Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến là 56 km, mặt cắt rộng 27,5m chia làm 4 làn xe (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 932,4 triệu USD. Nguồn vốn này hợp thành từ vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản 516,5 triệu USD và vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) 410 triệu USD.
Công ty đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư dự án này cùng với hai dự án lớn khác là đường cao tốc Giẽ – Ninh Bình và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đồng thời đang lập dự án xây dựng 4 đường cao tốc khác là Nội Bài – Mai Dịch, Hà Nội – Lạng Sơn, Hạ Long – Móng Cái và Bến Lức – Long Thành. Toàn bộ chiều dài của 7 dự án khoảng 722km.
Riêng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chia làm 6 gói thầu xây lắp thu hút nhiều nhà thầu quốc tế lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc như Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, Tổng công ty xây dựng cầu đường Quảng Tây, POSCO, DOSAN (Hàn Quốc) và hầu như không có mặt các nhà thầu ở châu lục khác. Cũng vì vậy, trong danh sách sơ tuyển, chỉ thấy tên của các nhà thầu trên ở hầu hết các gói thầu của dự án đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và cả dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Dĩ nhiên, “xác suất” trúng thầu của họ rất lớn vì các tổng công ty thuộc Bộ GTVT và Bộ Xây dựng trong nước dù có liên danh vẫn thua kém xa về năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính. Nhà thầu Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) trúng gói thầu 1A trong bối cảnh như vậy. Gói thầu 1A bắt đầu từ đường Đỗ Xuân Hợp – quận 9 có chiều dài 3,5km (có 250m đường dẫn và 3.250m cầu cạn), giá trị gói thầu kể cả dự phòng phí xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, thời gian thi công 32 tháng tính từ tháng 10.2009. Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã ký hợp đồng trao thầu cho nhà thầu CRBC ngày 5.8.2009 tại Hà Nội và lễ khởi công tiến hành sáng 2.10.2009 tại quận 9. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát lệnh khởi công.
Tính đến ngày 15.8.2010, đã hơn 10 tháng trôi qua, nhà thầu RB mới xây dựng được trạm trộn bê tông xi măng và xưởng đúc dầm Super -T tại phường Phú Hữu – Q9, thi công được mấy trăm mét đường công vụ và khoan mấy cọc nhồi chưa thấy trụ cầu nào nhô lên mặt đất! Lác đác, đã thấy năm, ba máy khoan cọc nhồi nhập từ Trung Quốc vào và của vài ba nhà thầu nhỏ lẻ xung quanh TP HCM đưa tới nhận khoán. Với từng ấy công việc sau 10 tháng triển khai, khối lượng đạt được ước chừng 5-6% giá trị gói thầu. Theo hợp đồng ký kết, thời gian thi công chỉ 32 tháng thì với thời gian còn lại 22 tháng, chắc chắn RB sẽ không hoàn thành đúng tiến độ. Nhà thầu chậm trễ, chủ đầu tư (VEC) sẽ thiệt hại thêm khoản tiền thuê tư vấn giám sát và tiền quản lý, điều hành dự án. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ đầu tư cần có biện pháp cứng rắn với nhà thầu thông qua cơ quan tư vấn giám sát (Liên danh Nippon Koyei và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam) mới có thể giảm bớt hậu quả của việc chậm tiến độ do nhà thầu CRBC gây ra. Tuy nhiên ở một công ty mới thành lập cuối năm 2004, cán bộ lãnh đạo và các nhân viên đều yếu, thiếu kinh nghiệm quản lý nhưng lại được giao một khối lượng công việc khổng lồ thì việc kiểm tra, giám sát thường lỏng lẻo đã dẫn đến việc dự án xây dựng đường cao tốc Giẽ – Ninh Bình có mấy chục cây số thi công đã chậm tiến độ thì với hai dự án lớn đang triển khai, VEC còn luống cuống đến nhường nào? Có lẽ nhìn thấy rõ năng lực thực sự của VEC nên dù mới nâng cấp VEC lên thành tổng công ty theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ngày 11.6.2010, Bộ GTVT đã chia việc chuẩn bị đầu tư và quản lý dự án đường cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng cho Ban quản lý dự án 85 và ở phía Nam, thành lập thêm một Tổng công ty dạng như VEC mang tên Cửu Long lấy Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm nòng cốt.
***
Quay trở lại chuyện nhà thầu Trung Quốc, cái dớp chậm tiến độ xảy ra trên các công trình xây dựng hạ tầng phía Nam là chuyện… thường!… Người Sài Gòn chưa quên chuyện lình xình ở gói thầu số 10 của dự án Vệ sinh môi trường do nhà thầu Trung Quốc China State Construction Engineering Corporation (CSCEC) tức Tổng công ty Xây dựng quốc gia Trung Quốc trúng thầu với giá trị 85 triệu USD. Nhà thầu này thi công ì à ì ạch mãi nên sau 4 năm mới chỉ xong 65% khối lượng. Sau mấy lần xin gia hạn lẽ ra gói thầu phải kết thúc vào tháng 8.2009 nhưng cứ lỗi hẹn hoài. Hơn thế nữa, sau khi Ngân hàng thế giới (cơ quan tài trợ vốn cho dự án) phát hiện CSCEC có một thành viên ở Philippines liên quan đến vụ đưa hối lộ nên WB kiên quyết đòi Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường phải trục xuất nhà thầu CSCEC khỏi gói thầu số 10 và WB cấm nhà thầu này tham gia đấu thầu các dự án do WB tài trợ trên khắp thế giới. Để làm nốt khối lượng còn lại khoảng 25 triệu USD, Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường phải thương thuyết với WB đề nghị cho gia hạn thời gian vay vốn tới tháng 9.2011 đồng thời chia gói 10 còn lại thành 5 gói thầu nhỏ giao cho các nhà thầu trong nước thi công. Còn tại gói thầu số 7 – gói chính của dự án vệ sinh môi trường, cũng nhà thầu Trung Quốc là Jv of tinjin Machiney Equipement and CHEC3 bỏ thấp hơn giá sàn tới gần 30% nên họ đã trúng thầu từ tháng 10.2003. Gói thầu thi công trong 1.085 ngày (hoàn thành giữa tháng 11.2006) nhưng họ xin gia hạn 5,6 lần vì năng lực thi công và năng lực tài chính quá yếu. UBND TP Hồ Chí Minh cho lui tới tháng 12.2009 và cắt giảm khối lượng giao cho nhà thầu Italian Thai thi công nhưng nhà thầu Trung Quốc vẫn không bảo đảm đúng tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ dự án, làm tăng vốn đầu tư.
