Trò chuyện cùng đồng chí Vũ Minh Trí

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Chiều 22/08/2010, chúng tôi gồm ba cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên lâu năm: Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Tuyến, Trần Đức Quế lại tìm tới nhà thăm đồng chí Vũ Minh Trí, cán bộ Tổng cục II vừa bị cách hết đảng tịch cũng như hàm Trung tá, do anh quyết liệt tố cáo các hành động bất minh của ông Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục II, nay lên giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. So với cuộc gặp chiều 18/03/2010, không khí cuộc gặp này còn thân mật, cởi mở hơn. Dưới đây là một số nội dung trao đổi giữa hai bên, trong đó chúng tôi hỏi đồng chí Vũ Minh Trí trả lời.

Sau khi nhận quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, tước quân hàm sĩ quan, cháu còn vào làm việc tại Tổng cục II không?

Thưa không. Sau khi nhận hai quyết định kỷ luật, cháu đã tuyên bố rõ với đại diện lãnh đạo, chỉ huy và các cơ quan chức năng Tổng cục II: “Từ hôm nay cho tới khi được ra quân, tôi sẽ không làm bất cứ việc gì các anh giao”. Sau đó cháu có vào cơ quan Cục kỹ thuật dăm lần, lần lâu nhất không quá 30 phút, để giải quyết nốt các việc tồn đọng. Gần 4 tháng nay cháu không còn vào đó nữa. Trưởng phòng Tham mưu – Kế hoạch của Cục kỹ thuật mấy lần đề nghị cháu vào làm việc song cháu trả lời rằng trong Tổng cục II và Bộ Quốc phòng, tôi không còn việc gì để làm, doanh trại quân đội không phải là nhà tù giam giữ tôi. Cháu nghĩ, khi hai bên đã biểu lộ sự khác biệt căn bản, có tính nguyên tắc, cả về chính trị lẫn đạo đức, thì điều này là rất dễ hiểu.

Tổng cục II và Bộ Quốc phòng có phản ứng, thái độ gì với cháu?

Có lẽ hai quyết định kỷ luật đã thể hiện rất đầy đủ, tập trung thái độ phản ứng của họ đối với cháu. Cháu không cần và cũng ít có điều kiện để nhận biết những phản ứng, thái độ tiếp theo. Tuy nhiên có hai điểm đáng chú ý:

Điểm thứ nhất là họ thuyết phục cháu nhận quyết định phong quân hàm Thiếu tá chuyên nghiệp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đầu buổi sáng 31/03/2010, Phòng Tham mưu – kế hoạch gọi điện mời cháu vào cơ quan Cục Kỹ thuật nhận quyết định này. Cháu trả lời chỉ nhận quyết định ra quân, không nhận quyết định nào khác. Giữa buổi sáng, Trưởng, Phó trợ lý quân khí của Phòng Tham mưu – kế hoạch tới tận nhà, thuyết phục cháu buổi chiều vào nhận quyết định. Cháu trả lời như trên và nói rõ chừng nào Bộ Quốc phòng còn chưa giải quyết để cháu ra quân, tức là không cho phép cháu tìm việc làm khác, thì chừng đó còn phải trả cháu một mức lương đủ để cháu sống và góp phần nuôi sống gia đình.

Cháu cũng khẳng định việc cháu không nhận quyết định phong quân hàm Thiếu tá chuyên nghiệp và việc cháu nhận một mức lương nào đó là không liên quan gì với nhau. Cuối buổi sáng 29/06/2010, Trưởng, Phó trợ lý kế hoạch của Phòng Tham mưu – kế hoạch và trợ lý chính trị của Cục Kỹ thuật tới nhà gặp cháu, nói họ có đem theo quyết định phong quân hàm Thiếu tá chuyên nghiệp, nếu cháu đồng ý thì nhận luôn tại nhà cháu cũng được. Câu trả lời của cháu vẫn như trước.

