Aristyo Rizka Darmawan | Australian Outlook ngày 04 tháng 7 năm 2024
Biên dịch: Trần Phạm Bình Minh
Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông là điều rất đáng lo ngại. ASEAN cần phải chuẩn bị không chỉ ngăn chặn xung đột mà còn để ứng phó khi xung đột xảy ra.
Trong vài tháng qua, việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Philippines ở Biển Đông đã khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt trong nội bộ ASEAN. Trung Quốc đã và đang khẳng định các quyền đơn phương chống lại Philippines ở Bãi Cỏ Mây bằng vòi rồng và các chiến thuật phong toả khu vực với sự tham gia của những tàu dân quân biển và hải cảnh lớn. Hiện tại, những động thái quyết đoán này đã được kiềm chế, nhưng vẫn có tiềm năng leo thang thành căng thẳng lớn hơn và dẫn tới xung đột vũ trang.
Trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã nói rõ tại Đối thoại Shangri-La rằng Manila sẽ coi hành động của Trung Quốc là hành động chiến tranh nếu người Philippines thiệt mạng. Ông cũng nhắc nhở rằng đây cũng là tiêu chí để kích hoạt phản ứng như được quy định trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines.
Bất chấp nguy cơ leo thang, ASEAN dường như chưa có một chiến lược chắc chắn và rõ ràng về cách ứng phó nếu một cuộc chiến tranh bất ngờ xảy ra ở Biển Đông. Đã đến lúc ASEAN cần bắt đầu suy nghĩ và chuẩn bị cho các kịch bản khác ngoài các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Bắc Kinh về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
ASEAN nổi tiếng với những phản ứng mờ nhạt trước các cuộc khủng hoảng an ninh. Một ví dụ gần đây hơn là những lời chỉ trích dồn dập vào ASEAN vì khối không có phản ứng đáng kể đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar và, đã được đoán trước, không tạo được tác động gì trong việc giải quyết xung đột.
Về vấn đề Biển Đông, trước đây ASEAN đã thực hiện một số sáng kiến nhằm quản lý xung đột, bao gồm vô số hội thảo, cuộc họp và tuyên bố; mặc dù những sáng kiến này chỉ đơn thuần là cung cấp một kênh liên lạc và hợp tác. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hàng nghìn cuộc thảo luận nữa có lẽ cũng không đủ để giải quyết nguy cơ về một cuộc xung đột tiềm tàng và tức thì trên biển. ASEAN cần phải làm rõ những gì được coi là vượt quá giới hạn ở Biển Đông. Đường ranh giới đỏ này phải được xem xét, nếu không vì lý do nào khác ngoài việc ngăn chặn những gì đã xảy ra với Philippines cũng sẽ xảy ra với các quốc gia khác trong ASEAN có yêu sách ở Biển Đông.
ASEAN cũng cần xem xét nghiêm túc các giới hạn mà Marcos đưa ra. Nếu Trung Quốc cố ý hoặc vô ý sát hại công dân Philippines và dẫn tới một cuộc đối đầu vũ trang xảy ra, các thành viên ASEAN, riêng lẻ và tập thể, sẽ cần có phản ứng nào đó. Điều này đặc biệt quan trọng vì có thể sẽ có sự can dự của các cường quốc khác trong khu vực như Hoa Kỳ.
Chắc chắn, bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào ở Biển Đông sẽ có tác động ngay lập tức tới tất cả các nước Đông Nam Á, nếu không muốn nói toàn bộ thế giới. Các cộng đồng ven biển và ngư dân sẽ là những khu vực đầu tiên gặp phải sự gián đoạn về lương thực và các tài nguyên khoáng sản khác. Những tác động cũng sẽ được cảm nhận trên phạm vi quốc tế. Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, ước tính có khoảng 3,37 nghìn tỷ USD, tương đương 21%, thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông. Sự gián đoạn trên tuyến đường thương mại sẽ tác động lớn đến những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tác động kinh tế là rất sâu rộng.
Tất cả điều này để muốn nói rằng ASEAN cần phải chuẩn bị không chỉ cho việc ngăn ngừa xung đột mà còn cả phản ứng với xung đột. Điều này có thể bao gồm các kịch bản đảm bảo các tuyến đường thông tin liên lạc trên biển như thế nào, ASEAN có thể cung cấp và cho ai hình thức hỗ trợ gì, và những lựa chọn chính sách nào sẽ được đưa lên bàn thảo luận giữa các bên xung đột. Các nước ASEAN từ lâu đã có những lợi ích và chính sách xung đột nhau về vấn đề Biển Đông. Nhưng nếu xung đột xảy ra, phản ứng tốt nhất sẽ đòi hỏi một cơ chế vững chắc về cách đối phó với sự leo thang.
Hiện nay, ASEAN đang dựa vào đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để khẳng định các ý tưởng của mình về hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Nhưng COC không nên là cơ chế duy nhất để đối phó với Trung Quốc. Quả thực, có lẽ đã đến lúc ASEAN phải thừa nhận rằng COC khó có thể được ký kết. Quan điểm khác nhau giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp trong ASEAN từ lâu đã là một trở ngại lớn, có rất ít cơ hội cho bất kỳ thay đổi có tác động nào được thực hiện.
Với việc Lào hiện đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, không có nỗ lực nào để tìm kiếm sáng kiến quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng leo thang căng thẳng. Một trong những lý do có thể là vì mối quan hệ chặt chẽ giữa Viêng Chăn và Bắc Kinh. Sang năm sau, đến phiên Malaysia sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch và nước này sẽ có cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo và giải quyết thách thức về cách ASEAN nên ứng phó trước kịch bản leo thang và xung đột ngày càng hiện hữu.
ASEAN nên rút ra bài học từ các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina và Gaza, đồng thời xem xét những tác động khủng khiếp của các cuộc đụng độ đang diễn ra. ASEAN sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn những gì đã làm tốt nhất trước đây để ngăn chặn xung đột và chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trong tương lai.
A.R.D.
—
TS. Aristyo Rizka Darmawan là học giả tại Trường Châu Á và Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc và là giảng viên luật quốc tế tại Đại học Indonesia. Trần Phạm Bình Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Có thể đọc bài viết gốc ở đây: https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/asean-should-be-prepared-for-a-south-china-sea-crisis/
Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông