Cơn sốt Ngô Bảo Châu gợi ta xót xa cho thân phận của nền khoa học nước nhà

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bùi Tuấn

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bùi Tuấn

Trước hết, chúng ta không thể không vui mừng nhận thấy, Ngô Bảo Châu là một sự kiện đặc sắc trong khoa học, xứng đáng được tự hào và tôn vinh trong cộng đồng người Việt chúng ta, bất kể là người Việt quốc nội hoặc hải ngoại.

Giữa tràng pháo tung hô đón chào Ngô Bảo Châu của các phương tiện truyền thông trong nước, bất chợt tôi được đọc một bài viết rất chi là … thế nào nhỉ, thôi thì cứ tạm gọi là “ngớ ngẩn” trong blog của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tác giả mủi lòng xót xa cho thân phận của các nhà khoa học Úc Châu.

Tôi trích nguyên văn để chúng ta cùng chia buồn với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:

Nhìn cách làm của Việt Nam, tôi thấy ngậm ngùi cho các nhà khoa học Úc. Úc có nhiều người đoạt giải Nobel y học. Tính từ 1915 đến nay, Úc đã có 9 người được trao giải Nobel y học và 1 người chiếm giải Fields. Không biết trước đây thì sao, nhưng từ ngày tôi đến Úc đến nay (30 năm) tôi chưa thấy một nhà khoa học Úc đoạt giải Nobel được tường thuật và vinh danh như ở Việt Nam ta. Còn nhớ trước đây, khi ông Barry Marshall, hay trước đó là Peter Doherty và mới đây nhất là Elizabeth Blackburn (cả hai đều có song tịch Mĩ và Úc) được trao giải Nobel y học, báo chí Úc chỉ có khoảng 10 dòng chữ, thậm chí 5 dòng chữ (như trường hợp bà Blackburn) để đưa tin. Không có phóng viên theo dõi. Không có tặng giải thưởng quốc gia. Không có tặng bút. Không ai lên tiếng cho căn hộ. Không có tặng thẻ máy bay bạch kim. Không có lễ đón ở sân bay. Không có truyền hình trực tiếp. Không có vinh danh trong Quốc hội. Ông Peter Doherty khi về Úc vẫn phải nộp đơn xin chức danh NHMRC Fellow như bao nhiêu người khác (hoàn toàn không có đặc cách), cũng phải xin tài trợ cho nghiên cứu như các nhà khoa học khác trong nước. Trong một buổi nói chuyện tại Viện Garvan, ông còn nói rằng chỉ có khoảng 50% đơn xin tài trợ của ông là thành công, phân nửa bị bác!

Nghe Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chúng ta thấy thật buồn. Chắc Giáo sư Tuấn xa xứ đã lâu, nên quên mất truyền thống xứ ta… Ta hãy nhớ lại thời xưa, không xa lắm đâu, khi đỗ ông nghè thì võng lọng về làng vinh quy bái tổ, mở hội khao cả làng, vua phong tước, có khi còn gả Công chúa để biến luôn ông nghè thành Phò mã, rồi vua còn ban cả trăm mẫu công điển.

Đến thời Tây học, ngay như bố tôi mới đỗ bằng Certifica (hết bậc tiểu học hiện nay), đã phải về quê khao cả làng, được cả làng đón rước, rồi cũng được gọi là ông Hàn (???) vì quả thực tôi cũng không rõ do đâu bố tôi được trao một tờ chứng chỉ, ghi là “Membre de l’Académie Française” (thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp), và người ta đã gọi ông là “Hàn lâm học sĩ”, ở nhà quê các cụ gọi tắt là “Ông Hàn”, y chang các bác “Viện sỹ” thời nay.

Vậy thì thời nay Giáo sư Ngô Bảo Châu về cái làng Việt Nam, được võng lọng đón đưa tận sân bay thủ đô… thì đâu có gì mà Giáo sư Tuấn cho là lạ nhỉ??? Cũng cờ quạt trống kèn cả đêm không ngớt, rồi được tận các ông Chánh tổng, Lý trưởng xứ ta đón tiếp, rồi cũng được hứa phong tước phong hầu,… cầm đầu một viện xuất sắc cấp cao, cũng được cam kết cấp lương cả mấy trăm đô la một tháng,… và còn cho cả trăm mét vuông công lầu, công thự.

Tôi liên tưởng đến… hình như vẫn là kịch bản quen biết từ cuối thập niên 1960: Mấy ông nghè thuộc lớp đàn anh của tôi vừa bảo vệ xong luận án Phó tiến sỹ ở Liên Xô về nước liền được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm… Rồi từ năm 1974-75, Hà Nội bắt đầu phân nhà cho Phó tiến sĩ và Tiến sĩ, rồi các Tiến sĩ mới về nước cũng được giao lãnh đạo một số viện nghiên cứu với những khoản đầu tư to đùng, có viện còn được công an canh phòng cẩn mật và được tiêu “mật phí” với những khoản đô la kếch sù,… mà đến tận bây giờ vẫn quên quyết toán, không những thế, một cái… “nhà” của chúng ta còn lấy công trình nghiên cứu của quân đội làm của mình để rồi sau đó leo lên đến tận đỉnh cao của cơ quan quyền lực, ngồi phán chính sách khoa học quốc gia.

