Việt Nam cần nắm được chữ “thời” trước biến chuyển mới trong cuộc tranh chấp vùng biển Đông Nam Á

Trong 60 năm qua, Trung Quốc không ngần ngại dùng vũ lực để chiếm đoạt một phần biển đảo của Việt Nam, từ Hoàng Sa đến Trường Sa(1) .

Do quyền lợi riêng, các nước trong khu vực giữ thái độ tiêu cực trước hành động trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Sau khi Tổ quốc thống nhất năm 1975, Việt Nam và Trung Quốc nhiều lần tiến hành đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp biên giới và biển đảo. Tuy nhiên, vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa không giải quyết được.

Tiến xa hơn, Trung Quốc cho phổ biến bản đồ 9 gạch, chủ trương đòi hỏi 80% Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea, hay tên thường gọi là Biển Đông) là của họ (2) .

Những động thái gần đây liên quan đến Biển Đông Nam Á đánh dấu một chuyển biến quan trọng.

Ngày 8/7/2010, Nam Dương (Indonesia), một thành viên quan trọng trong khối ASEAN, gửi thư đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông Nam Á là “vô căn cứ và làm xáo trộn trật tự thế giới”(3).

Ngày 23/7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong khi tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ở Hà Nội, công khai xác định vấn đề Biển Đông Nam Á là “quyền lợi quốc gia” (national interest) (4). Đây là thông điệp đáp lại tuyên bố của Trung Quốc với quan chức Mỹ rằng Biển Đông Nam Á là “lợi ích cốt lõi” (core interest) ngang hàng với Tây Tạng hay Đài Loan(5).

Bên cạnh đấy, Việt Nam đang thực hiện những bước tích cực nhằm cải thiện quan hệ quốc phòng với nhiều nước: Nga, Mỹ, Ấn độ, Nhật, Pháp, v.v. để tăng cường sức mạnh quân sự và bảo vệ chủ quyền đất nước(6).

Đối diện với tình hình mới, Trung Quốc, ở mặt nổi, tiếp tục kêu gọi “gác lại tranh chấp để cùng phát triển” và nếu cần, dùng “đàm phán song phương” để giải quyết bất đồng.

Ở mặt chìm, Trung Quốc có khả năng sử dụng các phương án sau:

1. Tùy thuộc vào khoảng cách từ lời nói đến hành động của Mỹ liên quan đến Biển Đông Nam Á, Trung Quốc “nhượng bộ” Mỹ trong vài lãnh vực khác để đánh đổi sự “hòa hoãn” của Mỹ trên Biển Đông Nam Á.

2. Trung Quốc gia tăng áp lực lên một bộ phận trong guồng máy NN-VN khiến Việt Nam phải lùi bước hay đổi hướng trong tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa.

3. Hải quân Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trên Biển Đông Nam Á và tạo sự cố quân sự ở mức độ nhất định để đánh giá phản ứng quốc tế.

4. Trung Quốc sử dụng phương án #1 và #2 với nước “không thân thiện” trong khu vực như Indonesia, Malaysia, v.v.

5. Trong tình huống xấu nhất, nhằm “giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền” biển đảo trên Biển Đông Nam Á trước năm 2020, lợi dụng một biến động khu vực hay quốc tế, Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đoạt toàn bộ Trường Sa(7).

Là người Việt Nam quan tâm đến quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta nên:

1. Khuyến khích NN-VN tiếp tục đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với các nước nhưng không nhất thiết trông cậy hoàn toàn vào một nước nào.

2. Nâng cao cảnh giác và sẵn sàng đối phó hữu hiệu với phương án #2: Trung Quốc áp lực NN-VN không đa phương hóa vấn đề hay bỏ rơi chủ quyền biển đảo trong vùng tranh chấp.

3. Không kể sinh sống ở đâu, trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, hợp tác, nghiên cứu, phản biện, và phổ biến trước cộng đồng quốc tế tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa-Trường Sa. NN-VN cần tạo mọi điều kiện dễ dàng cho quá trình này.

Thực tế lịch sử cho thấy “đàm phán song phương” với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông Nam Á đã thất bại.

“Gác lại tranh chấp để cùng phát triển” là thủ đoạn Trung Quốc dùng để mua thời gian, chờ đợi thời cơ thuận lợi.

Trung Quốc từng nắm lấy thời cơ vào những năm 1956 (khi Pháp rút khỏi Việt Nam sau hiệp định Genève), 1974 (khi Mỹ rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris) và 1988 (khi Liên xô phải đối đầu với biến động ở Đông Âu) để chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Một trí thức Trung Quốc vừa nhận định:

“… trong mắt Trung Quốc, các nước láng giềng của họ ngày càng tích cực đơn phương xâm chiếm các hòn đảo tranh chấp. Giờ ngày càng có nhiều hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa nằm dưới sự chiếm đóng của các nước láng giềng. Đây là một vấn đề cấp thiết và ngày càng nghiêm trọng.
Nếu Bắc Kinh không thể giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, bởi vì theo một nguyên tắc của luật quốc tế, nếu một quốc gia chiếm đóng một vùng đất thành công trong hơn 50 năm, vùng đất đó có thể trở thành một phần của lãnh thổ nước này. Nhưng với điều kiện tiên quyết là việc chiếm đóng đó không bị các nước khác phản bác.

Cho dù Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận sự chiếm đóng của các nước láng giềng tại các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, vẫn có một thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Vào năm 2020, các hòn đảo đó sẽ bị chiếm đóng hơn 50 năm tính từ những năm 70. Và năm 2020 đang tới gần” (7).

Dĩ nhiên 80 triệu người dân Việt Nam sẽ không ngồi yên chờ đợi sự tái diễn của lịch sử xảy ra năm 1956, 1974 hay 1988.

Một nước Việt Nam có quan hệ rộng lớn, quân sự hiện đại, lập luận khoa học về chủ quyền biển đảo sẽ là đóng góp lớn cho công cuộc duy trì hòa bình trên Biển Đông Nam Á và trong toàn khu vực.

TVC

1. Monique Chemillier-Gendreau, “La souverainete sur les archipels Paracels et Spratleys”, 1996, pp.45-48.

2. http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KL08Ae01.html

http://www.viet-studies.info/kinhte/Thayer_South_%20China_%20Sea_%20Workshop.pdf

3. http://boxitvn.blogspot.com/2010/07/indonesia-gui-thu-en-ttk-lien-hiep-quoc.html

4. http://www.google.com/hostednews/afp/article/ALeqM5hKD5666KkBAqQbXzu1UGmhzsNhzg

5. http://www.breitbart.com/article.php?id=D9GNI5600&show_article=1

6. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100713_russia_ships.shtml

http://vnexpress.net/GL/The-gioi/2010/07/3BA1D9CF/

http://tuoitre.vn/PrintView.aspx?ArticleID=391313

7. http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/south-china-sea-core-interests-99451964.html

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Hoàng Sa, Trung Quốc, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.