CHÂU DIÊN là tên dùng khi viết văn của PHẠM TOÀN là tên thật dùng để ký dưới các văn bản khoa học.
Bút hiệu Châu Diên được ký dưới các tác phẩm: Mái nhà ấm (tập truyện ngắn, Văn học, 1960), Con nhện vàng (tập truyện ngắn, Thanh niên, 1962), Người Sông Mê (tiểu thuyết, Hội nhà văn, 2004, 2005), Truyện ngắn (tập truyện ngắn, Hội nhà văn, 2005), Bảy mươi ba chiếc cối đá (tập truyện ngắn, Hội nhà văn, 2006), cùng nhiều tác phẩm dịch khác, trong đó có Chín mươi ba (V, Hugo), Bay đêm (A. de St-Exupery), Ruồi (J-P Sartre), Nhà tiên tri (K. Gibral) …
Dưới bút hiệu Phạm Toàn, có Công nghệ dạy văn (ĐHQG, 2000, TT Đông-Tây, 2006), Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục (Tri thức, 2007), và những tác phẩm dịch Cơ cấu trí khôn (H. Gardner, Giáo dục, 1996, 1997, Tri thức sắp tái bản), Nền dân trị Mỹ (A. de Tocqueville, Tri thức, 2007, 2008) … Phạm Toàn cũng là tác giả và đồng tác giả nhiều tập sách dạy Văn theo đường lối Công nghệ Giáo dục tái bản nhiều lần trong hơn 20 năm qua.
Phạm Toàn – Châu Diên năm nay 78 tuổi tính theo tuổi mụ Nhâm Thân. Nhưng chúng tôi vẫn quen gọi bằng “anh”…
PV: – Câu chuyện hôm nay muốn được cùng anh trao đổi chính là câu chuyện dạy văn, học văn ở trường phổ thông. Anh thấy chuyện đó bây giờ như thế nào?
CD: – Kết quả thi tú tài năm vừa rồi, khi có tỉnh phải lùi ngày công bố để chấm lại và để tìm hiểu vì sao điểm văn quá yếu kém… Đó là câu trả lời của cuộc đời thực dõng dạc lên tiếng cho những ai biết lắng nghe…
PV: – Nếu trả lời trực tiếp hơn, tường minh hơn, anh sẽ nói gì?
CD: – Tôi sẽ nói là trẻ em không thích học văn, có khi chán ghét học văn, nên kết quả học văn rất thấp. Nội dung này tôi đã viết trên báo Văn nghệ từ năm 1986, và lấy lại bài báo đó in thành chương 4 cuốn Công nghệ dạy văn.
PV: – Anh đã cảnh báo những gì?
CD: – Không chỉ cảnh báo, còn nói rõ một cách làm đúng hơn … Đồng thời, sau này, trong nhiều dịp tôi còn viết nhiều bài báo mô tả chi tiết cái cách dạy Văn tôi nghĩ là có ưu thế hơn kia… Nói cách khác, không chỉ “chống tiêu cực”, chúng tôi còn chỉ ra một việc làm tích cực. Chúng tôi chỉ ra cách làm về lý thuyết, chúng tôi mô tả cách làm trong thực tiễn. Tiếc rằng …
PV: – Vâng, tiếc rằng … Để cho môn Ngữ văn ở trung học cơ sở và trung học phổ thông bây giờ thành ra như là một “môn học lạ”. Môn học ấy cho ra đời những “bài văn lạ”, những “kết quả thi kỳ lạ thấp và kỳ lạ vênh” giữa học sinh tỉnh này với học sinh tỉnh khác, những “đề văn và đáp án lạ”… Kỳ lạ hơn cả là ngay các giáo viên cũng rất lung túng với môn học này, bây giờ những người soạn sách giáo khoa bắt đầu nói ra những bất đồng… Đã có những cuộc tranh luận dài kỳ trên báo… Rất lạ?
CD: – Tôi không thấy đó là chuyện lạ. Cái gốc của mọi “sự lạ” như nhà báo nói, nằm ở quan niệm sai của “người nhạc trưởng” về đường lối dạy văn cho trẻ em ở nhà trường phổ thông. Sai một ly sẽ chệch đi một dặm. Chẳng hạn như chuyện này: học văn để làm gì? và chuyện đường lối dạy văn tại sao lại dựa trên công việc đọc hiểu?
PV: – Vậy theo ý anh, trẻ em ở trường phổ thông học văn để làm gì?
