Đừng chuyển vị trí từ chủ đầu tư thành “nô lệ”

Diễn đàn VNR500 nhận được ý kiến day dứt và tâm huyết của độc giả Nguyễn Gia về vấn đề nhiều dự án đầu tư theo hình thức EPC của Việt Nam “rơi” vào các nhà thầu Trung Quốc. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết này và mời bạn đọc cùng phân tích, nêu giải pháp qua vnr500@vietnamnet.vn.

Chúng ta vừa kỷ niệm ngày phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Định hướng tiêu dùng trên không phải là chúng ta kỳ thị với hàng hóa nước ngoài mà mong có tác dụng động viên các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên về mặt chất lượng và giá cả để có thể cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa nước ngoài.

Cũng trong thời gian này, có một thông tin khiến mọi người phải lo ngại là hơn 90% các dự án thuộc các “ngành đầu nguồn”, do nước ngoài thi công theo hình thức EPC, lại rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Từ đó đẻ ra bao nhiêu hệ lụy về vật tư, máy móc, thiết bị, công nghệ, thời gian và cả nhân lực gần như 100% của Trung quốc và phía Việt Nam đứng ngoài! Nói cho sâu hơn là lấy ngân sách của ta giúp cho tăng GDP của nước ngoài.

Nếu tính tổng số tiền bỏ ra cho nhà thầu Trung Quốc chắc còn lớn hơn hàng tiêu dùng của người dân. Một câu hỏi đặt ra là vì sao chính các chủ thầu Việt Nam, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, lại sính hàng nước ngoài hơn người dân?

Tôi là cán bộ đã từng tham gia gọi thầu và đấu thầu ngay trong những ngày đầu, thời độc quyền ngoại thương. Gần đây, có điều kiện tư vấn cho một vài đơn vị trong đấu thầu dự án EPC, trong đó có cả nhà thầu Trung quốc, tôi không khỏi lo ngại vì các chủ thầu Việt Nam thường căn cứ theo giá thấp nhất.

Trong khi tài liệu huấn luyện của Ngân hàng Thế giới về đấu thầu có nhấn mạnh tới “giá được coi là thấp nhất” để xem xét đơn thầu và có tính đến sự tham gia của nước sở tại.

Theo tài liệu này, giá cung cấp ban đầu có thể thấp nhất nhưng máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, thời gian thực hiện chậm và giảm sự tham gia của nước sở tại thì sau này phải chi nhiều khoản như phụ tùng, bảo trì, môi trường… sẽ tốn kém hơn nhiều.

Như thế, tổng chi phí cho cả đời của dự án đâu còn là thấp nhất!

Nhiều chủ thầu có thể còn lý giải về khả năng nhà nhà thầu có thể lo về tài chính như nguồn vốn vay ưu đãi, kể cả vốn ODA, mà quên rằng “xuất khẩu tư bản để dẫn đến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ” với giá cao.

Trong trường học người ta chỉ dạy: “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng” mà ít ai dạy mặt trái, nguy cơ rủi ro của nghề kinh doanh.

Với hơn 40 năm trải nghiệm trong nghề này, tôi xin chia sẻ với những ai đang kinh doanh có liên quan đến đối ngoại rằng: “Khách hàng chỉ là thượng đế trước khi ký hợp đồng, họ sẽ là nô lệ sau khi hợp đồng đã được ký kết” và “Phụ tùng và công nghệ chính là vũ khí để buộc khách hàng là nô lệ”.

Câu nói này không của riêng tôi mà tôi học được của một đối tác người Anh sau khi thương lượng xong một hợp đồng, mà thời kỳ 1976 mới giá trị chỉ vài triệu USD thôi cũng là lớn lắm rồi, để tâm niệm trong đàm phán với nước ngoài.

Còn một câu nói “nặng” hơn, tôi thấy cũng cần nói ra để cảnh tỉnh, đó là lời dạy của một thầy giáo Algerie (hàm Bộ trưởng) sang đào tạo cho chúng tôi về hợp đồng phân chia sản phẩm (PS) dầu khí khi chúng ta bắt đầu kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Đó là “Trong mỗi hợp đồng bao giờ cũng có một tên ăn cắp và một người bị mất cắp”.

Trong thời hội nhập, đành rằng chúng ta đàm phán trên lập trường đúng đắn nhất là “Hai bên cùng thắng” (win-win position), song tôi nghĩ chia sẻ những suy nghĩ trên của mình với các doanh nghiệp vẫn có tính thời sự hôm nay.

Tôi may mắn còn tham gia thỉnh giảng ở một số trường và các doanh nghiệp, tôi vẫn nhắc tới các suy nghĩ trên khi trình bày về thương thảo và thực hiện hợp đồng đối ngoại cho các sinh viên và doanh nghiệp tham khảo: nếu tay vẫn “chưa nhúng chàm tham nhũng”, chủ yếu theo cách “gửi giá”, thì sẽ không khờ dại trên thương trường.

N. G.

Nguồn: http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=1080

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.