5-12-2023
Nhìn khối lượng tài sản kê biên trong vụ Vạn Thịnh Phát không khỏi không liên hệ tới vụ Nước hoa Thanh Hương.
Ngày 10-3-1990, khi khám nhà, “bắt khẩn cấp” Nguyễn Văn Mười Hai, công an phát hiện một lượng tiền mặt lên tới 15,5 tỷ đồng, một lượng vàng thoi nặng 149,88 ký; ngoài ra, Mười Hai còn có 18 căn nhà và 20 chiếc xe hơi, trong đó có những chiếc Mercedes mà ở Việt Nam chưa ai từng có.
Nguyễn Văn Mười Hai huy động vốn không phải để sản xuất. Số tiền ông ta “huy động” từ 160 nghìn người lên đến 154,7 tỷ đồng, tương đương với 77 nghìn lượng vàng tính theo giá năm 1990, trong khi tổng số nước hoa Thanh Hương bán được chỉ là 1,193 tỷ.
Bất động sản mà Trương Mỹ Lan sở hữu cũng từng làm chúng ta choáng ngợp. Và, như chúng ta thấy, bà Lan “nắm” ngân hàng nhưng không phải để kinh doanh ngân hàng mà để “gom tiền”. Hơn 93% số tiền gửi mà SCB huy động, tương đương với 1.066.000 tỷ đồng, được rút ra cho bà Lan [theo cơ quan điều tra].
Đã từng có những đồn thổi, sau lưng Trương Mỹ Lan là những nhân vật như Chu Vĩnh Khang, giờ thì ta mới té ngửa ra, chưa thấy bằng chứng “quan tham phương Bắc rửa tiền” chỉ thấy quan tham trong nước bảo kê cho bà ta móc túi con dân nước Việt.
Nếu như Nguyễn Văn Mười Hai có thể lừa đảo 160 nghìn người chủ yếu vì sự bối rối của chính quyền trong giai đoạn đầu chuyển sang kinh tế thị trường. Thì, chính tham nhũng và tính thiếu chuyên nghiệp – quản lý hành chính hình thức, không quản lý theo bản chất – đã dung dưỡng Trương Mỹ Lan. Chính quản lý hành chính hình thức đã tạo ra môi trường béo bở cho sự tha hóa của bộ máy.
Hai pháp lệnh ngân hàng được ban hành tháng 5-1990 đã tách bạch chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước với các ngân hàng thương mại, hoạt động chủ yếu là kinh doanh tiền tệ. Mặc dù tác giả của chính sách đổi mới này không phải là ông Cao Sĩ Kiêm, nhưng, ông – xuất thân từ một lãnh đạo ngân hàng tỉnh thời bao cấp – vẫn thực thi đúng tinh thần đổi mới.
Những ngân hàng thương mại ra đời trong nửa đầu thập niên 1990s, như Eximbank, Sacombank, ACB và cả Đông Á Bank… hơn một thập niên sau đó đều đi đúng hướng và trở thành những ngân hàng mạnh.
Cho dù gần hai năm sau khi ông Cao Sĩ Kiêm rời ghế Thống đốc, ông Lê Đức Thúy mới đảm trách vị trí này, nhưng trên thực tế, ông Thúy là người kế nhiệm.
Ông Lê Đức Thúy là một người có kiến thức tiền tệ và kinh tế sâu. Ông định hướng dẫn dắt ngành ngân hàng theo mô hình của các nền kinh tế phát triển [OEDC], với tư duy kiên định kinh tế thị trường. Ông Lê Đức Thúy đã rất trầy trật để bãi bỏ trần lãi suất, giảm xin cho theo tiêu chí an toàn, cho NHTM được làm những gì Luật không cấm, đa dạng hoá sản phẩm ngành ngân hàng, mở dần hệ thống ngân hàng khỏi các trói buộc hành chính [Ví dụ, một ngân hàng TM có thể mở Chi nhánh theo quy mô cấp độ vốn minh bạch, mở phòng giao dịch (PGD) bất cứ đâu trong địa bàn tỉnh khi đủ điều kiện an toàn và vốn, không cần phải xin giấy phép từng PGD như sau đó…].
Trong gần hai nhiệm kỳ của ông Thúy, cho đến 2006, thị trường Tài chính tiền tệ phát triển khá đường nét. Các công cụ chính sách được sử dụng hiệu quả.
Ông Thúy là người sử dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả các công cụ gián tiếp, xây dựng và đẩy mạnh Thị Trường Mở, thị trường liên ngân hàng, đưa ngân hàng Việt Nam tiếp cận và hội nhập quốc tế; Áp dụng hiệu quả công cụ gián tiếp giúp quản lý lãi suất, kiểm soát cung tiền và qua đó kiểm soát lạm phát không bị “giật cục”, tăng tính dự báo, ở mức hợp lý mà vẫn đảm bảo tăng trưởng cao thông qua: Tăng trưởng tín dụng (20-22%/năm), kiểm soát tiền trong lưu thông (M2, 22-25%/năm), đẩy mạnh vai trò thị trường mở để kiểm soát lãi suất và tỷ giá, nhuần nhuyễn giữa tỷ giá và lãi suất, tính dự báo của chính sách tiền tệ cao.
Các NHTM tư nhân dần chuyên nghiệp hơn về quản lý, tự chủ hơn về kinh doanh, lớn mạnh hơn về quy mô và dần chiếm tỷ trọng cao trong ngành ngân hàng (có lúc trên 50%).
Ngay cả một quyết định gây tranh cãi thời ông Thúy là chuyển ngân hàng nông thôn [NHNT] lên thành NHTM, buộc các NHNT phải theo một chuẩn rủi ro như các NHTM khác, thay vì giữ “tiêu chuẩn kép” cũng xuất phát từ tư duy thống nhất thị trường và chuẩn mực. Không hiểu, nếu vẫn cứ duy trì các Ngân hàng nông thôn với các chuẩn mực của Quỹ tín dụng thì đến nay hệ thống sẽ ra sao.
Năm 2007, khi “tân thủ tướng” muốn tạo những bước nhảy vọt đưa tăng trưởng GDP lên “hai con số”, và ông Lê Đức Thúy bị đánh tả tơi, ông Thúy đã sai lầm khi không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối nhiệm kỳ và Thống đốc kế nhiệm cũng không có biện pháp ngăn ngừa khi để tăng trưởng tín dụng nhảy vọt lên tới 53% năm 2007.
Trên thực tế cuối năm 2007, Việt Nam bị lạm phát cao và khủng hoảng tiền tệ chứ không phải “bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới 2008” như sau này các chính trị gia lấy làm “sọt rác” để ném các sai lầm của mình vào.
Tuy khá thâm niên trong ngành ngân hàng, nhưng ông Nguyễn Văn Giàu là một người “nhạy bén chính trị” hơn là kỹ trị. Cách điều hành của ông Giàu không cho thấy ông có đủ kiến thức kinh tế tiền tệ vĩ mô. Từ nhãn quan chính trị và sự nhạy bén, nhất là nhạy bén với tham vọng của người đứng đầu, ông Giàu đã đưa cung cách quản lý quay về thời bao cấp, kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính.
Nhưng, thị trường đã không nghe theo mệnh lệnh của ông.
Những người làm việc trong các NHTM không thể nào quên được bàn tay sắt của ông Giàu khi ép NHTM thỏa thuận lãi suất dưới cả lạm phát, dù ai cũng biết là phi kinh tế. Khi lãi suất Thị trường mở lên đến xấp xỉ 20% (NHNN cho vay bằng TPCP) ông Giàu vẫn yêu cầu các NHTM huy động 14%. Bất chấp sự bền vững của hệ thống NHTM, ông Giàu chuyển hết rủi ro chính sách cho các NHTM.
