Lũ lụt thê thảm tại Trung Quốc, Trung Quốc đắm chìm dưới các cơn mưa lũ, đây là những dòng tựa bắt gặp trên trang nhất của tờ Le Monde và Le Figaro hôm nay. Từ 10 năm nay, chưa bao giờ Trung Quốc lại bị lâm vào cảnh lụt lội thảm thương như hiện nay. Hai tờ báo nêu con số 40 triệu người bị tác hại. Le Monde nêu lên con số chính thức là 333 người chết và từng đó người mất tích chỉ trong hai tuần lễ, kể từ 14/7.
Lụt lội nghiêm trọng nhất có lẽ xẩy ra ở tỉnh Hồ Bắc .Thông tín viên Le Monde nhìn thấy thủ phủ Vũ Hán, thành phố 9 triệu dân, đang nín thở lo sợ. Thành phố này nằm nơi hợp lưu của hai con sông Trường Giang/Dương Tử và sông Hán, thành phố đứng trước nguy cơ bị nạn lụt nghiêm trọng nhất từ một chục năm qua, vì mực nước của cả 2 con sông cùng lên cao chưa từng thấy và cũng rất hiếm khi dâng lên trong cùng một thời điểm như hiện nay.
30 ngàn người từ quân đội đến dân chúng được huy động dọc bờ đê, theo dõi mực nước, trong khi hàng chục ngàn dân cư ở khu phía Nam Vũ Hán đã phải tản cư đi nơi khác. Ngoài thiệt hại nhân mạng, mà theo số liệu chính quyền tính từ đầu năm đến giờ lên đến 1000 người và 500 người mất tích, theo Le Monde, thiệt hại vật chất được ước tính là hơn 52 tỷ yuan (5 tỷ euro).
Nhưng không chỉ có thiên tai là nguyên nhân gây chết người. Bài báo còn nêu bật vấn đề chuẩn mực an toàn không được bảo đảm và sự bất cẩn của con người, làm tình hình nghiêm trọng thêm.
Trước hết, bài báo quan sát một cách lo ngại Đập Tam Hiệp, nằm giữa Trùng Khánh và Vũ Hán, công trình trước đây từng được chính quyền Bắc Kinh ca ngợi như là công cụ cần thiết để chống nạn lụt. Thế nhưng hiện nay thì con đập không hữu hiệu như người ta đã quảng cáo : việc cho nước vào hồ đã hai lần vượt quá mức tối đa quy định vào mùa mưa. Tuần qua nước sông Dương Tử lên cao đến mức mà đập phải xả nước. Giới chức đã phải công nhận là khả năng chống lụt của đập cũng có giới hạn.
Còn nhìn sang Hà Nam, Le Monde ghi nhận một chiếc cầu dài 200 mét bị sập làm khoảng 50 người thiệt mạng. Một cái chết phi lý mà chinh quyền điạ phương thông báo là họ sẽ đứng ra gánh lấy trách nhiệm. Theo lời một nhân chứng, cả trăm người, trong đó có du khách, đã ra đứng trên cầu để xem cảnh nước sông dâng cao chảy cuồn cuộn, tai nạn xảy đến khi các thân cây bị nước cuốn trôi trên sông chặn dòng nước lại làm sụp cầu.
Tại Cát Lâm tình hình còn đáng ngại nữa. Lũ lụt đã làm sập gần 22.000 ngôi nhà, nhưng dân chúng tại đây lại phải chịu thêm cảnh hóa chất đầu độc nguồn nước: 7000 thùng hóa chất một nhà máy đã bị cuốn trôi, và chỉ mới có 1.500 thùng độc chất được vớt lên.
Vừa thiên tai, vừa nhân họa
Nhưng Trung Quốc không chỉ phải đối phó duy nhất với thiên tai lũ lụt và hậu quả của nó, mà còn phải đối phó với những hệ quả do con người gây ra. Le Monde nhắc lại là trong thời gian gần đây hàng loạt tai nạn công nghiệp xảy ra với những hậu quả nghiêm trọng: chỉ trong tháng này thôi, vào đầu tháng 7 là vụ hốa chất đổ ra sông ở Phúc Kiến, kế đến là vụ nổ ống dẫn dầu gây nạn thủy triều đen ở cảng Đại Liên,và gần đây, vào thứ 4 vừa qua vụ nổ ở một nhà máy ở Nam Kinh, khiến 13 người thiệt mạng, nhà cửa cả một khu phố bị hư hại, hơn 300 người bị thương.
Theo Le Monde, tai nạn công nghiệp dẫn đến thảm họa sinh thái, tác hại đến sức khỏe con người, càng ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Chính Bộ Môi trường cũng nêu bật hiện tượng này khi công bố thống kê là trong 6 tháng đầu năm nay, tính ra có đến 102 sự cố, trong lúc toàn năm 2009 chỉ có khoảng 171 vụ được ghi nhận.
Nguyên nhân chủ yếu là là hành động bất cẩn: từ việc thiết lập những khu vực công nghiệp, khu vực phát triển, bất kể đến sự an toàn của cư dân, cho đến việc thiếu kiểm tra, giám sát rủi ro công nghiệp. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là thái độ dung túng của chính quyền. Những tập đoàn nhà nước hầu như đứng trên pháp luật.
Trích dẫn một nhà bảo vệ môi sinh, Chủ tịch một hiệp hội giám sát vấn đề ô nhiễm nước, Le Monde nêu bật thái độ che giấu sự thật của chính quyền điạ phương: như trong vụ các thùng hóa chất ở Cát Lâm, chính quyền cho cúp nước sử dụng, nhưng lại giải thich với dân ở đấy là do sự cố về điện. Còn trong trường hợp nguồn nước bị nhiễm độc ở Phúc Kiến, thì mãi đến 9 ngày sau vụ việc mới được thông báo.
Biện pháp trừng phạt đối với những người gây ô nhiễm quá nhẹ cũng là một yếu tố khuyến khích những kẻ gây ô nhiễm, các xí nghiệp lại đươc chính quyền địa phương bao che. Giới bảo vệ môi sinh, báo chí thì bị ‘khoá miệng’.
Vấn đề đã được tờ báo nêu bật trong hàng tiểu tựa: những tai nạn xí nghiệp ngày càng tăng là điều bất lợi, làm suy yếu ‘’xưởng sản xuất của thế giới’’.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100731-trung-quoc-tray-trat-doi-pho-voi-lu-lut-va-tham-hoa-moi-sinh