Thuỷ Tùng
Kỳ 3: Đã mang tiền giúp Việt Nam mà còn bị đánh thuế GTGT
Đánh thuế lòng tốt.
Không ai lạ gì với thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ở ta còn gọi là VAT, đọc là vát.
Nó là thuế do người mua phải trả cho sản phẩm, dịch vụ mà họ mua, được tính luôn vào đơn hàng. Thường là 10%, không thì 5% giá trị món hàng.
Tiền này đầu tiên chạy từ túi người mua vào túi người bán, rồi từ túi người bán vào túi nhà nước.
Giờ bạn hãy tưởng tượng thế này:
Liên minh Châu Âu (EU) muốn tài trợ một tỷ đồng cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam (chẳng hạn như CHANGE) để tổ chức các lớp đào tạo về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là tiến thuế của người dân các nước EU, được EU dùng để giúp người dân các nước khác, như Việt Nam. Tóm lại là họ cho mình tiền để mình cải thiện cuộc sống.
Và nhà nước đánh thuế GTGT lên khoản tiền tài trợ này. Nghĩa là EU phải bỏ thêm 50-100 triệu đồng nữa để đóng thuế cho nhà nước chỉ vì họ mang tiền biếu chúng ta.
Có gì lạ ở đây không?
Ta hãy tạm gác lại chuyện này và tìm hiểu rõ hơn cách thức nhận tiền tài trợ của các tổ chức phi lợi nhuận ở nước ta.
Có hai cách để nhận tiền tài trợ: (1) xin nhà nước và/hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt tiền viện trợ và (2) ký hợp đồng dịch vụ khoa học – công nghệ với nhà tài trợ.
Muốn được miễn thuế, các tổ chức phi lợi nhuận phải thực hiện theo cách thứ nhất. Và đó là một hành trình không đơn giản.
Còng lưng gánh thủ tục hành chính
Các tổ chức phi lợi nhuận có sử dụng tài trợ nước ngoài phải dành nhiều thời gian, năng lượng và thậm chí là tiền bạc cho những thủ tục hành chính và tài chính trước khi triển khai các hoạt động dự án.
Thủ tục đầu tiên là phê duyệt viện trợ. Tiếp đến là tuân thủ chế độ kế toán, thuế, miễn thuế tạm cho là phù hợp với mô hình của mình, bao gồm các tổ chức khoa học và công nghệ.
Kể từ khi CHANGE thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2013, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ban hành và áp dụng ít nhất 49 văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó có các quy định về quản trị nội bộ và báo cáo định kỳ với các cơ quan chức năng, phê duyệt và thực hiện các dự án viện trợ, hội họp có yếu tố nước ngoài, chế độ kế toán, thuế, miễn thuế và xử lý vi phạm.
Có những quy định được xem là giấy phép con trong quá trình thực hiện và quyết toán các hoạt động có sử dụng tiền tài trợ nước ngoài. Ví dụ, quy định về việc cơ quan nhà nước về khoa học có thẩm quyền xác nhận là hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thì mới được giảm thuế GTGT và thuế TNDN cho các tổ chức đã có giấy phép hoạt động khoa học và công nghệ. [1]
Hay, quy định về thủ tục phê duyệt tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế đối với các dự án viện trợ nước ngoài đã được cấp phép thực hiện. Và phải có giấy phép thực hiện dự án tài trợ nước ngoài và xác nhận viện trợ thì mới tiến hành thủ tục hoàn thuế GTGT. [2]
Việc tuân thủ những quy định này trở thành gánh nặng cho tất cả các bên liên quan kể từ khi Nghị định số 80/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP) có hiệu lực, đặc biệt kể từ khi lãnh đạo CHANGE, MEC, LPSD, GreenID và PLD bị bắt giam và xử tù vì tội trốn thuế. [3][4] Gánh nặng đó bao gồm gánh nặng hành chính và tài chính đặt lên cả cơ quan chủ quản và nhà tài trợ của các tổ chức phi lợi nhuận.
Nó cũng tạo gánh nặng với các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương phải thẩm định, phê duyệt và quản lý việc thực hiện các dự án viện trợ nước ngoài. [5] Do đó, Kết luận kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với VUSTA cho thấy, 100% trong số 92 dự án viện trợ được lựa chọn để kiểm tra đều vi phạm các quy định về hành chính và tài chính.