Vậy mà nền khoa học nước ta vẫn ỳ ạch, chưa thấy vùn vụt tiến lên.

Xem ra “Xưa” với “Nay” cũng chẳng khác nhau là mấy, thực là… tôi chợt nhớ đến một câu thơ của Tố Hữu, và xin mạn phép “nhái” thơ ông: “Mấy trăm năm ta vẫn cứ là ta”.

Nhân sự kiện này, cũng như hồi đầu thập niên 1970, Nhà nước ta cũng có những quyết định cực kỳ mạnh dạn cho ngành nọ ngành kia, có nơi nhận được một khoản lớn bằng… cả một góc cái khoản mà Nhà nước cho Vinashin “vay” nợ, để rồi đến năm 2020, sẽ có tới 70% giảng viên toán có bằng Tiến sĩ,… Việt Nam từ xếp hạng thứ 55 lên đến thứ 40 về toán, rồi lại còn một “chiến lược” đến năm nào đó sẽ có một Ngô Bảo Châu thứ hai, cứ như là có hai Ngô Bảo Châu thì làm đảo lộn cả nền khoa học của đất nước này.

Khi đọc những dòng tin nức lòng người này tôi lại chợt nhớ đến một câu chuyện vui vui trong một bài học của sách “Quốc văn giáo khoa thư” lớp sơ đẳng của các soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận mà tôi được học từ thời thơ ấu. Chuyện kể rằng (xin trích nguyên văn):

… Có một bác nhà quê dốt nát, thấy một ông cụ già hễ khi đọc sách, thì lại đeo kính vào mắt. Bác tưởng rằng hễ cứ đeo kính vào thì đọc được sách. Một hôm, bác ra tỉnh, vào ngay một hiệu để mua kính. Bác giở một quyển sách ra, cầm trước mắt để thử kính. Bác thử luôn đến năm bảy thứ kính, mà thứ nào bác cũng chê rằng xấu. Nhà hàng lấy làm lạ, hỏi rằng: “Vậy ông có biết đọc không đã?” Người nhà quê gắt lên, trả lời rằng: “Ô hay! Nếu tôi mà biết đọc, thì hà tất tôi phải đến đây mua kính của bác” Nhà hàng phì cười, bảo rằng: “Đây tôi không có thứ kính nào đọc được sách cả. Ông muốn xem được sách, xin hãy về học quốc ngữ cho thông đã”.

Đọc lại những dòng này, tôi nảy ra câu hỏi: Phải chăng nay các bác nhà quê đang tưởng rằng nền khoa học Việt Nam hễ đeo vài “cái kính” mang tên “Ngô Bảo Châu” vào thì ắt sẽ phát triển vùn vụt… Hay là nói như như ông chủ hiệu kính: “Xin [cái nền khoa học Việt Nam này] hãy về học chữ quốc ngữ cho thông đã”.

Phải chăng cái sự “học quốc ngữ cho thông cái đã” đây là học cái chính sách đối với khoa học, cách thức tổ chức khoa học và quản lý cái hệ thống khoa học ấy. Cái “chữ quốc ngữ về tổ chức khoa học” này ở ta còn nhiều vấn đề quá. Tôi nghe nhiều “nhà” lớn tiếng phê phán Chính phủ, nhưng họ lại quên nghĩ về mình. Chính tai tôi đã nghe ngài Giáo sư NVT, đương kim Viện trưởng, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học của một viện nghiên cứu về toán to tướng giữa thủ đô, đã lớn tiếng kêu gọi trong bài tham luận tại nhà 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ), là “Hãy từ bỏ quản lý khoa học”. Không hiểu từ bỏ quản lý thì ngài Viện trưởng làm sao mà tổ chức được cái viện của ngài để đứng được hàng thứ bốn mươi trên thế giới??? Kêu gào từ bỏ quản lý khoa học mà lại cứ khư khư giữ rịt cái ghế Viện trưởng?… Oái oăm thay! Hèn nào cái nền khoa học của ta nó lung tung là đúng.

Từ mấy thập niên rồi, cứ mỗi khi chứng kiến cảnh võng lọng nghênh đón các quan trạng về làng tôi lại thấy xót xa cho cái thân phận của nền khoa học nước nhà.

V. C. Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Giáo dục, Thư Giãn Cuối Tuần and tagged . Bookmark the permalink.