Đến ngày 25 tháng 8 năm nay, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 100 tính theo Dương lịch. “Đây là một hiện tượng chưa từng có từ thế giới cổ đại đến hiện đại đối với một danh nhân lỗi lạc” như đồng chí Đồng sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng Chính phủ viết trong lời tựa cuốn sách nhan đề Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt ban đọc.
Nhân dịp này, xin kính gửi lời nhiệt liệt chúc mừng Đại tướng, đến Anh Văn kính mến với lòng ngưỡng mộ sâu sắc và những cảm tình thân thiết nhất!
Thật vậy, có thể nói hiếm thấy quân đội nào trên thế giới mà cấp dưới gọi cấp trên bằng một từ rất thân mật là Anh, còn cán bộ chiến sĩ toàn quân thì gọi Tổng tư lệnh của mình là Anh cả! Phải chăng đây là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp “Phụ tử chi binh” của Ông Cha ta ngày trứớc?
Ngày 22 tháng 12 năm 1949, trong thư gửi Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và Dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quân đội, Bác Hồ viết : “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta” (1). Hơn 65 năm đã trôi qua, Đại tướng Võ nguyên Giáp luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, với sự tin yêu quý trọng của toàn quân toàn dân.
Khác với các vị Tổng tư lệnh khác trên thế giới, thường được giao nhiệm vụ thống lĩnh toàn quân khi quân đội ấy đã được tổ chức từ lâu, đồng chí Võ Nguyên Giáp có vinh dự và trách nhiệm lớn là người xây dựng và chỉ huy quân đội ta từ ngày đầu thành lập. Đồng chí đã dìu dắt một đội quân du kích với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, từng bước lớn lên thành những Trung đoàn, Đại đoàn thiện chiến để làm nên một Điện biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, đã phát triển thành một đội quân cách mạng chính quy hiện đại với những Sư đoàn, Quân đoàn hùng mạnh, quân số có lúc lên tới hơn một triệu rưỡi người để đi đến một Mùa Xuân Toàn Thắng! Qua hơn 30 năm xây dựng và chiến đấu dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ huy tài giỏi của vị Tổng tư lệnh của mình, đội quân đó đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, cùng toàn dân đánh bại quân đội xâm lược của hai đế quốc to, giành lại Độc lập Thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc. Đội quân đó được nhân dân cả nước gọi bằng cái tên trìu mến là Bộ đội cụ Hồ, với bản chất cách mạng tốt đẹp, thể hiện rõ trong Mười lời thề danh dự do Anh Văn soạn thảo từ những ngày chuẩn bị thành lập Đội Việt nam tuyên truyền Giải phóng quân .Được tô rất đậm nét trong thơ ca nhạc họa và các loại hình văn hóa khác của dân tộc, hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt nam trong thời đại mới. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công đầu trong việc tạo nên hình ảnh đó.
Trước khi đảm nhận trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó, Võ Nguyên Giáp là một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà giáo, chưa trải qua một Học viện hay trường lớp quân sự nào như Tổng tư lệnh quân đội các nước khác. Với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của Tổ quốc, đồng chí đã ra sức tìm tòi tự học, trân trọng di sản quân sự quý báu của dân tộc, nghiên cứu các tác phẩm quân sự cổ kim Đông Tây và kinh nghiệm của quân đội các nước anh em, đặc biệt là học tập trong thực tiễn, coi trọng tổng kết và nâng cao kinh nghiệm của cán bộ chiến sĩ, của nhân dân để bồi bổ kiến thức của mình, phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên ngang tầm cao nhiệm vụ. Sau khi đánh thắng quân đội xâm lược Pháp, sớm thấy nguy cơ xâm lược của đế quốc Mỹ với tiềm lực quân sự lớn và vũ khí trang bị hiện đại hơn quân Pháp nhiều lần, đồng chí đã đề nghị khẩn trương xây dựng quân đội ta từ đơn thuần bộ binh thành một quân đội gồm nhiều binh chủng và quân chủng để sẵn sàng đánh bại tên đế quốc đầu sỏ. Đồng chí đã cùng nhiều cán bộ cao cấp của quân đội ta sang Liên Xô nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng chính quy và tác chiến hiệp đồng binh quân chủng. Những kinh nghiệm đó đã được vận dụng một cách sáng tạo để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ trên miền Bắc.
Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Giám đốc Học viện quân sự cấp cao, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nói với phóng viên báo Quốc tế (1981): “Võ nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”. Trong một bài báo ngắn, không thể kể hết những minh chứng về tài thao lược của Tổng tư lệnh trong cuộc kháng chiến 30 năm chống giặc ngoại xâm, lại do tầm nhìn và hiểu biết của người viết còn hạn chế, nên chỉ xin đề cập một số việc điển hình: Đó là việc sớm nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của giải đất miền Tây Tổ quốc, đặc biệt là Tây Bắc và Tây Nguyên từ những năm đầu chống Pháp, là chủ trương sáng tạo “Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung” đề ra từ Thu Đông 1947, là sự lựa chọn sáng suốt mục tiêu tiến công mở đầu chiến dịch giải phóng biên giới Việt-Trung, là quyết định sáng suốt và quả đoán, kịp thời thay đổi phương châm và cách đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử… Trong kháng chiến chống Mỹ, đó là những kiến nghị với Bộ chính trị và Quân ủy trung ương về việc mở đường chi viện miền Nam trên đất liền và trên biển, mở mặt trận Đường 9, thành lập các Quân đoàn chủ lực, sớm dự kiến và chuẩn bị tốt chiến dịch đường 9 – Nam Lào, chọn hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam. Trên miền Bắc, đó là sự chuẩn bị chu đáo cho quân và dân ta, sự chỉ đạo sáng suốt về cách đánh của các lực lượng Phòng không – Không quân và Hải quân để đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ mà đỉnh cao là trận Điện biên phủ trên không, lần đầu tiên trên thế giới hạ bệ thần tượng B52 của Không lực Hoa kỳ! Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trên cơ sở làm tốt việc chuẩn bị về hậu cần và kỹ thuật, về thiết bị chiến trường, đó là sự chỉ đạo sâu sát đối với từng mặt trận để sáng tạo và nắm bắt thời cơ, tiến quân thần tốc, liên tiếp mở ba trận quyết chiến chiến lược thắng lợi để giải phóng miền Nam, kịp thời hạ lệnh giải phóng quần đảo Trường Sa và các hải đảo khác, chặn đứng mưu đồ của các thế lực bành trướng nước ngoài.
Là Bí thư Quân ủy trung ương và Tổng tư lệnh quân đội, có thời kỳ kiêm chức Tổng chính ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo và chỉ huy toàn diện, coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị, công tác quân sự cũng như công tác hậu cần, kỹ thuật; đi sâu chỉ đạo chiến lược cũng như nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, thường xuyên coi trọng tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, kế thừa, phát triển truyền thống và di sản quân sự quý báu của dân tộc lên một trình độ cao, dưới ánh sáng đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, xây dựng nên học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Các nhà xuất bản lớn trong và ngoài quân đội đã in ấn và phát hành hơn 100 tác phẩm của Võ Nguyên Giáp, bao gồm các luận văn về Tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đường lối quân sự của Đảng, về nền Khoa học quân sự Việt Nam, về Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, về Chiến tranh nhân dân đất đối không, Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, về Võ trang quần chúng cách mạng đi đôi với xây dựng Quân đội nhân dân, về Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng các tập hồi ký từ thời kỳ đầu thành lập Quân đội đến khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, về các đề tài kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật v.v… Với bao nhiêu tác phẩm quan trọng ấy, Võ Nguyên Giáp vừa là nhà Chính trị, nhà Quân sự, nhà Văn hóa, nhà Khoa học, nhà Lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Tổng tư lệnh “văn võ song toàn” mà còn là một người chỉ huy “đức tài trọn vẹn”, xứng đáng là học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Người là “Dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên trên hết), luôn đề cao vai trò của Hồ Chủ tịch, của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương và Ban chấp hành trung ương, giữ vững nguyên tắc của Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh phục tùng sự phân công của lãnh đạo, kể cả trong trường hợp sự phân công ấy không phù hợp với cương vị và sở trường của mình; có ý thức tự kiềm chế và chờ đợi để giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo, nhất là khi có ý kiến khác nhau.
Trong quân đội, đồng chí thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ, thương yêu quý trọng những ngưòi có đức có tài, mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến và phát huy trí tuệ của cấp dưới, khi gặp khó khăn thì cùng nhau bàn bạc để tìm cách vượt qua. Trong những ngày chiến đấu gay go ác liệt ở Điện Biên Phủ, đồng chí đã nhiều lần viết thư tâm tình với chiến sĩ, nêu rõ thuận lợi, khó khăn của hai bên ta, địch, phương hướng phấn đấu của ta và triển vọng thắng lợi của chiến dịch để mọi người thông suốt, quyết tâm xông lên tiêu diệt địch. Có mặt ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng tư lệnh , đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!” Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nói: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”, “ là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Xúc động trước tình cảm của người chỉ huy cao nhất của quân đội đối với các liệt sĩ hy sinh trên đỉnh đèo Phu lê Nhích, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 559 viết trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên được!”
