Phần 1
Căng thẳng giữa hai nước Trung – Mỹ ngày càng gia tăng kể từ đầu năm nay. Các hành động được cho là nhắm vào nhau như các cuộc diễn tập quân sự trên biển mà hai nước thực hiện trong thời gian gần đây, cũng như các phượng tiện truyền thông Trung Quốc có các bài viết nhắm vào Hoa Kỳ, hay các lời nói giữa các quan chức hai nước trong các cuộc họp cũng như xuất hiện trên báo chí, cho thấy, có một sự đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc.
Căng thẳng giữa hai nước hiện đang diễn ra như thế nào? Liệu sự đối đầu hiện nay có dẫn đến sự đụng độ quân sự giữa hai cường quốc hay không? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân điểm qua các sự kiện có liên quan.
Tập trận quân sự nhắm vào nhau
Ngay sau khi hải quân Mỹ và Nam Hàn lên kế hoạch tập trận chung ở bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của tàu sân bay USS George Washington để phản đối Bắc Hàn đánh chìm tàu chiến của Nam Hàn, cuối tháng 6 vừa qua, hải quân Trung Quốc cũng đã trả đũa lại bằng một cuộc tập trận có bắn đạn thật ở ngoài khơi biển Nhật Bản, trong sáu ngày, kể từ ngày 30 tháng 6.
Cùng thời điểm với cuộc tập trận chung bốn ngày của Mỹ và Nam Hàn diễn ra hôm 26 tháng 7, vào ngày hôm đó, hải quân Trung Quốc cũng đã thực hiện một cuộc tập trận có trận bắn đạn thật, với quy mô lớn trên Biển Đông, cùng với sự tham gia của nhiều nhóm tàu chiến, tàu ngầm và máy bay.
Đầu tháng 8, không quân Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận trên không, kéo dài 5 ngày, kể từ ngày 3 tháng 8. Cuộc tập trận này có bắn đạn thật, mang tên “Tiền vệ 2010” (Vanguard-2010), được cho là có quy mô lớn nhất, với khoảng 12.000 binh sĩ tham gia, cùng 100 máy bay các loại.
Mặc dù phía Trung Quốc cho rằng, cuộc tập trận này là một phần trong các cuộc tập trận quân sự hàng năm, thế nhưng báo giới nước ngoài cho rằng, các hoạt động như thế thường được diễn ra trong vòng bí mật và báo chí không được đưa tin, trong khi lần này quân đội Trung Quốc đã để cho các cơ quan truyền thông đưa tin, nhằm mục đích phô trương sức mạnh, để trả đũa cuộc tập trận chung giữa Mỹ – Nam Hàn.
Ngay sau cuộc tập trận “Tiền vệ 2010” kết thúc, hôm 8 tháng 8 vừa qua, tàu USS George Washington đã có mặt ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng, và cũng đã đón tiếp một phái đoàn, gồm các viên chức Chính phủ và quân đội Việt Nam. Hai ngày sau, tàu USS John McCain cũng đã đến thăm Việt Nam, nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, và hải quân Việt – Mỹ cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập chung, mặc dù không mang tính tác chiến, mà chỉ đơn thuần là các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ trên biển, thế nhưng Bắc Kinh cho rằng, các hoạt động chung này nhằm mục đích chống lại Trung Quốc.
Mới đây, tin tức Quân đội Trung Quốc cho biết, đêm 11 tháng 8, các phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã tham gia một cuộc tập trận ban đêm chưa từng có, ở vùng biển Hoàng Hải.
Tham gia cuộc tập trận này gồm các phi cơ chiến đấu của Trung Quốc, thuộc hạm đội Bắc Hải, cất cánh từ bán đảo Liêu Đông và Sơn Đông. Giới chuyên gia cho rằng qua cuộc tập trận này, Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy rằng, họ có khả năng đáp trả các cuộc không kích ban đêm, như các cuộc tấn công của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh và Kosovo.
Phía Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự mới nhất, kéo dài khoảng mười ngày giữa hai đồng minh Mỹ – Nam Hàn, bắt đầu từ ngày 16 tháng 8 được cho là lớn nhất, với khoảng 56.000 quân Nam Hàn và 30.000 quân Mỹ tham gia. Cuộc tập trận có tên gọi “Người bảo vệ tự do Ulchi” (Ulchi Freedom Guardian 2010), được cho là lớn nhất, theo tướng Walter Sharp, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Hàn (USFK) và cũng là người chỉ huy cuộc tập trận chung này, cho biết, đây là một trong các cuộc tập trận quân sự hỗn hợp lớn nhất thế giới.