Nếu gói thầu số 7 và số 10 của các nhà thầu Trung Quốc chậm trễ chỉ gây trở ngại ở phạm vi của dự án dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì ở dự án xây dựng mới 16 cầu trên Quốc lộ 1 đoạn từ Cần Thơ tới Cà Mau, nhà thầu CSCEC (trúng thầu gói 2A xây dựng 9 cầu: Đầu Sấu, Cái Răng (Cần Thơ), Nàng Mau (Hậu Giang), Kinh Xáng, Nhu Gia Phú Lộc (Sóc Trăng), Nọc Nạn, Hộ Phòng (Bạc Liêu), họ đã gây biết bao vất vả, nguy hiểm cho người, xe lưu thông trên tuyến đường huyết mạch này. Tháng 3.2007, khi triển khai gói thầu, nhà thầu CSCEC hứa hẹn sẽ hoàn thành sớm trước thời hạn nhưng càng làm, càng thấy đuối vì các nhà thầu phụ chẳng mặn mà gì khi thấy giá giao thầu lại quá thấp, không đủ “sở hụi”. Vì vậy, sau hơn ba năm thi công, họ chỉ hoàn thành có 3 cây cầu: Đầu Sấu, Cái Răng và Nàng Mau. Sáu cầu còn lại nằm trên địa phận Bạc Liêu, Sóc Trăng khởi công vài tháng rồi tắt ngóm. Ông Lê Anh Tuấn – Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhắc mãi chẳng thấy tiến triển thêm đã báo cáo Bộ GTVT và chính phủ, đề nghị Tổng cục mở đường cho CSCEC tháo chạy… qua “ống đồng” bằng cách thanh lý hợp đồng trước thời hạn và đề nghị Chính phủ cho tổ chức đấu thầu 6 cầu nhà thầu Trung Quốc để lại. Các nhà thầu như Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới, Công ty cổ phần Đạt Phương trúng thầu vừa tái khởi động và phấn đấu đến tháng 2.2011 sẽ thông xe. Cũng nhà thầu này bỏ giá quá thấp nên được Ban QLDA Mỹ Thuận trao gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn vào cầu Cần Thơ phía thành phố Cần Thơ, có chiều dài 7,69km trong đó sẽ xây 6 cầu qua kênh Cái Tắc, Cái Da, Cái Nai, qua sông Cái Răng và vượt QL1. Thời gian thi công là 45 tháng. Do không đủ năng lực tài chính, không mấy nhà thầu phụ Việt Nam tham gia nên nhà thầu CSCEC thi công “rùa bò”, tiến độ hết sức chậm chạp. Dù cho tai nạn sập cầu dẫn xảy ra tháng 9.2007 làm gián đọan thi công gói thầu 1 (gói thầu chính) gần 10 tháng nhưng nhà thầu TQ vẫn dậm chân tại chỗ. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp với Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận kiên quyết đề nghị chấm dứt hợp đồng với nhà thầu CSCEC bằng cách thu hồi khối lượng xây dựng đường dẫn (khoảng 5km trị giá 100 tỷ đồng) giao cho nhà thầu Công ty Cổ phần công trình và thương mại GTVT (Traco) thi công từ ngày 25.10.2009 để kịp xong trước thời gian khánh thành cầu Cần Thơ. Nhà thầu CSCEC chỉ thi công mấy cầu dang dở.
Thông qua gói thầu số 10 tại TP HCM, gói 2A xây dựng 9 cây cầu trên QL1 và gói số 3 cầu xây dựng đường dẫn vào Cần Thơ, nhà thầu Tổng công ty Xây dựng quốc gia Trung Quốc “làm đâu thua đấy” vì họ đấu thầu giá thấp, rồi mỏi mắt tìm thầu phụ. Các nhà thầu lớn, nhiều kinh nghiệm, thiết bị đầy đủ ít khi nhận công trình kiểu mua đi, bán lại, chỉ những nhà thầu nhỏ, có dăm ba thiết bị, ít việc làm mới tham dự nhưng họ sẵn sàng bỏ cuộc khi thấy khó khăn. Nhà thầu chính không hoàn thành công trình theo hợp đồng đã ký kết nên họ tự loại mình ra khỏi dự án.
Chính họ đã tự bôi nhọ hình ảnh quốc gia khi bị “mời” về nước trước thời hạn hoặc bị cắt giảm khối lượng gói thầu..
Âu cũng là một bài học để đời cho các “chú khách” thường dương dương tự đắc, ỷ mình nước lớn không tôn trọng kỷ cương, pháp luật của nước chủ nhà. Và cũng thật đáng khen các Ban QLDA, khen chủ đầu tư đã có thái độ nghiêm khắc, xử lý đúng mực các nhà thầu Trung Quốc vi phạm hợp đồng đã ký kết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia!
LTT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập