Toàn bộ cuộc họp báo ngày 4-8-2010, sau khi Chính phủ họp, là về chuyện “tái cơ cấu Vinashin” và có một thông báo riêng của Chính phủ về Vinashin. Thứ bảy, 7-8-2010 Phó thủ tướng thường trực, Trưởng ban chỉ đạo “tái cơ cấu Vinashin” đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ gồm các Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và nhiều Thứ trưởng đại diện các Bộ khác đã có buổi thăm, làm việc với các cán bộ chủ chốt của Vinashin. Trong tình hình khẩn cấp, xáo động, nhất là sau khi cựu Chủ tịch của Tập đoàn bị khởi tố và bắt tạm giam tối 4-8-2010, là việc làm cần thiết “nhằm lấy lại tinh thần” cho cán bộ, nhân viên của Vinashin để tiếp tục sản xuất và tổ chức lại Tập đoàn mới 4 tuổi đời thành một “Vinashin mới” sau 4-5 năm nữa.
Nhưng đừng vấp lại các sai lầm cũ để Vinashin sẽ “thực sự mới” vì “Vinashin cũ” cũng đã thực sự là rất “mới” trong suốt 4 năm tuổi của mình.
Thông báo ngày 4-8-2010 về Vinashin, nêu ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bên bờ vực phá sản của Vinashin:
“Về khách quan, thị trường đóng tàu và vận tải biển thế giới sụt giảm đột ngột”.
Nhưng nguyên nhân chính là “những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu”.
Chính phủ cũng nhận thấy trách nhiệm của mình, “việc quản lý Nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế nói chung và Tập đoàn Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả”.
Tuy nhiên Thông báo đã nêu “ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của Tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển, từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn và đến năm 2010 tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất. Các năm 2008, 2009, Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần để xử lý các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển đối với Tập đoàn Vinashin với các giải pháp khá đồng bộ”.
Thông báo cho thấy Chính phủ đã rất sát sao, chỉ đạo kịp thời và đưa ra các giải pháp khá đồng bộ, nhưng lỗi chính là do lãnh đạo Vinasin đã không thực hiện đúng sự chỉ đạo và các biện pháp đó.
Có cái gì đó rất mâu thuẫn ở đây. Chắc chắn việc vay tiền của Vinashin phải được Chính phủ chấp thuận, chắc chắn các dự án lớn cũng thế. Khó có thể nói các ông Vinashin hoàn toàn tự tung tự tác mà không ai biết, dư luận đã lên tiếng, hàng chục cuộc thanh tra cũng đã được tiến hành, và như thông báo trên cũng cho thấy Chính phủ đã rất sát sao. Thế mà tình hình thì lại bi đát đến như vậy, thực không thể hiểu nổi (hay cố tình không muốn hiểu). Có lẽ cần đi sâu xem xét những mâu thuẫn này thì may ra mới có thể tìm được cách giải quyết thấu đáo.
Trong khi trả lời báo chí trong cuộc họp báo tối 4-8-2010, Phó thủ tướng thường trực đã có một câu rất đáng chú ý, “yếu kém này là do cơ chế”. Có thể hiểu câu này theo nhiều cách. Lỗi là tại cơ chế, không phải của ai cả, làm sao mà phạt, mà bỏ tù cơ chế được? Tôi hy vọng đây không phải là cách hiểu và diễn giải của các nhà lãnh đạo. Mà giả có hiểu như thế thì cũng vẫn có thể hỏi tiếp: ai tạo ra cái cơ chế ấy? Ai điều hành cái cơ chế ấy? Và phải dẫn đến câu trả lời: phải xóa bỏ tận gốc rễ cái cơ chế ấy đi. Cũng phải quy trách nhiệm cho những người tạo ra và vận hành nó nữa.
Hãy chỉ nhớ lại một trong vô vàn sự “sát sao” như vậy. Hồi tháng 5-2008, trong cuộc làm việc của Chính phủ với các tập đoàn và khi ông Chủ tịch Vinashin than vãn vay ngân hàng lãi suất cao và “chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu” với lãi suất mềm hơn vay ngân hàng từ “sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt”. Phó thủ tướng cắt ngang “Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu? Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn”.
Xem xét kỹ thì cả cái “cơ chế” lẫn những con người đều có lỗi và suy cho cùng vẫn phải là những con người cụ thể gắn với sự kiện cụ thể này.
Thông báo nói trên còn nêu các biện pháp tái cơ cấu Vinashin mà việc đoàn công tác của Chính phủ thăm cán bộ chủ chốt của Vinashin để làm “công tác tư tưởng” là một khâu quan trọng đầu tiên.
Thông báo cũng yêu cầu “tạo sự đồng thuận về chủ trương, mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ, bảo đảm thực hiện có kết quả việc củng cố, ổn định và phát triển Tập đoàn Vinashin”.
Cũng có thể hiểu “tạo sự đồng thuận” ở đây theo nhiều nghĩa. Nếu hiểu là phải răm rắp làm theo các biện pháp “tái cơ cấu” và không được bàn luận gì thêm, ai bàn thêm đều bị “chiếu tướng”, thì chỉ là đi theo con đường cũ, nhất thiết dẫn đến kết quả cũ và sẽ chẳng bao giờ có “Vinashin mới” cả. Tôi hy vọng các vị lãnh đạo không hiểu như vậy.
Bài đã đăng trên Tiền phong nhưng đây là bản nguyên vẹn do tác giat trực tiếp gửi cho BVN.