Vừa qua, trong và ngoài quân đội có nhiều dư luận rất xấu về cháu, nào nói cháu là người của CIA, nào cho cháu là kẻ bất mãn, đã bị Tổng cục II thanh loại, nào là cháu sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, đáng ra phải truy tố bỏ tù… Sau những gì mà Tổng cục II và Bộ Quốc phòng đã làm với cháu, không khó xác định nơi bắt nguồn những dư luận ấy. Cháu cho rằng việc người ta quyết định phong quân hàm Thiếu tá chuyên nghiệp và thuyết phục cháu nhận chẳng khác gì tự vả vào mặt mình.

Điểm thứ hai là họ tiếp tục tổ chức theo dõi, nghe trộm điện thoại đối với cháu một cách thường xuyên, ráo riết, biểu hiện rõ nhất là ngày 04/08/2010 cháu tới Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an thành phố Hà Nội, nộp tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, ngay hôm sau Tổng cục II có công văn 78/TCII-AN gửi cơ quan trên, đề nghị chưa giải quyết cấp hộ chiếu phổ thông cho cháu.

Thời gian vừa qua, cháu đã thu thập được một số chứng cớ về việc Tổng cục II – Bộ Quốc phòng có những hành vi trái pháp luật như theo dõi, nghe trộm điện thoại đối với một số công dân Việt Nam. Đặc biệt, cháu còn biết đầu mối có thể tiếp cận, nắm giữ chứng cứ về việc Tổng cục II – Bộ Quốc phòng theo dõi, nghe trộm điện thoại với một số đơn vị đang là hoặc nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Với ý thức trách nhiệm của một công dân và lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, để góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ngày 08/03/2010 cháu đã có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, tố giác những hành vi trái pháp luật đó, song đến nay cơ quan công an vẫn chưa gặp, làm việc với cháu để tiếp nhận những thông tin cần thiết.

Như vậy là hiện cháu chưa ra khỏi quân đội song không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ hay công chức, công nhân viên quốc phòng?

Vâng, nếu pháp luật không buộc người ta phải nhận những quyết định phong tặng, những sự phong tặng, thì thực tế đúng là như vậy.

Cháu có thể nói rõ hơn về việc Tổng cục II đề nghị cơ quan công an chưa giải quyết cấp hộ chiếu phổ thông đối với cháu?

Dạ được. Sáng 17/08/2010 tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an thành phố Hà Nội, Trung tá công an Hà Kim Phượng đã thông báo với cháu rằng cháu chưa được cấp hộ chiếu phổ thông vì Tổng cục II – Bộ Quốc phòng có công văn đề nghị. Trung tá Phượng giải thích rõ theo pháp luật hiện hành, cháu và cơ quan công an không có trách nhiệm báo với Tổng cục II về việc cháu nộp tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông.

Nghị định 136/2007/CP-ND ngày 17/08/2007 của Chính phủ “về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam” ghi tại điều 4: “Hộ chiếu quốc gia (trong đó có hộ chiếu phổ thông – VMT) được sử dụng thay thế giấy chứng minh nhân dân” và điều 8: “Hộ chiếu phổ thông cấp cho mọi công dân Việt Nam”. Như vậy, việc cháu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông là rất bình thường. Cháu cho rằng Công văn 78/TCII-AN đã vô căn cứ thậm chí ngu xuẩn khi khẳng định cháu chuẩn bị đi nước ngoài mà không báo cáo đơn vị.

Nghị định 136/2007 ghi tại điều 43: “Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo và thay thế các quy định sau đây: – Nghị định số 05/2000/ND/CP ngày 03/03/2000 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định tại Quyết định số 210/199/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Rõ ràng các nội dung về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, dưới Nghị định ban hành trước Nghị định 136-2007 đều không có hiệu lực thi hành. Vậy mà Công văn 78 TCII-AN lại khẳng định cháu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông là vi phạm Quy chế 502/1999/QĐ-BQP ngày 19/04/1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phải chăng Quy chế đó vẫn còn hiệu lực và cao hơn Nghị định 136/2007? Phải chăng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cao hơn Thủ tướng Chính phủ?

Công văn 78/TCII-AN còn sai trái khi ghi “Thiếu tá chuyên nghiệp Vũ Minh Trí” trong khi cháu không nhận quyết định phong quân hàm này.

