Một cán bộ cao cấp trong quân đội 20 năm không có lương hưu – chuyện thật như đùa! Báo Người cao tuổi số 35 ra ngày 29 – 4 – 2010 đã có bài viết về điều này:
Vào lính Vệ quốc đoàn trước Cách mạng tháng Tám, từng đánh trận ở Điện Biên Phủ, từng làm nhiệm vụ đặc biệt gìn giữ thi hài Bác Hồ, từng là cán bộ nghiên cứu Lịch sử Quân sự, lặn lội tận đảo Trường Sa, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, được phong quân hàm Đại tá tháng 12-1987, đó là Đại tá Lê Quang Kha. Ông đã bị quên lãng suốt 20 năm trời (1989-2009), chỉ vừa mới được phục hồi chế độ chính sách và danh dự của một sĩ quan cao cấp nhưng câu chuyện ông kể vẫn sáng ngời phẩm chất của Anh bộ đội Cụ Hồ đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…
Người thông thạo ba ngoại ngữ
Đại tá Vũ Quang Kha kể: Tôi sinh năm 1930 tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay Hà Nội), là con ông Dương Quý Thiêm và bà Bùi Thị Thân. Cha mẹ đặt cho tôi cái tên là Dương Khả. Nhưng khi tôi nhập ngũ (13-6-1945), tham gia Đội vệ quốc quân thuộc Chi đội Ba Xã, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, đội do đồng chí Hoàng Long Xuyên, Chi đội trưởng đứng đầu, ông bảo tôi đổi ngay tên là Vũ Quang Kha. Bởi vì khả tiếng dân tộc Tày nghĩa là giết. Nếu không đổi, mỗi lần có ai gọi Khả ơi, lại bị bà con dân tộc hiểu nhầm thành giết đi! Từ đó, tôi đã quyết định đổi cả họ tên Dương Khả, thành Vũ Quang Kha, với hy vọng cái tên đó sẽ mang lại cho mình sự mạnh mẽ và quang minh chính đại.
Người lính già, đã bước qua tuổi 80, bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Ông tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà nhỏ ở đầu đường Vạn Kiếp, ngoài đê Sông Hồng. Căn phòng chỉ rộng khoảng 40 m2 bề bộn đồ đạc cũ kỹ và sơ sài, ngổn ngang chăn màn, quần áo. Chiếc bàn viết chật chội. Chiếc ghế duy nhất đã vỡ mặt, thủng chỗ ngồi, người ta bỏ đi từ lâu, ông nhặt về lót thêm cái chăn chiên dùng tạm. Đồ đạc trong phòng không có gì gọi là giá trị. Có lẽ chỉ bộ quân phục màu cỏ úa gắn sẵn quân hàm Đại tá và rất nhiều Huân, Huy chương… xem ra có giá nhất. Rồi các bằng khen, những cuốn sách cũ bằng tiếng Nga giấy đã ố vàng xếp hàng chồng lộn xộn.
Ơn cha mẹ sinh thành và dưỡng dục cho tôi sức khỏe và trí nhớ không đến nỗi nào, ơn Đảng và Quân đội cho đi học tập đào tạo. Tôi có 2 năm học trường lục quân bên Trung Quốc và 5 năm học Luật Quốc tế và tiếng Pháp ở bên Liên Xô cũ, nên giờ tôi sử dụng thành thạo cả 3 ngoại ngữ: Tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga – Ông Kha không giấu nổi tự hào. Rồi để chứng minh điều mình vừa nói, vị Đại tá nói một tràng tiếng Trung. Ông dịch chúng sang tiếng Pháp, rồi say sưa hát một bài ca bằng tiếng Nga…
Hồi làm việc với các chuyên gia Liên Xô trong việc bảo vệ thi hài Bác Hồ, các chuyên gia đều thừa nhận tôi phát âm chuẩn như người Nga – Ông Kha cho biết.