NATO ở châu Á?
Ngoài các cuộc tập trận của hai nước Trung – Mỹ diễn ra trong khu vực, phía Hoa Kỳ cũng đang củng cố các mối quan hệ với các nước khác ở châu Á. Ở khu vực Đông Nam Á, tháng 7 vừa qua, Mỹ đã khôi phục quan hệ với lực lượng đặc biệt của Indonesia sau 12 năm gián đoạn. Và hôm 17 tháng 8 vừa qua, hai nước Việt – Mỹ từng là kẻ thù trước đây, cũng đã có một cuộc hội đàm quốc phòng đầu tiên, kể từ khi kết thúc chiến tranh cách nay 35 năm.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, Mỹ cũng đã có các hoạt động quân sự với các nước khác mà các chuyên gia cho rằng với mục đích chống lại thái độ hiếu chiến của Trung Quốc. Hôm 16 tháng 8 vừa qua, ngay khi cuộc tập trận chung giữa Mỹ – Nam Hàn bắt đầu ở vùng biển Đông Á, thì ở Kazakhstan, quân lính hai nước Anh – Mỹ cũng đã bắt đầu mười ngày tập trận quân sự có tên “Steppe Eagle 2010”. Cuộc tập trận này diễn ra ở biên giới Kazakhstan, gần biên giới Trung Quốc, phía Tây Bắc.
Mặc dù tin tức cho biết, cuộc tập trận này là một phần trong chương trình hòa bình của khối NATO, thế nhưng chuyên gia nhận định rằng, cuộc tập trận nói trên nằm trong kế hoạch của Washington về một NATO ở châu Á, được thiết kế để bao vây và vô hiệu hóa Trung Quốc, và kế hoạch của Mỹ không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á và khối ASEAN.
Riêng ở phía Nam Trung Quốc, một viên chức cấp cao thuộc không quân Ấn Độ, gần đây đã tiết lộ rằng, Chính phủ Ấn Độ đang nâng cấp một căn cứ không quân gần biên giới Trung Quốc cho các máy bay chiến đấu. Theo tin từ trang web US Defense News cho biết, những hành động này là một phần của nỗ lực tăng cường sự phòng thủ của Ấn Độ để chống lại Trung Quốc.
Hồi tháng 6 vừa qua, Ấn Độ cũng đã thông qua một hợp đồng trị giá $3,3 tỷ đô la để mua thêm 42 máy bay chiến đấu, đất đối không và không đối không, loại Su-30, để thực hiện kế hoạch mà Ấn Độ muốn có 272 máy bay vào năm 2018. Viên chức Ấn Độ nói trên cũng cho biết thêm về máy bay chiến đấu Su-30 như sau: “Máy bay có trang bị hạt nhân Su-30MKI có thể bay vào sâu bên trong Trung Quốc nếu được tiếp nhiên liệu từ trên không”.
Ở phía Tây Trung Quốc, theo tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hôm 11 tháng 8, ngoài 30.000 quân Mỹ, lực lượng Hỗ trợ Hòa bình Quốc tế do khối NATO dẫn đầu ở Afghanistan hiện có gần 120.000 quân từ 47 nước, gồm các lực lượng đến từ các nước Châu Á -Thái Bình Dương như Nam Hàn, Mông Cổ, Malaysia, Úc và New Zealand.
Ngoài các hành động diễn tập quân sự của hai cường quốc được cho là nhắm vào nhau, cũng như việc Hoa Kỳ củng cố mối quan hệ với các nước khác để chống lại sự hiếu chiến của Trung Quốc, sự đối đầu giữa hai nước Trung – Mỹ còn thể hiện qua các hành động nào khác? Đó sẽ là nội dung của phần kế tiếp.
Phần 2
Sự đối đầu giữa hai cường quốc Trung – Mỹ không chỉ thể hiện qua các hành động quân sự của hai nước.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đã có nhiều bài viết nhắm vào Hoa Kỳ, cũng như các viên chức nước này đã tấn công Hoa Kỳ bằng những lời nói, và phía Mỹ cũng đã có những lời nói đáp trả lại, cho thấy có một sự đối đầu căng thẳng giữa hai nước. Mời quý vị nghe Thông tín viên Ngọc Trân tường trình tiếp.
Báo chí Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ
Ngoài các hành động quân sự của hai nước được cho là nhắm vào nhau, báo chí Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng đã liên tục công kích Hoa Kỳ. Trong khi truyền thông Mỹ và các nước phương Tây chỉ với mục đích đưa tin, báo chí Trung Quốc xuất hiện như một thứ vũ khí mà Bắc Kinh sử dụng để tấn công Washington.
Và việc đưa tàu sân bay Mỹ đến tập trận với kẻ cựu thù Việt Nam đang dẫn đến những suy đoán về việc liệu có phải Hoa Kỳ nhất quyết xây dựng một phiên bản NATO ở châu Á hay không?
Bà Lý Hồng Mai
Trong một bài xã luận đăng trên báo Global Times, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 10 tháng 8 đã viết: “Hoa Kỳ đang cố gắng củng cố ảnh hưởng trong khu vực. Ở mức độ nào đó, họ có thể làm được điều này, gây ảnh hưởng toàn cầu và sử dụng sức mạnh kinh tế… Mỹ đang trở lại Đông Nam Á với một chương trình nghị sự chính trị rõ ràng. Họ đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng và tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực, nhưng họ cũng đang bị nghi ngờ với nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Các nước xung quanh khu vực phải nhìn thấy các chiến thuật này của họ”.
Hai hôm sau, trong một bài viết đăng trên tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có tựa đề “Mỹ xây dựng một phiên bản NATO ở châu Á”, Bà Lý Hồng Mai, tác giả bài báo và là bình luận gia của tờ báo này, đã viết: “Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rõ ràng đã trở nên khó chịu trong những ngày gần đây và Hoa Kỳ lo lắng, tìm kiếm các nước trong khu vực bằng cách kích động sự bất mãn của các nước đối với Trung Quốc và kéo họ về phía Mỹ”.
Bà Lý Hồng Mai cho rằng việc Hoa Kỳ diễn tập chung với Việt Nam nhằm mục đích xây dựng khối NATO ở châu Á, để chống lại Trung Quốc. Bà viết tiếp: “Quyết định của Mỹ đưa một tàu sân bay vào tập trận ở Hoàng Hải được xem là đặc biệt khiêu khích, và một vài người Trung Quốc nghi ngờ rằng Washington đang gửi một ‘thông điệp mạnh mẽ’ về sức mạnh của Mỹ tới Trung Quốc cũng như Bắc Hàn. Và việc đưa tàu sân bay Mỹ đến tập trận với kẻ cựu thù Việt Nam đang dẫn đến những suy đoán về việc liệu có phải Hoa Kỳ nhất quyết xây dựng một phiên bản NATO ở châu Á hay không”.
Các quan chức Trung Quốc tấn công
Bên cạnh việc sử dụng báo chí để chỉ trích Mỹ, các quan chức Trung Quốc cũng đã không tiếc lời tấn công Washington.
Trong một bài viết có tựa đề “Mỹ bao vây Trung Quốc bằng NATO ở châu Á”, hôm 11 tháng 8, ông Đới Húc (Dai Xu), Đại tá Không quân và là chiến lược gia quân sự có ảnh hưởng ở Trung Quốc, đã viết: “Các cuộc diễn tập quân sự gần đây ở Hoàng Hải và tuyên bố can thiệp vào các vấn đề Nam Hải (tức biển Đông), là các nỗ lực để bao vây Trung Quốc. Hoa Kỳ đang cố gắng xây dựng khối ‘NATO ở châu Á’ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á”.
