Vụ án Trương Mỹ Lan và nghi vấn ‘ô dù rất lớn’

VOA Tiếng Việt

25/11/2023

Bà Trương Mỹ Lan và cháu gái bà, Trương Huệ Vân, đã bị công an bắt giữ để điều tra

Bà chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát có thể làm mưa làm gió gây thiệt hại lớn như vậy trong nhiều năm ‘không thể không có sự bao che của quan chức lớn’, các nhà quan sát từ trong nước nhận định với VOA sau khi bà Lan bị khởi tố trong vụ án ở ngân hàng SCB.

Hôm 17/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã truy tố bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, thêm các tội ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’ sau khi bà đã bị truy tố hồi năm ngoái về tội ‘Lừa đảo’ trong việc phát hành trái phiếu.

Theo cáo trạng thì các tội danh này của bà Lan xảy ra ở SCB, ngân hàng mà bà Lan nắm quyền chi phối mà nhờ đó bà đã rút ruột hơn 1.066.608 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 64.000 tỷ đồng. Số tiền này là tiền SCB huy động từ người dân và doanh nghiệp khắp cả nước.

Cùng bị truy tố với bà Lan là 85 bị can khác, trong đó có các cựu lãnh đạo SCB và cán bộ Ngân hàng Nhà nước, về nhiều tội khác nhau, trong đó có ‘Tham ô’, ‘Nhận hối lộ’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng’, ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’.

Một trong những cán bộ Nhà nước cấp cao nhất bị truy tố là bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước. Bà Nhàn bị đề nghị truy tố tội ‘Nhận hối lội’ vì đã nhận đến 5,2 triệu đô la từ bà Lan để bỏ qua những sai phạm của SCB trong quá trình thanh tra ngân hàng này. Cấp trên của bà Nhàn là ông Hoàng Văn Hưng, phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, cũng nằm trong 86 người bị truy tố đợt đầu.

Có người chống lưng?

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, một nhà quan sát đồng thời là blogger được biết đến với tên Ba Sàm nhận định với VOA rằng, trong vụ này nhiều khả năng ‘có cán bộ ở cấp cao hơn chống lưng cho bà Lan làm bậy’.

Theo phân tích của ông Vinh thì bà Nhàn hay ông Hưng ‘chỉ là tép riu’ vì qua mấy chục năm bà Lan có nhiều hoạt động làm ăn lớn ở thành phố Hồ Chí Minh thì ‘người ta thừa thấy là có ô dù bảo kê thì bà mới tự tung tự tác như thế’.

“Toàn bộ hoạt động chiếm đoạt số tiền khủng khiếp thế này và được bỏ qua như thế này thì dù cho những người thanh tra có lợi dụng chức vụ quyền hạn gì đi nữa thì cũng không thể nào qua mặt được cấp trên của họ ở Ngân hàng Nhà nước”, ông Vinh nói.

Ông đưa ra dẫn chứng là bà Lan đã bị ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải và là bị cáo trong một phiên tòa, khai ra cách nay gần 10 năm về mối quan hệ của bà với Thứ trưởng và Bộ trưởng Công an khi đó là các ông Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang. “Điều đó cho thấy thân thế bà ấy khủng khiếp đến thế nào”, ông nói.
Tuy nhiên, mọi việc sau đó nhanh chóng chìm xuồng, vì nó đụng đến một lãnh đạo cấp cao mà không có chứng cứ mà hoàn toàn chỉ dựa vào lời khai, ông Nguyễn Hữu Vinh giải thích.

“Tại sao từng đấy năm trời, nhiều người tham gia như thế, vi phạm như thế mà đến năm ngoái mới khởi tố, mới bắt bà Lan?” ông Vinh đặt vấn đề.

Bà Lan bắt đầu rút ruột ngân hàng SCB kể từ khi ngân hàng này ra đời hồi năm 2012 trên cơ sở sáp nhập các ngân hàng đang chao đảo cho đến ngày 7/10 năm 2022, tức là ngày bà Lan bị bắt để điều tra.

Do đó, các cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước ăn hối lộ của bà Lan ‘chỉ giúp bà Lan giải quyết một phần thôi đó là bao che những vi phạm về nợ xấu, những vi phạm về việc cho vay vốn…’ Ngoài ra, còn những sai phạm khác của bà Lan cũng cần có người bao che, cũng theo lời blogger này.

Ông Vinh cho rằng hiện giờ người dân ‘đặt nghi vấn rất nhiều về vụ bà Lan’ cho nên nếu các nhà điều tra không đi đến tận cùng vấn đề thì ‘không thể nào giải đáp hết thắc mắc của người dân’.

“Cũng giống như các vụ đại án trước cũng thế, vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu cũng thế. Nếu không đi đến cùng thì người ta cứ hỏi trùm cuối là ai,” ông Vinh cho biết. 
Ông bày tỏ hy vọng vụ án sẽ được mở rộng điều tra hơn nữa, chẳng hạn như khi ra tòa các bị cáo sẽ khai ra thêm manh mối khiến tòa trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Còn nếu tòa chấp nhận kết quả điều tra này mà không đi tới thì ‘sẽ là đáng ngại’, cũng theo lời ông Vinh.

“Phải làm triệt để, làm đến cùng tất cả những thế lực nào đã bảo kê cho bà Lan trong vòng 30 năm qua để bà ấy có thể làm mưa làm gió ở thành phố Hồ Chí Minh”, ông kêu gọi.

Tuy nhiên, ông Vinh nói ông ‘đánh giá cao’ việc chính quyền của Đảng Cộng sản phanh phui một vụ án lớn và phức tạp như vụ bà Trương Mỹ Lan ra ánh sáng.

“Phải nói cho công bằng thì việc đưa ra khởi tố các đối tượng chỉ sau một năm thì đấy là một thành quả đáng ghi nhận”, ông nói.

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Hữu Vinh, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói với VOA rằng bà Trương Mỹ Lan ‘chắc chắn có người chống lưng’.

“Trong một xã hội mà một con kiến bò qua cũng có thể biết được thì việc rút ruột số tiền cả triệu tỷ trong thời gian dài thì không thể không biết được”, luật sư Thuận lập luận, và cho rằng người như bà Lan có thể ăn trên xương thịt của dân số tiền lớn như vậy ‘phải có thế lực đủ mạnh chống lưng’.

Theo lời ông, sở dĩ xảy ra tình trạng có doanh nhân bất lương như bà Lan là do ở Việt Nam ‘tổ chức bộ máy không hiệu quả, thiếu sự kiểm soát’.

“Phải có lực lượng nào đó có tiếng nói kiểm soát thì sẽ ngăn cản được những vụ việc như thế sớm hơn. Trong khi ở đây một người một chợ”, ông Thuận nói với ý nói Đảng Cộng sản Việt Nam một mình nắm trong tay tất cả quyền lực.

Ông đơn cử như Luật Đất đai mà vừa rồi đã được Quốc hội sửa nhưng không sửa quy định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý’. Ông cho rằng chính quy định này đã tạo kẽ hở cho những doanh nhân như bà Lan cấu kết với quan tham làm giàu.

“Nhà nước quản lý vậy nhà nước là ai? Là mấy ông cầm quyền chứ ai. Là ủy ban nhân dân các cấp, là các sở ngành. Một khi các ông quyết định quy hoạch thì đất nông nghiệp từ vài triệu một mét vuông bỗng tăng giá lên gấp trăm, gấp ngàn lần”.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

  

This entry was posted in kinh tế, tham nhũng, Vạn Thịnh Phát. Bookmark the permalink.