Vấn đề Biển Đông với Việt Nam vẫn là một dấu lặng khó hiểu

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bà Hillary Rodham Clinton đang chuẩn bị ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (ARF) trước giờ bế mạc Hội nghị ASEAN lần thứ 17 ở Hà Nội, ngày 23/07/2010. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bà Hillary Rodham Clinton đang chuẩn bị ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (ARF) trước giờ bế mạc Hội nghị ASEAN lần thứ 17 ở Hà Nội, ngày 23/07/2010. (Nguồn: Reuters)

Điều mà Trung Quốc lo ngại và muốn tránh hôm nay đã thành hiện thực. Sau một thời gian dài im lặng, trong Hội nghị an ninh khu vực các nước ASIAN ngày 23/07/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hillary Rodham Clinton đã thẳng thừng bày tỏ quan điểm rằng việc duy trì tự do thông thương trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông là thuộc lợi ích quốc gia của các nước trong đó có Hoa Kỳ.

Trong đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Robert Gates cũng đồng thanh tuyên bố: “Biển Đông là khu vực quan ngại ngày càng gia tăng. Vùng biển này không chỉ quan trọng đối với những nước tiếp giáp với nó, mà còn là mối quan ngại đối với tất cả các quốc gia có lợi ích kinh tế và an ninh ở Á Châu“.

Trung Quốc từ lâu đã khoanh vùng biển này thành vùng (được gọi là) lưỡi bò, bao trùm dọc theo bờ biển của Việt Nam, qua bờ biển của Philippin, kéo tận xuống Malaysia và gẩn đến Indonesia và tuyên bố vùng biển này thuộc chủ quyền của họ. Như vậy một cách công khai, Trung Quốc đã xâm phạm phần lớn hải phận quốc tế trong vùng, đồng thời lấn chiếm chủ quyền biển đảo của nhiều nước có thềm lục địa tiếp giáp. Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm dụng, gần như mất hoàn toàn chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vùng biển rộng lớn này sở dĩ có tầm mức quan trọng vì:

1) Khả năng có nguồn tài nguyên với những túi dầu rất lớn,

2) Là tuyến đường biển có lưu lượng hàng hải trên 50% của cả thế giới, nối Châu Á với Châu Âu, Trung Đông, và Châu Phi.

Riêng đối với Trung Quốc, trong ý đồ trở thành cường quốc số 1, vùng biển này còn có một tầm quan trọng đặc biệt, đó là đầu tuyến để phong tỏa phía Nam bán cầu.

Trong khi Hoa Kỳ cho rằng muốn bảo vệ quyền tự do đi lại vì lợi ích quốc gia trong hải phận quốc tế ở đây thì ngược lại Trung Quốc tỏ ra giận dữ vì cho rằng xâm phạm vào vùng biển này là xâm phạm vào vùng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng tỏ ra muốn hỗ trợ giải quyết tranh chấp biển đảo và lãnh hải theo Công ước của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc thì vẫn tuyên bố là chủ quyền vùng biển này và những quần đảo trong đó có Hoàng Sa Trường Sa theo kiểu của riêng mình, họ còn cho rằng Hoa Kỳ đang can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác. Trung Quốc đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ đang cấu kết với nhiều nước trong vùng để gây thù địch (?) với Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ đặt trọng tâm hãy tách rời vấn đề vùng biển quốc tế và vấn đề chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên nhiều tác động cho thấy Hoa Kỳ vừa thay đổi thái độ với Trung Quốc từ mềm giẻo trở thành cứng rắn không phải chỉ riêng vì lợi ích quốc gia, mà còn vì động thái bành trướng của Trung Quốc đã đi vào giai đoạn đe dọa toàn cầu. Hoa Kỳ cũng đã (tương đối) rảnh tay ở Trung Đông để tập trung vào an ninh và nền hòa bình ở Á Châu và Thái Bình Dương.

Nhiều chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có tầm quan trọng trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Clinton biểu hiện rõ ràng mong muốn Việt Nam cùng cộng tác trong phương án kết hợp ngăn chặn, bà đã bắn tiếng chung ở hội nghị:“Hoa Kỳ cam kết làm việc với các bạn để đem lại hòa bình, thịnh vượng, an ninh và cơ hội nhiều hơn cho tất cả mọi người dân ở khu vực Á châu – Thái Bình Dương. Để làm được điều đó, chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng tôi mong được làm việc với các bạn”.

Sau lời tuyến bố của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bà Clinton, Trung Quốc càng lên giọng cho rằng có chủ quyền“không thể tranh cãi” đối với toàn bộ Biển Đông, nhưng lại có thái độ tỏ ra „tử tế“ hơn khi nói rằng vẫn „cho phép“ những quốc gia khác được tự do thông thương qua vùng biển và trên vùng không gian. Trạng thái biến đổi „cứng – mềm“ này có ý nghĩa gì?

