Không dám đối mặt với sự thật, không thể có một Vinashin mới

Logo của tập đoàn Vinashin tại trụ sở chính ở Hà Nội hôm 19/07/2010. AFP photo

Logo của tập đoàn Vinashin tại trụ sở chính ở Hà Nội hôm 19/07/2010. AFP photo

Từ đầu tháng 7 đến nay, cụm từ “tái cơ cấu” Vinashin (VNS) được nhắc đi, nhắc lại với những nội dung cụ thể được phát ra từ kết luận của Bộ Chính trị ngày 31/7/2010 và của Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo “giải cứu” VNS do ông Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban. Sau khi các ông Phạm Thanh Bình,  Trần Quang Vũ và mấy “yếu nhân” khác của VNS bị bắt tạm giam, một Ban lãnh đạo mới của Hội đồng quản trị và Ban điều hành VNS được thành lập lại do ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Quốc Ánh –  nguyên Tổng giám đốc kinh doanh được cử làm Quyền TGĐ điều hành VNS. Cuối tháng 8/2010, Đảng ủy VNS do ông Nguyễn Quang Khải – quyền Bí thư đã họp với Ban lãnh đạo mới, ra một thông báo liên tịch nói về quyết tâm của họ, sẽ điều chỉnh lại đề án “Chiến lược phát triển của Tập đoàn VNS giai đoạn 2010-2015 và hướng tới năm 2020”. Họ đặt mục tiêu từ năm 2010-2015 là 5 năm “Củng cố, ổn định và phát triển”, cụ thể là:

− Từ 2010-2012: giai đoạn củng cố, giảm lỗ;

−Từ 2012-2014: giai đoạn ổn định, cân bằng và có lãi;

−Từ 2015: giai đoạn phát triển, sản xuất kinh doanh có lãi và phát triển ổn định.

Đây cũng là mong muốn của mọi người đang quan tâm đến sự phục hồi của VNS nhờ vào sự chi viện hết lòng của các vị đứng đầu Chính phủ, bời nếu VNS chết thì tất cả chỉ còn lại là đống sắt vụn như lời của ông Trưởng ban Nguyễn Sinh Hùng từng nói. Đợt cấp cứu đầu tiên đã đến với các thuyền viên còn lại trên “chiếc tàu VNS đang chìm một nửa” là Chính phủ quyết định thả “chiếc phao bè” trị giá 2500 tỷ (tương đương 135 triệu USD) bổ sung vào vốn điều lệ nhằm hỗ trợ các cơ sở đóng tàu đẩy nhanh tiến độ đóng mới, bàn giao tàu trong năm 2010 và triển khai các sản phẩm trọng điểm năm 2010-2011. Số tiền này chẳng thấm tháp gì so với cơn đói khát tiền vốn của VNS từ hai, ba năm nay nhưng cũng là liều thuốc an thần hiệu nghiệm cho các nhà quản lý VNS. Họ yên tâm rằng Chính phủ đã giữ đúng lời hứa và còn cố tìm kiếm thêm nguồn tiền để cấp cho đủ số vốn điều lệ là 14.655 tỷ đồng đã ghi trong Quyết định số 984/QĐ- TTg ngày 25/6/2010 do ông Nguyễn Sinh Hùng ký, chuyển Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Quyết định này, một lần nữa đặt tên (bằng tiếng Việt) cho Vinashin là: Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam và tên tiếng Anh là “Vietnam Shipbuilding Industry Group”, tên giao dịch quốc tế là “Vinashin Group”. Vậy mà, kể từ thời ông Phạm Thanh Bình đến thời ông Nguyễn Quốc Ánh, họ vẫn vỗ ngực khoe công khai là “Tập đoàn kinh tế Vinashin” và đặt tên tiếng Anh là “Vinashin business group”: Không phải vô cớ mà họ thích dùng cái tên Tập đoàn kinh tế hơn là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy bởi chính là họ thích kinh doanh đa ngành nghề như mấy năm từng sản xuất thức ăn gia súc, nấu bia và trồng dứa bên cạnh công việc đóng tàu “mãi không xong”. Vả lại, Tập đoàn kinh tế thì oai hơn, oách hơn tất cả các tập đoàn khác, chứng tỏ từ lâu những người lãnh đạo VNS thừa hiểu, đóng tàu chẳng mang lại hiệu quả kinh tế là bao mà phải kinh doanh đất đai, kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… mới mong mở mặt mở mày với đời!