Tóm lại, cháu cho rằng việc Tổng cục II ra Công văn 78/TCII-AN là sai trái, vi phạm thêm cả các điều 21, 22, 25 của Nghị định 136/2007 và vi phạm nghiêm trọng lợi ích hợp pháp của công dân. Cháu cũng cho rằng cơ quan công an đã thiếu cân nhắc, dẫn tới không xác đáng trong việc chưa cấp hộ chiếu phổ thông đối với cháu. Theo điều 33 của Nghị định 136/2007 thì cháu “có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật khi bị từ chối cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hoặc khi các cơ quan cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh không thực hiện đúng các quy định của Nghị định này”. Cháu chưa thực hiện quyền này vì chưa có nhu cầu bức thiết về hộ chiếu phổ thông, xuất cảnh, nhập cảnh và vì tin rằng cơ quan công an sẽ sớm nhận thấy không lý do gì để từ chối cấp hộ chiếu phổ thông đối với cháu.

Cháu có gặp khó khăn gì về đời sống không?

Thưa không. Đã có nhiều vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh ở nhiều tỉnh thành gọi điện hoặc trực tiếp đến nhà thăm hỏi, động viên cháu và ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ cháu về vật chất nếu cháu gặp khó khăn. Cháu chân thành cảm ơn các vị đó song chỉ nhận sự động viên, giúp đỡ về tinh thần, bởi so với đa số đồng bào ta trong nước thì gia đình cháu đang có mức sống khá hơn về vật chất.

Với hơn 20 năm ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam, cứ tạm coi là có hiểu biết kha khá về Đảng, cháu nhận xét gì về tình trạng Đảng hiện nay?

Thưa các bác, là người mới bị Đảng khai trừ, cháu thấy mình chưa nên đưa ra bất kỳ nhận xét nào về Đảng nói chung. Tuy nhiên thời gian qua cháu suy nghĩ rất nhiều về ý kiến của Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Dù tình trạng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có thế nào thì cháu vẫn lạc quan khi nghĩ về tương lai của đất nước, của dân tộc, bởi cháu tin tưởng tuyệt đối vào điều Hồ Chí Minh đã rút ra “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Mấy tháng trước, có một bạn trẻ nhắn tin hỏi cháu: “Em đang chờ một sự thay đổi, liệu có không anh?”. Cháu nhắn lại: “Sẽ có nếu nhiều người không chờ mà bắt tay làm gì đó trong khả năng của mình”.

Nếu có dịp, cháu còn muốn quay trở lại sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?

Thưa không, đầu tháng 6/2010, khi tình cờ gặp cháu, một vị nguyên là Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra trung ương – Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng thấy tiếc cho cháu vì đã không khiếu nại về hai quyết định kỷ luật để người ta có căn cứ xem xét phải trái, đúng sai, nặng nhẹ. Thiện ý này rõ ràng chỉ tập trung vào “quyền lợi chính trị” của riêng cháu, theo cách hiểu của vị ấy, mà cái đó thì từ lâu cháu đã không coi là quan trọng. Trong bản kiến nghị tố cáo gửi lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ngày 09/11/2009 cháu ghi rõ: “Tôi không sợ bị mất tấm thẻ đảng viên, cũng không ngần ngại khi phải cởi bỏ bộ quân phục nếu việc ấy là cần thiết. Lao vào cuộc đấu tranh với khối u ác trực tiếp đe dọa sự ổn định, đoàn kết, nhất trí trong quân đội, trong Đảng, tôi đã dự kiến khó khăn, nguy hiểm và chấp nhận hy sinh, mất mát. Sự quy chụp, đe dọa của nhiều cấp lãnh đạo, chỉ huy không làm tôi run sợ, chùn bước. Trong buổi sinh hoạt chi bộ chiều 11/05/2009, tôi “đề nghị các đảng viên trong chi bộ phát huy tính nguyên tắc của người cộng sản trước hết là bảo vệ Đảng, sau đó là để bảo vệ uy tín của chi bộ, bảo vệ danh dự của chính mình” chứ không phải là để xuê xoa, nương nhẹ đối với tôi”. Trong cuộc họp chi bộ xét kỷ luật cháu chiều 13/11/2009, ngoài nhắc lại đề nghị này bằng văn bản, cháu còn ghi rõ: “Khi làm việc với tôi, chi ủy nói chi ủy, chi bộ phải tuyệt đối chấp hành mọi nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Tôi cho rằng nếu thật sự có nhận thức, ý chí, lòng tự trọng, người ta sẽ không nói như thế. Trong Đảng, nói như thế là coi thường nguyên tắc dân chủ, hạ thấp vai trò làm chủ của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng. Theo điều 2 của điều lệ Đảng thì chỉ có một thứ là đảng viên phải “tuyệt đối trung thành”, đó là “mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng”; còn với “cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước” – những thứ không ai dám khẳng định là tuyệt đối đúng, vĩnh viễn đúng – đảng viên phải “chấp hành nghiêm chỉnh” chứ không phải là “chấp hành tuyệt đối” và nói rõ: “là người mà nhất nhất làm theo sự sai khiến của kẻ khác thì không hơn gì cầm thú”, nói nôm na thì cháu vừa dứt ra khỏi một khối u ác. Chẳng có gì bảo đảm quay trở lại sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam, cháu sẽ không rơi vào một khối u ác tương tự, đó là chưa kể hiện tại, cháu thấy mình tự do hơn, làm việc có hiệu quả hơn trước.

