Ngày 10/6/2010 tôi đi bán lúa hè thu. Đi bán lúa khi mà tôi biết rằng: Mặc dù từ đầu năm 2010 Chính phủ ra quyết định Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) “phải mua lúa cho nông dân lời trên 30% so với giá thành”, nhưng cho đến nay Chính phủ không đưa ra được giá thành, còn VFA thì đã “bỏ mặc nông dân” nhất quyết ngừng mua lúa vì phải: “chờ cho đến khi Chính phủ chỉ đạo mới làm”. (1)
Một ngày trước, anh Ba Công người làm ruộng kế ranh với tôi, bán lúa 4218 giá 3150 đồng/ kg lúa tươi chưa phơi.
Vậy mà lúa của tôi, dù tốt như lúa của anh Ba, ghe mua lúa chỉ trả có 3.050 đồng/ kg. Tôi nói:
– Lúa anh Ba Công hôm qua anh mua giá 3.150 đồng/ kg, hôm nay lúa tôi anh mua tệ gì cũng phải với giá 3.100 đồng/ kg chớ sao rẻ dữ vậy?
– Kho ra giá hạ từng ngày anh ơi, mới 3 ngày trước, tôi mua lúa của em anh Ba Công tới 3.300 đồng/ kg, giá lúa ổn định tôi mới có lời, còn Kho cứ hạ giá hoài, tôi đi lúa cũng đâu có lời anh ơi, có khi còn lỗ nữa. Số điện thoại của tôi đây, nếu đồng ý bán giá 3.050 đồng/ kg thì anh gọi cho tôi. Người mua lúa trả lời.
– Vậy để tôi tính lại nếu bán tôi sẽ gọi cho anh, à mà còn lúa khô anh mua bao nhiêu?
– 3700 đồng/ kg.
Tôi về bàn với bà xã:
– Má bé Phương ơi, giá lúa tệ quá! Hè thu năm rồi người ta tính giá thành lúa là 2.900 đồng/ kg nên VFA đưa ra giá mua lúa là 3.800 đồng/ kg loại lúa 25% tấm, thế nên lúc đó lúa 4218 (xay ra gạo 5% tấm) phơi khô của mình bán được giá 4.300 đồng/ kg, nay bán với giá lúa tươi có 3.050 đồng/ kg, ứng với giá lúa khô có 3.700/ kg, tức là mình đã bán thấp hơn năm rồi đến 600 đồng/ kg. Hiện nay, Chính phủ chủ trương VFA phải mua lúa của mình với giá đảm bảo nông dân mình lời trên 30% so với giá thành, nhưng không biết vì lý do gì Chính phủ quên đưa ra giá thành, nên VFA đang thừa cơ ép giá mình, vậy tôi nghĩ mình nên sấy lúa trữ lại, đợi khi Chính phủ nhớ lại và đưa ra giá thành thì dù chỉ bằng năm rồi, mình cũng bán được lúa với giá 4.300 đồng/ kg.
Không nói để lại hay bán liền, bà xã tôi lại đưa ra một số câu hỏi:
– Lúa trữ lại phải để trong nhiều tháng, để lúa lại rồi tiền đâu ông trả cho nhân công thu hoạch lúa? Tiền đâu ông trả cho Ngân hàng? Tiền đâu ông tiêu xài trong những tháng sắp tới?
Tôi: – ??!!
– Để lúa lại phải tốn thêm chi phí, thế nhưng ông có chắc giá lúa sẽ lên trên 3.700 đồng/ kg không?
– ??!!
– Ông nói Chính phủ chủ trương giá lúa phải đảm bảo cho nông dân lời 30% so với giá thành, nhưng bây giờ Chính phủ chưa đưa ra giá thành, vậy nếu sau này Chính phủ nói giá thành lúa chỉ có 2.200 đồng/ kg nên mua lúa của ông giá 2.860 đồng/ kg thì ông tính sao?
– ??!!
– Ông nói Chính phủ chủ trương giá lúa phải đảm bảo cho nông dân lời 30% so với giá thành, vậy Chính phủ có thành lập ra cơ quan nào để theo dõi việc thực hiện chủ trương này không?
– ??!!
– Nếu ông bán lúa với giá lời thấp hơn 30% so với giá thành, ông làm cách nào để được trợ giá? Ông ra Hà Nội tìm Thủ tướng Chính phủ khiếu nại chăng?
– ??!!
– Cuối cùng, tôi hỏi thiệt ông: – Ông có tin vào Chính phủ không?
– Điện thoại cho ghe mua lúa, bán lúa tươi đi bà ơi. – Tôi thì thào như hết hơi!
Bán lúa xong, tôi ngơ ngẩn vào ra như người mất của, cứ tiếc thầm, lợi nhuận của cả một vụ mùa cực khổ thế là đã không cánh mà bay. Thế mà bây giờ tôi thấy: Bán tống bán tháo lúa đi là hành động đúng đắn, vì có thể trong tương lai giá lúa sẽ tiếp tục hạ.
Ngày 30/06/2010 Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký Quyết định số 993/QĐ-TTg “Về mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2010”. Trong đó Điều II có đoạn qui định: “các doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”.
Doanh nghiệp thực hiện “mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường” tức là VFA muốn mua lúa của nông dân với giá bao nhiêu cũng được, “tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh” nghĩa là nếu mua lúa giá cao, doanh nghiệp có lỗ thì ráng chịu.
Ngay sau khi có Quyết định này, ông Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết: “Gạo phẩm cấp thấp vụ Hè thu gần như không có đầu ra. Các nước châu Phi trước tiêu thụ nhiều gạo phẩm cấp thấp, giờ đã chuyển sang dùng gạo 5% tấm… Vì thế, 1 triệu tấn qui gạo vụ Hè thu được mua tạm trữ chỉ là gạo chất lượng cao”. (2)
VFA đã định giá thu mua lúa loại xay thành gạo 5% tấm không dưới 3.500 đồng/ kg mà phải là lúa khô giao tại kho VFA, nên nông dân bán cho thương lái tại ruộng giá chỉ khoảng 3.000 đồng/kg.
Điều nghịch lý ở đây là: hiện nay, giá lúa 4218 xay ra gạo 5% tấm ở huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp lúa khô tốt vẫn đang thu mua với giá 3.700 -3900 đồng/kg. Như vậy tuyên bố mua gạo 5% tấm với giá 3.500 đồng/ kg của ông Phong thấp hơn giá hiện hành từ 700 -900 đồng/ kg. VFA đang thừa nước đục thả câu chăng?
Như vậy, VFA được hưởng ưu đãi vay tiền không lãi nhưng lại ra tuyên bố để dọn đường hạ giá mua lúa chứ chẳng phải tăng giá như Chính phủ mong muốn.
Nghị quyết mà Chính phủ đề ra nay bị Chính phủ buông tay, không thực hiện!!!
Ngày 13/07/2010
H. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Người Lao Động Online bài “VFA bỏ mặc nông dân”
http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/nld.com.vn/VFA-bo-roi-nong-dan/4363691.epi
(2) Nông nghiệp Việt Nam Online, bài “Không dưới 3.500 đồng/ kg”
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/15/15/56157/default.aspx