Lãi suất trần phi thị trường, công cụ hành chính bất chấp quy luật thị trường đã biến NHNN và NHTM thành hai bên chiến tuyến, đối tượng và đối thủ [Ocean Bank cũng đã chết vì đã chi ngoài sổ sách vượt trần lãi suất].
Thay vì phân loại các ngân hàng theo thông lệ quốc tế là xếp hạng tín nhiệm theo rủi ro, ông Giàu nổi tiếng khi phân loại ngân hàng làm hai loại: Ngân hàng lớn và ngân hàng “cá lòng tong…”.
Tư duy Hành chính bao cấp không chỉ sản sinh ra những “đặc sản” mang đậm dấu ấn Nguyễn Văn Giàu như, trần lãi suất 2008, trần tăng tín dụng 2011… mà còn được thể hiện trong chính sách.
Nếu như Luật Các Tổ chức Tín dụng 2005 cho các NHTM được làm những gì nhà nước không cấm thì Luật 2010 buộc NHTM chỉ được làm những gì NHNN cho phép. Ngớ ngẩn đến mức luật Ngân hàng do ông Giàu soạn thảo khi quy định các hoạt động ngân hàng [Điều 4, mục 12], đã liệt kê chi tiết nhưng lại quên ghi quyền “gửi tiền tại NHNN và TCTD khác”. Từ đó, các NHTM không được gửi tiền nhau mà chỉ được cho nhau vay…
Quy định này, cùng quy định không được dùng tiền liên ngân hàng cho vay của ông Giàu, đã góp phần giết chết thị trường liên ngân hàng một thời. Không nền kinh tế thị trường nào làm như thế.
Dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, lãi suất nhảy nhót, tỷ giá bất an hoàn toàn không có tính dự báo. Khủng hoảng 2011, lạm phát 2011 – 2012 là sản phẩm của ông Giàu. Hậu quả của sự “bẻ ghi” chính sách này đã đưa hệ thống ngân hàng quay lại thời kỳ bao cấp với rất nhiều ung nhọt.
Cách điều hành của ông Giàu khiến cho đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thốt lên là “điều hành kiểu giật cục” [Cuối năm 2008, ông Giàu mới bảo giải ngân là phá hoại thì sang 2009, khi Thủ tướng ép giải ngân, ông lại bảo không giải ngân là phá hoại].
Ông Nguyễn Văn Bình là người đón nhận di sản ấy. Thống đốc Nguyễn Văn Bình là một người cực kỳ sắc sảo. Ông nắm vững kiến thức tài chính tiền tệ, hiểu biết công cụ thị trường. Nhưng khi thì quá chính trị, khi thì lại rất “giang hồ” trong hành động.
Chính sách tiền tệ của ông Nguyễn Văn Bình khoa học hơn nên ông vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính của NHNN, kiểm soát chặt lạm phát vừa vận hành thị trường tốt. Tuy nhiên ông vẫn giữ trần lãi suất và khi cần thành tích nhanh, ông sẵn sàng giết chết thị trường.
Bằng Nghị định 24, ông giết hẳn thị trường vàng chính thức. Dân chúng tích lũy vàng khi kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát không được kiểm soát chứ không phải vì nhà nước không độc quyền vàng miếng. Thật ngớ ngẩn khi bằng các mệnh lệnh hành chính, giao độc quyền vàng miếng cho SJC, khiến người tiêu dùng phải mua vàng với giá cao hơn giá vàng thế giới từ 15-25 triệu VND/lượng.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã phá vỡ các thành tựu cải cách theo hướng thị trường và đã để lại những “hố tử khí” buộc người kế nhiệm không thể không hành động. Người kế nhiệm đủ dao kéo, đủ trình độ để xử lý, nhưng ông chỉ “đóng nắp các loại ổ bệnh”.