Đó là những năm từ 1969 đến 1973, quãng thời gian vinh dự và đáng nhớ nhất trong cuộc đời công tác của Đại tá Vũ Quang Kha. Giữa năm 1969, khi đang công tác tại Cục Bảo vệ – An ninh Quân đội, ông Kha là cán bộ duy nhất được Quân ủy Trung ương chọn và chỉ định tham gia một nhiệm vụ đặc biệt: Giữ gìn thi hài Bác Hồ. Là cấp dưới mẫn cán của tướng Lê Kính Chi, Cục trưởng cục Bảo vệ – An ninh quân đội, sau ông Chi làm Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghĩa là trước khi Bác mất 3 tháng, ông Kha đã được giao nhiệm vụ bí mật làm công tác chuẩn bị tìm hiểu các tài liệu về cơ thể học, giải phẫu, ướp xác… Sau Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Kha đã có khoảng thời gian 4 năm liền trực tiếp làm việc cùng Tổ Y tế đặc biệt và phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô trong nhiệm vụ giữ gìn thi hài của Bác tại Viện Quân y 108 và tại khu K9 – Đá Chông, Ba Vì (Sơn Tây).
Ngày đó, Vũ Quang Kha được giao trọng trách là Trưởng Ban Ngoại vụ. Ban công tác này có khoảng 30 cán bộ, nhân viên được tuyển chọn kỹ càng, chuyên phục vụ cho các chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì yêu cầu nhiệm vụ, chính ông Kha đã nhiều lần trực tiếp dùng tay không nâng thi hài của Bác trong dung dịch formon. Ông Kha đã 9 lần bị ngộ độc formon, có một lần bị nặng phải cấp cứu. Thậm chí tháng 10-1973, Vũ Quang Kha đã chết lâm sàng 24 tiếng đồng hồ. Đơn vị và gia đình đã bàn chuyện lo hậu sự thì ông sống lại. Hậu quả của việc ngộ độc hóa chất đó, còn ảnh hưởng đến tận bây giờ, khiến ông Kha vẫn nhiều lần phải vào viện định kỳ để xử lý tiêu độc.
Năm 1974, do sức khỏe yếu, Vũ Quang Kha được điều trở lại công tác ở Cục Bảo vệ – An ninh Quân đội. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới xảy ra, ông Kha được lên Quân khu II, làm Trưởng Phòng Ngoại vụ. Cuối năm 1981, cấp trên điều ông về Hà Nội, làm Cán bộ nghiên cứu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho đến ngày… nghỉ hưu không có lương.
Vị đại tá 20 năm bị lãng quên, không có lương thật
Dù nhập ngũ từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã kinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ rồi đường 9 – Nam Lào, lại có vinh dự đặc biệt 4 năm làm nhiệm vụ tham gia giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1987, ông Vũ Quang Kha mới được phong hàm Đại tá (Quyết định số 992/QPT của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Lê Đức Anh ký ngày 29-12-1987).
Vốn là người năng động, ham học hỏi, tìm tòi và mong muốn được cống hiến, trong mấy năm công tác ở Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông Kha đã dồn tâm sức dịch bộ sách quý Lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự dày cả nghìn trang in, được xuất bản năm 1986; nhuận bút được cơ quan trả chỉ đủ mua… 4 kg thịt lợn. Đại tá Vũ Quang Kha còn cùng một số nhà khoa học say sưa nghiên cứu và giới thiệu loại vật liệu xây dựng, đó là chất phụ gia OK1 của nhà khoa học Lê Công Hầu, có tác dụng chống thấm đặc biệt có thể ứng dụng cho Công trình Quốc phòng xây dựng biển đảo. Ông Kha khẳng định: OK1 có khả năng sử dụng nước biển, cát biển và đá biển để xây dựng công trình, không phải vận chuyển các vật liệu từ đất liền ra đảo, tiết kiệm được nhiều kinh phí, phương tiện, nhân lực. Đại tá Vũ Quang Kha đề nghị Bộ Quốc phòng cử mình ra… đảo Trường Sa để khảo sát, chứng minh thực tế.
