Năm nay là năm được mùa các Đại hội. “Đến hẹn lại lên”, văn nghệ sĩ khắp nước tề tựu chốn đô thành. Gặp nhau là vui, gặp nhau là lo âu và hy vọng, là thêm một lần chiêm nghiệm lẽ tồn tại của nghề nghiệp mình…
Cũng tình cờ năm nay hàng triệu người đọc trên thế giới cùng hướng về nhà văn Nga A. Sêkhôp nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh (1860 – 2010) của bậc kỳ tài văn chương này.
Mặc dù vốn không thích lắm những dịp lễ lạt kỷ niệm rầm rộ, ồn ào, nhưng theo thói quen, tôi vẫn tìm đọc lại những trang văn của Sêkhôp để rồi một lần nữa bái phục văn tài, nhân cách của ông, một nhà văn đã luôn đồng hành cùng nhân dân Nga…
Không thể nói về nhiều tác phẩm của ông. Chỉ xin dừng lại ở một truyện ngắn nổi tiếng: truyện Cây phúc bồn tử ra đời từ cuối thế kỷ XIX.
Truyện là lời kể của Bác sĩ thú y Ivan Ivanứt, một người bạn của tác giả. Ivan có người anh là Nhicôlai, một viên chức xoàng ở Sở thuế vụ. Suốt đời, Nhicôlai chỉ mơ ước tậu được một trang trại riêng, ở đấy thế nào cũng phải trồng một cây phúc bồn tử. Nhicôlai nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm từng đồng lương trong hàng chục năm liền và cuối cùng đã toại nguyện. An nhàn nhấm nháp cái thú làm chủ một trang trại, anh ta phát phì ra, các đường nét trên mặt đều chảy xệ xuống: Trong trang trại của anh ta, người đầu bếp cũng chậm chạp, nặng nề, cả con chó giữ nhà cũng béo tròn như con lợn.
Ivan đến thăm anh và được mời ăn những trái phúc bồn tử vừa hái trong vườn nhà. Nhicôlai nhai vội vàng, ngấu nghiến, miệng xuýt xoa: – Chà, ngon tuyệt, ngon tuyệt! Em thử nếm mà xem!
Sêkhôp chỉ dựng lên như thế đoạn đời một con người. Thoạt tiên có thể nghĩ rằng: mơ có một trang trại riêng (tất nhiên không phải bằng nguồn tiền tham nhũng!), thèm được ăn trái cây hái từ vườn nhà – chuyện này thường quá, ước mơ này có vẻ hiền lành, vô hại quá, có gì đáng để ý đâu! Nhưng dưới cái nhìn tinh tường, nghiêm khắc theo chuẩn mực đạo đức rất cao của nhà văn Sêkhôp, thì cái vẻ thỏa mãn tột độ, niềm sung sướng gần như phải reo lên, nhảy lên của tay điền chủ nghiến ngấu nhai những trái phúc bồn tử của cả một đời người kia đã tố cáo không chỉ sự nghèo nàn thảm hại trong lẽ sống của y, mà ở một lớp tầng sâu hơn – còn là sự tòng phạm với những điều ác tày đình đang diễn ra trên khắp nước Nga Sa hoàng thời ấy.
Chúng ta như được đọc những dòng suy nghĩ tiếp của Sêkhôp qua lời tự bạch của Bác sĩ Ivan.
“Không hiểu vì đâu, những ý nghĩ của tôi về hạnh phúc con người bao giờ cũng pha lẫn buồn rầu, và đến lúc này, khi trông thấy một con người thỏa mãn, hạnh phúc, một cảm giác nặng nề gần như tuyệt vọng choán cả lòng tôi… Tôi hình dung quả thật đã có quá nhiều những người thỏa mãn hạnh phúc! Đó là cả một sức đè nặng ghê gớm! Anh hãy thử nhìn lên cuộc đời này: sự đê tiện và nhàn hạ của những kẻ có quyền thế; sự dốt nát và bị dày vò như súc vật của những kẻ yếu, đâu đâu cũng thấy cảnh nghèo khổ đến cùng cực, chật chội, tha hóa, rượu chè, nghiện ngập, đạo đức giả, dối trá… Thế mà trong khắp mọi nhà và trên đường phố, đều thấy lặng lẽ, bình yên: trong số 50 nghìn người sống ở thành phố này, không một ai thét to lên, bày tỏ sự phẫn nộ… Tất cả đều bình yên, lặng lẽ, chỉ có con số thống kê câm là biết phản đối: bao nhiêu người phát điên, bao nhiêu thùng rượu đã uống cạn, bao nhiêu trẻ con bị đoản mệnh… Một thứ trật tự như vậy chắc là cần phải có, chắc là người tốt số cảm thấy hạnh phúc chỉ vì những kẻ bất hạnh âm thầm chịu đựng…”
“Sáng sớm hôm ấy, tôi rời nhà người anh, và từ đó tôi không thể nào sống nổi ở thành phố này được nữa. Sự yên lặng, bình thản chung quanh đè nặng lòng tôi, tôi sợ nhìn những khung cửa sổ; đối với tôi giờ đây không có cảnh tượng nào nặng nề hơn cảnh một gia đình hạnh phúc quây quần bên bàn và uống nước chè”…
Sêkhôp cùng nhân vật của ông đã nghiêm khắc quá chăng? Cái nhìn cuộc đời của ông có cực đoan quá không? Suy cho cùng thì “ngồi quây quần uống nước chè” bên khung cửa sổ sáng ánh đèn đâu phải là phạm tội!? Thế rồi Sêkhôp vẫn bày tỏ sự bất bình. Với ông, “pháp luật chỉ là cái đạo đức tối thiểu“, cái chuẩn đạo đức nhiều lần cao hơn mà lương tâm nhà văn đòi hỏi phải là sự đồng cảm sâu xa với nỗi đau của đồng loại, là sự phá bỏ cái im lặng – “đồng lõa với cái ác” đang ngự trị trong xã hội Sa hoàng.
