Người Trung Quốc nắm nhiều dự án trọng điểm của Việt Nam

Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia chiếm tới 90% các dự án tổng thầu EPC. Xét riêng về điện, đã có nhiều dự án tỷ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD, điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD, điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD…

Từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần 117 tỷ USD phục vụ cho các công trình xây dựng hạ tầng. “Việt Nam cần xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn. Nếu các gói thầu trọng điểm tiếp tục rơi vào tay Trung Quốc thì vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc gia thực sự đang rất đáng lo ngại” (Lời bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội).

BVN đã từng vạch rõ hai nguyên nhân: đưa giá thầu rẻ mạt và nhất là món lại quả rất xôm (cái gọi là “chi phí quan hệ” = 30% tổng gói thầu, khiếp không!), đó là miếng mồi câu được kẻ rất sành tâm lý đem ra câu nhử chúng ta, mà mấy vị “chánh phó tổng” các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và kể cả những vị ngồi trên cao chót vót nữa kia, không ai là không dính. Dính rồi thì cố nhiên là mắc vào bẫy của ông “láng giềng 4 tốt” ngay: Dây chuyền công nghệ thì cũ kỹ, là loại chính họ đã phải thải đi để nhập những dây chuyền mới vào nước họ. Còn tiến độ thì cà rịch cà tàng “Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé”. Điều đáng rầu là ai cũng biết cả, bởi từ vài thập kỷ nay chúng ta đã mắc với họ biết bao nhiêu lần rồi, thế mà có một kẻ cầm chịch nào thấy cần rút kinh nghiệm đâu. Miếng mồi béo làm cho mắt híp lên thì còn đâu mà nghĩ đến lợi ích sống còn của quốc gia nữa. Muốn tiến lên hay tụt hậu mặc xác chúng mày!

Cứ xem cung cách các quan chức Bộ GD & ĐT xử lý với những nhà lãnh đạo tâm huyết của hai trường ĐH Đông Á và Phan Châu Trinh thì biết. May mà ở Hội An còn có được một ông Bí thư Thành ủy công tâm nên bà Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhà ta mới đành phải hủy giấy cách chức ông Hiệu trưởng Phan Ngọc Thu rồi sau đó co giò bỏ chạy, chứ giá thử không có một Bí thư Thành ủy cứng cựa như thế thì số phận ĐH Phan Châu Trinh sẽ ra sao? Hoặc giả nói ngay như ĐH Đông Á ở Bắc Ninh, số phận các vị GS Việt kiều quá ngây thơ và tin tưởng ở chính sách của Đảng và Nhà nước sắp tới sẽ ra sao? Đây là chuyện đã từng xảy ra với bạn tôi, anh Nguyễn Lộc, Hiệu trưởng ĐH Văn Hiến SG, người từng ôm ấp giấc mộng lớn lao xây dựng một trường ĐH cho ra ĐH, thế mà bây giờ thì thế nào? Bây giờ… anh đang phải chống chọi với cú đột quỵ thình lình vì những oái oăm hệt như hai trường ĐH vừa dẫn.

Có lẽ đã đến lúc không còn kết luận nào khác hơn mấy câu của nhà giáo Phạm Toàn: Không giỡ ra làm lại tất cả thì bất kỳ cái gì cũng chỉ đổ hỏng, nói gì đến việc đấu thầu các dự án lớn nhỏ.

Nguyễn Huệ Chi

Trong cuộc chạy đua giành giật thị phần, hàng nội vẫn chưa thắng trên sân nhà. Những gói thầu lớn của Việt Nam đều rơi vào tay doanh nghiệp ngoại đặc biệt là các nhà thầu Trung Quốc.

Nhiều dự án liên quan đến điện rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhiều dự án liên quan đến điện rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại Hội thảo người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra ngày 6/8, bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội đưa ra con số khiến nhiều người giật mình. Theo bà Loan, hiện có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế – cung cấp thiết bị – xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.

Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét riêng về điện, đã có nhiều dự án tỷ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD, điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD, điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD…

Từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần 117 tỷ USD phục vụ cho các công trình xây dựng hạ tầng. “Việt Nam cần xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn. Nếu các gói thầu trọng điểm tiếp tục rơi vào tay Trung Quốc thì vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc gia thực sự đang rất đáng lo ngại”, bà Loan thẳng thắn.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là hồ sơ mời thầu các dự án lớn thường được giao cho các tư vấn nước ngoài soạn thảo. Các tiêu chuẩn được đưa vào hồ sơ một cách máy móc, sao chép lại từ các tài liệu được đánh giá là đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, rất ít doanh nghiệp Việt Nam lọt qua vòng sơ tuyển để dự thầu.

Ví dụ như trong lĩnh vực điện năng, ông Thành minh họa, ngoại trừ những trường hợp được chỉ định thầu, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn khả năng làm thầu phụ. Thậm chí nếu đơn vị Trung Quốc trúng thầu, doanh nghiệp Việt Nam khó có khả năng làm thầu phụ, vì nhà thầu nước bạn đã cung ứng hầu như tất cả vật tư, kể cả các bu-lông, ốc vít, và lao động phổ thông.

“Đối với các gói thầu với quy mô nhỏ, việc soạn thảo hồ sơ mời thầu có phần mềm hơn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện để dự thầu lại vướng phải các vấn đề chi phí lập hồ sơ đúng tiêu chuẩn và ‘chi phí quan hệ’ vô cùng lớn”, ông Thành nói.

Ông Thành nhấn mạnh, chính việc thất thoát chi phí công có khi lên tới 30%, chi phí quan hệ của Việt Nam lớn đã tạo ra thất thế cho hàng nội hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Nhà nước cần có quy định cụ thể hơn trong cơ chế đấu thầu, khuyến khích các doanh nghiệp dùng hàng nội. Các chỉ tiêu của hàng Việt cần phải được quy định rõ ràng trong các văn bản, bởi thực tế chưa có tiêu chí rõ ràng về hàng nội và hàng ngoại. Ông Phong minh họa, không ít mặt hàng sử dụng linh kiện ngoại, nhưng lắp ráp ở Việt Nam vẫn được nhiều người coi là hàng nội.

Các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo này cũng bày tỏ, việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước không được quan tâm đúng mức, khiến hàng hóa nước ngoài thường được ưu tiên sử dụng và doanh nghiệp ngoại có cơ hội thắng thầu. Khi gói thầu lớn rơi vào doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ nhập siêu ngày càng lớn hơn. Trong khi đó, nhập siêu là vấn đề lớn nhất của kinh tế trong nước năm 2010.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, nhập siêu hàng hóa đạt 7,4 tỷ USD, bằng 19,4% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu trong tháng 7 ước tính đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 19,8% kim ngạch xuất khẩu, con số này khiến nhiều người lo ngại khi cận kề mức cho phép 20% (chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra). Trong đó, nhập siêu về máy móc lên tới 60-70% tổng cơ cấu nhập siêu.

HL

Nguồn: http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/08/3BA1EE8F/

This entry was posted in kinh tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.