Dân chủ không phải là trò chơi!

Ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trong chương trình thời sự tối ngày 16/9/2010, ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTW – ĐCSVN) đã nhấn mạnh đến một trong những nội dung “mới hoàn toàn” (chữ dùng của ông Phú) trong trong dự thảo “Cương lĩnh bổ sung, phát triển lần này” (của Đảng CSVN so với Cương lĩnh 1991) là đưa  từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng” trong cách diễn đạt về đặc trưng của “mô hình CNXH của nước ta”, cụ thể là đổi: “công bằng, dân chủ, văn minh” như cách diễn đạt hiện nay thành “dân chủ, công bằng, văn minh” như dự thảo mới.

Như vậy là kể từ khi Đảng bắt đầu đưa ra định nghĩa về “xã hội XHCN của nước ta” cho đến nay, ít nhất là đã có ba lần thay đổi với thời gian gần 20 năm chỉ liên quan đến mỗi một từ “dân chủ”:

– Đầu tiên là Đại hội giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994), Đảng đưa ra công thức “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

– Sau đó đến Đại hội IX (2001), Đảng bổ sung thêm từ “dân chủ”, thành ra “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

– Và theo dự thảo lần này (cho thời gian bắt đầu từ năm 2011 trở đi), như ông Phú phát biểu, thì hoán vị từ “dân chủ” lên trên.

Trong khi tình hình thế giới biến chuyển từng ngày, từng giờ trong hàng chục năm qua thì các nhà lý luận của chúng ta đã giành rất nhiều thời gian cho các cuộc hội thảo, bàn luận, tranh cãi  về việc nên thêm vào, bớt đi hay đổi chỗ câu này, chữ kia, đoạn nọ trong các văn kiện của Đảng! Và sau mỗi lần có sự thay đổi câu chữ như thế thì lại có một cách giải thích mới.

Theo một bài viết của ông Hà Đăng trên Tạp chí Cộng sản (http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&news_ID=261160119) thì vào thời điểm năm 1994, cách giải thích của Đảng về lý do tại sao không dùng từ “dân chủ” là: “bản chất của chế độ ta là dân chủ, là chế độ do nhân dân lao động làm chủ. Vì vậy, về mặt xã hội, không cần nhắc lại từ dân chủ mà nên thay thế từ đó bằng từ công bằng”.

Đến Đại hội IX năm 2001, có lẽ vì bắt đầu có nhiều người nói đến khát vọng dân chủ nên Đảng thấy cần phải đưa thêm từ này vào, và thời gian, giấy mực cũng được tiêu tốn khá nhiều vào việc ca ngợi và giải thích cái sự thêm vào này. Còn trong buổi trả lời phỏng vấn phát trên VTV ngày 16/9/2010, lý giải tại sao lại đưa từ “dân chủ” lên trên từ “công bằng” trong “Dự thảo bổ sung phát triển” lần này đối với Cương lĩnh 1991, ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực HĐLLTW nói đại ý “về khoa học mà nói, có dân chủ mới có công bằng văn minh, càng dân chủ bao nhiêu thì lại càng có công bằng văn minh bấy nhiêu…”. Chắc câu này sẽ được đưa vào nội dung giảng dạy mới trong các khóa học chính trị từ sơ đến trung – cao cấp trong toàn Đảng sau Đại hội XI.

Thôi thì cứ hy vọng những lời ông Phú nói sẽ đi vào cuộc sống. Đối với người dân thì việc đặt chữ “dân chủ” lên trước hay xuống sau, hoặc có hay không có chữ đó trên giấy không quan trọng bằng nó được hiện thực hóa trong cuộc sống như thế nào.

Mức độ của dân chủ cũng không nhất thiết tỉ lệ thuận vào tần số xuất hiện của nó trên các văn bản, giấy tờ. Vì thực tế là ở nhiều nước trên thế giới đã từng xảy ra một điều có vẻ nghịch lý là từ khi cái từ “dân chủ” trên quốc hiệu một thời của các nước đó được bỏ đi thì xã hội của họ lại trở nên dân chủ hơn. Không nói đâu xa, ví dụ điển hình là đất nước Campuchia láng giềng của chúng ta – ai cũng biết Campuchia dưới thời bè lũ Khơme Đỏ nắm quyền được gọi là “Campuchia Dân chủ”. Những người Campuchia bây giờ mỗi khi nhắc đến cái “quốc hiệu” này vẫn còn cảm thấy kinh hoàng.

Viết đến đây, tôi lại nhớ cách đây chừng 3 năm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã từng cảnh báo về nguy cơ của cái mà ông gọi là “trò chơi dân chủ”. Còn cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tuần Việt Nam ngày 3/9/2010 vừa qua (http://www.tuanvietnam.net/2010-09-02-trang-page) với tiêu đề: Việc nước mà dân không biết thì không thể dân chủ được, thì nói thẳng ra rằng“nếu không cẩn thận thì chính chúng ta đang chơi trò chơi dân chủ”.

Vâng, đúng là dân chủ rất không nên là thứ để chơi, kể cả chơi chữ!

H.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.