Đây là những dự án viện trợ cho VUSTA và một số tổ chức thành viên cho giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022, trong đó có CHANGE. Để xảy ra tình trạng này có “lỗi” của chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. [6]
Nhưng lỗi của ai thì người đi tù vẫn là… lãnh đạo và nhân viên của các tổ chức phi lợi nhuận. Ít nhất năm người đã vào tù vì tội trốn thuế.
Miễn cưỡng theo cách thứ hai
Để giảm bớt gánh nặng hành chính và rủi ro hình sự cho đối tác, một số nhà tài trợ đành chấp nhận ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ với các tổ chức phi lợi nhuận. Theo cách này, các nhà tài trợ phải chi thêm 5% hoặc 10% để các tổ chức phi lợi nhuận xuất hoá đơn thuế VAT cho họ.
Lúc này, khoản tài trợ trở thành “dịch vụ” để hai bên “mua-bán”. Tuy nhiên, người trả thuế không hề sử dụng “dịch vụ” này như các hàng hoá, dịch vụ thông thường do các doanh nghiệp cung cấp.
Đây chính là cách thứ hai mà tôi đã nói ở đầu bài.
Dù trả thuế GTGT thì một số nhà tài trợ cũng không chấp nhận việc phát sinh lợi nhuận cho các tổ chức từ thực hiện hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ. Tức là, họ chỉ chi trả đúng chi phí thực tế đã phát sinh để thực hiện các hoạt động theo hợp đồng đã ký. Không có lãi thì không thể phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nhưng ta sẽ bàn với vấn đề này ở một bài khác.
Một số nhà tài trợ không chấp nhận trả thuế GTGT hay TNDN vì không thể giải trình với người trả thuế ở các quốc gia của họ. Thật khó để giải thích được tại sao đã phải mang tiền nhà đi cho nước khác mà còn bị đánh thuế.
Ở chiều còn lại, một số tổ chức phi lợi nhuận cũng không đồng ý tiếp nhận viện trợ nếu nhà tài trợ không chấp nhận trả thuế GTGT và thuế TNDN.
Vậy là lòng hào hiệp của các đối tác nước ngoài không được đón nhận ở Việt Nam. Không phải vì người Việt Nam chê, mà vì những khoản thuế vô lý của chính phủ đánh vào chính những người mang tiền đến giúp mình.
Ai được lợi trong chuyện này?
*
Chú thích:
1. Khoản 3 Điều 10 Luật Khoaa học và Công nghệ năm 2013; Khoản 13 Điều 4 và Khoản 15 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
2. Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam (thay thế Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg.
3. Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức các nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
4. Ngày 10/12/2021, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hiệp hội và hội họp hoà bình và Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do bày tỏ ý kiến và ngôn luận của Hội đồng Nhân quyền đã nêu quan ngại đối với Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg cùng một số quy định khác. Các Báo cáo viên đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi những quy định này nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc gia về nhân quyền của tất cả mọi người, bao gồm quyền tự do hiệp hội và hội họp hoà bình (Tài liệu số OLVNM 7/21).
6. Kết luận số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2023.
—
Ở kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu xem chính phủ đánh thuế GTGT lên các khoản viện trợ nước ngoài như thế nào.
*
Kỳ 4: Các tổ chức phi lợi nhuận bị đánh thuế GTGT như thế nào
Hai phương pháp đánh thuế: khấu trừ và trực tiếp.
Ở kỳ trước, chúng ta đã hiểu vì sao nhiều tổ chức phi lợi nhuận chọn cách tiếp nhận viện trợ thông qua hợp đồng dịch vụ nghiên cứu khoa học – công nghệ với nhà tài trợ, đồng nghĩa với việc phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Với cách này thì các nhà tài trợ đang trả thuế GTGT theo một trong hai phương pháp khác nhau, gồm phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp.
Dù theo phương pháp nào thì các tổ chức phi lợi nhuận cũng cần lựa chọn một trong ba chế độ kế toán đề cập ở kỳ 2. Một số tổ chức khoa học – công nghệ buộc phải lựa chọn chế độ kế toán doanh nghiệp. Do đó, các tổ chức này phải đăng ký xuất hoá đơn và kê khai thuế GTGT cùng với một số nghiệp vụ kế toán, tài chính khác. Các tổ chức này cũng cần đăng ký phương pháp tính thuế với chính quyền.
Dù theo phương pháp nào thì việc đăng ký và xuất hóa đơn GTGT đối với các khoản viện trợ là lựa chọn bất đắc dĩ của các tổ chức phi lợi nhuận. Nó cũng là sự chấp nhận miễn cưỡng của một số nhà tài trợ.
Vì lúc này, các tổ chức phi lợi nhuận trở thành bên “bán” dịch vụ. Nhà tài trợ là bên “mua” dịch vụ mà trên thực tế họ không phải là người mua. Họ là nhà tài trợ và chấp nhận trả thêm tiền để được tài trợ.
Nếu không áp dụng một trong ba chế độ kế toán và/hoặc không đăng ký thuế GTGT và thuế TNDN, nhà nước sẽ đánh thuế chồng lên thuế GTGT và thuế TNDN đối với các khoản viện trợ. Chưa kể, nhà nước lại phạt tù và phạt tiền đối với lãnh đạo các tổ chức sử dụng tiền viện trợ nước ngoài cho mục đích nhân đạo tại Việt Nam.
Hai phương pháp đánh thuế
Dưới đây là hai phương pháp đánh thuế GTGT lên các khoản tài trợ theo hợp đồng dịch vụ khoa học – công nghệ.
Thứ nhất là phương pháp khấu trừ
Phương pháp này áp dụng cho những tổ chức có doanh thu hàng năm trên 01 tỷ đồng. Theo phương pháp này, thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. [1]
Thuế GTGT đầu ra thể hiện trên hóa đơn các tổ chức phi lợi nhuận xuất cho nhà tài trợ. Thuế GTGT đầu vào thể hiện trên hóa đơn hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp xuất cho các tổ chức phi lợi nhuận.
Với phương pháp khấu trừ, nhà nước áp thuế suất thuế GTGT đầu ra 5% hoặc 10% lên các hợp đồng dịch vụ giữa các tổ chức phi lợi nhuận và nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm cả tài trợ cá nhân. [2]
Thuế suất 5% thuế GTGT đầu ra áp dụng đối với các hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhưng để được hưởng mức thuế suất này (thay vì 10%), các tổ chức phi lợi nhuận phải có giấy phép nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ về khoa học – công nghệ. CHANGE có loại giấy phép này. Đối với hợp đồng nghiên cứu khoa học thì phải được chính quyền xác nhận là hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thuế suất 10% như hàng hoá, dịch vụ thông thường áp dụng đối với các tổ chức không có cả hai loại giấy tờ này. Để giúp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã điều chỉnh mức thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hoá và dịch vụ trong một thời gian nhất định. [3][4]
Thuế GTGT đầu ra sẽ được khấu trừ trên thuế GTGT đầu vào cho các hàng hóa, dịch vụ mà các tổ chức phi lợi nhuận mua sắm để phục vụ cho chính các hợp đồng dịch vụ khoa học – công nghệ ký với các nhà tài trợ.
Đầu vào có thể là hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho việc vận hành tổ chức như dịch vụ thuê văn phòng, trang thiết bị và văn phòng phẩm, vé máy bay hay thuê xe cho nhân viên đi công tác.
Nó cũng có thể là dịch vụ thuê phòng họp, phòng ở, suất ăn hay dịch vụ giao thông vận tải cho đại biểu tham gia các hội thảo, tập huấn, hay dụng cụ để dọn vệ sinh môi trường, quà tặng cho người dân, dịch vụ truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã.
Tùy từng loại hàng hóa và dịch vụ mà có các mức thuế suất thuế GTGT đầu vào khác nhau, gồm 0%, 5% hay 10%. Các tổ chức phi lợi nhuận chỉ phải trả 8% cho các hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10% vì chính sách giảm thuế của nhà nước như đề cập ở trên.
Theo quy định hiện hành, thuế GTGT đầu vào đối với các dự án viện trợ nước ngoài đều được hoàn thuế. Để được hoàn thuế, cần có văn kiện phê duyệt hoạt động dự án của cơ quan chủ quản [5] và xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính. [6] Ngoài ra, các tổ chức phi lợi nhuận cần chuẩn bị giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước và bảng kê hoá đơn, chứng từ của các hàng hóa, dịch vụ mua vào.
