Một bạn đọc có gửi thắc mắc sau đây đến BVN:
Thưa GS Nguyễn Huệ Chi và BBT Bauxite Việt Nam
Tôi tên: TMH, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất trường ĐH HS TP HCM
Tôi là độc giả của trang nhà từ ngày đọc bản tin trên trang BBC tiếng Việt đăng bài viết về Giáo sư (và trang nhà Bauxite Việt Nam) được cơ quan Nhà nước Việt Nam mời lên làm việc, và nghe phỏng vấn GS cũng trên BBC tiếng Việt.
Tôi cũng là một trong rất nhiều sinh viên quan tâm tới lợi ích và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tôi cảm nhận được tình trạng đáng báo động của đất nước từ rất nhiều vấn đề xã hội, chính trị hiện tại.
Tôi xin gởi tới GS vài tấm ảnh chụp lại từ trang map.google.com về vị trí vùng biển, bờ biển của Việt Nam làm tôi rất bức xúc. Nhờ GS lên trang map.google.com, phóng to khu vực bờ biển VN lên thì rõ (tôi có chụp lại ảnh để gởi GS xem, nhưng không gửi được)
Xin miêu tả sơ:
- Vùng biển Đông, giờ là nguyên chữ South China Sea bự chảng
- Phóng to bờ biển Việt Nam, kéo từ Móng Cái, Cẩm Phả tới Cửa Lò – Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng,… Nha Trang, Vũng Tàu, Cà Mau… nói chung là dọc suốt bờ biển Việt Nam, chỗ nào cũng thấy chữ South China Sea (SCS).
- Mật độ SCS dày đặc hơn bất cứ vùng biển nào trên thế giới: khoảng cách giữa 2 chữ SCS là 80km
- Chữ SCS cách bờ biển Việt Nam chỉ khoảng 7km, xa nhất là 15km
Nhìn vào đó, tôi có cảm giác nhìn cứ như dấu dán tem chống hàng giả.
Vậy xin GS đề nghị với Google Maps để thay đổi.
Thêm một việc khác là khi tôi giới thiệu với bạn bè về trang Bauxite Việt Nam, nói về các vấn đề biên giới, ý thức chủ quyền quốc gia… đa số tôi đều chỉ nhận được câu “Mấy cái này chỉ để biết thôi, làm gì được!”.
Sau khi trở thành độc giả của BVN, thì tôi mới biết được trước đó có một buổi nói chuyện của các Giáo sư tại Đại học Ngoại thương TP HCM về vấn đề biển đảo. Tôi rất tiếc đã không biết để tham gia. Và tôi nghĩ, cần nhiều hơn nữa những buổi thực tế như vậy tại các trường đại học.
Chúng tôi sẽ là những chủ nhân tương lai sau này của đất nước, nhưng hiện nay gần như mù tịt về những chuyện đại sự đó. Thế nhưng, khi tôi đưa đường link của trang nhà BVN cho bạn bè, thì tôi bị gọi là phản động.
Xin GS hãy hướng dẫn tôi, để (ít nhất) những người xung quanh tôi ý thức hơn về xã hội và chủ quyền đất nước này.
Mong nhận được lời hồi đáp từ GS.
Xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và ban biên tập Bauxite Việt Nam
Sinh viên T.M.H.
Hồi đáp của Bauxite Việt Nam
Bạn TMH thân mến,
Chúng tôi rất vui mừng khi được biết rằng vẫn còn có rất rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, trẻ như bạn, luôn đau đáu đến vận mệnh của Tổ quốc và một phần trong đó là vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, trong một điều kiện như hiện nay, xã hội có quá nhiều thứ lẫn lộn, mập mờ dễ làm cho lớp trẻ xao nhãng nhiệm vụ của tuổi trẻ đối với Tổ quốc. Những người giữ được tinh thần như bạn cần phải được xiển dương và nhân rộng hơn nữa. Trách nhiệm của việc này đặt lên vai tất cả chúng ta, trong đó có một phần của bạn.
Về tần số và mật độ cụm từ “South China Sea” (SCS) – Biển phía Nam Trung Hoa – xuất hiện quá nhiều và quá gần khi thao tác trên Google Maps
Thứ nhất, về thuật ngữ “South China Sea” hay Biển Nam Trung Hoa (TH) hay Nam Hải, có thể được xem đó là một thuật ngữ quốc tế, theo các dữ liệu cho biết là bắt nguồn từ những thương nhân Bồ Đào Nha đến buôn bán với Trung Quốc đặt cho dễ nhớ vào khoảng thế kỷ XVI. Ban đầu họ gọi là Biển TQ (China Sea, hay Mar da China) ([1]), nhưng sau này để phân biệt giữa sở hữu và vị trí địa lý nên được gọi lại là Biển Nam TH. Tổ chức Hải đồ Quốc tế cũng gọi là “Biển Nam TH”( [2]).
Tuy nhiên, mỗi nước có chia sẻ vùng biển này đều có tên gọi riêng của mình. Thí dụ như, Việt Nam gọi là Biển Đông. Phần biển này nằm trong lãnh hải của Philippines có tên gọi là “Biển Luzon”, mặc dù vậy, tên gọi “Biển Nam TH”, tên địa phương là Dagat Timog Tsina vẫn được chấp nhận dùng ở Phillippines để chỉ toàn bộ vùng biển của nước này. Ở vùng Đông Nam Á, trước thế kỷ XVI, Biển Nam TH cũng đã từng có tên gọi là Biển Chăm (Champa Sea).
Như vậy, cho đến nay, về mặt thuật ngữ quốc tế, vùng biển giới hạn phía Bắc – bờ Nam của Trung Quốc, phía Tây – bờ Đông của Việt Nam, Malaysia và Vịnh Thái lan, phía Nam – Singapore, Malaysia, và phía Đông – Philippines được gọi là SCS – Biển Nam TH, có tính cách định danh địa lý chứ không hề xác quyết hoặc ám chỉ chủ quyền của một quốc gia nào cả. Tuy nhiên, hiện nay, vùng biển này cùng với các quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền của các nước có liên quan, trong đó chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc. Và cũng vì lý do này mà nhiều người Việt Nam đã đề nghị đổi tên là Biển Đông Nam Á.
Thứ hai, về thắc mắc của bạn tại sao cái cụm từ “SCS” xuất hiện nhiều quá, khi di chuyển chuột dọc theo bờ biển Việt Nam.
Chúng tôi đã thử kiểm chứng, và thấy rằng đây là do chương trình lập sẵn. Tùy thuộc vào mức độ phóng to hay thu nhỏ mà tần suất và mật độ cụm từ này xuất hiện nhiều hay ít và xa hay gần, gần như cho các nơi chứ không riêng gì đối với Việt Nam.
Thí dụ, nếu để ở mức phóng đại như hình 1, thang độ 200km, chúng ta chỉ thấy có một chữ SCS; khi thu lại một nửa, thì vẫn chỉ có một chữ; ở tầm 20km thước đo phóng đại, thì có hai chữ và chữ gần sát bờ biển Việt Nam nhất là chừng 40 dặm. Cứ như thế, nếu tiếp tục thu nhỏ bản đồ thì số lượng cụm từ SCN sẽ tăng lên và càng tiến gần đến bờ biển Việt Nam hơn (hình 2). Điêu này cũng không khác gì với ví dụ chúng tôi lấy là Vịnh Bengal (Bengal Bay) theo hình số 3.
Chúng tôi phát hiện có một quy tắc là, khi bản đồ càng thu nhỏ, thì các địa danh trên biển được bố trí theo một ô lưới hình vuông, mỗi góc mắt lưới là một chữ. Thí dụ thu nhỏ bản đồ khu vực Biển Đông, ở tọa độ thang đo 5km ta có một hình vuông có 4 chữ SCS nằm ở bốn đỉnh (hình 4). Mắt lưới hình vuông này gần như có kích thước tuyệt đối không đổi trên bản đồ so với sự thay đổi tương đối về thang độ phóng đại. Cho nên, khi di chuyển lên xuống hoặc qua hai bên ta cũng sẽ thấy xuất hiện các chữ SCS này theo trình tự sắp xếp đó. Tương tự như thế, đối với cụm từ Vịnh Bengal, ta có một kết quả đồng nhất (hình 5). Điều đó có nghĩa là các chữ địa danh chung chỉ tên vùng biển hay đại dương đã được chương trình hóa sẵn ở đó, tùy thuộc vào độ phóng đại của bản đồ mà tần suất nó xuất hiện nhiều hay ít, theo mật độ ô vuông.
Tóm lại, dựa vào những thực nghiệm của BVN trên Google Maps, thì đó chỉ là những thao tác kỹ thuật của người vẽ bản đồ mà thôi, chứ không có ác ý gì về vấn đề chủ quyền. Cho nên việc yêu cầu Google Maps sửa lại là điều khó thực hiện.
Về việc bị gọi là phản động khi đưa link vào trang nhà của Bauxite Việt Nam
Nhân đây, một lần nữa trang Bauxite Việt Nam khẳng định và bác bỏ cũng như cực lực phản đối mọi dư luận xuyên tạc rằng trang nhà Bauxite Việt Nam là phản động và ai ghé thăm tin tức ở trang nhà Bauxite Việt Nam cũng là phản động.
Thứ nhất, trang nhà chính thức của Bauxite Việt Nam – boxitvn.net là trang nhà đã được thông báo chính thức với Bộ VHTT&TT của Việt Nam dưới tên người điều hành chính là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi theo đúng thể lệ, và đã được Bộ VH TT & DL phản hồi chóng vánh tiếp nhận và hoan nghênh việc thông báo trên.
Thứ hai, sau 22 ngày ròng rã làm việc với cơ quan an ninh Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã được cán bộ cơ quan an ninh thừa nhận là một trí thức có uy tín, có truyền thống gia đình cách mạng, bản thân là người yêu nước, nhiệt tâm với đất nước; không hề có cấu kết với các thế lực phản động chống phá đất nước. Cũng như thế, trang nhà Bauxite Việt Nam mà tiền thân dưới tên miền bauxitevietnam.info (hiện nay đã bị cướp trắng) không phải trang chứa nội dung phản động, mà là một trang mạng yêu nước, thể hiện tâm huyết với đất nước của tầng lớp trí thức, theo nguyên văn lời của cán bộ lãnh đạo an ninh làm việc với GS Nguyễn Huệ Chi nói trong ngày làm việc cuối cùng 08-2-2010.
Thân chúc bạn TMH đạt thành tích cao trong học tập, trau dồi tri thức, đó là hành trang cần thiết của các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam.
Bauxite Việt Nam
Hình:
[1] Tønnesson, Stein. Locating the South China Sea. In Kratoska, Paul et al., eds. Locating Southeast Asia: geographies of knowledge and politics of space. 2005, Singapore: Singapore University Press. p. 203-233.
[2] “Limits of Oceans and Seas”, 3rd edition. 1953, International Hydrographic Organization.