Giới điện ảnh Việt Nam lặng lẽ tìm đường đến phương trời mới

Tuấn Khanh

Nếu quan sát những platform chuyên trình chiếu phim của Thái Lan, Singapore… và đặc biệt là ở Netflix, người ta có thể nhận ra một nỗ lực không ngừng nghỉ của các lớp đạo diễn và diễn viên trẻ đang khao khát muốn bắt kịp chuyển động điện ảnh, ít nhất là ở trong khu vực.

Việt Nam, một quốc gia có khuynh hướng được coi là kiểm duyệt văn hoá khắt khe, và thậm chí là cảm tính, đã vô hình trung, tạo nên một mặt bằng điện ảnh trong nước nhiều kịch bản có khuynh hướng đơn giản, hài hước và cao hơn, là một một số phim được chuyển thể từ truyện ngắn hay tác phẩm quen thuộc. Mọi thứ như để cố vượt qua lưỡi kéo kiểm duyệt nhẹ nhàng nhất, và không bị bất kỳ khó khăn nào có thể làm tổn thương đến túi tiền sản xuất vốn đã rất eo hẹp.

Lâu nay, những câu chuyện về các diễn viên hay bộ phim Việt Nam đoạt giải ở nước ngoài, vẫn là niềm mơ ước thầm lặng của những người làm điện ảnh trong nước, nhưng hầu hết đều gói gọn trong kiểu lý giải chấp nhận, bởi “bên ngoài cuộc sống rất khác”. Đã có những bộ phim Việt Nam bí mật sản xuất rồi không đưa qua kiểm duyệt, chuyển đi đến các liên hoan phim nước ngoài, thậm chí đoạt giải nhưng về nước thì bị phạt, bị cấm chiếu. Năm 2019, phim Ròm đoạt giải Liên hoan phim Busan 2019, nhưng về nước bị cấm chiếu, vì bị coi là đi thi điện ảnh “chui”. Phim Vị đoạt giải Liên hoan phim Berlin 2021, nhưng về nước thì được đón bằng trận mưa búa rìu dư luận được tổ chức trên các báo do nhà nước quản lý.

Phim ở Việt Nam được ra mắt khán giả phải đi qua hội đồng kiểm duyệt và thường là phải đối diện với những quan điểm được coi là truyền thống và “văn hóa đứng đắn”, theo tư tưởng của Hội đồng kiểm duyệt. Bất cứ thứ nào vuột qua tay của những người có trách nhiệm dò xét từng khung ảnh, từng lời nói trên phim, cũng trở thành là một vấn nạn về sau. Bất chấp quan điểm của Hội đồng kiểm nghiệm có thể đi chậm hơn cả sự phát triển của điện ảnh thế giới nhưng quyết định của họ mang tính tiên quyết đến với số phận điện ảnh Việt Nam. Ít có người trong nghề dám lên tiếng phản ứng về những chuyện như vậy. Thỉnh thoảng có một vài ý kiến phản ứng trước những lưỡi kéo kiểm duyệt, như của đạo diễn Phan Đăng Di “Với tư duy của một số người trong hội đồng duyệt thì sẽ nói là đi ngược với thuần phong mỹ tục. Chúng ta nên hiểu, sự sáng tạo của người nghệ sĩ luôn có những huyễn tưởng, để biểu đạt đúng ý đồ họ muốn, đây là điều cả thế giới chấp nhận”.

Đã có nhiều phim bị cấm chiếu vĩnh viễn ở Việt Nam, như Bẫy Cấp 3, Vợ Ba, Vị… trong số đó, ngân sách lớn nhất là Bụi đời Chợ Lớn. Nếu hôm nay xem lại, thì người ta sẽ thấy rằng những nội dung tương tự như vậy – thậm chí còn hơn thế nữa – được thể hiện ở phim Thái, phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc xuất hiện dẫy đầy ở Việt Nam. Có thể vì để bảo vệ đứa con của mình nguyên vẹn và được trình chiếu trên khắp thế giới với tính nguyên bản của nó, mà nhà sản xuất phim Vị đã quyết bán đứt cho Singapore, để không phải bàn cãi gì về pháp và lý nữa.

