Chuyện phiếm: Bài học Kinh tế thị trường định hướng XHCN dành cho thiếu nhi

Ảnh: LK – Vietinfo.eu

Ảnh: LK – Vietinfo.eu

Đọc đề bài chắc bạn đọc buồn cười, bảo tôi viết linh tinh, trẻ con thì hiểu thế nào được vấn đề “cao siêu” này! Người lớn cỡ sinh viên đại học, học vỡ đầu, lồi mắt, còn lơ tơ mơ chẳng hiểu kinh tế thị trường định hướng XHCN là cái gì, thầy giáo môn Chính trị – Triết học còn lúng túng khi trò hỏi vặn! Đó là thực tế, bởi khái niệm này trong lịch sử nhân loại trên thế giới chưa từng có, duy nhất chỉ có ở Việt nam từ năm 1991 tới nay.

Đúng như vậy, nhưng ở đây là cách viết theo lối tuyên truyền giải thích cho quần chúng công nông nền tảng cách mạng của đảng cho dễ hiểu và dễ quán triệt.

Chẳng là hôm rồi, sau cả chục năm, tôi có dịp lại anh Y bạn cũ, Thạc sĩ, hiện là giảng viên bộ môn Chính trị – Khoa tại chức của một trường đại học lớn ở TP Đà nẵng. Gặp nhau, sau một hồi chuyện qua chuyện lại, khi nói về chuyện công tác anh Y nói với tôi: “Tôi là thầy mà có những vấn đề nhiều khi mấy anh sinh viên có tuổi hỏi, mình giải thích thế nào họ cũng không hiểu”!  Anh Y cho biết đó là một khái niệm quan trọng và cơ bản của Luận cương 1991, đó chính là khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo anh Y, đó là một mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Con cóc vàng ví như Chủ nghĩa tư bản

Con cóc vàng ví như Chủ nghĩa tư bản

Khi thấy bạn mình nói rằng nhiều khi học trò anh ta hỏi vặn, lắm lúc anh ta cũng bí không giải thích nổi, vì khi giải thích, thầy bắt buộc phải giải thích theo y như giáo trình của Đảng, thì nó có nhiều mâu thuẫn không đồng nhất. Lúc ấy tôi chợt nghĩ trong đầu, nói chuyện với ai chứ nói chuyện với mấy ông thầy “triết” thì chán lắm! Để cắt chủ đề, tôi liền đề nghị với anh bạn: “Tụi mình nói chuyện khác, còn chuyện đó tôi sẽ viết trên blog, anh giới thiệu cho học trò anh đọc, dễ hiểu lắm. Truyện thiếu nhi ấy mà”! Nghĩ nói vậy cho qua chuyện, song hôm qua anh Y lại email nhắc cái “nợ” của mình.

Thôi, viết lên đây để anh Y và mọi người cùng đọc và hiểu cái khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN thực chất là gì. Xin nói đó là điều rất đơn giản và dễ hiểu.

Theo kinh nghiệm cũ ngày còn là học sinh phổ thông, khi đi dạy Bổ túc văn hóa môn Toán cho bà con nông dân, nếu dạy nông dân các phép cộng (+), trừ (-), nhân (x), chia (:) mà cứ đúng như bài bản thì cả tuần họ chẳng hiểu gì, nhưng nếu lấy đơn vị là tiền ra làm ví dụ thì họ hiểu nhanh lắm, như có phép thần. Lấy cách suy nghĩ và so sánh kiểu “công nông”, trước tiên để anh Y và các bạn đọc đọc câu chuyện thiếu nhi sau đây:

Nòng nọc con tìm mẹ

Con nòng nọc ví như thời kỳ quá độ

Con nòng nọc ví như thời kỳ quá độ

Chuyện rằng: Một đàn nòng nọc bơi quanh ao tìm mẹ. Gặp cô cá Chép, lũ nòng nọc cứ nghĩ là mẹ của chúng liền bám riết và gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi”! Cô cá Chép thấy vậy bảo chúng: “Mẹ của các cậu có mắt lồi ra cơ”! Đàn nòng nọc vội vàng bơi đi tìm mẹ mắt lồi.

Vừa thấy cô Tôm có mắt lồi ra, nòng nọc mừng rỡ gọi to: “Mẹ ơi, mẹ! Chúng con đây!”. Nhưng cô Tôm đáp: “Cô không phải là mẹ của các cháu, mẹ của các cháu có bốn chân kia…”.

Đàn nòng nọc lại tiếp tục đi tìm, và chúng gặp bác Rùa. Thấy bác có bốn chân, nòng nọc vui mừng gọi: “Mẹ ơi!”. Bác Rùa lắc đầu: “Ta không sinh ra các cháu, mẹ các cháu có bụng trắng cơ…”.

Đàn nòng nọc chưa nghe bác Rùa nói hết đã vội bơi đi. Chúng tìm gặp chị Ngỗng lông bụng trắng như bông gọi: “Mẹ, mẹ!”. Chị Ngỗng cười: “Mẹ của các em biết hát “ộp, ộp” cơ…”!

Đang thất vọng, chợt nòng nọc nghe có tiếng gọi: “Các con yêu, mẹ ở đây này!”. Một chị Ếch có đôi mắt lồi, có bốn chân và biết hát “ộp ộp” xuất hiện.

Đến lúc này nòng nọc chưa tin ếch là mẹ mình liền hỏi: “Mẹ ơi sao mẹ không có đuôi như chúng con?”. Mẹ Ếch giải thích rằng: “Các con là ếch còn bé, đuôi chưa rụng, khi các con lớn đuôi sẽ tự rụng và các con sẽ giống mẹ bây giờ”. Khi ấy lũ nòng nọc mới tin ếch là mẹ thật của nó và bây giờ chúng mới tìm được đúng mẹ. (Hết chuyện)

Kinh tế thị trường định hướng XHCN (quái dị) – con cá có chân

Kinh tế thị trường định hướng XHCN (quái dị) – con cá có chân

Chuyện dân gian đơn giản như thế, không cần phải hiểu theo thuyết tiến hóa của sự sống rằng mấy vạn năm trước từ loài cá đã có sự tiến hóa lên thành loài ếch mà bằng chứng là con nòng nọc (trứng ếch mới nở).

Vậy bây giờ chúng ta hãy ví dụ:

1. Cộng sản (Chủ nghĩa xã hội) ví như là con
2. Tư bản (Kinh tế thị trường) ví như là con ếch

Ngày xưa, Bác Hồ đã chọn cho dân tộc ta đi theo con đường sống dưới nước của cá và thế là toàn Đảng toàn dân ta triệu người như một cắm đầu cắm cổ ”bơi” theo, vì nghĩ Bác Hồ có bao giờ mà sai! Nhưng tới những năm cuối thập kỷ 80, các quốc gia đi theo con đường của cá như Liên Xô và các nước Đông Âu chết mất ngáp hàng loạt. Lúc đó Đảng ta mới giật mình hiểu rằng mình đi lạc đường, dân ta là người chứ không phải cá, là người thì phải đi theo con đường của ếch mới đúng. Đó cũng chính là lý do có công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng.

Đang là cá sống dưới nước bây giờ “đổi mới” nhảy ngay lên trên cạn thì chết, và cũng xấu hổ với quần chúng nhân dân, do vậy muốn chuyển từ cá sang thành ếch (từ nước lên cạn) thì phải dùng con nòng nọc làm trung gian, hơn nữa con nòng nọc chỉ cần bỏ cái đuôi là thành ếch, nên khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN (cái đuôi) là cái đáp ứng đủ hai yêu cầu nói trên

Con nòng nọc chính là thời kỳ quá độ và là bước đệm để trứng ếch trở thành ếch một cách hoàn chỉnh. Cái vấn đề mấu chốt ở đây là cái ĐUÔI định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường cũng chính là cái đuôi con nòng nọc! Khi nào nòng nọc đứt đuôi, nó sẽ thành con ếch hoàn chỉnh, cũng như khi nào Đảng ta “đứt đuôi con nòng nọc” (bỏ cái kinh tế thị trường XHCN đi) thì khi ấy chúng ta sẽ là một nước tư bản hoàn hảo.

Dễ hiểu chưa! Điều đó cho thấy rằng cái định hướng XHCN kiểu theo CN Mác – Lênin chỉ là “quả lừa ảo” không hơn không kém, bởi kinh tế thị trường là có yếu tố bóc lột, là trái với quan điểm của CN Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì làm sao có thể tiến hành thời kỳ quá độ được và tiến lên Chủ nghĩa cộng sản được?

Còn câu hỏi bao giờ thì con nòng nọc đứt đuôi? Xin trả lời, về mặt khoa học là khi nòng nọc tiêu hóa hết chất dinh dưỡng vốn có trong trứng của ếch, cái đuôi sẽ tự rụng, cũng như là khi nào cái danh cộng sản (cá) giả vờ không lừa được ai nữa và khi các quan chức cộng sản vơ vét đầy túi tham, thì khi ấy giống như con nòng nọc tự rụng đuôi, đảng ta sẽ bỏ cái đuôi định hướng XHCN để đàng hoàng là con ếch – tư bản với nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN – cái mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – theo kiểu “nói thẳng, nói thật” thực ra là như vậy! Không có gì mà khó hiểu quá phải không thưa bạn đọc?

Còn cái chủ nghĩa này nọ, tư tưởng của ông nọ, ông kia, chỉ là thứ màu mè của mấy lão chủ quán sắp sập tiệm lừa khách hàng “lớ ngớ” để bán món tả-pí-lù “CNXH con đường của Bác Hồ đã chọn”, cái món mà nhân loại không ai tiêu hóa nổi mà thôi! Chính cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ, Giáo sư Nguyễn Đức Bình đã từng nói toạc ra tại Hội thảo khoa học chủ đề “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn” tổ chức ngày 22/9/2009 tại Hà nội rằng: “Kinh tế thị trường có thể hiểu được, chỉ cần ra đường là thấy, nhưng định hướng XHCN chẳng thấy đâu…”(*).

Đó là Giáo sư Nguyễn Đức Bình nói đấy nhé, chứ không phải bọn “phản động” nói.

07/5/2010

K. M.

————
Ghi chú:
(*) http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/09/870053/

Nguồn: http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2010/05/30/chuy%E1%BB%87n-phi%E1%BA%BFm-bai-h%E1%BB%8Dc-kinh-t%E1%BA%BF-tt-d%E1%BB%8Bnh-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-xhcn-danh-cho-thi%E1%BA%BFu-nhi/

This entry was posted in Thư Giãn Cuối Tuần. Bookmark the permalink.