Thay đổi hệ thống giáo dục

(Ảnh: gdtd.vn)

(Ảnh: gdtd.vn)

Đố bạn biết: có bao nhiêu luật chính tả ghi ngữ âm tiếng Việt?

Câu hỏi này gây lúng túng cho không ít người. Nhiều người bị hỏi nhưng chẳng trả lời. Nhiều người không biết. Nhiều người không để ý. Nhiều người ngờ ngợ, không dám nói. Lâu nay mấy ai để ý chuyện “vặt vãnh” đó!

Việc ghi âm tiếng Việt chỉ tuân thủ có 1 luật chính tả và 3 ngoại lệ thôi. Đơn giản quá chăng?

Với các ngôn ngữ có biến hóa hình thái thì hễ thay nghĩa là thay cả cách ghi. Nó bắt buộc người học phải đạt tới một trình độ cú pháp nào đó thì mới viết đúng chỉnh tả. Bao lâu thì học xong cú pháp, khi chính người Pháp vẫn nói vui rằng “các ngoại lệ cú pháp tạo thành một điều luật”?!

Học sinh nói ngôn ngữ Ấn-Âu cần học ít nhất 5 năm mới tạm “sạch” về chính tả. Người học tiếng Trung Hoa tuy chỉ cần học thuộc lòng mặt chữ là được, thế nhưng học bao lâu để nhớ và nhớ bao nhiêu nghìn chữ là đủ? Học tiếng Nhật Bản còn khó hơn nữa: người Nhật Bản đã vào đời lúc nào cũng kè kè cuốn từ điển để tra cứu cách ghi chính tiếng mẹ đẻ của mình!

Ấy thế mà tiếng Việt lại chỉ có một luật chính tả và ba ngoại lệ!


Đây là luật duy nhất bao trùm tất cả: nghe thế nào, phát ra thế nào, ghi như thế. Một người Nam bộ phát âm chuẩn

[tổ] [quốc] sẽ ghi đúng là tổ quốc,

còn một người phát âm sai thành

[tổ] [guốc] vẫn cứ có quyền ghi là tổ guốc.

Một người Bắc bộ phát âm chuẩn

[hà] [nội] sẽ ghi đúng là Hà Nội,

còn một người phát âm sai

[hà] [lội] vẫn cứ có quyền ghi là Hà Lội.

Còn khi học ở nhà trường, khi chúng ta yêu cầu và rèn luyện cho cả giáo viên lẫn học sinh phát âm đúng [tổ] [quốc] và [hà] [nội], thì mọi người đều nói đúng và ghi đúng – đơn giản vậy thôi.

Ngoài điều luật ấy, tạm đặt tên là luật ngữ âm hoặc luật ghi theo ngữ âm, cách ghi tiếng Việt còn có ba ngoại lệ.

Ngoại lệ thứ nhất: âm [k] đứng trước [e], [ê] và [i] thì ghi bằng con chữ k thành ke, kê, ki. Ngoại lệ thứ nhất này được áp dụng mở rộng sang ghe, ghê, ghi nghe, nghê, nghi. Mở rộng ngoại lệ ghi âm [k] này sang tiếng có phần vần có âm đệm như [wa], [we], [wê], [wơ], [wy] thì được ghi bằng con chữ q và âm đệm [w] ghi bằng con chữ u và ta có qua, que, quê, quơ, quy. Dĩ nhiên, mở rộng ra, ta cũng sẽ có quan, quang, quăn, quanh … vì đều là trường hợp âm đầu [k] đứng trước vần có âm đệm [wan], [wang], [wăn], [wanh], …  Ngoại lệ này chỉ cần dặn dò người học, và sau vài ba lần áp dụng tất cả học sinh lớp Một đều thành thạo.

Ngoại lệ thứ hai: âm [z] tùy theo nghĩa của từ mà có khi ghi bằng chữ d như trong da thịt, khi ghi bằng chữ r như trong đi ra đi vô, khi ghi bằng chữ gi như trong gia tộc, giá trị. Đây là sự phân biệt rất tinh tế của các nhà ngữ âm học (các cụ đạo) khi lần đầu tiên các vị đó ghi âm tiếng Việt cho chúng ta dùng như ngày nay. Đối xử với ngoại lệ ghi âm này như sau: người lớn khi ngờ ngợ cách ghi tiếng có âm [z] thì tra từ điển, trẻ em cũng có quyền tra từ điển, và ở lớp học, cuốn “từ điển sống” sẵn đó chính là giáo viên. Khi viết đến tiếng có âm [z], ta cho trẻ em quyền hỏi giáo viên cách ghi. Đơn giản vậy thôi.

Ngoại lệ thứ ba cũng liên quan đến luật ghi theo ngữ âm, nhưng đây là ghi nguyên âm đôi [iê], [uô], [ươ]. Khi nào tiếng có âm cuối khép lại thì ghi bằng iê, uô ươ, thí dụ: Điện Biên, luống cuống, tưởng tượng. Trái lại, nếu tiếng không có âm cuối, thì ghi bằng ia, ua, ưa, thí dụ: bia đá, vua chúa, lưa thưa…

Ta nên sử dụng ưu thế học tiếng Việt đó như thế nào?

Trước hết, cần biết cách tổ chức cho trẻ em tự phân tích ngữ âm và tự ghi âm tiếng Việt ngay từ lớp Một theo phương pháp Công nghệ Giáo dục. Theo cách này, chỉ cần từ 5 đến 7 tháng là các em đọc thông viết thạo chắc chắn.

Nếu ta tiếp tục tổ chức lại việc học tiếng Việt ở các lớp trên, cũng theo phương pháp Công nghệ Giáo dục, chắc chắn ta sẽ rút ngắn được thời gian học tiếng Việt, và như vậy cũng có thể rút ngắn được thời gian học ở trường phổ thông nói chung. Lập luận một cách đơn giản: trẻ em Việt Nam học tiếng Việt dễ hơn trẻ em các nước học tiếng nước họ nhiều lần; vậy thì, hà cớ gì ta vẫn cần một hệ phổ thông kéo dài những mười hai năm như của họ?

Nhưng, việc thay đổi hệ thống mà chỉ dựa trên lập luận về tiếng Việt như là một điều thuận lợi Trời cho người Việt Nam so với tất cả các dân tộc khác, thì đó mới chỉ là một lý lẽ. Chúng ta còn cần thay đổi hệ thống giáo dục vì bản thân nó và theo cách thức phù hợp với chính nó.

Bản thân nền giáo dục cần phải phục vụ bằng được công cuộc hiện đại hóa của Việt Nam. Rút ngắn hai năm để từ mười hai năm chỉ còn mười năm là một cách tiết kiệm thời gian, cũng chính là một tiêu chuẩn của hiện đại hóa. Thế nhưng, trong mười năm còn lại đó, còn phải thay đổi cách dạy và cách học, sao cho học ít đi song chất lượng lại cao lên nhiều nữa, sao cho năng lượng chi phí bớt đi nhưng cả người dạy và người học đều giỏi lên nhiều nữa, đó mới là yêu cầu nữa của hiện đại hóa. Và đó cũng là nội dung của thay đổi hệ thống.

Hệ thống mới trước hết phải có một bậc học làm nền tảng, bậc giáo dục phổ thông cơ sở bắt buộc cho toàn dân. Bậc học đó trong hệ thống mới nên là sáu năm. Trải qua sáu năm đầu đời sống nhà trường, một thiếu niên Việt Nam phải học được phương pháp học rồi sẽ dùng cả đời. Ta sẽ gọi nhiệm vụ của bậc học cơ sở này là bậc chiếm lĩnh phương pháp. Cái “phương pháp” ở đây không phải là “cách dạy” của giáo viên; phương pháp chính là nguyên lý tồn tại của cái nội dung học.

Bậc phổ thông cơ sở này khác với bậc tiểu học xưa. Mục tiêu của bậc tiểu học xưa cao thấp gì thì cũng chỉ là “ba R”: đọc (Reading), viết (Writing), tính toán (Arithmetic). Bậc phổ thông cơ sở sẽ phải đem đến cho thiếu niên một hành trang vào đời khác hẳn: một lối sống có lý tưởng, một tư duy lô-gich, một ngữ pháp nghệ thuật, một kỹ năng hoạt động ngôn ngữ hiện đại, một năng lực ngoại ngữ để hội nhập được với nền văn minh đương thời, một phương pháp khảo sát và nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên và xã hội.

Cái năng lực cơ bản được tạo ra ở bậc phổ thông cơ sở đó sẽ giúp người thiếu niên học lên bậc cao hơn theo các định hướng khác nhau: lên bậc phổ thông hướng nghiệp và lên bậc phổ thông chuyên khoa. Ở hai bậc học này, người học sẽ có cách học tập khác hẳn: một cách học hành dụng để đi vào trường dạy nghề, và một cách học nghiên cứu để đi vào bậc đại học.

Một sơ đồ diễn tả như sau tạm tóm tắt những điều đề xuất xoay quanh việc thay đổi hệ thống trong cuộc Cải cách giáo dục sắp diễn ra – một cuộc cải cách đích thực thay vì một cuộc chữa sách giáo khoa qua loa, tàm tạm (*).

_________________

(*) Trong buổi trình bày tại Ban Tuyên Giáo Trung Ương (ĐCSVN) sáng thứ tư 20-01-2010, sau khi hoan nghênh tư tưởng của báo cáo (trong đó có ý tưởng thay đổi hệ thống náy), giáo sư Hoàng Tụy góp ý kiến là: không nên rút ngắn bậc giáo dục phổ thông, riêng bậc Phổ thông cơ sở nên là 10 năm thay vì 6 năm. Nhà nghiên cứu Trần Việt Phương nói: có thể chọn phương án ở giữa Bậc phổ thông cơ sở 8 năm; vấn đề là thống nhất về ý tưởng của việc thay đổi hệ thống như được trích ra trình bày ở bài báo này. (Tác giả thêm trong lần xuất bản này)

Hà Nội, những ngày sắp sang năm 2010

Nguồn: Vietnamnet, ngày 01-02-2010.

This entry was posted in Giáo dục and tagged , . Bookmark the permalink.