July 8, 2024
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Trương Huy San (tức Osin Huy Đức) với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự.
Bộ Công an Việt Nam chính thức thông tin về nguyên nhân ông Trương Huy San bị bắt giữ. (Hình: Trọng Phú/VOV)
Báo VietNamNet dẫn tin từ cuộc họp báo “Thông tin tình hình, kết quả công tác sáu tháng đầu năm 2024,” của Bộ Công an diễn ra chiều 8 Tháng Bảy, cho biết thêm ngoài nhà báo Huy Đức, Luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cũng bị bắt tạm giam trong cùng vụ án này.
Ông Trương Huy San (Osin Huy Đức) đã bị Bộ Công an Việt Nam loan báo khởi tố. (Hình: Tuổi Trẻ)
Cơ quan Điều tra cũng đã tống đạt các quyết định khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Trương Huy San và Trần Đình Triển.
Theo Bộ Công an, kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển “đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cơ quan này nói rằng, bước đầu hai ông Trương Huy San và Trần Đình Triển “đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ”.
Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó cục trưởng Cục An ninh Điều tra Bộ Công an, dọa rằng: “Cơ quan an ninh đang tiếp tục mở rộng điều tra, giải quyết vụ án theo quy định pháp luật và khuyến cáo người dân không nghe theo, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng”.
Tin bắt nhà báo Huy Đức được loan báo hôm 1 Tháng Sáu, trên trang Facebook Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long).
Trong một thông cáo phát đi từ Bangkok, Thái Lan, hôm 7 Tháng Sáu, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đòi Việt Nam trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc nhắm vào nhà báo Huy Đức.
CPJ cho biết không được cập nhật diễn biến mới về vụ bắt giữ cho đến hôm 6 Tháng Sáu, trong lúc Bộ Công an Việt Nam chưa chính thức công bố tin này.
Ông Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của CPJ cho biết: “Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức công bố nơi họ đang giam giữ nhà báo Trương Huy San và trả tự do cho ông vô điều kiện. Nhà cầm quyền Việt Nam phải ngừng đối xử với các nhà báo như tội phạm và trả tự do cho tất cả các nhà báo đang ngồi tù oan”.
Cũng theo CPJ, vài ngày trước khi bị bắt, ông Huy Đức đăng bài bình luận về chính trị Việt Nam trên trang cá nhân và trang này trong tình trạng “không thể truy cập” từ hôm 2 Tháng Sáu mà không rõ nguyên do.
Trong bài đăng, ông Huy Đức đề cập về ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN, và ông Tô Lâm, người vừa nhậm chức chủ tịch nước hôm 22 Tháng Năm.
Ông Huy Đức lập luận rằng Việt Nam “không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” và lưu ý đến vai trò của ông Tô Lâm, nhân vật được coi là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Trọng vào năm 2026.
CPJ ghi nhận, Việt Nam là quốc gia bỏ tù các nhà báo đứng hàng thứ năm trên toàn thế giới, với ít nhất 19 phóng viên phải ngồi tù.
Nhà báo Huy Đức là một trong những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội người Việt Nam trong và ngoài nước.
Trang Facebook của ông có hơn 370.000 người theo dõi.
Ông Trương Huy San sinh ra ở Hà Tĩnh, từng đi bộ đội hồi cuối thập niên 1970.
Sau đó, ông làm phóng viên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, và Sài Gòn Tiếp Thị, những tờ báo được coi là hàng đầu ở Việt Nam, và một số tờ báo khác.
Sau khi thôi làm báo, ông trở thành một trong những blogger có nhiều người Việt Nam đọc nhất.
Ông là tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” khá nổi tiếng, kể một số câu chuyện mà ông nghe được từ những cán bộ cộng sản cao cấp liên quan đến cuộc chiến Việt Nam và sau 1975. (Tr.N) [kn]
Nguồn: Người Việt