn tồn tại trong lòng Vinashin. Giả sử như mà bắt hết đi những thuyền trưởng thì lấy đâu ra người để tiếp tục lái con thuyền đó? Nhiều dự án, công trình còn đang ngổn ngang, chưa kể những đại lễ, hội nghị và hàng trăm thứ khác đang ký sinh vào đồng tiền ngân sách, rồi thêm những gánh nặng đại loại như là cơ cấu lại Vinashin.

Không biết rồi ngân sách sẽ thâm hụt bao nhiêu?

Chính phủ sẽ làm gì để bù lại khoản thâm hụt ấy?

Sẽ còn nhiều và rất nhiều những câu hỏi như vậy trong thời gian sắp tới đang chờ Chính phủ trả lời.

L. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.