Trung Quốc cũng đang dùng chiêu bài „chỉ muốn giải quyết tranh chấp song phương với từng quốc gia“ trong vùng Biển Đông. Nhưng ai cũng hiểu rõ rằng đây chỉ là sự dụ dỗ nhằm lẩn tránh áp lực của „sức mạnh liên minh“. Mưu đồ làm chủ thế giới của của Trung Quốc với sự xâm lấn chủ quyền của các nước khác đã vào thời điểm nghiêm trọng và nỗ lực ngăn chặn vấn đề đang được quốc tế hóa.

Việt Nam hoàn toàn bị động trong sự việc tranh chấp chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này của Việt Nam đã bị Trung Quốc chủ động xâm chiếm. Kể từ đó, sau phản ứng yếu ớt, Việt Nam đã im lặng và tỏ ra bất lực gần như đến độ chấp nhận hoàn cảnh này. Qua khẩu hiệu “bốn tốt“ và „mười sáu chữ vàng“, Việt Nam lại còn tỏ ra thân thiện với Trung Quốc một cách đáng ngờ vực. Người dân Việt Nam đã bị Nhà nước trấn áp khi lên tiếng phản đối, cần thiết thì họ phải lén lút bày tỏ. Ai cũng biết rằng Nhà nước Việt Nam đang núp dưới bóng Trung Quốc để giữ chắc lợi ích phe nhóm trong quyền lực lãnh đạo đất nước.

Rõ ràng Nhà nước Việt Nam đã vì quyền lợi của Tổ chức (đảng Cộng sản Việt Nam) mà quên đi quyền lợi của Tổ quốc.

Hình ảnh ngư dân bị lính Trung Quốc uy hiếp ngoài Biển Đông (Nguồn: Onthenet)

Hình ảnh ngư dân bị lính Trung Quốc uy hiếp ngoài Biển Đông (Nguồn: Onthenet)

Mặt khác, sự ám ảnh của quá khứ chiến tranh làm cho cái nhìn của Nhà nước Việt Nam về Hoa Kỳ và các nước đồng minh -trong đó có liên hiệp Châu Âu – vẫn còn trong sự nghi hoặc và đố kỵ. Tuy nhiên để bảo vệ chủ quyền của đất nước – mà kẻ xâm lăng lại là Trung Quốc – thì VN còn có con đường nào?

Dư luận Hoa Kỳ và các nước Á Châu cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ trong hội nghị đã vén màn lên án Trung Quốc bành trướng trong đó có phần bày tỏ quan ngại đối với việc Hải quân Trung Quốc ngày càng trở nên hung hãn, uy hiếp tầu đánh cá và bắt bớ giam cầm ngư đoàn của những quốc gia khác trong vùng, trong đó có nhiều trường hợp là ngư dân Việt Nam.

Lời tuyên bố dõng dạc của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bà Clinton phản đối sự xâm lược của Trung Quốc đang làm phấn chấn các nước bị ảnh hưởng và nhiều quốc gia đang lên tiếng ủng hộ. Nhưng riêng ở Việt Nam, cho đến hôm nay vẫn chưa có quan chức tầm cỡ nào (dám?) công khai quan điểm của mình. Giới quan sát linh cảm một sự ngấm ngầm khó hiểu trong nội bộ cấp lãnh đạo của Nhà nước. Tuy nhiên điều này cũng có thể hiểu được nếu vì an ninh và bí mật quốc phòng.

Nhưng giới truyền thông trong nước cũng hoàn toàn im lặng, đấy hẳn là một sự thể quá đỗi bất cập. Kinh nghiệm từ vụ „Đường sắt Cao tốc“ – thông qua những bài viết từ các chuyên gia, bình luận gia – đã chứng tỏ tác dụng ưu việt của sự công khai thông tin trong dư luận. Diễn đàn báo giới với thông tin đa chiều đã hướng dẫn vấn đề đến phương án giải quyết có thể đạt được „lợi ích quốc gia“ (theo lối nói của Hoa Kỳ) hoặc „lợi ích cốt lõi“ (theo lối nói của Trung Quốc) đúng và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề Biển Đông vẫn là một dấu lặng khó hiểu.

Việt Nam đang đứng trước „ngã ba lịch sử“. Để giành lại chủ quyền biển đảo, Việt Nam nên công khai đặt câu hỏi theo hướng khách quan và tự tin là: „chọn Hoa Kỳ hay chọn Trung Quốc là đồng minh“ thay vì theo lối đi đằng sau: „theo Mỹ hay theo Tàu“.

Đây có thể là một „cơ hội“! Mà cũng có thể là một „đại nạn“! Một tình huống nếu sáng suốt, Việt Nam sẽ từ đây có thể trở thành một nước cường thịnh như  Nhật, hay Singapore, hoặc Nam Hàn… ngày nay. Hoặc cũng có thể rồi sẽ từ đây mà trở thành một „Bắc Hàn anh em“… cũng không chừng. Tình thế đang hết sức khẩn trương và quả bóng là nằm trong tay Việt Nam!

HLV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa. Bookmark the permalink.