Tính chính danh của một đại học và câu chuyện bé cái nhầm

Mấy ngày nay dư luận trong ngoài nước xôn xao về tin Đại học Quốc gia Hà Nội liên kết với một trường dỏm ở Hoa Kỳ để đào tạo hàng trăm Thạc sỹ quản trị kinh doanh cho Việt Nam mà nhiều người tốt nghiệp từ chương trình liên kết dỏm này đang giữ những trọng trách trong hệ thống kinh tế và chính trị Việt Nam. Để trấn an dư luận, Phó GĐ Đại học Quốc gia Hà Nội Vũ Minh Giang mới đây, nhân trả lời phỏng vấn trang tin nội bộ của trường, đã trách móc báo giới là không thận trọng xác minh, bị nhầm lẫn và đưa tin vội vã theo các blog cá nhân “lề trái”. Ông khẳng định “nhầm lẫn như vậy là đáng tiếc”, nhưng “tôi cũng không bận tâm nhiều về việc này” ([1]). Chẳng cần phải bàn nhiều, chỉ nghe cái giọng tưng tửng của ông Phó GĐ cũng đủ thấy trách nhiệm của ông với danh tiếng của một trường đại học tầm cỡ quốc gia ở mức độ nào.

Nhân câu chuyện liên kết dỏm, dùng danh nghĩa một tổ chức ngoại để lòe học viên nội rồi thu bộn tiền (8,000 USD/học viên/một năm học (9 tháng) để rồi đào tạo ra những nhà kỹ trị có “uy tín” dỏm của đất nước, tôi xin góp thêm một câu chuyện về tính chính danh của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ai là người Việt Nam cũng biết Đại học Quốc gia Hà Nội là có thật nhưng cái tên của nó thì có vẻ không phải như vậy, vì nó thường gây ra hiểu lầm. Cách đây chưa lâu, một nhà nghiên cứu nước ngoài đến làm việc với tôi ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông muốn được gặp tôi ở văn phòng làm việc của trường. Thực ra, các Giáo sư ở Đại học Quốc gia Hà Nội không có văn phòng làm việc. Họ thường thảo luận công việc khoa học và tiếp sinh viên tại nhà hoặc hẹn nhau ở các quán cà phê đâu đó ngoài trường. Chỉ các quan chức trong bộ máy quản lý cấp Khoa trở lên mới có văn phòng làm việc. Nếu muốn tiếp khách nước ngoài ở văn phòng phải xin phép và đăng ký trước để lên lịch. Nhưng để đỡ làm xấu mặt nhà trường nên tôi nói sẽ mượn văn phòng của Khoa để tiếp ông. Đã hẹn như đinh đóng cột là tôi sẽ chờ ông từ 9 giờ sáng tại văn phòng, còn ông thì nói rằng trợ lý của ông đã tra cứu internet kỹ và biết địa chỉ của tôi rồi. Vậy mà đến gần 11 giờ trưa ông vẫn chưa đến. Tôi ngán quá đang định ra về thì thấy điện thoại reo. Giọng một nhân viên nữ nói trong máy rằng anh có phải tên là như thế này không, có ông bà Giáo sư người Mỹ tên là Renard chờ anh từ sáng đến giờ mà không biết anh ở đâu. Nghe xong, tôi toát mồ hôi hột và hướng dẫn cô thư ký ấy chỉ dẫn lái xe đưa các vị khách đến “văn phòng” của tôi. Nhưng lúc họ đến thì lãnh đạo bận họp, tôi không còn “văn phòng” nữa nên mời ông ra quán ăn trưa và bắt đầu công việc ở đó vậy. Ông cười, vẻ nhân từ độ lượng toát lên từ giọng nói. Ông xin lỗi vì đã nhầm lẫn tai hại, và cứ bần thần vì đã không biết là Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều “universities” trong một “university”. Ông bảo: “Tôi cứ đinh ninh University of Social Sciences and Humanities là một trường đại học khác, còn Trường Khoa học xã hội nhân văn của ông là một “college” trong National University”, vì thế người ta chỉ tôi đi chỗ khác, tôi nghĩ họ đã nhầm chứ không phải tôi”. Ông cho biết trước khi đến đã kiểm tra website của trường, phiên bản chính thức bằng tiếng Anh không thấy có các universities như vậy mà chỉ có các “colleges”, như College of Science, College of Social Sciences and Humanities, College of Foreign Languages, College of Technology, College of Economics. Vì tin như vậy nên ông đến Đại học Quốc gia ở đường Xuân Thủy và “ngồi chơi xơi nước” ở đấy lâu quá, đến mức không chịu nổi nữa mới đánh bạo tìm người nói tiếng Anh để hỏi. Ông cứ khăng khăng tin rằng tôi ở College of Social Sciences and Humanities thuộc ĐHQG Hà Nội, không phải Hanoi University of Social Sciences and Humanities. Thế nên mấy cô nhân viên tiếng Anh có hạng cứ để mặc ông ngồi chơi. Khi ông hỏi rát quá, họ tra trong danh mục điện thoại và gọi được cho tôi.