CD: – Nói cho rộng ra, trẻ em đi học ở trường phổ thông là học cách sống để có một cái đầu lôgich, một trái tim nhân ái và một lối sống hòa thuận được với kẻ khác. Tôi xin nhấn mạnh lại: học cách sống. Cách sống đó cần được học, và được dạy đúng cách, chứ không thể học theo lối tùy tiện, luộm thuộm, tiểu nông, học theo lối bắt chước và nhại lại. Vậy là, việc học cách sống đó nằm trong việc học cách học. Đến trường, đâu phải chỉ để “kiếm dăm ba chữ”? Đâu có phải là để “năng nhặt chặt bị” thu gom các tri thức nhân loại? Nếu có thu gom, thì đó là học cách thu gom sao cho tiết kiệm nhất, và do đó mà giàu có nhất, và thu gom trong một thời hạn khiêm tốn nhất – chỉ 12 năm thôi, mười hai năm trong cả cuộc đời “sống lâu trăm tuổi” và hơn thế nữa.
PV: – Vâng, vậy theo anh, học văn để làm gì?
CD: – Với mười hai năm ở trường phổ thông, có tài thánh cũng không “truyền đạt” hết kho văn chương dân tộc và nhân loại. Nhà trường chỉ có thể dạy các em cách giải mã văn bản nghệ thuật, với cái mẫu là văn bản văn (gồm văn xuôi, thơ, và kịch). Biết cách giải mã những sản phẩm tiêu biểu đó, thì sẽ biết cách tự mình đến với các loại hình nghệ thuật khác. Do đó mà theo Công nghệ dạy văn, chúng tôi cũng gọi đó là việc trang bị cho trẻ em một ngữ pháp nghệ thuật. Không học nhiều hơn thế được đâu, mà ở trường phổ thông, cũng chỉ cần học đến như vậy là đủ.
PV: – Anh có thể nói rõ hơn: ngữ pháp nghệ thuật là gì?
CD: – Ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên thông thường gồm có những gì? Gồm có ngữ âm học, từ vựng học, cú pháp học, và văn bản học. Ngữ âm lấy đơn vị nghiên cứu là tiếng. Từ vựng lấy đơn vị nghiên cứu là từ và ngữ. Cú pháp có đơn vị nghiên cứu là câu. Còn văn bản có đơn vị nghiên cứu là đọan và bài. Ngữ pháp nghệ thuật cũng gồm có các bộ phận cấu thành của nó. Đó là tưởng tượng gửi trong đơn vị nghiên cứu là một hình tượng. Tiếp theo, đó là liên tưởng gửi trong đơn vị nghiên cứu là một ý tương tự như một “nghĩa bóng” trong ngôn ngữ học. Sau đó là học sắp đặt gửi trong đơn vị nghiên cứu là một cấu trúc tác phẩm mà từ đó con người tạo ra một chủ đề. Ba bộ phận tưởng tượng, liên tưởng, sắp đặt vận hành trong môn văn với những vật liệu là ngôn ngữ nói hoặc viết. Ba bộ phận đó cũng vận hành trong âm nhạc với vật liệu là âm thanh, trong hội họa với vật liệu là mầu, trong múa với vật liệu là thân xác… Nhà trường không cần dạy âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh… nhưng các thiếu niên và thanh niên đào tạo từ nhà trường phổ thông thì lại có năng lực tự đến với những bộ môn nghệ thuật kia một cách phổ thông, và những em nào muốn đi vào mấy con đường đó một cách chuyên nghiệp thì sẽ tự chọn các trường chuyên nghiệp đó mà tự đào tạo mình tiếp.
PV: – Ôi chao, nghe anh nói, chẳng hóa ra lâu nay môn văn bị dạy sai?
CD: – Sai! Sai về định hướng. Và suy cho cùng, môn văn ở trường phổ thông lâu nay chẳng có định hướng gì ráo! Xin nhà báo cho biết: đã có ai và khi nào đã nói rõ mục đích dạy văn ở trường phổ thông là để đạt tới điều gì chưa?
Nói cho đúng, hình như có ai đó đã nói về “đường lối” dạy văn theo lối đọc-hiểu thì phải. Đọc-hiểu là một khái niệm dùng cho việc học ngôn ngữ. Còn học văn, tức là học một môn nghệ thuật, thì phải là đọc-cảm mới đúng chứ? Một bà nhà quê ở Hà Tĩnh, đêm nghe Nguyễn Du đọc bản nháp kể chuyện cô Kiều, sông Tần một dải xanh xanh, loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan… Các bà có thể không hiểu gì hết về Sông Tần, về Dương Quan, nhưng các bà vẫn cảm được điều gì đó và nức nở khóc. Nghệ thuật đấy! Còn ở môn ngôn ngữ, học sinh sẽ học “một dải” khác với “một vùng” ra sao, “xanh xanh” khác với “xanh” ra sao, và làm cách gì để tự tra cứu được nghiã của “loi thoi bờ liễu”…
Tiếc rằng các thầy đã nhầm quá lâu giữa dạy Ngữ và dạy Văn. Bao nhiêu năng lượng đã tiêu tốn cho việc nhầm lẫn đó! Ai thiệt? Trẻ em thiệt. Nhưng cuối cùng là dân tộc thiệt. Một dân tộc văn hiến mà con dân của dân tộc đó chán truyện Kiều, ghét truyện Kiều, chỉ cần nhăm nhăm học thuộc mấy đoạn để đi thi, một dân tộc như thế sao còn gọi là văn hiến nữa?
PV: – Vậy nên làm gì bây giờ? Tôi nên đặt câu hỏi này cho nhà nghiên cứu Phạm Toàn, hay cho nhà văn Châu Diên đây?
CD: – Là người có cầm bút viết văn, lại quan tâm học hỏi về nghệ thuật, nên tôi có thể hình dung được một nhà họat động nghệ thuật (trong đó có cả nhà văn) thường làm những công việc gì khi tạo ra một tác phẩm. Điều đó giúp cho tôi khá nhiều khi hoạt động trong tư thế người soạn sách học văn và trong một thời gian dài đã thực nghiệm cách học văn của trẻ em, mà đường lối là cho trẻ em đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi. Nghĩa là cho trẻ em làm lại những thao tác trong tâm lý của người viết văn, người làm thơ, người diễn kịch. Bí quyết dạy văn ở nhà trường phổ thông nằm trong câu tôi vừa nói đấy. Nhà báo có thích in đậm thì in.
PV: – Ngay trước mắt, có lối thoát nào không, hả anh Phạm Toàn?
CD: – Sao lại không có lối thoát? Bởi lẽ, những điều chúng ta vừa bàn không phải là những chuyện quá xa lạ, quá khó khăn. Chúng tôi đã tạo được một lớp học sinh yêu văn vì đã có cách huấn luyện một lớp giáo viên biết cách dạy văn. Ngay từ năm 1986, một cuốn sách mỏng gồm những bài văn của học sinh trường thực nghiệm Giảng Võ đã được công bố. Nhà văn Vũ Ngọc Bình, vốn là nhà giáo, và là bạn của tôi, đã viết bài điểm sách đó trên báo Văn nghệ. Trong cuốn sách đó, bài văn đầu tiên yêu cầu viết về “những ngày nghỉ hè” đã được học sinh của chúng tôi kể hết sức thực thà, là “những ngày buồn”. Nhưng khi thành bài văn, đó cũng thành cái buồn giải tỏa, cái buồn làm thanh lọc nỗi niềm con người. Cũng trong sách đó, khi yêu cầu viết về tranh dân gian “Đám cưới chuột”, em Vũ Thanh Bình (lớp 4) còn biết tả “ông Mèo” dặn “chú Chuột” khi mang đồ cống nạp để ông cho đám cưới được đi ngang an toàn, đã dặn đương sự “nhớ mang đến thì đi cửa sau nhé”. Đó là năm 1986, năm đó chúng ta chưa có Ủy ban chống tham nhũng!
PV: – Sao cách dạy văn như thế lại không được phổ cập ra toàn quốc, thưa anh?
CD: – Chỉ cần một sự trung thực nào đó thì một đường lối dạy văn hiệu quả hơn sẽ được chấp nhận rộng khắp. Tôi hoan nghênh ý tưởng của ông bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là sắp tới nên có nhiều bộ sách, và nhóm tác giả chúng tôi sẽ đớng góp một bộ để xã hội nghiệm thu. Nhưng tôi ngả nhiều hơn vào ý tưởng đề nghị bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đấu thầu ý tưởng soạn lại sách Văn ở trường phổ thông. Sau khi đấu thầu, sẽ có thể có ba nhóm đua nhau hoàn thành công việc.
PV: – Xin cảm ơn anh!
Nguồn: Báo Văn nghệ đặc biệt số 35-36 (ngày 29-8 và 5-9-2009)