Mỹ không được phép gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc bằng cách cộng tác với các nước láng giềng…
Ông Đới Húc
Sau khi cáo buộc Hoa Kỳ bao vây Trung Quốc, ông Đới Húc cũng đã lớn tiếng đe dọa Mỹ, rằng: “Để ngăn chặn việc Mỹ bao vây, Trung Quốc cần phải đưa ra quan điểm một cách rõ ràng. Mỹ không được phép ép buộc Trung Quốc nhượng bộ các vấn đề liên quan đến lãnh thổ của Trung Quốc và chủ quyền trên biển, thống nhất đất nước và các vấn đề trong khu vực. Mỹ không được phép gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc bằng cách cộng tác với các nước láng giềng… Nếu Hoa Kỳ điều chỉnh trọng tâm chiến lược toàn cầu, Trung Quốc cần phải đánh giá lại chiến lược của mình đối với Mỹ. Trung Quốc yêu hòa bình, nhưng cũng sẽ kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Hôm 14 tháng 8 vừa qua, trong khi cuộc thao diễn chung giữa hải quân hai nước Việt – Mỹ đang diễn ra trên biển Đông, tướng Lạc Nguyên (Luo Yuan), Phó Tổng thư ký Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, có bài viết đăng trên tờ Nhân dân nhật báo với tựa đề, “Hoa Kỳ tiến hành chính sách ngoại giao pháo hạm”, trong đó, ông Lạc Nguyên đã sử dụng những lời lẽ với mục đích đe dọa Mỹ.
Ông Lạc Nguyên đã viết: “Chúng tôi không muốn chống lại bất cứ nước nào, nhưng chúng tôi không sợ hãi nếu các quốc gia khác bỏ qua lập trường chính thức và lợi ích cốt lõi của chúng tôi. Một đất nước cần có sự tôn trọng và quân đội cũng cần phải có sức mạnh để răn đe. Trung Quốc tuân theo nguyên tắc ‘chúng tôi sẽ không tấn công trừ khi chúng tôi bị tấn công trước, và chúng tôi phải trả đũa nếu chúng tôi bị tấn công’. Đó chắc chắn không phải là trò đùa đối với người dân và quân đội Trung Quốc”.
Phía Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc thường lấy cớ phòng thủ để tấn công các nước khác. Các cuộc chiến của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua cho thấy, mặc dù lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố họ chỉ thực hiện các hành động quân sự với mục đích phòng thủ, thế nhưng Bắc Kinh đã không làm đúng như họ nói là “không tấn công trừ khi bị tấn công trước”. Chẳng hạn như, các hành động quân sự của Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên hồi thập niên 50, hay chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962, cũng như cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979, đều cho thấy Trung Quốc luôn ra tay trước.
Bên cạnh những lời công kích của ông Lạc Nguyên, ông Dương Nghị, Thiếu tướng Quân đội Trung Quốc cũng có một bài viết đăng trên tờ Nhân dân nhật báo, trong đó, ông Dương Nghị đã đe dọa: “Là một siêu cường duy nhất trên thế giới với một lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất, không có nước nào trên thế giới có thể ngăn các hoạt động của Hoa Kỳ, nhưng Washington chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho quyết định gây xáo trộn của họ”.
Đô đốc Mỹ trả đũa
Phía Hoa Kỳ, Đô đốc James Lyons, cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, cũng có bài viết đăng trên báo Washington Times, trả đũa lại Trung Quốc. Ông Lyons viết rằng: “Hoa Kỳ nên xem xét việc cho Philippines thuê vũ khí quân sự hiện đại để họ có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Hoa Kỳ nên xem xét cho thuê phi đội F-16 cùng các huấn luyện siêu âm T-38, một máy bay tuần tra trên biển, và hai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường FFG-7 để Philippines có khả năng thực thi chủ quyền lãnh thổ ngoài khơi”.
Bây giờ Chính phủ Obama đang trực tiếp thách thức Trung Quốc, Hoa Kỳ nên mở rộng quan hệ với ASEAN bằng cách xây dựng Hiệp ước Quốc phòng hỗ tương với Philippines.
Đô đốc James Lyons
Ông Lyons cũng đã viết thêm: “Bây giờ Chính phủ Obama đang trực tiếp thách thức Trung Quốc, Hoa Kỳ nên mở rộng quan hệ với ASEAN bằng cách xây dựng Hiệp ước Quốc phòng hỗ tương với Philippines”.
Liên quan đến một căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Subic, thuộc Philippines, mà hai nước Phi – Mỹ đã chấm dứt hợp đồng từ năm 1991, ông Lyons kêu gọi Hoa Kỳ nên đưa ra một thỏa thuận thương mại thương lượng với Philippines, để Mỹ có thể sử dụng các cơ sở hỗ trợ hậu cần ở căn cứ đó.
Liệu sự đối đầu giữa hai cường quốc có dẫn đến các hành động đụng độ quân sự giữa hai nước hay không? Mời quý vị theo tin tức trong những ngày kế tiếp.
NT