Tuy nhiên, nếu nhà tài trợ không yêu cầu thì nhiều tổ chức phi lợi nhuận lựa chọn không làm các thủ tục xác nhận viện trợ để nhận lại khoản thuế này (gọi là hoàn thuế). Lý do vì thủ tục xác nhận viện trợ và hoàn thuế GTGT phức tạp và có thể phát sinh chi phí.
Từ năm 2016, Bộ Tài chính cũng không còn xác nhận viện trợ đối với viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, một số tổ chức phi lợi nhuận gặp khó khăn trong quá trình tiến hành các thủ tục miễn thuế GTGT đầu vào.
Dù có được hoàn thuế thì nhà tài trợ vẫn phải chịu một phần trong số thuế GTGT đầu ra đã trả cho các hợp đồng dịch vụ với các tổ chức phi lợi nhuận. Lý do vì ngoài các hàng hóa, dịch vụ có hoá đơn GTGT thì nhiều chi phí của các tổ chức phi lợi nhuận không có loại hóa đơn này để khấu trừ, ví dụ: tiền lương hay tiền công chi trả cho nhân viên và chuyên gia.
Có những khoản chi ở cộng đồng cũng không thể lấy hóa đơn GTGT hay trừ thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là những khoản chi bằng tiền mặt hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong khuôn khổ các dự án. Đây được gọi là các chi phí không hợp lệ và các tổ chức phi lợi nhuận phải chịu thuế TNDN cho những khoản chi này.
Thứ hai là phương pháp trực tiếp
Phương pháp này áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng hay tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo phương pháp này, nhà nước áp dụng thuế suất 5% thuế GTGT đầu ra trên các hợp đồng mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ như cách thứ nhất. [7] Nhưng cơ quan thuế sẽ đồng thời áp thuế suất 5% thuế TNDN nên nhà tài trợ phải trả 10% cho hai loại thuế này. Đây gọi là xuất hóa đơn theo phương pháp trực tiếp. [8]
Kết luận điều tra và cáo trạng nói gì về thuế GTGT của CHANGE?
Theo kết luận điều tra và cáo trạng, cơ quan chức năng đã sử dụng Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 108 Luật Quản lý thuế năm 2006; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019; và Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) để kết tội trốn thuế đối với Bà Hoàng Thị Minh Hồng. [9][10]
Các cơ quan này kết luận CHANGE trốn thuế gần 6,8 tỷ đồng, trong đó có 3.395.528.747 đồng tiền thuế GTGT và 3.395.528.747 đồng tiền thuế TNDN, nghĩa là mỗi thứ một nửa.
Kết luận điều tra và cáo trạng đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng cho thấy, nhà nước đã và đang đánh thuế chồng lên thuế GTGT và thuế TNDN của cả thỏa thuận tài trợ, hợp đồng cung cấp dịch vụ và đóng góp của các cá nhân mà CHANGE đã tiếp nhận. Trong đó, có các thỏa thuận tài trợ đã được cơ quan chủ quản của CHANGE là VUSTA phê duyệt. [11]
Đầu tiên, họ đánh thuế GTGT đầu ra trên gần 1,3 tỷ đồng mà CHANGE đã xuất hóa đơn cho việc tổ chức tập huấn, truyền thông và các dịch vụ vào năm 2022.
Thứ hai, họ đánh thuế GTGT (5%) đầu ra đối với gần 68 tỷ đồng tiếp nhận từ năm 2013 đến năm 2022. Đây là phương pháp đánh thuế trực tiếp như đề cập ở trên. Lý do nêu ra là CHANGE không lập sổ sách kế toán và báo cáo tài chính, không xuất hoá đơn GTGT, không kê khai quyết toán thuế TNDN, không kê khai thuế GTGT và không thực hiện chế độ kế toán đối với số tiền này. Đây là những yêu cầu đối với chế độ kế toán doanh nghiệp.
Thứ ba, họ đánh thuế trên toàn bộ thuế GTGT đầu vào mà CHANGE đã trả cho các hàng hóa và dịch vụ trong suốt 10 năm hoạt động. Do đó, thuế GTGT đầu ra và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.
Chú thích:
1. Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 và Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
2. Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008.
3. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.
4. Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ.
5. Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ.
6. Thông tư số 109/2007/TT-BTC ngày 10/9/2007 của Bộ tài chính (thay thế bằng Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 6/4/2022 của Bộ Tài chính.
7. Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 và Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
8. Khoản 5 Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
9. Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP. HCM công bố.
10. Cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM công bố.
11. Kết luận số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2023.
*
Ở kỳ sau, chúng ta sẽ tìm hiểu cách Chính phủ VN đánh thuế thu nhập doanh nghiệp lên tiền viện trợ nước ngoài.
*
Kỳ 5: Miễn thuế kiểu… đố mày xin được
Gãy lưng vì thủ tục xin miễn thuế.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng (bìa trái) trong một sự kiện của CHANGE do Đại sứ quán Mỹ tài trợ. Ảnh: Báo Dân sinh. Đồ họa: Hà Linh/ Luật Khoa.
Ở các kỳ trước, tôi đã chứng minh tính chất phi lợi nhuận của các tổ chức khoa học – công nghệ (trong đó có CHANGE) và cách nhà nước đánh thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên tiền viện trợ. Ở kỳ này, tôi sẽ chỉ ra cách nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các tổ chức nhưng cũng như không.
Trước hết, thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế đánh vào lợi nhuận phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp. Công thức cơ bản là lấy doanh thu trừ đi chi phí sẽ ra thu nhập chịu thuế, từ đó nhân với thuế suất sẽ ra khoản thuế TNDN phải nộp.
Bạn sẽ thắc mắc: tổ chức phi lợi nhuận thì lấy đâu ra… lợi nhuận để mà phải chịu thuế TNDN? Vấn đề phức tạp hơn thế một chút, vì quả thực pháp luật có miễn rất nhiều loại thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức phi lợi nhuận thật.
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, các tổ chức phi lợi nhuận cũng là đối tượng chịu thuế TNDN. [1] Tuy nhiên, luật này có quy định một số loại thu nhập mà các tổ chức được miễn thuế. Trong đó, có các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xã hội khác tại Việt Nam. [2]
Vấn đề nằm ở chỗ, để được hưởng cơ chế miễn thuế này, các tổ chức phi lợi nhuận phải… trèo lên đỉnh Olympia, mà trèo không có nổi.
Đường lên đỉnh Olympia
Tương tự như thủ tục hoàn thuế GTGT đã đề cập ở kỳ trước, các tổ chức phi lợi nhuận phải có giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan thì mới được miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ kể trên.
Ví dụ, một tổ chức thành lập theo Luật Khoa học và Công nghệ hoặc một doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ do Bộ/Sở khoa học và công nghệ cấp. Đối với hợp đồng nghiên cứu khoa học thì phải được chính quyền xác nhận là hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Nếu các tổ chức phi lợi nhuận sử dụng khoản tài trợ không đúng mục đích thì phải nộp thuế TNDN tính trên phần sử dụng sai mục đích. Đồng thời, tổ chức nhận tài trợ theo quy định này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê. [3]
Để được miễn thuế TNDN đối với các khoản viện trợ nước ngoài, trước hết, các tổ chức phi lợi nhuận phải lựa chọn một trong ba chế độ kế toán để lập báo cáo thuế, gồm chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán dành cho các hoạt động xã hội và từ thiện, và chế độ kế toán doanh nghiệp.
Họ cũng phải đăng ký phương pháp tính thuế với cơ quan nhà nước: phương pháp khấu trừ hoặc phương pháp trực tiếp. Định kỳ, họ phải kê khai hoá đơn GTGT cùng báo cáo thuế GTGT (theo quý) và thu nhập doanh nghiệp (theo năm).
Đến đây thì mọi thứ chưa có gì gian truân cho lắm, vì hầu hết những thứ kể trên đây vốn chỉ là những thủ tục thông thường với bất kỳ pháp nhân nào. Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu thực sự gập ghềnh từ một núi các thủ tục phê duyệt… không thể hoàn thành.
Các tổ chức phải chịu gánh nặng hành chính đối với các thủ tục phê duyệt dự án, [4] xác nhận viện trợ, [5] thì mới được xem xét miễn thuế TNDN và hoàn thuế GTGT.
Theo đó, cơ quan chủ quản [6] sẽ phê duyệt dự án sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của ít nhất bốn bộ và các cơ quan chuyên môn liên quan, gồm Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Nếu nhà tài trợ là tổ chức phi chính phủ nước ngoài thì phải có thêm ý kiến của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO).
Thủ tướng là người phê duyệt các khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo và trực tiếp hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án thực hiện ở địa phương nào thì còn phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tại địa phương đó. Quy trình để UBND có văn bản đồng ý cũng tương tự quy trình thực hiện ở cấp trung ương.