Với công trạng, tài năng và đức độ như trên, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hạnh phúc lớn là được sự tin yêu và ngưỡng mộ hầu như tuyệt đối của toàn quân và toàn dân, sự kính trọng của Nguyên thủ quốc gia nhiều nước và bạn bè quốc tế. Đồng chí lại có hạnh phúc lớn là người sống lâu nhất trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Quân đội ta kể từ thời kỳ Tiền khởi nghĩa cho đến ngày nay. Ở nước ta, cũng ít thấy vị nào mấy chục năm sau khi rời khỏi cương vị lãnh đạo mà hằng năm, đến các dịp kỷ niệm sinh nhật, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 30 tháng 4 và ngày thành lập Quân đội nhân dân, lại được các vị cách mạng lão thành, đông đảo cựu chiến binh, các học trò cũ và đại diện các tầng lớp nhân dân trên cả nước mang những lẵng hoa tươi thắm hay những bức trướng với những câu thắm đậm nghĩa tình lần lượt đến chúc mừng. Hàng trăm đoàn, hàng ngàn người kế tiếp nhau, phải nhiều ngày mới hết!
Các tướng lĩnh, sĩ quan nguyên là Cán bộ, học viên khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tặng trướng năm 2001:
“Theo Bác, vì dân, tầm vũ súy,
Thao lược, quân công sánh Lý Trần,
Đẹp chín mươi mùa Xuân thế kỷ,
Sao vàng lấp lánh nét nhân văn”.
Đảng bộ và nhân dân quê hương Quảng bình đề tặng :
“Quảng bá uyên thâm vị tướng tài,
Bình sinh nợ nước nặng hai vai,
Ghi sâu công trạng ngời trang sử,
Ơn nghĩa nhân sinh thắm đượm hoài”.
Năm Đại tướng tròn 97 tuổi, Đại tá nhà văn Nguyễn Trần Thiết làm một bài thơ mừng với những câu ca ngợi như sau:
“Dù có truy tìm lịch sử khắp Đông Tây kim cổ,
Từ trước công nguyên cho đến ngày 25/8/2007 của thế kỷ XXI này,
Vẫn không có người thứ hai,
Mừng đại, đại thọ 97 Xuân,
Hãnh diện, hiên ngang đeo lon Đại tướng.
…….
Nếu có mời các nhà bác học châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại dương,
Cùng soi tìm chỉ thấy người duy nhất nêu gương,
Tròn 59 năm, tính từ ngày làm lễ thụ phong đã có 21535 ngày,
Anh Võ nguyên Giáp mang trên vai quân hàm Đại tướng.
Anh là Tướng trong lòng dân.
……
Anh là vĩ nhân
Sẽ sống mãi mãi trong dân vạn đời”.
Đây thực sự là phần thưởng vô giá dành cho một trong những vị khai quốc công thần, xứng đáng với 10 chữ vàng: “Võ công truyền quốc sử, văn đức quán nhân tâm” (2) do Viện Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh kính tặng.
Sẽ là thiếu sót nếu tôi không giới thiệu một số nhận xét của các tướng lĩnh và nhà nghiên cứu nước ngoài và cả của đối phương đối với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
– Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở Luân đôn, coi “Võ nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Cutudốp, Giucốp v.v…, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.
– Tân bách khoa toàn thư của nước Anh xuất bản năm 1985, trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutudốp, Napoléon v.v. đã giới thiệu 2 danh tướng Việt nam là Hưng đạo đại vương Trần quốc Tuấn (Tập 10, tr.88) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tập 10, tr. 493-494).
– Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, tướng Peter Mac Donald đánh giá: “Từ năm 1944 đến 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
– G.Bonnet viết trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp: “Là người tổ chức Quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mác-xít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.
– Tướng Mỹ Oétmôlen thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”.
– Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy Quân đội của vị Tổng tư lệnh, đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại… Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong 2 siêu cường thế giới)… Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”… “là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.
– Bách khoa toàn thư quân sự Bộ quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Nhớ lại đầu năm 1948, sau khi quân và dân ta đánh bại cuộc tiến công lớn vào căn cứ địa Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta do Đại tướng Valluy là Tổng chỉ huy quân viễn chinh xâm lược Pháp chỉ huy, Trung ương Đảng và Chính phủ lần đầu tiên phong quân hàm cho một số đồng chí lãnh đạo và chỉ huy Quân đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng. Khi sự kiện này được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vì sao một lúc phong nhiều tướng tá như vậy? Việc phong cấp này dựa theo những tiêu chuẩn nào? Hồ Chủ tịch trả lời ngắn gọn: “Đánh thắng Đại tá phong Đại tá, đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng, thắng Trung tướng phong Trung tướng, thắng Đại tướng phong Đại tướng”. Cho đến nay thì nguyên Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã mang quân hàm Đại tướng hơn 60 năm!