Đặc biệt việc không còn là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho cháu cơ hội gia nhập một đảng vĩ đại hơn, có sức sống trường tồn hơn, đó là “Đảng Việt Nam” mà Hồ Chí Minh từng đề cập trước kỳ họp thứ I của Quốc hội khóa I và khi trả lời một phóng viên nước ngoài. Tôn chỉ “yêu nước, thương nòi”, mục đích “vì nước, vì dân”, đạo lý “có nghĩa, có tình” của “đảng” này thực sự thuyết phục được cháu, khiến cháu không tái nhập Đảng Cộng sản Việt Nam hay gia nhập bất cứ một đảng phái chính trị nào khác.

Được gặp gỡ trò chuyện với các bác cháu thấy dường như mình đang sinh hoạt trong “Đảng Việt Nam”. Cháu hy vọng các bác sẽ không phiền lòng nếu cháu coi các bác là đồng chí. Dăm năm trở lại đây, khi còn trong Tổng cục II, cháu luôn tránh dùng từ “đồng chí”. Cách đây một năm, cháu đã giải thích lý do của việc này bằng một bài thơ nôm na, viết cho riêng mình. Nay cháu muốn được mở lòng với các lão đồng chí.

ĐỒNG CHÍ

Đã từ lâu rồi thấy ngợ,
Khi nghe “đồng chí” gọi nhau
Những lúc cười vui hớn hở,
Ít nhiều ai cũng có “màu”.

Đã tự lâu rồi thấy chợn
Khi nghe “đồng chí” gọi nhau
Những lúc thấp – cao, bé – lớn
Tranh giành bằng được ngôi đầu.

Đồng cái chí nào ấy nhỉ,
Khi ai cũng chỉ vì mình
Trước những bất công vô lý
Thảy đều ngoảnh mặt làm thinh?

Đồng cái chí nào ấy nhỉ,
Bằng mặt mà chẳng bằng lòng.
Kèn cựa, so đo, ganh tị,
Sẵn sàng nói thẳng thành cong?

Nay đời đến nhưng đến nhị,
Nay đường đến những khúc nhôi,
Rõ thêm bấy lâu “đồng chí”
Chỉ là chót lưỡi đầu môi.

Nghe tưởng là buồn song thực ra lại là vui vì có lẽ chỉ khi đời đến nhưng đến nhị, khi đường đến những khúc nhôi này mới có những người đồng chí thật sự ở lại với cháu hoặc đến với cháu. Cháu thấy mình phải cố gắng hơn để xứng đáng với tình đồng chí cao cả ấy, với sự quan tâm, chia sẻ, động viên mà các bác và nhiều, rất nhiều đồng chí đồng bào khác đã dành cho cháu.

Cháu còn nghĩ tới khả năng cháu bị truy tố không?