Đó là những năm 1988 – 1990. Lẽ ra, khi một cán bộ quân đội xung phong đi làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa, thì phải được đơn vị ưu tiên, động viên, khen thưởng. Nhưng với Đại tá Vũ Quang Kha thì ngược lại. Ông bị trả một giá quá đắt. Nhân cơ hội ông vắng mặt ở Hà Nội, một vị tướng, thủ trưởng trực tiếp, vì không ưa cái tính cương trực, thẳng thắn của ông đã buộc ông phải nghỉ hưu vào những ngày ông còn đang lặn lội nơi đảo xa. Khi về tới Hà Nội, ông không nhận được quyết định bằng văn bản (chỉ thông báo mồm), rồi từ đó cũng không cho ông hưởng chính sách của một sĩ quan cao cấp. Ông Kha chấp hành, về nhà ngay tắp lự, cùng vợ tần tảo kiếm sống
Vậy là trong suốt 20 năm (1989 – 2009) Đại tá Vũ Quang Kha như bị người ta bỏ rơi và quên lãng. Hằng tháng ông không có lương, cũng không biết sinh hoạt Đảng tại đâu. Trong Đơn khiếu nại, ngày 10-9-2009, gửi Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, người lính già viết: 20 năm qua, tôi đã viết hàng trăm lá đơn xin về hưu và xin được nhận lương gửi các thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, nhưng vẫn chưa có văn bản trả lời và giải quyết.
Trong 20 năm ấy, vì không có lương, nên vị Đại tá đã phải sống nhờ vợ là bà Trần Thị Nhân, một cán bộ hưu lương thấp, phải cặm cụi sớm tối bán trứng vịt lộn và đi nhặt ve chai bán để nuôi gia đình. Người đàn bà đảm đang ấy không chỉ nuôi chồng Đại tá không lương mà còn nuôi cả 3 đứa con ăn học rồi cả ba tốt nghiệp đại học. Thu nhập quá ít, hai ông bà đành đi vay nợ nhiều nơi để cầm cự cuộc sống, để tồn tại và hy vọng.
Chưa bao giờ mất niềm tin vào Đảng và Quân đội, hàng ngày Đại tá Vũ Quang Kha vẫn lạc quan làm thơ, vẫn hát, vẫn nghiên cứu những Điều răn và chữ Nhẫn của nhà Phật. Ông còn đều đặn ghi nhật ký và những câu châm ngôn nổi tiếng gần xa kín cả 5 cuốn sổ, luôn động viên vợ con sống cho tốt, xây dựng gia đình có văn hóa…
Rồi vào một ngày đầu năm 2010, Nhà văn Diệu Ân, (cùng Tổng Biên tập báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa) đã giúp Đại tá Vũ Quang Kha, bằng cách đưa ông đến nhà riêng Thượng tướng Anh hùng LLVTND Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày cụ thể nguồn cơn. Ngay lập tức các cơ quan chức năng đã vào cuộc… Thì ra, chuyện một vị Đại tá bị lãng quên 20 năm là có thật 100%! Người ta đã có văn bản kết luận về việc phải giải quyết chính sách nghỉ hưu đối với Đại tá Vũ Quang Kha. Ngày 22-1-2010, thông qua Bảo hiểm xã hội quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, (nơi Đại tá Vũ Quang Kha đăng ký địa chỉ nghỉ hưu) ông nhận được số tiền truy lĩnh lương trong 20 năm là 385 triệu đồng và chênh lệch lương 4 năm đầu (1989-1992) là 40 triệu đồng. Số tiền đó, vị Đại tá mang về trả nợ những ân nhân đã cho mình vay mượn sống qua ngày trong 20 năm qua, trả hết tiền mà vẫn thiếu, còn phải nợ của 5 người 80 triệu đồng nữa.
Nhưng với tôi thế cũng là vui và hạnh phúc lắm rồi – Đại tá Vũ Quang Kha tâm sự – Nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại chiến trường không trở về. Không phải Anh bộ đội Cụ Hồ nào cũng may mắn đi qua 2 cuộc kháng chiến, được chứng kiến ngày toàn thắng 30-4. Tôi sẽ mặc lễ phục, đeo hàm Đại tá và cài Huân, Huy chương trong ngày kỉ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước!
KQH- ĐVH
Nguồn: nguoicaotuoi.org.vn