Có thể họ hiểu điều này hơn hẳn ông Nguyễn Sinh Hùng nên trong lần đề nghị (cuối cùng hay chưa???) vào tháng 6/2010, Hội đồng quản trị VNS (lúc còn do ông Phạm Thanh Bình làm Chủ tịch) đã tham mưu cho Phó thủ tướng thường trực ký quyết định (đã nói ở đoạn trên) – [Xin một lần nữa viết rằng, chỉ cần có đề nghị của chính HĐQT VNS mà không cần ý kiến của Bộ GTVT – Bộ được gọi là cơ quan chủ quản của VNS?]. Ở điều 1 – mục 5 phần Ngành, nghề kinh doanh tại thời điểm chuyển đổi có tới 10 ngành nghề kinh doanh chính! Từ kinh doanh tổng thầu đóng mới và sửa chữa tàu thủy đến đào tạo cung ứng, xuất khẩu lao động ngành công nghiệp tàu thủy thì lại có tới 34 ngành liên quan đến ngành nghề chính. Nào là, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tới dịch vụ khách sạn, đầu tư kinh doanh nhà, xây dựng dân dụng, khu đô thị, nhà ở… rồi còn cả kinh doanh lữ hành nội địa, quốc tế… để tiếp tục… sản xuất rượu bia, nước giải khát, mua bán, chế tạo, sản xuất xi măng, mua bán, chế tạo lắp ráp xe máy, ô tô các loại… Nghĩa là, vẫn cái nồi lẩu hổ lốn mà VNS miệt mài canh lửa suốt mấy năm qua. Tuy nhiên, mấy năm trước là làm thêm, làm chui, còn tại quyết định do ông Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 25/6/2010, VNS được “chính thức” hóa các ngành nghề “ba lăng nhăng” nhưng lại được ghi rõ trong văn bản “mới toe” của Chính phủ!

Nếu so với Quyết định số 103 và 104 QĐ/TTg ngày 15/5/2006 của ông Phan Văn Khải – Thù tướng Chính phủ ký quyết định “thí điểm” thành lập Tập đoàn VNS thì quyết định của ông Nguyễn Sinh Hùng mở rộng đường cho VNS kinh doanh mọi thứ mà VNS mong muốn bấy lâu nay!

Có nhiều nhà kinh tế “soi chiếu” hơi kỹ về vai trò của ông Nguyễn Sinh Hùng trong quá trình nuôi dưỡng VNS đã nói với nhau rằng ông Phó thủ tướng khá dễ tính khi đặt bút ký quyết định này. Dễ đến mức… hài hước vì chỉ gần hai tuần sau đó, vào dịp cả nước quen với từ Vinashin, cả nước (và cả thế giới!) biết chuyện VNS nợ đầm đìa thì chính ông, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 4/8 tại Hà Nội – đã nói rằng: “Ngành chính của Tập đoàn mới là đóng tàu, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ cho tàu, không làm vận tải biển nữa. Vinashin cũ đầu tư cả xi măng, du lịch, đa ngành nghề… Ông nói như vậy vì ông vừa được “tấn phong” làm Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu VNS nhưng lúc ấy, ông quên (hay giả vờ quên?)  nội dung quyết định do ông ký chưa ráo mực? Thêm một nhiệm vụ mới rất nặng nề, có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông nhưng dường như ông coi là chuyện đơn giản nên ông bình thản, tự tin: “Tình hình hiện nay vẫn nằm trong tầm giải quyết và năng lực của ta (hay là của ông?), chưa tuột khỏi tay ta (có thể hiểu là “chưa tuột khỏi tay ông không?”), nên nếu để VNS phá sản thì ta (???) lại phải dựng lên một ngành công nghiệp tàu thủy mới. Về phía Chính phủ xác định rõ chủ trương phải quyết tâm xây dựng lại”. Cách giải quyết của ông­, vì vậy, cũng hết sức đơn giản (của cái nghề tài chính mà ông vốn quen thuộc): “Nhà nước sẽ cấp đủ vốn điều lệ tử Quỹ hỗ trợ  sắp xếp doanh nghiệp, bằng các nguồn tài chính thích hợp cho VNS vay để trả nợ nước ngoài đến hạn, cơ cấu lại nợ tín dụng, hoàn thành các dự án dang dở, các con tàu đang đóng để đưa vào sử dụng, bán và hoàn trả vốn”. Và ông phán rằng: “Bản thân VNS phải tự cân đối nguồn vốn. Chính phủ nếu thấy cần thiết có thề phát hành trái phiếu để tiếp tục cho VNS vay và khi tập đoàn cân đối được sẽ phải trả lại nguồn vốn này”. Nếu ông Nguyễn Sinh Hùng làm như ông ấy nói thì dẫu chẳng may có bị về “thế giới người hiền” thì hồn ma ông Phạm Thanh Bình  vẫn ngày ngày bay về bên đầu gường vái lạy ông Phó thủ tướng vì bấy lâu nay ông Phạm Thanh Bình và Ban lãnh đạo VNS chỉ cầu có mấy dòng này mà chờ hai năm rồi mới lại được nghe ông nói!

Ấy là vào ngày 9/9/2008, một cuộc họp cực kỳ quan trọng liên quan đến sự tồn vong của VNS được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ dưới sự chủ tọa của ngài Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Ngoài sự có mặt của đại diện các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, còn có đông đủ quan chức đứng đầu các Ngân hàng phát triển VN, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Lẽ dĩ nhiên, có mặt các yếu nhân của VNS. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Sinh Hùng khen VNS biết tập trung nguồn vốn, có tốc độ tăng trưởng cao, tạo thêm nhiểu việc làm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong việc đóng mới thành công các loại tàu xuất khẩu cho nước ngoài, có định hướng đúng trong chiến lược phát triển… Ông cũng chỉ đạo vài việc cần làm, (mà cách đó hơn một tháng, ngảy 22/7/2008, ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ tọa cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh của VNS 6 tháng đầu năm 2008) trong đó, ông căn dặn VNS tập trung vào các dự án trọng điểm, giữ vững mục tiêu lâu dài nhằm nâng thứ hạng ngành đóng tàu Việt Nam trên thị trường đóng tàu thế giới.

À ra thế! Bây giờ mới hiểu rõ rằng, ông cũng là người có ước mơ lớn chẳng kém gì ông Phạm Thanh Bình nên ông chăm chút cho VNS từ khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trưởng tài chính quốc tế do ông chỉ đạo đã được bà Lê Thị Băng Tâm, Thứ trưởng, hoàn thành “ trên cả tuyệt vời”. Trước ngày lên đường, Chính phủ chỉ đồng ý phát hành 500 triệu USD trái phiếu thôi nhưng khi thấy nhiều Quỹ Tài chính của thế giới cho vay nên bà Băng Tâm gọi điện về trao đổi với ông. Họ nhanh chóng thống nhất đề nghị Thủ tướng nâng mức vay lên 750 trệu USD. Mặc dù vào cuối tuần, ông Bộ trưởng vẫn đốc thúc thuộc cấp mang công văn đến từng nhà các vị lãnh đạo Chính phủ xin chữ ký để bà Băng Tâm có cơ sở pháp lý quyết định vay 750 triệu USD với lãi suất 7,125%. Tổng công ty Điện lực Việt Nam nghe tin này, hý hửng đến khẩn khoản xin vay một phần tiền từ khoản 750 triệu USD nhưng bị từ chối thẳng thừng “vì Tổng công ty Điện lực Việt Nam chưa có công ty tài chính, vốn rót về không quay vòng được”. Thế là, toàn bộ số tiền được chuyển cho VNS. Công đầu to lớn như thế, phải dành cho ông Nguyễn Sinh Hùng – người nâng VNS lên bệ phóng – không có gì là quá đáng!

Bởi vậy tại kỳ họp này, khi nghe lãnh đạo VNS đề nghị được vay vốn lưu động và vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án đóng tàu, xuất khẩu, ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng phát triển và các ngân hàng thương mại (đang vào thời kỳ chống lạm phát) cần điều hành tín dụng linh hoạt cho một số dự án đóng tàu đã ký kết hợp đồng, dự án công nghiệp phụ trợ triển khai dở dang, vốn lưu động để nhập khẩu thiết bị, phụ tùng… Rồi ông đồng ý cho VNS phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu, đồng thời “nhắc nhở” các ngân hàng thực hiện các cam kết với VNS, cần bảo đảm lượng vốn cần thiết cho VNS vay. Cụ thể như sau: Ngân hàng Đầu tư phát triển 3000 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương 2000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 2000 tỷ đồng và các ngân hàng thương mại khác 300 tỷ đồng. Sợ rằng các ngân hàng cho VNS vay vượt quá hạn mức sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng nên ông Nguyễn Sinh Hùng: “cho phép các ngân hàng cho vay trên mức 15% vốn tự có”. Cứu VNS như ông Phó thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp 9/9/2008 có khác là mấy so với lời ông tuyên bố chiều 4/8/2010??? Vậy mà, ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn nói rằng Chính phủ không hề ưu ái VNS trong việc vay mượn tiền của các ngân hàng?

Trên vị trí đứng đầu Ban chỉ đạo tái cơ cấu VNS, ông Nguyễn Sinh Hùng hồ hởi tuyên bố đến năm 2015 sẽ có một VNS mới. Có thể đến ngày “vinh quang” đó, ông không giữ cương vị này vì nhiều lý do khác nhau nhưng chắc ông còn sống để nhìn thấy cái năm đó (vì ông sinh tháng 1/1946). Một VNS mới mà ông mong, tôi mong, nhiều người ở đất nước này càng mong, phải là một VNS hùng mạnh, trả được hết nợ nần, làm ăn có lãi nhưng cứ làm bài toán đơn giản dưới đây hẳn ai cũng nhận thấy ước vọng của ông còn… xa vời quá!