Các quyết định của ông Bình giữ được sự ổn định tương đối nếu nhìn ngắn hạn, và hậu quả là vô phương thoát ra trong dài hạn. Quyết định “Ngân hàng 0 đồng” là ví dụ với những hệ lụy không thể giải quyết nếu chỉ từ các quyết định của ngành ngân hàng. Các biện pháp “chống thâu tóm” đã biến các NHTM Việt Nam ít nhiều đại chúng trước đây thành một chủ và về mặt pháp lý vẫn còn nảy sinh tiếp nhiều vấn đề.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tạo ra một một thời kỳ bình yên giả tạo và dù ai cũng nhận ra bên dưới là sóng lừng, không ai muốn cái không gian phẳng lặng ấy vỡ ra trong nhiệm kỳ của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có quá nhiều NHTM. Khi nâng các NHNT lên NHTM những người phản đối cũng cho rằng nó làm đẻ số. Tuy nhiên, vấn đề không phải là Việt Nam có bao nhiêu ngân hàng mà là có bao nhiêu ngân hàng thực sự đang kinh doanh tiền tệ, bao nhiêu ngân hàng đang là công cụ huy động vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành khác của các chủ sở hữu, bao nhiêu người lập ngân hàng để “cướp” như Trương Mỹ Lan.
Thật khó để đánh giá một nền kinh tế như Việt Nam cần có bao nhiêu NHTM nếu như sự xuất hiện hay biến mất của nó không dựa trên các quy luật của kinh tế thị trường. Bằng các công cụ hành chính, Việt Nam cũng đã làm giảm được số lượng ngân hàng từ 80 xuống còn 49.
Nhưng, sáp nhập các ngân hàng như TMCP Sài Gòn (cũ), Đệ Nhất với Việt Nam Tín Nghĩa [thực chất là của bà Lan] thành SCB [thực chất cũng của bà Lan] chỉ đánh lừa chúng ta về số học trong khi trên thực tế là làm gia tăng năng lực lừa đảo của Trương Mỹ Lan.
Nếu năm 2012 để ba ngân hàng này phá sản, nền kinh tế và dân chúng chỉ chịu đựng tổn thất trên dưới 10.000 tỷ chứ không phải là hơn một triệu tỷ như bây giờ. Nếu năm 2015 để cho ngân hàng Phương Nam phá sản, không những nền kinh tế loại bỏ được một ngân hàng xấu, mà còn không làm suy yếu thêm một ngân hàng đã từng thực sự kinh doanh ngân hàng như Sacombank.
Hiện nay, các quy định về phá sản Ngân hàng đã được ghi quy định trong Luật các Tổ chứ Tín dụng (Điều 152), tuy nhiên mức bảo hiểm tiền gửi quy định trong Luật Bảo hiểm tiền gửi, còn thấp (BHTG thực hiện chi trả khi tổ chức tham gia BHTG phá sản với hạn mức tối đa 125 triệu đồng). Cần nâng mức bảo hiểm tiền gửi và cần chuẩn bị một lộ trình cho ngân hàng phá sản.
Nhiều người hiện nay chỉ nhớ tới ông Lê Ân như một ông già “chịu chơi” với vợ trẻ, ít ai còn nhớ, ông Lê Ân đã từng hành xử khá kinh điển trong ngành ngân hàng.
Năm 1989, lãi suất tiền gửi mà các HTX tín dụng được áp dụng là 12% [lần đầu áp dụng lãi suất dương so với lạm phát]. Trong khi, các HTX tín dụng khác đều nhận tiền gửi với lãi suất 12% + thêm quà tặng thì ông Lê Ân luôn đứng trước văn phòng HTX tín dụng Hòa Hưng, nói với khách hàng, “Chúng tôi không làm gì ra lãi 12%/tháng cả. Nếu các bạn muốn tiền của mình được bảo đảm thì hãy gửi ở đây với lãi suất 11%”.
