Dân Pháp nói không với cực hữu: Cái tát cho RN (Đảng của bà Le Pen)(*)

Thụy My

.

Nguyễn Xuân Thọ

Khi Macron tuyên bố giải thể Quốc hội và bầu cử sớm để phân chia lại quyền lực trong nước, tất cả đều bảo là cậu này điên rồ.

Rồi tuần trước bầu cử Quốc hội với số phiếu đứng đầu cho phe cực hữu của Le Pen, thứ hai cho phe cực tả của Mélenchon, còn khối cầm quyền của Macron chỉ đứng thứ ba. Ai cũng bảo Macron đang tự sát.

Hôm qua kết quả bầu cử bất ngờ ngược lại. Các bạn cực hữu tụt xuống thứ ba, khối cầm quyền của tổng thống ngoi lên thứ hai, còn các đồng chí cực tả trèo lên hạng nhất, nước Pháp vỡ òa.

Vỡ òa vì họ ngăn được bà cực hữu, bồ của bác Trump.

Nhưng rồi họ lại òa khóc vì bây giờ không biết đất nước sẽ được lãnh đạo kiểu gì. Họ sợ các bạn cực hữu lắm, vì nếu để các bạn cầm quyền thì đội tuyển Pháp làm gì còn những Mbappe, Dembele. Nhưng các đồng chí tả gồm có cả mấy ông cộng sản, mấy bà xã hội, các cậu choai xanh „vert“ và cả đám vô chính phủ siêu tả của Mélenchon sẽ giở trò gì thì chẳng ai dám tưởng tượng đến.

Thế là cả nước lại xúm vào chửi Macron là thằng điên.

Còn lâu cậu ấy mới điên. Tôi cho đây là nước cờ để chuyển hóa nền chính trị nước Pháp của cậu. Xưa nay Pháp chỉ quen chế độ để cho một đảng cầm quyền, bọn còn lại chỉ làm đối lập, vừa chửi vừa phá đám. Chửi mà không phá được vì Tổng thống Pháp to hơn cả Quốc hội và Chính phủ. Cần gì nó quyết tất.

Thời thế đã thay đổi, hệ sinh thái đảng phái của Pháp cũng đã thay đổi. Trước kia các đảng lớn là Xã hội (của Mitterrand, Hollande) và Gaullist, con cháu nhà De Gaulles (của Chirac) thay nhau cầm quyền. Nay các đảng này chỉ còn bán kiosk ở Quốc hội. Trong khi đó các đảng mới chưa sạch mũi như Renaissance của Macron và Front National của Le Pen lớn nhanh như thổi. Thế là Quốc hội giờ có khoảng chục đảng chia nhau 577 ghế. Làm cóc gì có ai đủ sức mạnh để một mình chấp chính nữa.

Người Pháp giờ đây sẽ phải học tập người Đức, người Ý, người Áo… để lập chính phủ liên minh, phải tập thỏa hiệp để ra chính sách. Đức đã chơi trò này 50 năm nay, có ai bị chửi là điên đâu.

Macron sẽ đi vào lịch sử khi đưa nước Pháp đi theo mô hình chính trị mới. Tất nhiên cậu chấp nhận ngậm quả đắng, phải lãnh đạo đất nước cùng với những thằng gàn hay chửi đổng từ phe đối lập. Nhưng đó là việc không tránh được nữa rồi.

Không tránh được thì lội ngược dòng. Lên được bờ thì thành anh hùng.

Tay này khôn. Nhưng có lẽ mọi trò do chị vợ già hơn 24 tuổi xui. Vợ già có cái hay của nó.

.

«Nước Pháp nín thở chờ đợi» – đó là tít của Le Monde xuất bản từ cuối tuần trước, và hôm nay 08/07/2024 nhật báo thiên tả Libération thở phào nhẹ nhõm «Ouf !» trên trang nhất, sau khi có kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai. Le Figaro nhận định «RN thất bại, cánh tả vượt lên trên phe Macron». La Croix nhấn mạnh «Nước Pháp nói không với cực hữu», còn Les Echos thẳng thừng chạy tít lớn «Cái tát».

Ông Jordan Bardella, chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) phát biểu trước báo chí ở Paris ngày 08/07/2024, một hôm sau cuộc bầu cử Quốc Hội vòng hai tại Pháp.

