Trên trang Bauxite Việt Nam, nhiều tác giả bàn về “cán bộ mặt dày”. Vài bài về lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam cũng có hơi hướng chỉ trích này. Có vẻ như “cán bộ mặt dày” đã là một vấn đề của xã hội nên tôi cũng xin góp đôi lời.
Trước hết, lược xem cán bộ trong thời gian qua đã làm được điều gì ích nước lợi dân? Nếu có làm được thì không thể gọi mặt dày, mà những khiếm khuyết hay nét xấu chỉ là nhược điểm tự nhiên mà thôi. Về kinh tế, nước ta có phát triển nhưng chủ yếu do dân mày mò làm, như điển hình là nông dân với nông nghiệp không phải nhờ quản lý hành chính, ngược lại quản lý hành chính còn gây ra đổ vỡ như vụ Vinashin và bất ổn như điện lực. Về giáo dục, dân không còn tin tưởng các loại bằng cấp. Về y tế, dân gần như đã hết kiên nhẫn trước lời hứa người bệnh vào bệnh viện được nằm mỗi người một giường. Về văn hóa, đến các lễ hội là cảm nhận đầy đủ sự bát nháo. Về an ninh, dân không muốn dựa vào công an, thậm chí là sợ, rất sợ… toi mạng. Về quốc phòng, sự toàn vẹn đất nước không giữ được và ngày càng lung lay. Về ngoại giao, quá nhiều đối tác chiến lược.
Người dân thấy cán bộ họp hành nhiều, răn dạy nhau quá nhiều nhưng rất lúng túng trong xác định đường hướng đi tới. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh suốt hai nhiệm kỳ chỉ thấy hô hào học đạo đức Bác Hồ, chứng tỏ sự lúng túng về đường lối chính trị. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Cu Ba nói Việt Nam và Cu Ba thay nhau thức và ngủ để canh giữ hòa bình thế giới thì cũng chứng tỏ sự lúng túng về đường lối đối ngoại, cứ gặp gì nói nấy, tùy hứng cá nhân.
Có lần tôi hỏi một vị cán bộ tuyên giáo là ông có quản lý được tư tưởng của vợ ông với mấy bà láng giềng của ông hay không? Ông ta mỉm cười lắc đầu. Vậy làm sao ông quản lý được tư tưởng của hàng triệu người dân, đủ mọi tầng lớp? Vậy mà ông ăn lương và hưởng bổng lộc cả đời để làm cái việc ấy, tự hào về nó, hãnh diện về nó, coi như sự nghiệp vẻ vang của ông và gia đình ông, cái việc mà ông không thể hình dung và không làm được trong phạm vi hẹp, thuận lợi nhất, đơn giản nhất. Về kinh tế, văn hóa và nói chung là nhiều lĩnh vực xã hội khác, tình hình tương tự.
Song cũng phải thẳng thắn thừa nhận, từng vị cán bộ thì không đến nỗi nào. Một vị Chủ tịch tỉnh về nông thôn, có bà trung niên khi chia tay kêu với theo: “Khi nào rảnh nhớ về thăm tụi tao nghe”. Tôi hỏi, bà ấy bao nhiêu tuổi và thế nào với ông? Chủ tịch tỉnh trả lời, bà ấy hơn ông một tuổi, ngày xưa cùng đơn vị. Lại có ông Bí thư tỉnh về quê, được ông nông dân đón bằng ly rượu “lâu rồi mới gặp, tao với mày nguyên ly”. Ông nông dân uống cạn ly, ông Bí thư tỉnh cũng vui vẻ cạn ly. Ông Bí thư tỉnh cho tôi biết, ông nông dân là bạn chăn trâu với ông. Quan chức cao cấp mà bình dân như vậy thật đáng quý, và chắc cũng không nhiều nước có được.
Thế nhưng tại sao những người khi một mình thì dễ gần, dễ hiểu ấy, khi đứng vào bộ máy nhà nước lại trở nên khó gần, khó hiểu, thậm chí dối trá, độc ác? Đây là vấn đề rất cần được nghiên cứu. Nếu bản chất “mặt mỏng” mà phải làm “mặt dày” khi đứng nơi nào đó thì lỗi không chỉ ở con người, còn ở hoàn cảnh.
Nên luôn có tình hình rất kỳ lạ. Một con người, hôm trước còn đứng dưới đất nói ít người nghe, hôm sau được ngồi vào cái ghế nào đó thì mọi lời nói lập tức trở thành vàng ngọc “chỉ đạo sáng suốt”, hôm sau nữa rời ghế xuống đất đứng thì nói lại chẳng ai nghe. Có người chưa ngồi lên ghế thì bị đắn đo là ngồi lên ghế có “hơi non” nhưng ngồi trên ghế rồi lại được coi “khó có người thay”. Như thế, thông minh sáng suốt là ở cái ghế chứ không phải ở người ngồi trên ghế. Công tác bảo vệ cũng chỉ nhằm giữ cái ghế chứ không nhằm giữ con người. Cái mặt người bị coi không bằng cái mặt ghế như vậy, muốn giữ được cho khỏi dày lên là rất khó và đòi hỏi một nghị lực phi thường.
SN
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập