Xuất khẩu gạo năm 2010: doanh nghiệp lời to, nông dân thua lỗ

Trong năm 2010 này, ngay từ đầu vụ đông xuân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) luôn đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu để mua lúa của nông dân với giá ngày càng rẻ, đó là: VFA không ký được hợp đồng bán gạo xuất khẩu và giá bán gạo xuất khẩu thấp. Thế nhưng trong thực tế VFA bán gạo xuất khẩu năm 2010 với giá cao hơn năm 2009 còn hợp đồng xuất khẩu gạo lại ký được nhiều hơn năm 2009.

Xuất khẩu gạo năm 2010 thuận lợi chứ không phải khó khăn

Theo báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam: “Ngay từ đầu năm 2010, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán 2,38 triệu tấn gạo với mức giá 480 – 664,9 USD/ tấn”. (1)

Sài Gòn Tiếp Thị Online cho biết: “Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 7.2010, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái” (2)

Ngày 29/7/2010 Báo Công Thương Online trích phát biểu của ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA: “Tính đến thời điểm này, trị giá hiệu quả XK gạo bình quân vẫn cao hơn năm trước trên 30 USD/ tấn”. (3)

Với những con số biết nói này, thiết nghĩ, không cần bình luận gì thêm.

VFA lời 1603 đồng/ kg lúa, đạt lợi nhuận khoảng 12.382 tỷ

Tôi xin lập bảng tổng kết xuất khẩu gạo từ tháng 1 đến tháng 7 theo Hải quan Việt Nam Online. (4)

Thời gian Số lượng ( Tấn gạo) Thành tiền ( triệu USD) Giá bình quân. ( USD/ tấn)
Tháng 1 381.000 205 538
Tháng 2 733.000 410 559
Tháng 3 710.000 383 559
Tháng 4 726.000 361 497
Tháng 5 719.000 330 458
Tháng 6 542.000 233 429
Tháng 7 853.000 359 420
Tổng cộng 4.664.000 2.281 489

Căn cứ vào bảng tổng kết, đến hết tháng 7/2010, VFA đã xuất khẩu 4.664.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 2,281 tỷ USD, giá bình quân là 489 USD/ tấn gạo.

Theo Báo Người Lao Động Online, GS – TS Võ Tòng Xuân phân tích: “Một tấn lúa mua của nông dân 4.000 đồng/kg (tương đương 200 USD/tấn), xay ra gạo được khoảng 0,6 tấn gạo loại 25% tấm. Như vậy, một tấn gạo 25% tấm chỉ được khoảng 335 USD cộng thêm các chi phí khác sẽ lên đến 350 USD/tấn”. (5)

Mùa đông xuân VFA mua lúa giá 4.000 đồng/kg, mùa hè thu VFA đưa ra giá mua 3.500 đồng/kg. Nhưng ở đây tôi tính giá bình quân của  các loại lúa là 4000 đồng/kg cho cả năm 2010.

Vậy VFA lời: 489 – 350 = 139 USD/ tấn gạo.

Xuất 4.664.000 tấn gạo VFA lời: 139 * 4.664.000 = 648.296.000 USD. Qui ra tiền Việt Nam khoảng 12.382 tỷ.

1 tấn lúa xay được 0,6 tấn gạo (0,6 tấn gạo giá 293,4 USD). Vậy nếu qui từ giá bán gạo ra giá bán lúa thì VFA bán một tấn lúa khoảng 5.603.000 đồng, tức giá bán 1 kg lúa là 5.603 đồng.

Bán lúa giá bình quân 5.603/kg nhưng VFA chỉ mua lúa của nông dân với giá 4.000 đồng/kg vậy VFA lời 1603 đồng/kg lúa.

Tổng công ty lương thực miền Nam ước lợi nhuận 7.300 tỷ đồng

Ngày 06/7/2010, trong Hội nghị Sơ kết công tác 06 tháng đầu năm và Phương hướng nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2010, Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết: “Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 06 tháng đầu năm 2010, trong đó lượng gạo xuất khẩu đạt 2.750.000 tấn và tiêu thụ nội địa là 250.000 tấn”. (6)

Như vậy đến ngày 6/7/2010, ước tính theo giá bình quân, chỉ tính riêng lượng gạo xuất khẩu. Tổng công ty lương thực miền Nam lời là khoảng 7.300 tỷ đồng. (Cách tính:  2.750.000 * 139*19.100)

Vụ hè thu nông dân chúng tôi lỗ từ 300 – 600 đồng/ kg lúa

Theo báo Điện tử Sài Gòn Tiếp Thị, Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: nông dân trong tỉnh đang chịu lỗ từ 300 đến 600 đồng/kg lúa vụ hè thu 2010: “ Theo tính toán của ngành nông nghiệp và UBND tỉnh Đồng Tháp, giá thành sản xuất một ký lúa hè thu đã lên đến gần 3.100 đồng, trong khi giá thu mua lúa tại ruộng chỉ dao động khoảng 2.500 đồng/kg đến 2.800 đồng/kg”. (7)

Lời 1.603 đồng/kg lúa. VFA hoàn toàn có thể thực hiện chủ trương của Chính phủ cho nông dân lời 30% so với giá thành (khoảng 4.000 đồng/kg lúa). Thế nhưng vụ hè thu VFA lại ngừng mua để chờ Chính phủ ấn định giá thành sản xuất lúa, khiến cho lúa nông dân thu hoạch bị ách tắc không lối thoát và “giá lúa rớt tận đáy”.