Bộ Tài chính sẽ thực hiện các thủ tục xác nhận viện trợ sau khi các tổ chức phi lợi nhuận (gọi là chủ các khoản viện trợ) nộp hồ sơ xin xác nhận viện trợ theo quy định, bao gồm quyết định phê duyệt thực hiện dự án. Từ năm 2020, chủ các khoản viện trợ lại là hội chủ quản của các tổ chức phi lợi nhuận. [7]
Khi mỗi kết thúc dự án, chủ khoản viện trợ phải nộp quyết định phê duyệt dự án, xác nhận viện trợ cùng với bảng tổng hợp các khoản thuế, phí, lệ phí đã nộp cho nhà nước. Theo quy định, họ phải chờ trong vòng 30 ngày để được xem xét miễn thuế TNDN và hoàn thuế GTGT. [8]
Thỏa thuận tài trợ dù có quy mô to hay nhỏ đều phải đi hết quy trình này.
Và đây là chốt chặn sau cùng, khiến cho không “thí sinh” nào lên được đỉnh Olympia: Bộ Tài chính.
Kể từ năm 2016 tới nay, Bộ Tài chính không xác nhận các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Lý do vì không có cơ sở pháp lý liên quan đến chế độ kế toán phù hợp để Bộ Tài chính xác nhận các khoản viện trợ không đi qua kho bạc nhà nước.
Không có giấy xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính, các tổ chức phi lợi nhuận không có đủ hồ sơ để xin miễn thuế TNDN và hoàn thuế GTGT.
Và đó là một cơ chế miễn thuế kiểu… đố mày xin được. CHANGE là nạn nhân.
CHANGE: Đã được phê duyệt tài trợ nhưng vẫn bị đánh thuế TNDN
Theo kết luận điều tra, cáo trạng và bản án đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng, toàn bộ doanh thu 68 tỷ đồng của CHANGE là thu nhập doanh nghiệp và phải chịu 5% thuế TNDN. Báo chí nhà nước cũng đưa tin “bà Hồng thừa nhận số tiền này phát sinh từ các dịch vụ của CHANGE chứ không phải tiền nhận được của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài chuyển về”. [9]
Tuy nhiên, Kết luận kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ít nhất có hai thỏa thuận với giá trị hơn 1,2 triệu đô-la Mỹ của tổ chức WildAid (Cứu trợ động vật hoang dã) tài trợ cho CHANGE. [10] Số tiền này tương đương gần 30 tỷ đồng, tức chiếm tới 44% của tổng số tiền 68 tỷ đồng.
Bản kết luận cũng cho thấy, cả hai thỏa thuận đã được hội chủ quản là VUSTA phê duyệt theo thủ tục tiếp nhận viện trợ không hoàn lại (non-refundable aids) vào năm 2018 và 2021, và đều thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Số tiền tài trợ này nhẽ ra phải được miễn thuế, nhưng cơ quan chức năng vẫn đánh thuế và ép bà Hồng phải nộp. Dĩ nhiên, để được miễn thuế với hai khoản tài trợ này, CHANGE cũng phải đi qua đủ các cửa như đã kể trên, và sau cùng vẫn phải dừng lại ở cửa Bộ Tài chính.
Và đây là lý do khiến các tổ chức phi lợi nhuận thường không đi theo con đường xin phê duyệt viện trợ để được miễn thuế, mà chọn cách ký hợp đồng dịch vụ với các nhà tài trợ, miễn cưỡng chấp nhận trả thuế.
Chú thích
1. Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
2. Khoản 7 Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
3. Khoản 7 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
4. Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ.
5. Thông tư số 109/2007/TT-BTC ngày 10/9/2007 của Bộ tài chính (thay thế bằng Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 6/4/2022 của Bộ Tài chính.
6. Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 80/2020 NĐ-CP.
7. Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 80/2020 NĐ-CP.
8. Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 80/2020 NĐ-CP.
9. https://dantri.com.vn/phap-luat/ba-hoang-thi-minh-hong-linh-3-nam-tu-20230928114035491.htm
10. Kết luận số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2023.
*
Ở kỳ tới, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào cơ chế đánh thuế thu nhập doanh nghiệp mà các tổ chức phi lợi nhuận đang phải chịu.
T.T.
Nguồn: Luật Khoa tạp chí