Câu chuyện của nhà khoa học già nước ngoài bị nhầm lẫn về tên trường đại học quốc gia lớn nhất nước mình làm tôi mất ngủ. Tôi tra cứu lại thì thấy tên tiếng Việt của trường mình là “Đại học Quốc gia Hà Nội” nhưng website tiếng Anh lại giới thiệu tên trường là “Vietnam National University, Hanoi”, một cái tên chẳng giống ai, nhưng rõ ràng là một tên khác với tên tiếng Việt. Đúng ra, nếu dịch từ tiếng Việt thì tên gọi tiếng Anh của trường phải là “Hanoi National University” hoặc “National University of Hanoi” chứ không thể khác. Nhưng cái tên như vậy thì lại rất giống với tên một trường đại học khác có tên tiếng Việt là Đại học Hà Nội, tiếng Anh là “University of Hanoi”,  vốn thoát thai lên đời từ Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cũ. Cả hai “University of Hanoi” và “National University of Hanoi” đều có cơ sở ở gần nhau nên khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam bị nhầm lẫn là cái chắc.

Tên trường mẹ Đại học Quốc gia Hà Nội đã vậy, tên các trường con trực thuộc cũng có vấn đề. Trong website của Đại học Quốc gia Hà Nội, bản tiếng Anh thì các trường thành viên đều được định danh là các “college”. Thế nhưng tra cứu website riêng của các “college” này lại  thấy các trường con đều tự xưng danh là “university” chứ không phải “college”. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao một trường đại học tầm cỡ quốc gia mà lại tự đặt ra những cái tên không giống ai, tự gây lầm lẫn như vậy, mà tên nào cũng có vẻ “chính thức” cả. Trong một lần ăn tối cùng GS Trần Văn Nhung, lúc ấy đang đương chức Thứ trưởng phụ trách đối ngoại của Bộ Giáo dục, tôi đã đem thắc mắc về vấn đề tên gọi các trường đại học này để hỏi. Giáo sư nghe xong có vẻ hào hứng, nhưng trả lời qua quít rằng ở Việt Nam hiện nay thì cái sự “giông giống” như vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Quay về trường, tôi đã tham khảo các đồng nghiệp và một vài lãnh đạo nhà trường, rằng tại sao lại xưng danh “university” trong “university”, có quy định nào trong pháp luật về tính chính danh của một đại học không, và tại sao tên tiếng Việt lại khác tên tiếng Anh, v.v. Các đồng nghiệp cười phì vào mặt tôi, ý nói sao mà cứ băn khoăn về cái việc vặt ấy. Nhưng ý kiến của họ cũng rất khác nhau, đại loại như: 1) Phải gọi là university mới là đại học, college chỉ là một khoa hoặc chỉ thuộc bậc cao đẳng thôi; 2) Danh xưng university là để đối ngoại, vì lãnh đạo các university nước ngoài vào làm việc với trường thì họ cần làm việc với cấp lãnh đạo tương ứng chứ cấp college thì không chính danh; 3) Về cấp bậc ăn lương bổng nhà nước, nếu Hiệu trưởng một trường thành viên chỉ tương đương cấp khoa hay bậc cao đẳng thì hệ số lương chưa bằng một Giám đốc sở, không được cấp xe hơi và không được đóng dấu; 4) Người Việt Nam sính cái danh, thêm danh xưng “quốc gia” hay “Việt Nam” vào thì mới hách, v.v.

Những giải thích của các đồng nghiệp làm cho tôi thấy “cứ thế nào ấy”. Nó cũng giống như một cô gái cha mẹ đặt tên là Thị Tèo nhưng cô thấy cái tên ấy không xứng tầm nên đã tự cải tên là Tuyết Hoa hay gì gì đó để cho oách. Nhưng cái tên như vậy là không chính danh, vì tên gốc phải có ID được đăng ký hẳn hoi chứ, tự xưng làm sao được. Nếu ai cũng thế thì chuyện “bé cái nhầm” mà tôi vừa kể thì chắc vẫn còn dài dài. Rất mong được các quý vị thức giả quan tâm chỉ giáo.

Hà Nội, ngày 5/8/2010

HL

Đại học Quốc gia Hà Nội

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


([1]) Xin xem bài “Liên kết đào tạo quốc tế tại ĐHQGHN: Quy trình thực hiện ngày càng nghiêm ngặt” trên trang tin www.vnu.edu.vn, ngày 5/8/2010

This entry was posted in Giáo dục and tagged . Bookmark the permalink.