Đôi lời với những người chê bai tranh khắc đồng của họa sĩ Phạm Xuân Trường

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Trước hết, tôi cần cám ơn họa sĩ PXT, bởi nhờ có triển lãm của ông vừa qua, những người quản lý văn hóa của một Thủ đô thế giới XHCN tươi đẹp mới có dịp bộc lộ hết bản lĩnh chính trị, trình độ thẩm mỹ, tầm vóc văn hóa của họ khiến hàng triệu người dân các giới các ngành phải ngán ngẩm, thất vọng, Bởi sự thực thi mẫn cán, hành động công khai đòi dỡ bỏ khỏi triển lãm 34 nhân vật được khắc đồng vốn “không được lòng chính thể” vừa qua đã “thanh thiên bạch nhật” trước bàn dân thiên hạ toàn bộ sự lạc hậu, ngu dốt, hư hoại đến tận đáy của cả một hệ thống lẫn tư tưởng quản lý văn hóa – văn nghệ lẽ ra phải ném vào sọt rác lịch sử từ lâu, và không may họ lại là đại diện đáng xấu hổ cuối cùng của nó!

Nhưng, mấy ngày qua, dư luận lại đổ xô vào chê bai, dè bĩu, miệt thị tác phẩm của họa sĩ này một cách vô lối, đã vô tình hoặc cố tình làm nhạt đi điều đáng lên án là việc làm vô pháp luật & vô văn hóa của người quản lý Văn hóa Hà Nội. Những người này tựu trung chê tác giả là nghiệp dư, tác phẩm không có gì đẹp, tựa tranh mộ, thậm chí bôi bác nhân vật trong tác phẩm được tôn vinh, một thứ truyền thần kém cả “tranh Bờ Hồ”, cần có giới chuyên môn thẩm định trước khi đưa ra triển lãm, v.v.

Tôi cần nhắc nhẹ mấy vị này: nếu các vị chịu khó đọc rộng chút sẽ biết rằng: ở thế giới văn minh –  đặc biệt là nước Anh, họ rất tôn trọng, đánh giá cao những người hoạt động nghiệp dư trong các lĩnh vực chuyên nghiệp (thể thao, nghệ thuật…). Thực tế, hầu hết nhưng “nhà nghiệp dư” này khi thi thố tài năng, năng khiếu bẩm sinh, họ đều đạt tới độ chuyên nghiệp đáng kinh ngạc, bởi họ đã lao động bằng mồ hôi & trí não không kém những nhà chuyên nghiệp thực thụ! Với lại, vị quan tòa công minh nhất phán xét sản phẩm của họ chính là công chúng có trình độ tri thức cao thậm chí hơn họ cả cái đầu!

Trở lại họa sĩ PXT, đọc một bài viết khá kỹ tôi biết ông từng là thợ cơ khí, gò hàn bậc cao; với chất liệu đồng, ông từng tạo ra chân dung mấy nguyên thủ quốc gia được đặt hàng hẳn hoi. Có thể gọi ông là một nghệ nhân gò – khắc đồng, sau khi tiếp thu tinh hoa công nghệ gò – khắc đồng của một số làng nghề truyền thống Việt, cộng với tâm hồn thi sĩ (ông vốn là một thi sĩ), với tình yêu văn học sâu nặng, ông đã tìm cách thể hiện tình yêu đó qua những chân dung văn nghệ sĩ ông yêu quý kính trọng, bộc lộ cả nỗi bùi ngùi đồng cảm với những thân phận cầm bút cầm cọ bất hạnh từng trải qua bão táp do phạm tội “yêu thư yêu ngôn” thời trước mà người cầm quyền hiện đại rập khuôn áp dụng!… Đó chính là điều cần nói khi bàn về tác phẩm của họa sĩ PXT! Tôi không thích một số tranh khắc của ông, chúng thật thà, dễ bị so sánh với tranh truyền thần, hoặc mặt nạ… Nhưng có một số tranh khắc của ông khiến tôi phải lặng ngắm – như chân dung Phùng Quán, Hoàng Cầm, Nguyên Hồng, v.v, đặc biệt khi tranh được chiếu sáng hợp lý, sẽ cho thấy tác giả không những nắm vững giải phẫu cơ thể người mà còn gửi gắm tất cả rung động thẩm mỹ của mình vào nhân vật, như ông muốn thể hiện chính chân dung tinh thần của mình! Tôi cần bày tỏ sự cám ơn họa sĩ PXT bởi những tranh khắc đồng của ông đã giúp tôi hiểu thêm về sự ảnh hưởng – lan tỏa của những tác phẩm VHNT đối với công chúng – trong đó có ông, một họa sĩ nghiệp dư đã quyết thể hiện sự ảnh hưởng đó thành hình tượng hội họa – điêu khắc. Sau nữa, tôi được hiểu thêm về một thể loại điêu khắc độc đáo, hiếm thấy – là tranh khắc đồng, hay phù điêu trên chất liệu đồng, hòa nhập với thế giới nghệ thuật điêu khắc nhân loại có từ cổ xưa, loại hình mà triết gia Hêghen trong tác phẩm Mỹ học cho rằng: nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp cần / và đã diễn tả “cái đẹp của lý tưởng”.

Còn chê bai về thể loại, về phong cách nghệ thuật, về cách thức thể hiện ư? Xin những người chê bai dè bĩu hãy đọc cả một chương trong sách Mỹ học vừa giới thiệu trên nói về nghệ thuật điêu khắc: ông viết rất hay và kỹ lưỡng tới cả trăm trang sách về “điêu khắc lý tưởng” trong các tư thế, các góc nhìn, các bộ phận tượng, các cá tính, các đề tài, các y phục, các lứa tuổi và giới tính, các chất liệu làm tượng. Hầu hết các chất liệu điêu khắc cổ điển sử dụng được triết gia Đức liệt kê, như cẩm thạch, đá hoa cương và các loại đá khác, gỗ, ngà, vàng, đồng thau, ngọc, thủy tinh, đất sét… (F. Hêghen, Mỹ học. Tập 2. Phan Ngọc giới thiệu và dịch, Nxb Văn học 1999, Hà Nội). Và tôi tin rằng: nếu Hêghen sống lại, rất có thể ông sẽ có những trang sách “ngây ngất” (chữ của ô Phan Ngọc) viết về thể loại tranh khắc đồng rất độc đáo, và kỳ lạ của họa sĩ nghiệp dư PXT!

Và từ đó, tôi nảy ra một ước muốn, và có lời đề nghị: họa sĩ PXT nên tìm chân dung mấy vị “đại diện cuối cùng” của lối quản lý văn nghệ dị dạng đó, cùng mấy vị “đại diện chê bai” nói trên để khắc tranh đồng, thậm chí làm tượng sắt cho họ (như kiểu tượng sắt quỳ đôi vợ chồng Tần Cối & Vương thị ở Giang Nam – TQ), điều đó sẽ giúp cho đông đảo khán giả, độc giả ngày nay thêm tỉnh ngộ, thêm thẩm mỹ mới trong sự nghiệp Công nghiệp văn hóa đang được phát động rầm rộ khắp nước; bởi một triết gia hiện đại người Anh là Roger Scruton cũng từng khẳng định: “Cái đẹp thật sự có thể tìm thấy ngay ở cả những gì xơ xác, đớn đau và hư hoại…” (Roger Scruton, Dẫn luận về cái đẹp -Thái An dịch. Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2016).

N.A.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Dân trí, Triển lãm tranh khắc đồng PXT, văn hoá. Bookmark the permalink.