Trong những năm gần đây, nhiều vụ tai tiếng của các quan chức cao cấp là đảng viên Cộng sản tại Việt Nam bị phanh phui. Và những phóng sự của truyền thông trong nước cho thấy những quan chức đó không những lạm quyền, tham nhũng của công mà lại còn có lối sống buông thả với những hành vi tệ hại thua xa cả những thành phần bị cho là xấu xa nhất trong xã hội.
Nguyên nhân vì đâu đưa đến tình trạng bi đát đó, và cần phải làm gì?
Gia Minh nêu vấn đề ra với ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh triết. Trước hết ông lý giải tình trạng đáng quan ngại đó như sau:
Người cầm quyền phải biết nhận và chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Khắc Mai: Thật ra không phải lạ lắm, và cũng không phải khó hiểu, khó giải thích lắm. Lý do vì hiện nay có nhiều người đội lốt cách mạng thôi. Họ xưng là cán bộ nhưng nhân cách của họ là lạc hậu, hủ lậu. Điều đó tiềm ẩn trong con người của họ, chúng mang nhiều mặt nạ khác nhau. Những ‘đám ấy’ khi có quyền trong tay thì biến thành vua, thành chúa, rồi cước bóc của dân. Điều ấy không có gì lạ, xưa nay vẫn như thế.
Vấn đề là ngoài đạo lý ra còn phải có thiết chế văn minh, kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau được. Những người cầm quyền cần được đặt trong sự kiểm tra, giám sát. Ví dụ như chuyện ngày xưa Tôn Ngộ Không có gương chiếu yêu. Nhân dân có ‘gương chiếu yêu’ để soi vào thấy ai là ‘ma quỷ’. Hiện nay thiết chế của Việt Nam kém, giám sát xã hội yếu. Dân không có quyền lực gì; chỉ là ‘thần dân’ thôi.
Cũng may nay người ta phanh phui ra để thấy mà giật mình, để làm lại cho tử tế.
Gia Minh: Những người đó cũng chỉ nằm trong thiểu số chừng mấy triệu đảng viên thôi?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Đó là do cán bộ cấp cao cử ra chứ dân có bổ nhiệm đâu; rồi do phe cánh các thứ thôi.
Vấn đề này do trách nhiệm người cầm quyền. Không thể đổ trách nhiệm ‘thằng đó’ xấu. ‘Xấu’ vì anh đã giao quyền mà không kiểm soát được; rồi lại có ăn chia lợi lộc với kẻ xấu đó thế thì làm sao mà không hỏng.
Gia Minh: Ông vừa đề cập đến ‘thiết chế’ để cho những kẻ xấu tự tung tự, tác. Thiết chế đó tồn tại lâu nay rồi và có những khiếm khuyết như thế nhưng sao nó vẫn tồn tại?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Có thiết chế, nhưng không đủ sức và không hoàn chỉnh: giống như một cỗ máy mà bánh xe không khớp nhau, sao máy chạy tốt được. Thiết chế chưa hoàn chỉnh đâu, nên phải sửa, phải hoàn chỉnh. Vấn đề tam quyền phân lập cần phải đặt ra cho rành mạch, phải thúc đẩy để giám sát lẫn nhau, phía nào cũng thấy được kiểm soát, được trọng thị. Sau vài ba thế hệ, sẽ có đội ngũ công chức tử tế hơn thôi. Hiện nay không có, đang trên đà suy thoái, công chức mất lương tâm rồi.
Phải biết học hỏi thực tế văn minh
Gia Minh: Nếu thực hiện tam quyền phân lập thật rõ ràng thì lại giống các nước tư bản?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Đúng, cần như thế. Ngay Karl Marx và Engel cũng nói các người cộng đồng chủ nghĩa, tức người cộng sản (do dịch sai), phải biết học hỏi những thực tế văn minh – do sợ [nên] học văn minh của những nước ‘tậm tịt’ như Nga, Tàu – nên nói thêm là văn minh của những dân tộc hiện đại. Như vậy nay phải học chứ không thể lấy lý do gì để tránh né; mà tránh né là vớ vẩn thôi. Bài học lịch sử có rồi: như vua Nhật Bản là quân chủ mà còn biết sang phương Tây học để mang về văn minh, văn hóa cho nước Nhật nên mới phát triển.
Gia Minh: Ở Việt Nam thì nay người ta đề cập cần có đảng khác ngoài đảng cộng sản?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Đó là điều cũ rích. Thật ra tôi từng nói Ông Hồ đã chủ trương đa nguyên rồi. Ai biết chữ nên đọc lại tuyên ngôn cộng sản của Marx- Engel, trong đó hai ông này khuyên những người cộng đồng chủ nghĩa, tức cộng sản, phải biết đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc – dân chủ. Ông tổ đã nói thế rồi, có gì mà sợ.
Trong Hiến pháp cũng khẳng định điều này rồi. Người ta sợ vì muốn chiếm lấy quyền độc nhất mà thôi; không cho ai ngồi vào ghế ấy để bàn cả.
Dân chủ, trước sau gì cũng phải làm
Gia Minh: Sắp đến đây đại hội Đảng, là người trí thức ông thấy có những việc như phải có tam quyền phân lập, phải có nhiều tiếng nói khác nhau, vậy còn có những việc gì cần phải làm càng sớm càng tốt?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Cần làm nhất là mời dân vào bàn việc. Dân là ai? Đó là những người có trí tuệ, có tâm huyết. Mời họ vào làm việc là sẽ ‘rõ’ ra thôi, không có gì khó lắm đâu.
Không mời là quyền của ‘người ta’; nhưng quy luật vận hành trước sau gì cũng phải đến điều đó thôi, vì đất nước là của dân, chế độ nhà nước là của dân. Đến một lúc mà dân không được mời thì họ sẽ ‘gạt ra’ và lúc đó sẽ có lộn xộn; đó là điều chẳng hay ho gì. Do đó phải tìm giải pháp cho có văn hóa, mà thế giới từng đã có; và dân tộc Việt Nam cũng thế: các triều đại Đinh- Lê- Lý- Trần từng chuyển giao quyền lực một cách êm thấm; đâu có gì mà không làm được. Dân tộc cũng tạo ra bài học đó rồi, nay chỉ học cha ông mà làm thôi.
Gia Minh: Đối với người trẻ khi gặp họ, ông hay khuyên thế nào?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Không phải tôi khuyên họ mà chính họ đang khuyên tôi, và những người trí thức trẻ trong giới doanh nhân, công chức và cả trong Đảng họ khuyên nhiều điều tôi thấy hay lắm.
Họ nhận định còn quyết liệt hơn tôi nhiều, họ nói bây giờ phải dân chủ, phải thật sự dân chủ, phải thật sự tôn vinh trí thức, phải tạo ra cơ chế để chọn được người tài năng vào cuộc, chứ không phải chỉ có ‘con ông, cháu cha’ dắt nhau vào. Đó là những điều họ nói rất phải lẽ mà trước sau gì cũng phải làm thôi. Một dân tộc văn hiến, trước sau gì cũng phải làm như thế.
Gia Minh: Chân thành cám ơn ông.
Nguồn: RFA, 05-8-2010