Tổng số nợ của VNS (sau khi chuyển cho Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khoảng 20.000 tỷ đồng) còn lại là 66.000 tỷ đồng (tạm cho con số này là đúng). Nếu tính việc trả lãi (tiền USD, tiền đồng VN) bình quân 9% /năm, mỗi năm VNS phải trả 5.940 tỷ đồng (tương đương 312.5 triệu USD). Với số lãi này, tồng sản lượng hàng năm VNS phải đạt từ 3.12 tỷ USD để có lợi nhuận lý thuyết 10% hoặc 6.24 tỷ USD (lợi nhuận có thực 5%). Tuy nhiên, thời hạn thanh toán khoản nợ 750 triệu USD còn 5 năm nữa (ngày 15/1/2016) nên từ 2011 đến 2015, mỗi năm ít nhất VNS phải để dành được 150 triệu USD, cũng như vậy, với khoản nợ 600 triệu USD vay của Ngân hàng Thụy Sĩ, VNS cũng phải dành ra 100 triệu USD, và khoản vay từ trái phiếu trong nước cũng ít nhất phải dành dụm được 3000 tỷ đồng, thì mới mong trả nợ đúng hạn. Cộng chung tiền trả lãi hàng năm và tiền để dành thanh toán nợ, mỗi năm (từ 2011 đến 2017) VNS phải có xấp xỉ 700 triệu USD. Tính theo số lượng CBCN của VNS còn lại khoảng 50.000 người thì mỗi năm, họ phải làm lãi ròng 14.000 USD một người thì mới có đủ khoản tiền ấy. Điều này là cực kỳ hoang tưởng trong bối cảnh VNS đang ở thời kỳ thua lỗ kéo dài, công nhân mất việc thường xuyên và thu nhập ở mức vài ba triệu đồng một tháng. Dù có rót tiền, có chính sách cấp cứu kịp thời cũng chỉ đủ vực dậy tình hình sản xuất ở các nhà máy trọng điểm, các thành viên loại 2, loại 3, các công ty liên kết còn gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Họ sống lắt lay, vất vưởng thì lấy gì góp lãi cho VNS trả nợ? Theo lời ông Nguyển Sinh Hùng (đã dẫn), ông sẽ cho VNS vay tiền trả nợ nước ngoài nếu VNS không tự cân đối được (chắc chắn rồi!). Lấy tiền ngân sách hay phát hành trái phiếu cũng giống nhau thôi. Nhà nước đứng ra vay, hay bảo lãnh cho vay đều phải trả lãi, trả gốc vì vậy VNS còn dài dài đến cuối thập kỷ này và sẽ lấn sang thập kỷ sau cũng chưa trả xong các khoản nợ. Vậy một VNS mới được định nghĩa như thế nào cho đúng với sự chờ đợi của dư luận xã hội? Vì vậy, nếu ai nói đến năm 2015, VNS sẽ làm ăn có lãi, là một tập đoàn phát triển ổn định là cách nói quá chủ quan, cố tình hạ thấp những hậu quả tai hại khôn lường mà tập đoàn VNS đã gây ra trong mấy năm qua. Hơn thế nữa, ngoài ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng GTVT là một con người khá chính trực và một vài người khác trong HĐQT và Ban Tổng giám đốc điều hành VNS “còn có thể dùng tạm được” thì những người như các ông Nguyễn Quốc Ánh vừa giữ chức Quyền Tổng giám đốc điều hành (nguyên TGĐ phụ trách kinh doanh), ông Lê Lộc (TGĐ phụ trách đầu tư), ông Hồ Ngọc Tùng (TGĐ phụ  trách Tài chính)… đều là những gương mặt đen nhiều năm hợp sức cùng ông Phạm Thanh Bình che giấu sự sụp đổ của VNS, cùng bày ra nhiều cú tuyệt chiêu để các dự án hoang tưởng lần lượt ra đời gây tổn thất hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì thế, nếu để họ thay ông Bình, thay ông Trần Quang Vũ tiếp  tục cầm lái, tiếp tục chỉ đạo sản xuất kinh doanh thì chẳng thể cứu nổi con tàu VNS đang thủng lớn, nước ngập gần hết cabin.

Hãy nhìn thẳng vào sự thật!

Hãy dũng cảm đặt ra một kế hoạch khả thi hơn và cần tìm ngay những người trung thực, am tường, quyết đoán để thay thế những người đại ngôn, những ngưởi không đủ phẩm chất.

Làm gấp những điều đó, mới có thể hy vọng tái cơ cấu thành công Vinashin trong mười, mươi lăm năm nữa!

LTT

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

[*] Xem từ Bài 1, BVN ngày 21-7-2010

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.