Thế nhưng, khoảng 5 năm gần đây, người ta tìm thấy nhiều phim ngắn, và độc lập của điện ảnh Việt Nam bắt đầu được stream trên các nền platform bên ngoài Việt Nam như True ID, Pops… Điều đáng ngạc nhiên là những bộ phim này chạm vào những đề tài lâu nay rất khó duyệt, đó là các đề tài như kinh dị, ma quái, đối đầu băng đảng… Sự phát triển của các nền tảng trình chiếu trực tuyến đã mở ra một khung trời mới cho người làm điện ảnh thế hệ mới của Việt Nam, với sự khao khát lách qua cánh cửa hẹp kiểm duyệt, tìm thấy những ngõ ra mới.

Tháng Ba 2023, khi Netflix bắt đầu phát trực tuyến Furies vào ngày 23 tháng 3, bộ phim hành động bị xếp hạng bạo lực này đã lọt vào danh sách Top 10 phim nước ngoài được xem nhiều nhất trên toàn thế giới trong hai tuần liên tiếp. Điều này làm dấy lên mối quan tâm mới ở Việt Nam, khiến bộ phim gai góc do nữ chính đóng chính được biết đến với tên gọi ‘Thanh Sỏi’, đứng trong Top 10 của người xem Việt Nam trong một tháng.

Nói với phóng viên của tờ Nikkei, một khán giả địa phương nói: “Tôi thậm chí còn không biết Việt Nam có thể loại phim này”. Điều này cho thấy hàng rào kiểm duyệt của Việt Nam đã khiến sức sống của giới làm điện ảnh trong nước chùn lại, hao mòn đến thế nào.

Không chỉ vậy, bộ phim Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh, dù là một trong những bộ phim được coi ăn khách nhất phòng vé, ước tính đã đạt đến 4,26 triệu USD chỉ sau bốn ngày ra mắt ở trong nước, nhưng sau đó đã chọn một ngõ ra mới là phát trực tuyến trên Netflix. Phát hành phim qua các rạp chiếu là cách làm truyền thống trước nay, nhưng với bối cảnh một quốc gia được kiểm soát chặt chẽ và việc được sắp xếp chiếu ở rạp vào những giờ đẹp, và thời gian chiếu, cũng là một việc phải chạy chọt, thì trình chiếu trực tuyến trên Netflix toàn thời gian trở thành một lựa chọn lý tưởng.

Phim Việt thường làm theo một xu hướng chung, là minh họa kịch tính và phải nhân văn, nhưng lối mòn này bị coi là không bắt đúng mạch khán giả trẻ – vốn thích những đề tài mới lạ,  thậm chí là kết thúc với nghịch cảnh. Sự thành công của một số phim Việt trên Netflix, gợi ý nhiều điều mới cho các nhà sản xuất về những lối đi khác biệt đến những phương trời mới, tập trung vào việc phát triển trên các nền tảng trực tuyến hơn là vào hệ thống phát hành tập trung, vẫn do nhà nước kiểm soát.

Điểm sáng mới nhất trên Netflix, là loạt phim 12 tập Hellbound Village (Tên tiếng Việt là Tết ở Làng địa ngục), dựa trên tiểu thuyết kinh dị của nhà văn Thảo Trang, phim kể về một ngôi làng ở vùng núi phía bắc Việt Nam phải đối mặt với sự diệt vong khi năm mới sắp đến. Phim đứng trong top 10 nhiều tuần, và đặc biệt không chiếu trên truyền hình cũng không phát hành trong nước, và người Việt chỉ có thể tìm đến trên mạng Netflix để xem bộ phim đó như thế nào.

Rõ là sao nửa thế kỷ loay hoay để chống chọi với những ánh mắt kiểm duyệt và những ý tưởng không hợp thời thế, giờ đây những nhà làm phim Việt Nam đã tạm tìm thấy một con đường của mình: trước đó là phát triển thành những tập phim lấy quảng cáo trên YouTube, giờ đây họ đã có những nhà đồng sản xuất lớn và chiếu trực tuyến thu tiền. Năm 2024 dự kiến sẽ là năm đầy hứa hẹn của những nhà sản xuất, đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ… trên con đường lặng lẽ đi tìm sự thể hiện sức mình ở những nền tảng tự do hơn, thậm chí là sống tốt hơn, so với  con đường phát triển điện ảnh trước nay.

T.K.

Nguồn: Tuấn Khanh’s Blog

 

This entry was posted in văn hoá, Điện ảnh Việt Nam. Bookmark the permalink.