Ông Jordan Bardella, Chủ tịch đảng Tập hợp Dân tộc (RN) phát biểu trước báo chí ở Paris ngày 08/07/2024, một hôm sau cuộc bầu cử Quốc Hội vòng hai tại Pháp. REUTERS – Guglielmo Mangiapane

Kết quả thật bất ngờ: Cánh tả dẫn đầu, đảng cầm quyền về nhì, cực hữu về thứ ba, và ngay cả cánh hữu Những Người Cộng hòa (LR) cũng trụ lại được. Không có cuộc thăm dò nào dự báo được trật tự trên. Một lần nữa, người Pháp đã chặn đường cực hữu trong khi phe này ngỡ rằng sắp nắm được quyền lực.

Gió đổi chiều một cách ngoạn mục

Đảng Tập hợp Dân tộc (RN) không thể nắm quyền! Theo La Croix, đó là thông điệp của đa số dân Pháp trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai. Một sự xoay chiều ngoạn mục chỉ trong vòng một tuần lễ: Từ hy vọng có được đa số tuyệt đối, cực hữu chỉ còn là lực lượng đối lập đông nhất. Đó là nhờ chiến lược dồn phiếu cho những ứng cử viên có khả năng đánh bại RN. Cánh tả được lợi, nhưng cánh trung tập hợp dưới màu áo Ensemble! (tạm dịch Chung sức hay Đồng lòng) cũng trụ lại được.

Tuy nhiên nước Pháp có thể trở nên không thể lãnh đạo nổi, trừ phi đạt được các thỏa thuận. Một điều khó khăn trong khi ai cũng nghĩ đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2027. Tuy nhiên không nên để cho người dân một lần nữa lại phải đóng vai khán giả, hay quên đi những bất bình đã dẫn đến việc bỏ phiếu cho cực hữu. Sự thức tỉnh mới đây chứng minh một nước Pháp khoan dung, không nhường bước trước xu hướng cực đoan.

Mặt trận chống cực hữu tỏ ra hiệu quả

Nhật báo thiên tả Libération nói lời cảm ơn mặt trận cộng hòa, được quyết định nhanh chóng vào tối 30/06 ngay sau vòng đầu. Một lần nữa người Pháp chứng tỏ sự chín chắn về chính trị khi đi bầu đông đảo, nhằm bảo vệ những giá trị của kỷ nguyên Ánh sáng đã làm nên nền dân chủ Pháp. Những giá trị mà Tập hợp Dân tộc (RN) tuy trưng ra bộ mặt hòa dịu hơn, vẫn tiếp tục đe dọa.

Khi nói không với một chính phủ cực hữu, cử tri đã bác bỏ ý tưởng về một nước Pháp bài ngoại, tự cô lập, Nhà nước pháp quyền dần dà bị xói mòn. Tuy nhiên tờ báo cũng nhắc nhở cánh tả tuy say men chiến thắng nhưng nên tránh xu hướng cực đoan, và đừng quên cực hữu đang mạnh hơn bao giờ hết với số lượng đông đảo trong Quốc hội.

RN choáng váng trước thất bại bất ngờ

Les Echos nhận xét, chưa bao giờ đảng của bà Marine Le Pen lại có được những điều kiện thuận lợi như vừa qua. Nước Pháp ngả sang hữu, Tổng thống Macron bị chống đối, thủ lãnh cực tả Mélenchon càng bị ghét hơn. Thế rồi bỗng dưng những cử tri vắng mặt rời khỏi nhà, bỏ phiếu theo khuyến cáo của phe mình. Đất nước đứng lên và nói «không».

Theo Le Figaro, đây là thất bại nặng nề của Tập hợp Dân tộc (RN). Dù số ghế chiếm được nhiều hơn nhưng cũng không xóa được cú sốc. Họ đã đến quá gần quyền lực, đã thắng lớn trong hai cuộc bầu cử trước đó, chiếm được 1/3 số cử tri, nhưng rốt cuộc cực hữu vẫn gây lo ngại và ngờ vực cho đa số dân Pháp.

Từ chiến dịch ngăn chặn này, cánh tả được lợi dù căng thẳng về trường hợp Mélenchon, và chương trình chi tiêu vô cùng lớn được lập ra vội vã. Ba khối mà không khối nào có được đa số sẽ phải sống chung, với khả năng phe Macron liên minh với cánh tả. Đó là nghịch lý của cuộc bầu cử này. Emmanuel Macron khi giải tán Quốc hội đã gây bất bình cho những người thân cận với nguy cơ đảng cầm quyền sụp đổ, nhưng bộ ba sau bầu cử lại đặt ông vào vị trí trung tâm. Macron sẽ cố gắng thu phục ở cánh trung và cánh tả để lập đa số và chính phủ liên minh.

Cánh tả sẽ gây khó dễ cho ông vì họ về đầu. Và còn phải thương lượng giữa cực tả và phe dân chủ xã hội, đề nghị một nhân vật cánh tả được cả cánh trung lẫn cánh hữu chấp nhận làm Thủ tướng. Nguy cơ tê liệt định chế đang xa dần vì RN và LFI khó thể hợp thành phe đa số để cản trở. Khó khăn nhất là tìm được sự hòa hợp lâu dài. Một chính sách cánh tả cho một đất nước đã nghiêng sang hữu? Những ngày sắp tới sẽ phức tạp.

Nước Pháp hữu khuynh nhưng có nguy cơ phải theo đường lối cánh tả

Tương tự, xã luận của Le Figaro nói về nghịch lý «Nước Pháp hữu khuynh, mục tiêu thiên tả». «Mặt trận cộng hòa» được gấp rút dựng lên để chặn đường cực hữu được hưởng ứng đến nỗi liên minh cánh tả bỗng vọt lên dẫn đầu, dù sau vòng một ít ai tin vào khả năng này. Trước bầu cử, phe Macron mà đứng đầu là Thủ tướng Gabriel Attal còn trấn an là bỏ phiếu cho Mặt trận Bình dân Mới không rủi ro gì vì cánh tả không thể thắng. Kết quả: Trong một nước Pháp chưa bao giờ hữu khuynh như vậy, mà cuộc bỏ phiếu Nghị viện Châu Âu và Quốc hội vòng một đã chứng tỏ, lại phải thiên về tả, vì Emmanuel Macron không có chọn lựa nào khác để lập liên minh.

Tổng thống có thể hài lòng vì đánh bại Marine Le Pen đến lần thứ ba, dù có mất đi vài chục dân biểu nhưng đảng của ông kháng cự tốt hơn dự kiến. Nhưng chiến thắng này không thể làm quên đi tình hình lộn xộn sắp tới, và ông phải chịu trách nhiệm trước lịch sử vì quyết định giải tán trước đây, bởi vì Quốc hội sắp tới sẽ khó điều khiển hơn. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, không phải sống chung với Jordan Bardella, nhưng lại phải chịu đựng cảnh sống chung với cánh tả mà Jean-Luc Mélenchon đang thống trị.

Liệu Macron có phải dành chức Thủ tướng cho nhân vật do cực tả chọn lựa? Đó sẽ là thảm họa chính trị cho Macron và cho nước Pháp. Ông sẽ phải trả giá: nhìn chung cánh tả đã đòi bỏ cải cách hưu trí, lại đánh thuế tài sản và ngưng luật nhập cư. Những cử tri RN có cảm giác cuộc bỏ phiếu của họ đã bị đánh cắp, còn những người Pháp trung dung và thiên hữu cũng bực tức vì họ không hề gần gũi ý tưởng của phe xã hội. Một điều chắc chắn là nước Pháp còn bất ổn lâu dài.

Trắc nghiệm một chính phủ kỹ trị?

Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng nên tìm ra phương án B. Tại sao lại không thử sức với một chính phủ kỹ trị trong lúc mọi người chưa kịp hoàn hồn? Chỉ có mười phút vào tối Chủ nhật, để trôi từ vực thẳm này sang vực thẳm khác. Vào đúng 20 giờ, thời điểm luật định để công bố kết quả, cực hữu đã đụng phải một bức tường hay đúng hơn là trần thủy tinh với chiến thắng của mặt trận cộng hòa. Nhưng chỉ mười phút sau, Jean-Luc Mélenchon đã chấm dứt mặt trận này khi đòi quyền lực cho liên minh cánh tả. Thủ lãnh cực tả đã khiến những ai đã quên lãng phải nhớ lại: chiến lược của Nước Pháp Bất Khuất (LFI) trước hết là gây rối loạn.

Một lần nữa, với một Quốc hội khó tìm được đa số hơn cả khóa trước, với một bộ phận chính giới coi trọng chiếc ghế của mình hơn là các giá trị và sự khả tín của chương trình, đã đến lúc tìm một giải pháp khả dĩ. Phải chăng nên tham khảo kinh nghiệm của Mario Monti bên Ý năm 2011-2012 để thoát khủng hoảng tài chánh? Những viên chức cao cấp, những ông chủ lớn, các lãnh đạo hiệp hội, giới luật gia… nhanh chóng học cách sống chung, bắt đầu từ số không để xây dựng lại. Nước Pháp chưa trắc nghiệm khả năng này.

T.M.

Nguồn: rfi.fr/vi

(*) Phần trong ngoặc do BVN thêm.

This entry was posted in Macron, Nguyễn Xuân Thọ, Tả và hữu trong nền chính trị dân chủ, Thụy My. Bookmark the permalink.