Khi bán được gạo xuất khẩu giá cao, thì từ những hợp đồng đó, VFA qui đổi về giá mua lúa (sau khi tự ấn định phần lợi nhuận cho mình), chứ sao lại lấy cớ chờ Chính phủ đưa ra giá thành, để ép giá thu mua lúa nông dân chúng tôi? VFA lấy hết lợi nhuận từ lúa gạo vì thế nông dân chúng tôi mới thua lỗ.

Lợi nhuận VFA đạt được liệu có hợp lý?

Nếu VFA – hay bất cứ một ai – chứng minh được rằng: VFA đang xuất khẩu theo cơ chế thị trường, lời ăn lỗ chịu, thì lợi nhuận thu được của VFA là hoàn toàn chính đáng.

Trong thực tế hiện nay, VFA đang mua bán đến 90% lượng lúa gạo hằng năm, mà nòng cốt là hai tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam mua bán khoảng 70 -80 % lượng lúa gạo xuất khẩu), được toàn quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước. Nghĩa là VFA đang độc quyền trong mua bán lúa gạo.

Vì VFA bao gồm hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước, nên Nhà nước đang độc quyền lúa gạo, hay nói cách khác lúa gạo thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước.

Điều 15 khoản 1 mục a của Luật cạnh tranh qui định:  “Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp:  “Quyết định giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước””.

Hiện nay, Chính phủ không ấn định giá bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa cho nông dân mà giao hết cho VFA tự ý định đoạt là vi phạm luật cạnh tranh và gây thiệt hại cho nông dân. (Vấn đề độc quyền lúa gạo tôi sẽ trình bài ở bài khác)

Không thay đổi cơ chế nông dân sẽ phá sản

Năm 2009 đã mua lúa tạm trữ giá thấp, cả năm 2010 mua lúa tạm trữ giá càng thấp.

Với giá bán gạo bình quân 489 USD/tấn, qui ra giá bán lúa 5.603 đồng/kg. VFA phải mua lúa của nông dân chúng tôi với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg.

Việc tung tin không có khách hàng và giá gạo xuất khẩu giảm, để ép giá mua lúa của nông dân dưới giá thành của VFA, là sự lạm dụng vị trí độc quyền tước đoạt lợi nhuận của nông dân..

Phải trả lại số tiền lời bất chính trong tổng số lời 12.382 tỷ đồng từ mua bán lúa gạo, mà VFA đã tước đoạt của nông dân.

Cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay làm cho: Nông dân – người làm ra lúa gạo – bị thua lổ, VFA – kẻ ăn theo lúa gạo – lời to.

Đại nghịch lý này nếu không được thay đổi, toàn bộ nông dân sẽ dần đi đến phá sản.

Lúc đó VFA và các nhà lảnh đạo muốn có gạo xuất khẩu chắc phải tự đi trồng lúa.

Ngày 11/9/2010

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

(1) Bài “Xuất khẩu gạo năm 2010 dự báo nhiều tín hiệu khả quan” http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=383759#xzkH851yGmdz

(2) Bài “Bảy tháng, ký hợp đồng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo” http://sgtt.vn/Kinh-te/126969/Bay-thang-ky-hop-dong-xuat-khau-6-trieu-tan-  gao.html

(3) Bài “Xuất khẩu gạo tăng tốc để vượt 6 triệu tấn” http://www.baocongthuong.com.vn/Details/chuyen-dong-cong-thuong/xuat-khau-gao-tang-toc-de-vuot-6-trieu-tan/32/0/36322.star

(4) Bài “Tình hình xuất nhập khẩu tháng 1 năm 2010” và các bài “ Tình hình xuất nhập khẩu tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2010”, cho đến tháng 7/2010. http://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ViewDetails.aspx?List=d46d405b-6620-4748-aee7-07b0233fdae6&ID=17590

(5) Bài “Bên trắng tay, bên lãi đậm” http://nld.com.vn/20100310104230248P0C1014/ben-trang-tay-ben-lai-dam.htm

(6) Bài Hội nghị Sơ kết công tác 06 tháng đầu năm và Phương hướng nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2010”. http://www.vinafood2.com.vn/CMS/Pages/XemTin.aspx?IDNews=102

(7) Bài “Đồng Tháp: nông dân lỗ 300 – 600 đồng/kg lúa hè thu 2010” http://sgtt.vn/Thoi-su/Trong-nuoc/126947/Dong-Thap-nong-dan-lo-300-%E2%80%93-600-dongkg-lua-he-thu.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.