Sau 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh của toàn quân và toàn dân, trên cương vị Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ đánh thắng 1 đại tướng đối phương, mà đã lần lượt đánh thắng 7 đại tướng Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp và 3 Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội xâm lược Mỹ! Trong khi nêu cao vai trò quyết định của quần chúng nhân dân, chủ nghĩa Mác-Lênin không bao giờ phủ định vai trò của các nhân vật, của cá nhân trong lịch sử! Một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh từng viết: “Dàn nhạc hay phải có nhạc trưởng giỏi, trận đánh thắng phải có người chỉ huy tài…”, lô gích sơ đẳng đó không thể bỏ qua vì lý do “đề cao công lao tập thể”!
Theo lô gích ấy và lập luận đầy sức thuyết phục của Bác Hồ khi phong quân hàm năm 1948 thì sau khi đánh thắng 10 Đại tướng đối phuơng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lẽ ra phải được phong hàm Nguyên soái từ lâu! Đó cũng là nguyện vọng chung của đông đảo Cựu chiến binh và tuyệt đại đa số đồng bào cả nước. Nguyện vọng đó đã từng được một đại biểu của thành phố mang tên Bác trình bày trước Quốc hội cách đây hơn 10 năm. Đây không chỉ là việc của một cá nhân mà là niềm vinh dự và tự hào chung của mọi người Việt Nam yêu nước, là sự tôn vinh một trong hai thời đại chống ngoại xâm oanh liệt nhất của lịch sử dân tộc, thời đại đánh thắng những tên xâm lược quốc tế có tham vọng làm bá chủ toàn cầu! Đó là 30 năm ở thế kỷ XIII, dân tộc ta đánh thắng 3 cuộc tiến công của đế chế Nguyên Mông dưới sự thống lĩnh của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và 30 năm đánh thắng 2 đế quốc to ở thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Không phải ngẫu nhiên mà khi bình chọn Danh tướng thế giới, các nhà khoa học lịch sử quân sự nhiều nước đã bình chọn 2 vị Thống soái của Việt nam có chiến công nổi bật nhất tiêu biểu cho hai thời đại đó! Nhiều người cho rằng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp xứng đáng là Anh hùng dân tộc, và cùng có chung nhận xét: “Một trong muôn vàn biểu hiện sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã phát hiện sớm và trọng dụng đúng nhân tài, chọn Võ Nguyên Giáp làm người phụ trách công tác quân sự của Đảng ta”.
Cách đây 15 năm , khi Đại tướng sang tuổi 85, nhân dịp mừng Xuân Bính Tý, người viết bài này có thơ chúc như sau:
“Bính Tý Xuân này Anh tám lăm,
Như cây đại thụ của toàn quân,
Đức tài trọn vẹn lừng Danh tướng,
Tâm hồn, đức độ xứng Hiền nhân.
Trọng trách Bác trao Anh đã trọn,
Quân tin dân quý nghĩa tình thâm,
Điện Biên tiếng sấm còn vang dội,
Đại thắng mùa Xuân mãi lẫy lừng.
Thế sự nhân tình dầu thay đổi,
Danh vẫn trường tồn với núi sông.
Thiên niên kỷ mới đang chào đón,
Chúc Anh trường thọ vượt trăm Xuân!”
Đến nay thì Đại tướng đã vượt qua ngưỡng cửa MỘT TRĂM XUÂN rồi! Một lần nữa, xin kính chúc Đại tướng mạnh khỏe, minh mẫn, sống lâu để chứng kiến các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm 35 năm Đại thắng mùa Xuân, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm thành lập Quân đội nhân dân, để tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!./.
TP Hồ chí Minh, tháng 12/2007
HMP
————
(*) Đại tá Hoàng Minh Phương là Trợ lý Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong sổ tay của ông còn giữ được một Nhật lệnh viết tay của Đại tướng ngay giữa chiến dịch. Năm 1956 ông trở thành Thư ký của Đại tướng trong nhiều năm rồi vào Nam tham gia Mặt trận Khe Sanh và trở về làm Trưởng khoa lý luận chung Viện Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng và Phân viện phó Phân viện chiến lược cấp cao Bộ quốc phòng. Đến 1978 ông là Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 mặt trận Căm Pu Chia. Được phong Trung tá năm 1958, suốt cuộc đời binh nghiệp ông chỉ lên hai bậc. Là một nhà lý luận quân sự xuất sắc, ông cũng được dự kiến phong học hàm Giáo sư quân sự đợt I nhưng về sau không phong – BVN chú.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 1947-1949; tr.3.
(2) Tạm dịch: Chiến công lưu truyền lịch sử dân tộc,
Nhân văn đức độ thấu tận lòng người.