Những người nghe lời ông Lê Ân năm ấy đã không mất tiền vì ông Lê Ân không thể cho ai vay mà mang tiền ấy sang gửi ngân hàng nhà nước. Kết quả là năm ấy có rất ít HTX tín dụng sống sót, một trong số ấy là Tín dụng Hòa Hưng.
Nhà nước đảm bảo tiền gửi cho người dân thì người dân thay vì tìm đến những tổ chức tín dụng tốt [bao gồm cả tham khảo mức bảo hiểm tiền gửi cho từng ngân hàng] họ chỉ tìm đến những nơi có lãi suất cao. Bảo đảm tiền gửi vô điều kiện cho người dân không những không lành mạnh hóa được hệ thống ngân hàng mà còn vỗ béo những kẻ lập ngân hàng để cướp.
Nếu như kể từ sau “Cương lĩnh phát triển kinh tế xã hội tới năm 2000”[1991], mọi nỗ lực xây dựng thể chế đều cố gắng để đưa đất nước phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Thì, kể từ những năm cuối thập niên 2000s, khuynh hướng này bắt đầu bị thao túng. Có thể gọi đây mới thực sự là “nguy cơ chệch hướng”, nguy cơ đưa nền kinh tế đi chệch khỏi định hướng thị trường.
Không có kinh tế thị trường thì, như chúng ta đang chứng kiến trong lĩnh vực ngân hàng, không những không có định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn trao thêm công cụ tước đoạt cho các giai cấp mới.
PHỤ LỤC:
PS1: PHÁ SẢN NGÂN HÀNG Ở MỸ:
Mỹ đến cuối năm 2020 có 4.377 ngân hàng giảm trên 10.000 so 1984 [Từ 14.496]. Cao nhất là vào năm 1921: 30.456 ngân hàng. Số lượng các ngân hàng sáp nhập nhau và phá sản cũng không hề nhỏ. Xu thế giảm dần số lượng ngân hàng đang tiếp tục diễn ra, hoàn toàn từ góc nhìn lợi ích kinh tế chứ không phải Fed hay chính phủ Mỹ “quy hoạch” giảm.
Số lượng ngân hàng giảm dần một phần bởi phá sản dù số lượng được cấp phép mới không ít. Số lượng ngân hàng phá sản ở Mỹ từ 2008 đến 2020 là 445 và đạt đỉnh vào năm 2010 với 157. Nhưng những người gửi tiền hầu như, hầu như thôi, không mất tiền nhờ FDIC.
Năm 1933 Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) được thành lập với chức năng chính là bảo hiểm các khoản tiền gửi và tiền tiết kiệm tại các Ngân hàng Mỹ trong trường hợp ngân hàng gặp sự cố hay mất khả năng chi trả để duy trì niềm tin của công chúng và đảm bảo sự ổn định hệ thống. Hiện FDIC bảo hiểm các khoản tiền gửi tối đa $250.000 cho mỗi người gửi tiền tại mỗi tổ chức thành viên – tổ chức tín dụng – của FDIC.
Từ năm 2008 đến năm 2016 FDIC đã chi khoảng 100 tỷ USD. Nguồn quỹ hình thành từ các khoản đóng góp của các NHTM căn cứ quy mô tiền gửi.
Fed không bảo lãnh hay cam kết trả nợ thay cho ngân hàng nào. Bởi nếu Fed đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi thì các ngân hàng sẽ có mức rủi ro như nhau và bằng của Fed. Mà như thế thì dân cứ lãi suất ở đâu cao hơn thì gửi và NHTM phá sản thì Fed trả à! Fed không chơi như thế. Các nhà đầu tư – gửi tiền – phải tự quyết định lựa chọn và chịu rủi ro nếu NHTM phá sản.
Nếu NHTM phá sản thì FDIC chi trả bảo hiểm (đến $250.000). Bảo hiểm có phạm vi, quy mô chứ không vô tận [Theo Fed].
H.Đ.
Nguồn: baotiengdan.com/