Thưa các bác, cháu vẫn nghĩ tới vì kết luận 439 ngày 19/10/2009 của Thường vụ Đảng ủy trung ương chưa bị bác bỏ, cuối tháng 4/2010 các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phong đã bàn việc xử lý cháu về mặt pháp luật. Trong trường hợp này, cháu không nghĩ “vô phúc đáo tụng đình” vì như cháu từng thưa với các bác, việc truy tố, đưa cháu ra xét xử chắc chắn sẽ làm cho nhân dân biết nhiều hơn về những điều mà lâu nay người ta vẫn dùng yếu tố “bí mật”, “nhạy cảm” để che giấu. Với sự trợ giúp tận tình và hoàn toàn vô tư của một số Luật sư, trong đó có vài vị là Luật sư lão thành, từng giữ cương vị cao trong Tòa án Nhân dân tối cao và Hội Luật gia Việt Nam, cháu đã chuẩn bị xong hệ thống nhân chứng, vật chứng. Cháu tin sự thật cũng tạo ra những làn sóng mạnh mẽ, nhấn chìm mọi thế lực hắc ám.

Xung quanh vụ việc này, cháu đã nghe thấy nhiều lời dối trá từ các cấp lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức Đảng, các cơ quan có liên quan. Người ta nhận xét, đánh giá về cháu rất “hùng hồn” nhưng chỉ với một phạm vi đối tượng đã bị thu rất hẹp theo chủ ý của người ta chứ không dám công khai với mọi người. Tại buổi làm việc với cháu chiều ngày 13/8/2009, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra – Đảng ủy quân sự trung ương chẳng những từ chối văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xác minh mà còn từ chối để cháu ký vào từng trang văn bản. Tại buổi làm việc với cháu sáng ngày 26/10/2009, đoàn kiểm tra này lại xử sự tương tự sau khi đọc kết luận 439 ngày 19/10/2009 của Thường vụ Đảng ủy quân sự trung ương. Tại buổi sinh hoạt xét kỷ luật cháu của Chi bộ 2 – Đảng bộ Cục Kỹ thuật chiều ngày 13/11/2009,  người ta còn cấm ghi âm và giữ máy điện thoại của đảng viên (tuy cháu không hề có máy ghi âm, còn máy điện thoại di động của cháu thì không có tính năng chụp ảnh, ghi âm). Các việc làm đó đều bất thường và là biểu hiện rõ ràng của bản chất sai trái dối trá, nhưng đó là cơ quan, đơn vị của người ta, trong phạm vi tổ chức của người ta. Nếu làm vậy trong một phiên tòa hay trước công luận, trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chẳng khác nào tự vả vào mặt mình. Thời gian qua, chắc các bác đã thấy nhiều, thậm chí rất nhiều trường hợp như vậy. Có trường hợp là “thánh chỉ” mà còn bị đông đảo dự luận chê cười.

Trong chúng tôi, có người trực tiếp được nghe các cán bộ cơ quan chức năng của Đảng nói chuyên đề “Xác định rõ đối tượng tình báo, nhận thức đầy đủ bản chất chủ yếu của đối tượng tình báo, tập trung nhằm vào các đối tượng tình báo chủ yếu, các mục tiều tình báo quan trọng” của cháu có nhiều quan điểm rất sai trái, thậm chí là phảm động. Cháu nghĩ sao?

Thưa các bác, đó là một chuyên đề khoa học đã được đưa ra tại một hội thảo khoa học lớn của Tổng cục II mà không có ý kiến nào phản bác. Đánh giá nó, trước hết phải đánh giá về mặt khoa học, theo phương pháp khoa học, sử dụng các chuyên gia khoa học, hội đồng khoa học. Việc này hiện chưa ai làm, nếu quả thực chuyên đề của cháu rất sai trái, thậm chí là phản động, tại sao người ta lại giấu biệt nó đi, không để các cán bộ đảng viên, tổ chức Đảng có liên quan tìm hiểu để nhận xét, đánh giá, nhận xét kỷ luật cháu?

Chuyên đề đó là sản phẩm của cá nhân cháu, cháu chịu hoàn toàn trách nhiệm về nó đồng thời có toàn quyền sử dụng nó. Tới đây cháu sẽ có hình thức sử dụng phù hợp các quy định của pháp luật để làm rõ sự thật nhằm đáp trả những nhận xét, đánh giá mà các bác vừa nêu.

NVB – NVT – TĐQ

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Tập thể tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.