Chỉ qua thiên truyện ngắn này ta đã thấy hiển hiện nhân cách lớn lao của nhà văn Sê khốp, tấm gương cho những người viết nặng lòng trắc ẩn noi theo.
*
Xã hội ta hôm nay tất nhiên khác xa thời Sêkhôp sống. Nhưng không thể nói chung quanh chúng ta không còn những điều gây bức xúc, đau lòng. Không xa những sân golf sang trọng, xanh mỡ màng, là những dãy nhà ổ chuột xác xơ trên kênh rạch đen ngòm, hôi thối. Người nông dân mất đất, tiêu hết tiền đền bù, không biết sẽ kiếm kế sinh nhai bằng cách gì. Chó becgiê đã cắn xé đến chết một phụ nữ nghèo đi mót cà phê trước sự vô cảm của nhiều người có trách nhiệm. Các cháu nữ sinh vị thành niên trở thành nạn nhân của các bậc mày râu tai to mặt lớn và rồi lại đang phải ngồi tù. Những ngư dân bám biển mưu sinh bị đánh đập, cướp bóc, xua đuổi ngay trên vùng lãnh hải của nước mình. Những đứa trẻ đến trường, đánh cược với mạng sống, đu dây qua dòng sông chảy xiết, trong khi nhiều dự án viển vông ngốn cả núi tiền vẫn đang được vẽ ra. Bệnh viện la liệt bệnh nhân, 2-3-4 người xếp chung một giừơng; và không ít người trong số họ sẽ bị trả về nhà chờ chết chỉ vì không còn tiền chữa trị. Trường ốc thiếu hụt, phụ huynh phải thức trắng đêm, chen chúc xếp hàng cố giành giật cho con mình một suất học mầm non! Và thế rồi những ngôi biệt thự hoành tráng, to vật vã với nguồn gốc mờ ám vẫn tiếp tục mọc lên như thách thức sự nhẫn nhịn của người dân… Nơi này nơi khác, người dân vẫn còn chưa “dám mở miệng ra” mà nói lên những bức xúc của mình…
Nhà văn, anh ở đâu trong trận chiến không tiếng súng mà đầy cam go đang diễn ra hàng ngày nhằm xóa bỏ những điều ngang trái để đạt đến mục tiêu cao đẹp còn rất xa vời : vì “dân giàu, nước mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ?
Vẫn biết nhà văn bộc lộ thái độ sống của mình thông qua tác phẩm thơ, truyện, tiểu thuyết… đầy ắp những tình cảm, sự am tường và những suy nghĩ trước hiện thực cuộc đời bằng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện. Người đọc vẫn chờ đợi, lắng nghe tiếng nói trực tiếp của nhà văn, – những tâm hồn nhạy cảm, những trí tuệ sắc sảo, đầy bản lĩnh.
Tuy vốn không ưa những lời có vẻ to tát, nhân ngày hội ngộ của giới văn nhân khắp ba miền Bắc – Trung – Nam (tiếc là còn quá ít người Việt từ nước ngoài), tôi vẫn muốn nói lời chúc cho các nhà văn: trước khi và trong khi cầm bút, hãy chia sẻ tình thương với từng số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau!
Hà Nội, 30/7/2010
PHG
Bài do tác giả trực tiếp gửi cho BVN, mặc dù về sau đã thấy đăng trên VietNamNet.
HT Mạng bauxite Việt Nam biên tập.