Hiroyuki Akita | Nikkei Assia ngày 30 tháng 3 năm 2024
Biên dịch: Lê Bá Nhật Thắng
Bài học cay đắng từ Philippines và sự trỗi dậy của hợp tác Hoa Kỳ-Nhật Bản-Philippines.
Kinh nghiệm của Philippines có thể mang lại những hiểu biết có giá trị cho các quốc gia khác. Nói một cách đơn giản, bài học rút ra là chiến lược nhượng bộ Trung Quốc về các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền khác sẽ không bao giờ có hiệu quả. Như thường được chỉ ra, Trung Quốc tin vào logic của quyền lực và cách duy nhất để xây dựng mối quan hệ ổn định với nước này là tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải và duy trì trật tự của bạn |
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines công bố một thước phim về các tàu Hải cảnh Trung Quốc đe doạ ngư dân Philippines ở khu vực lân cận Đá Khúc Giác vào ngày 04 tháng 4. Đá Khúc Giác nằm ở cực Tây Nam của Bãi Cỏ Rong.
Tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng gia tăng. Manila cáo buộc tàu Trung Quốc liên tục quấy rối các tàu thuyền Philippines bằng vòi rồng và bằng các phương pháp khác như cố tình va chạm.
Sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc không chỉ là vấn đề của Philippines: Biển Đông là huyết mạch thương mại lớn mà một lượng lớn nhiên liệu và hàng hóa đi qua hàng ngày, và sự gián đoạn giao thông này có thể gây ra tác hại không thể đo lường cho nền kinh tế toàn cầu.
Những gì Philippines đã trải qua có thể đưa ra manh mối quan trọng về chiến thuật mạnh tay của Bắc Kinh – điều mà quốc gia Đông Nam Á này có thể chia sẻ với Hoa Kỳ và Nhật Bản khi họ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên vào đầu tháng Tư.
Căng thẳng bắt đầu bùng phát vào nửa cuối năm 2023. Manila cho biết một tàu Philippines đã bị tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng vào tháng Tám khi đang tiến về Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. Philippines kiểm soát bãi đá ngầm trên thực tế, với tên địa phương được gọi là bãi cạn Ayungin. Vào cuối tháng 10, một tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã va chạm với một tàu Cảnh sát biển Philippines khi cố gắng cản trở việc di chuyển của tàu này.
Một số tàu Trung Quốc trước đây đã cố gắng chặn tàu Philippines trong vùng biển tranh chấp, nhưng đây rõ ràng là lần đầu tiên sự việc như vậy leo thang thành va chạm. Các vụ việc tàu Hải cảnh và các tàu khác của Trung Quốc quấy rối tàu Philippines bằng vòi rồng và di chuyển đâm va cũng xảy ra vào tháng 11, tháng 12 và tháng 3. Đã có trường hợp tàu Philippines bị hư hại và thủy thủ đoàn bị thương nhẹ.
Tại sao căng thẳng lại tăng cao đến vậy?
Các chuyên gia có thể cho rằng đó là do Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người nhậm chức vào tháng 6 năm 2022, đã đảo ngược chính sách hòa giải thân Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte và áp dụng lập trường thân Hoa Kỳ.
Thoạt nhìn, nguyên nhân sâu xa của căng thẳng dường như nằm ở Marcos, khi sự thay đổi chính sách của ông đã gây ra phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, một cái nhìn sâu hơn vào vấn đề lại cho thấy điều ngược lại. Trên thực tế, căng thẳng ở vùng biển gần Philippines đã gia tăng trước khi Marcos lên nắm quyền.
Theo các quan chức và chuyên gia an ninh Philippines, các tàu của lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển tranh chấp trong thời gian ông Duterte nắm quyền, cố gắng mở rộng quyền kiểm soát thực tế bằng cách đe dọa và khiêu khích các tàu thuyền Philippines.
Nhưng Duterte đã che giấu hầu hết những sự việc này, chỉ tiết lộ một số ít. Chính quyền của ông rõ ràng không muốn chọc tức Bắc Kinh hay thừa nhận sự thất bại của chính sách hòa giải đối với Trung Quốc.
“Chính quyền Marcos đã chuyển sang chính sách công khai các hành động hung hăng và nguy hiểm của Trung Quốc nhằm khiến thế giới nhận thức được mối đe dọa hiện hữu”, phát ngôn viên Cảnh sát biển Philippines, Thiếu tướng Jay Tristan Tarriela cho biết.
“Nhưng hành vi hung hăng của Trung Quốc không bắt đầu từ thời Marcos. Trong khi có ba hành động nguy hiểm nghiêm trọng của Trung Quốc được công khai dưới thời chính quyền Duterte, thì cũng vẫn còn nhiều sự cố khác thời đó”.
