TT – Tuổi trẻ ngày 7-8 đăng bài “Khoán xe công sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng” ở trang 3, và trang 11 đăng bài “Cậu bé đi thi với 9 quả trứng”. Đọc kỹ nội dung của bài viết, một câu hỏi bật ra: nếu đem tất cả tiền tiết kiệm từ việc khoán xe công sẽ mua được bao nhiêu quả trứng cho những cậu bé con nhà nghèo chăm học và học giỏi?
Xin chép lại lời bình trên của báo Tuổi trẻ và xin thêm:
Còn có thể bình luận gì thêm khi đứng trước công dân là một guống máy vô cảm. Vô cảm và trâng tráo!
Bauxite Việt Nam
TT – Con đường đến nhà bạn Nguyễn Văn Nam (lớp 9A1 Trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đầy quanh co, trắc trở…
Dẫu đã có địa chỉ nhà trong tay và được nhiều người dân chỉ dẫn cụ thể bởi “thằng Nam học giỏi, ngoan hiền có tiếng” trong khu vực, chúng tôi cũng mất gần cả giờ xuôi ngược mới đến được nơi ở tạm của Nam.
Lớn lên như cỏ dại
Nam tiếp chúng tôi trong bộ quần áo rộng thùng thình càng làm nổi rõ sự gầy gò của mình. Câu chuyện được bắt đầu bằng một thông tin rất phấn khởi được chia sẻ từ cô Trần Thị Mỹ Dung (giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ): Nam vừa đậu vào Trường trọng điểm Cư M’gar của huyện với điểm số rất cao. Chỉ tiếc là khi thông tin ấy được nêu, mẹ của Nam là người duy nhất vô cảm, mắt vẫn nhìn lơ đễnh.
“Nó trước giờ vẫn vậy, đầu óc đâu có phút nào bình thường…”, bà ngoại Nam bật câu nói, giọng buồn tênh.
15 năm trước giữa gió ngàn cao nguyên, có một đứa bé không cha run rẩy cất tiếng khóc chào đời. Cậu bé Nam lớn lên như cỏ dại, nhưng kỳ lạ thay cậu vẫn nên người…
Mẹ và bà đều không có khả năng lao động, Nam lầm lũi làm việc luôn tay luôn chân sau mỗi buổi học, hết đi lượm củi, mót bơ lại nấu cơm, tắm và cho heo ăn… còn chút thời gian rảnh rỗi Nam tranh thủ trò chuyện cùng mẹ hoặc đấm bóp cho bà…
Đi thi với một chục trứng
Tuổi thơ buồn nhưng Nam chưa bao giờ nguôi hy vọng về tương lai. Và Nam gầy dựng niềm tin bằng việc dồn sức học hết mình.
Nhắc về sự ham học của Nam, bà ngoại Nam cho biết: “Tối nó thường lôi vở ra sau khi làm hết việc nhà. Còn sớm tinh mơ, gà chưa kịp gáy nó đã lục đục chong đèn ôn lại bài rồi đạp xe đến trường. Hôm nào nhà còn cơm nguội thì nó vét nốt, còn không thì nhịn đói đi học. Tui cũng muốn cho nó một, hai ngàn đồng để ăn bánh canh bên chợ, nhưng ngặt nỗi đám heo chưa đủ lớn để bán nên tiết kiệm từng đồng. Cái nhà này là của đám con gái lấy chồng dành dụm được chút đỉnh xây cho, chứ ngay cả cái áo tui còn không mua nổi. Đồ nó đang bận là đồ người ta cho…”.
Kham khổ là vậy nhưng Nam chưa bao giờ rời khỏi tốp đầu học sinh giỏi của Trường THCS Nguyễn Huệ với nhiều thành tích cấp tỉnh, huyện… Gần đây nhất, Nam đã kịp bổ sung giải học sinh giỏi môn địa lý cấp tỉnh trước khi đậu vào Trường cấp III trọng điểm của huyện Cư M’gar.
Do gần nhà không có trường, Nam phải tự lều chõng lên huyện ở trọ để đợi thi vào Trường Cư M’gar. Hành trang của Nam chỉ là sách vở, bao gạo nhỏ cùng một chục trứng. Sau kỳ thi kéo dài gần 30 ngày, Nam trở về mà vẫn còn một trứng trong bao!
“Em sợ dùng hết rồi thì sau đó sẽ không còn gì để ăn”, Nam thật thà tâm sự.
“Thú vui của Nam là gì?”. Nghe câu hỏi đó gương mặt Nam sáng bừng lên, bạn cho biết mỗi tuần thường dành hai giờ đạp xe ra huyện sử dụng Internet, bởi “Em tìm được rất nhiều thông tin hay ở đó, từ việc cập nhật kiến thức đến những việc lớn hơn đang xảy ra ở khắp nơi”.
Đang háo hức, Nam bỗng chùng giọng: “Nhưng em cũng hạn chế ra Internet lắm, vì mỗi giờ dùng tốn đến bốn ngàn đồng. Mà với bốn ngàn đó thì nhà em làm được biết bao việc…”.
CN
Nguồn: Tuổi trẻ, 7-8-2010