Nguy cơ về dân số và xã hội Trung Quốc sau năm 2012

(theo thông tin trên http://www.chinaaffairs.org)

Từ năm 1971, Trung Quốc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, từ năm 1980, thực hiện chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép đẻ một con. Sau nhiều năm thực hiện, những hậu quả của chính sách này dần dần hiện rõ, theo dự đoán của một số nhà nhân khẩu học thì bắt đầu từ năm 2012 nguy cơ về dân số Trung Quốc sẽ bộc lộ toàn diện:

– Tổng số sức lao động từ 15-64 tuổi bắt đầu giảm bớt, trong đó sức lao động ở độ tuổi 19-22 giảm mạnh;

– Nguy cơ độc thân nam sẽ bùng ra toàn diện;

– Số phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bắt đầu giảm bớt (từ năm 2011);

– Dân số Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng âm (từ 2016).

Sức lao động là lực lượng cạnh tranh cốt lõi nhất của một nước. Lấy ví dụ trước năm 1990 sự phát triển kinh tế của Nhật đã được coi là một hiện tượng “thần kỳ”, nhưng từ sau năm 1990 kinh tế Nhật luôn ở tình trạng đình trệ lâu dài, có người nói đó là do đồng Yên tăng giá, thị trường cổ phiếu bong bóng, hệ thống ngân hàng có vấn đề, v.v. nhưng thực ra đó chỉ là những thể hiện bên ngoài, bởi vì, hiện nay người ta đã thấy, nguyên nhân căn bản nhất khiến kinh tế Nhật Bản trì trệ lâu dài là do tổng số sức lao động ở độ tuổi 15-64 của Nhật Bản bắt đầu giảm bớt từ năm 1990. Tổng sức lao động giảm bớt tiêu chí sức mạnh tổng hợp của đất nước sẽ suy thoái.

Hiện nay Trung Quốc có một số vấn đề tương tự như Nhật bản cuối những năm 80, sức mạnh đất nước đã vào thời kỳ cực thịnh, nhưng từ năm 2012 sau khi tổng sức lao động đạt tới đỉnh cao sẽ nhanh chóng giảm bớt; điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ đi theo con đường cũ của Nhật Bản trong những năm 90. Người ta dự tính nếu sức lao động ở độ tuổi 19-22 tại Trung Quốc năm 2009 đạt đỉnh cao là 100 triệu người thì đến năm 2018 sẽ chỉ còn 50 triệu nghĩa là giảm ½ trong 9 năm.

Đồng thời với tình trạng trên là số người già tăng lên, nghĩa là số người xã hội phải nuôi dưỡng tăng lên. Năm 2008  số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc đã là 110 triệu, bằng 23% thế giới và 38% châu Á (tại thành phố Thượng Hải số người cao tuổi năm nay đã đạt 21,6% tổng dân số). Dự kiến đến năm 2015 số người cao tuổi sẽ vượt qua mốc 200 triệu và đến năm 2020 số người ở tuổi nói trên của Trung Quốc sẽ chiếm 11,92% dân số, so với năm 2000 tăng 4,96%. Đến lúc đó cứ trong 8 người dân sẽ có 1 người trên 65 tuổi. Đến giữa thế kỷ XXI số người cao tuổi sẽ chiếm 25% dân số, nghĩa là cứ 4 người dân sẽ có một người cao tuổi

Do quan niệm truyền thống “trọng nam khinh nữ” chính sách một con đã khiến nhiều người tìm đủ mọi cách để sinh con trai, kết qua là số nam nhiều hơn nữ, tình trạng “khó lấy vợ” đã xẩy ra. Hiện nay ở độ tuổi kết hôn, nam đã nhiều hơn nữ 10 triệu người, đến năm 2017 sẽ là 30 triệu, đến năm 2022 sẽ là 40 triệu; dự tính đến năm 2030, ở độ tuổi kết hôn số nam sẽ nhiều hơn số nữ 30% Điều này sẽ có tác dụng phá hoại cực lớn tới ổn định xã hội và đời sống gia đình (một vài ví dụ: ngày 23/3/2010, một nam độc thân 42 tuổi ở Phúc Kiến đã xông vào một trường tiểu học giết chết 8 làm bị thương nặng 5 người. Ngày 28/4/2010, một nam độc thân 33 tuổi, tại Quảng Đông, đã xông vào một trường tiểu học giết chết và làm bị thương 19 thày trò…)

Bắt đầu từ năm 2011 số phụ nữ Trung Quốc ở lứa tuổi sinh đẻ bắt đầu giảm nhanh. Một nguồn tin của Liên hiệp quốc cho rằng trong thời kỳ 1995-2000 mỗi năm Trung Quốc có 19 triệu em bé ra đời, từ 2000-2005 mỗi năm có 16,24 triệu, nhưng theo số liệu khách quan thì trong thời kỳ 1995-2000 số trẻ em ra đời chỉ là 13,79 triệu/năm, và thời kỳ 2000-2005 chỉ là 13,69 triệu/năm Trong khi tỷ lệ người chết mỗi năm một tăng, đợi đến lúc thế hệ những ngưởi sinh trong những năm 50 chết vì già, đến lúc đó có thể số người chết mỗi năm ỏ Trung Quốc lên tới 20-30 triệu.

Điều này cho thấy từ năm 2016 dân số Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm.

D.Q.A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.