Sau khi nhậm chức, Marcos hẳn đã nhận ra rằng chiến lược xoa dịu Trung Quốc đã và sẽ không bao giờ có hiệu quả. Trong một động thái báo hiệu sự thay đổi chính sách, ông đã đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5 năm ngoái và gặp Tổng thống Joe Biden. Trước hội nghị thượng đỉnh, cả hai nước đã đồng ý tăng số lượng căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Philippines từ 5 lên 9.
Marcos cũng đang thực hiện các bước tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản và Úc. Tháng 8 năm ngoái, Philippines đã cùng Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc tham gia các cuộc tập trận quân sự bốn bên. Đầu tháng 4, Marcos sẽ tới thăm Washington một lần nữa để gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Biden.
Kinh nghiệm của Philippines có thể mang lại những hiểu biết có giá trị cho các quốc gia khác. Nói một cách đơn giản, bài học rút ra là chiến lược nhượng bộ Trung Quốc về các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền khác sẽ không bao giờ có hiệu quả. Như thường được chỉ ra, Trung Quốc tin vào logic của quyền lực và cách duy nhất để xây dựng mối quan hệ ổn định với nước này là tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải và duy trì trật tự của bạn.
Renato Cruz De Castro, giáo sư tại Đại học De La Salle ở Philippines và là chuyên gia về các vấn đề hàng hải, cho biết: “Cho dù bạn áp dụng chính sách xoa dịu hay thái độ thách thức, phản ứng mà bạn nhận được từ Trung Quốc về cơ bản sẽ giống nhau”. “Điều cần thiết là phải duy trì các nguyên tắc của chúng ta và tăng cường năng lực bảo vệ lãnh hải”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng gia tăng áp lực lên Malaysia và Việt Nam, hai quốc gia có tranh chấp lãnh thổ khác ở Biển Đông. Một quan chức cấp cao tại một viện nghiên cứu ở Đông Nam Á cho biết: “Tần suất tàu Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp đã tăng lên, mặc dù các quốc gia ven biển chưa công khai điều đó”.
Nhật Bản có kinh nghiệm cay đắng của riêng mình. Chính phủ của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, được bầu cử vào tháng 9 năm 2009, đã áp dụng cách tiếp cận hòa giải với Trung Quốc, ủng hộ ý tưởng về một “Cộng đồng Đông Á”, một nhóm khu vực bao gồm cả Trung Quốc. Khái niệm này được lấy cảm hứng từ ví dụ của Liên minh Châu Âu.
Nhưng Trung Quốc không hề làm dịu lập trường của mình đối với Nhật Bản. Vào tháng 9 năm 2010, dưới thời chính phủ của người kế nhiệm Hatoyama, Naoto Kan, các vụ va chạm giữa tàu tuần tra Nhật Bản và tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku đã gây ra tranh chấp ngoại giao và Bắc Kinh đã tiến hành trả đũa. Một làn sóng biểu tình chống Nhật lan rộng khắp Trung Quốc. Quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc phần nào ổn định chỉ sau khi cố Thủ tướng Shinzo Abe khôi phục khả năng của Nhật Bản trong việc ngăn chặn Trung Quốc bằng cách xây dựng lại liên minh khăng khít với Hoa Kỳ.
Nếu Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, Hoa Kỳ có thể trở nên hướng nội hơn và sự tham gia của nước này vào các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể giảm bớt. Để chuẩn bị cho những rủi ro như vậy, các nước Châu Á cần nhanh chóng tăng cường quan hệ an ninh không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với các quốc gia có cùng quan điểm khác trong khu vực.
Vào ngày 1 tháng 3, một hội nghị thảo luận về mối quan hệ an ninh và kinh tế giữa Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản đã được tổ chức tại Manila dưới sự bảo trợ của Quỹ Nhật Bản và Viện Stratbase ADR. Phái đoàn Philippines bày tỏ kỳ vọng về sự hợp tác lớn hơn với Ấn Độ và Nhật Bản, bao gồm cả việc chuyển giao thiết bị quốc phòng.
Đối với các nước Châu Á, mục tiêu mong muốn nhất là đạt được sự chung sống ổn định với Trung Quốc, nhưng mục tiêu đó không thể thực hiện được chỉ bằng đối thoại. Điều quan trọng là các nước phải tăng cường hợp tác để đảm bảo rằng cán cân sức mạnh trên biển sẽ không bao giờ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.
H.A.
———-
Hiroyuki Akita là một nhà bình luận của Nikkei từ năm 1987. Ông thường xuyên viết bình luận và phân tích chủ yếu về các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc tế. Bản gốc bài viết được đăng trên Nikkei Asia ở đây. Một bản PDF được lưu trữ ở thư viện số của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ở đây. Lê Bá Nhật Thắng là ứng viên cộng tác của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Nguồn bản dịch: Dự án Đại sự ký Biển Đông