Vì sao nhiều người Ukraine phản bội tổ quốc?

Adrian Karatnycky, “Ukraine’s Long and Sordid History of TreasonForeign Policy, 04/09/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vì tiền hoặc vì niềm tin, một số người Ukraine đang giúp Nga giết hại đồng bào của họ.

Benedict Arnold, Vidkun Quisling, Philippe Pétain: Những kẻ phản bội khét tiếng, những tay sai của kẻ thù vẫn xuất hiện xuyên suốt lịch sử. Giờ đây, hàng ngũ của họ đang được bổ sung trong bối cảnh chiến tranh Nga  Ukraine, ngay cả khi chỉ có vài cái tên được biết đến bên ngoài Ukraine.

Kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, lịch sử Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập đã chứng kiến rất nhiều trường hợp phản bội và phản quốc. Ngay từ những ngày đầu, các nhà lãnh đạo Nga không hài lòng với việc Ukraine tách khỏi Moskva, đã tìm thấy những người sẵn sàng giúp đỡ họ trong nỗ lực lật đổ nhà nước và xâm nhập vào các cơ quan an ninh quốc gia của Ukraine.

Nhưng những người Ukraine đã chống lại đất nước họ là ai? 

Một số người tin vào sự thống nhất giữa người Nga và người Ukraine – dòng quan điểm mang tính đế quốc chủ nghĩa kéo dài hàng thế kỷ của Điện Kremlin đã tìm được những người ủng hộ ở thuộc địa, giống như cách các đế chế hùng mạnh trong quá khứ đã tìm được những người ủng hộ mới trong số các dân tộc bị họ chinh phục. Những người Ukraine khác ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, các chính sách độc tài của ông, và những thành công kinh tế của Nga trong thập niên đầu tiên mà ông cầm quyền. Hai mươi năm tồn tại đầu tiên của Ukraine thời hậu Xô-viết được đánh dấu bởi sự kém cỏi đến mức một số người Ukraine khao khát có một bàn tay cứng rắn hơn, và tin vào lợi ích của một liên minh chính trị và kinh tế với Moscow.

Từ những niềm tin dù không yêu nước nhưng không trái pháp luật này, một số người Ukraine đã vượt qua giới hạn và tích cực ủng hộ nỗ lực của Nga nhằm tiêu diệt Ukraine. Một số người được Điện Kremlin trả lương với tư cách là gián điệp, chỉ huy gián điệp, người cung cấp thông tin, hoặc nhân vật gây ảnh hưởng. Nhiều “cộng tác viên” ở các vùng Ukraine đang bị Nga chiếm đóng hiện tại là cựu chính trị gia của Đảng khu vực (Party of Regions) thân Nga ở Ukraine, vốn đã nhanh chóng mất đi sự ủng hộ sau cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào năm 2014 và cuối cùng đã bị Kyiv cấm vào tháng 2/2023. Những người Ukraine khác ủng hộ việc Nga phá hủy đất nước của họ có liên hệ với đồng minh Ukraine thân cận nhất của Putin, nhà tài phiệt bị Mỹ trừng phạt Viktor Medvedchuk, người hiện sống ở Nga nhưng luôn ở tuyến đầu trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Điện Kremlin tại Ukraine kể từ đầu thập niên 2000.

Một số người ủng hộ Nga là các nhà báo Ukraine, những người có công việc được trả lương cao tại các cơ quan truyền thông thân Nga, thường được nhà nước Nga và các nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin tài trợ dồi dào hơn hẳn nơi làm việc cũ của họ – các cơ quan báo chí Ukraine luôn gặp khó khăn. Con đường đó đã đưa một vài người trong số này trở thành nhà tuyên truyền nổi bật của Nga, và giờ đây, họ gieo rắc lòng căm thù diệt chủng đối với chính người dân của mình.

Những người khác là các quan chức địa phương ở những nơi bị chiếm đóng, những người đơn giản đã chuyển hướng sang phục vụ chế độ mới. Và cuối cùng, câu chuyện phản quốc phức tạp hơn xoay quanh những người Ukraine sinh sống tại các khu vực bị chiếm đóng đã bị bắt đi tòng quân – thường là do bị ép buộc – vào các đơn vị quân đội của Nga và do Nga kiểm soát để chiến đấu chống lại đồng bào của họ.

Rất khó để định nghĩa “tội phản quốc” – xét cho cùng, từ “kẻ phản bội” thường được dùng như một đòn nhắm vào các đối thủ chính trị hoặc bất kỳ ai bị cho là không yêu nước. Nhưng khái niệm này cần được định nghĩa rõ ràng ở một quốc gia đang chiến đấu trong một cuộc chiến tổng lực vì chính sự tồn tại của mình: Phản quốc là khi ai đó cố tình làm tổn hại đến an ninh của đất nước mình, đặc biệt là trong thời chiến, bằng cách hỗ trợ hoặc cộng tác với kẻ thù. Luật Ukraine – được sửa đổi lần cuối ngay sau khi Nga phát động xâm lược năm 2022 – định nghĩa rộng rãi “tội phản quốc” (state treason) là “các hành động có chủ ý… của một công dân nhằm gây tổn hại đến chủ quyền, sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm của lãnh thổ, khả năng phòng thủ, và an ninh nhà nước, an ninh kinh tế, hoặc an ninh thông tin của Ukraine”. Tội này còn được định nghĩa là “gia nhập phe kẻ thù vào thời điểm xung đột vũ trang” và bao gồm “hoạt động gián điệp” cũng như hỗ trợ “các hoạt động lật đổ”. Khung hình phạt cho tội phản quốc bắt đầu ở mức án 12 năm, và hơn thế nữa trong thời chiến.

Rất khó để xác định chính xác con số. Tháng 7/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo rằng hơn 650 quan chức an ninh Ukraine đang bị điều tra vì nghi ngờ phản quốc, trong đó có 60 kẻ đang làm việc cho người Nga tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Một nguồn thông tin khác là tổ chức phi chính phủ Chesno, hiện đang hợp tác với Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine để lập danh sách những kẻ bị cáo buộc phản bội. Tính đến thời điểm hiện tại, danh sách của Chesno có hơn 1.200 cái tên người Ukraine, nhưng tổ chức này không phải lúc nào cũng áp dụng tiêu chuẩn pháp lý. Danh sách này gồm cả những người đã lớn tiếng lên án cuộc xâm lược năm 2022 của Nga nhưng lại mập mờ về cuộc xâm lược Crimea và Donbas năm 2014. Đâu là ranh giới giữa thể hiện quan điểm chính trị và phạm tội phản quốc? Không chỉ người Ukraine mới phải vật lộn với câu hỏi đó.

Trên thực tế, nhiều người Ukraine đã dần nghiêng về phía kẻ thù theo một cách không thể nhận ra. Trên thực tế, một phần nguyên nhân là do sự thất bại của các nhà lãnh đạo đầu tiên của Ukraine, chủ yếu là các cựu thành viên Đảng Cộng sản và những người được gọi là “giám đốc đỏ”, trong việc tạo ra một câu chuyện quốc gia hấp dẫn, chứ chưa nói đến việc xây dựng một nhà nước được quản lý tốt theo mô hình Trung Âu hoặc vùng Baltic.

Những người khác bắt đầu con đường phản quốc dưới ảnh hưởng của tuyên truyền rộng rãi của Nga ở Ukraine, thông qua các chương trình truyền hình và tin tức có ảnh hưởng, sự phổ biến của báo chí và sách Nga, cũng như các nhạc sĩ và nghệ sĩ Nga, những người mà ảnh hưởng của họ đã âm thầm lan toả sang Ukraine mà không bị kiểm soát.

Những người khác dần xa lánh khỏi quê hương mới độc lập của họ do sự hoài niệm về Liên Xô, vốn đã bị Điện Kremlin và các đồng minh ở Ukraine lợi dụng để cản trở sự xuất hiện của một quốc gia Ukraine đoàn kết và thống nhất.

Bởi vì công việc của họ được công khai nên các nhà báo là những ví dụ điển hình cho cách những thay đổi này dần dần diễn ra. Diana Panchenko từng làm việc cho tờ báo dân tộc chủ nghĩa Ukraine Gazeta po Ukrainske và kênh truyền hình TRK Kyiv. Nhưng vào năm 2015, bà gia nhập NewsOne, một kênh truyền hình mới, sau này thuộc sở hữu của Medvedchuk. Sau đó, bà dần chuyển sang đồng cảm với việc Nga sáp nhập Crimea và đã giúp khuếch đại những “bất bình” của những người được gọi là phe ly khai do Nga chỉ đạo ở miền đông Ukraine.

Khi Zelensky đóng cửa các đài truyền hình thân Nga vào năm 2021, bao gồm cả NewsOne, Panchenko đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ nhằm cáo buộc chính phủ kiểm duyệt báo chí và bảo vệ Medvedchuk. Sau cuộc xâm lược năm 2022 của Nga, Panchehnko trở thành ngôi sao YouTube chuyên đưa tin về các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng. Kể từ đó, bà thường xuyên sản xuất các bộ phim tài liệu nhằm biện minh cho cuộc chiến của Nga, xem nó như một nỗ lực để bảo vệ những cư dân “bị bao vây” ở vùng Donbas. Hiện sinh sống tại Moscow, bà tuyên bố rằng không phải Nga, mà chính phủ Ukraine và những người bảo vệ Mariupol, đã xóa sổ thành phố này. Panchehnko đã trở thành phiên bản hiện đại của Mildred Gillars – một người Mỹ thường được biết với cái tên Sally Phe Trục (Axis Sally), người đã phổ biến chương trình tuyên truyền của Đức Quốc Xã tới khán giả các nước nói tiếng Anh qua đài phát thanh từ Berlin và sau đó bị kết tội phản quốc ở Mỹ.

Một Sally Phe Trục khác ở Ukraine là Yulia Vityazeva, một nhà tuyên truyền nổi tiếng, người đã cảnh báo những người Ukraine đồng hương của mình rằng cả nước đang chờ đợi số phận tương tự như Mariupol, nơi ước tính có hàng chục nghìn thường dân thiệt mạng dưới loạt bom, rocket, và pháo binh của Nga. Vityazeva từng chỉ là một phóng viên đài địa phương khi bà rời quê hương Odesa đến Nga vào năm 2015, ngay sau cuộc xâm lược đầu tiên của Nga. Bà nhanh chóng được đưa vào đội ngũ tuyên truyền của Điện Kremlin bởi Vladimir Solovyov, một trong những nhà tuyên truyền truyền hình khét tiếng nhất của Nga, người ủng hộ tàn phá Ukraine không thương tiếc và thường kêu gọi Nga tấn công tên lửa vào phương Tây. Dù chỉ trích Ukraine vẫn là công việc chính của Vityazeva, gần đây, bà ta đã chuyển sự chú ý sang Kazakhstan, lên án nước này vì không ủng hộ cuộc chiến của Moscow.

Một số nhà báo Ukraine hiện đang cổ vũ cho việc giết hại đồng bào của họ. Vladimir Kornilov, người từ lâu đã chọn làm một nhân vật có ảnh hưởng của Nga, hiện là khách mời gần như hàng ngày trên các chương trình trò chuyện vào khung giờ vàng của Nga. Từ những diễn đàn này, ông thường xuyên kêu gọi Nga phải tàn nhẫn hơn với Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 20/07, ông nói về Ukraine, “Chừng nào tổ rắn lục này còn tồn tại và chúng ta còn chưa tiêu diệt nó, nó sẽ tạo ra những ý tưởng hoang đường về các hành động khủng bố và phá hoại”.

Một con số đáng kể những kẻ phản bội đến từ phe của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người bị lật đổ trong Cách mạng Maidan (2013  2014) và đã trốn sang Nga. Một số cựu thành viên Quốc hội thuộc Đảng Khu vực của Yanukovych đã trở nên nổi tiếng nhờ những bình luận cay độc của họ. Chẳng hạn, Oleh Tsaryov và Ihor Markov là khách mời thường xuyên của các chương trình vào khung giờ vàng được xem nhiều nhất ở Nga. Tsaryov ủng hộ việc chinh phục hoàn toàn và sáp nhập Ukraine vào Nga, trong khi Markov nổi tiếng với những câu nói xu nịnh Putin, người được Markov cho là có những hành động “quan trọng mang tính thời đại, nhằm tái sinh của Đế quốc Nga với các ranh giới lịch sử trước đây của nó”.

Nhưng nhóm phản bội lớn nhất được tạo thành từ những người đã bắt tay với kẻ thù ở các vùng Ukraine bị Nga chiếm đóng. Thế hệ đầu tiên của những kẻ phản bội này đã trở thành quan chức ở Crimea và miền đông Donbas, vốn bị Nga chiếm vào năm 2014. Nhiều người trong số này đến từ các nhóm tội phạm hoặc hoạt động trong các câu lạc bộ võ thuật, được hỗ trợ bằng tiền mặt từ Điện Kremlin.

Trong số những người cộng tác với Nga sau năm 2022, rất ít người công khai ủng hộ Điện Kremlin hoặc để lộ khả năng họ sẽ trở thành kẻ phản bội. Chúng ta không thể biết động cơ thực sự của họ, nhưng có khả năng là phần lớn những người này đã đi đến kết luận từ ngay khi cuộc xâm lược bắt đầu, rằng quyền lực đã đổi ngôi, và họ chỉ đơn giản là thích nghi với những người cai trị mới. Người nổi tiếng nhất trong nhóm này có lẽ là Volodymyr Saldo, cựu thị trưởng Kherson. Khi quân đội Nga chiếm đóng thành phố, Saldo đã ủng hộ quân xâm lược và đã được “thăng chức” làm thống đốc các khu vực do Nga chiếm đóng ở vùng Kherson. Gần đây, Saldo đã sử dụng tiếng Ukraine bản địa của ông để lên tiếng kêu gọi binh lính Ukraine đầu hàng – ngay cả khi quân xâm lược mà ông đại diện đang thực hiện chính sách loại bỏ ngôn ngữ và bản sắc Ukraine.

Medvedchuk, người sở hữu đế chế truyền thông và kinh doanh ở Ukraine giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của một số kẻ phản bội nổi tiếng ở Ukraine, đã dần chìm vào quên lãng trong thời gian sống lưu vong ở Nga. Sau khi được trao đổi lấy tù nhân chiến tranh Ukraine vào tháng 4/2022, ngay sau khi bị bắt lần đầu ở Kyiv vì tội phản quốc, Medvedchuk đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn. Ngày nay, ông là một nhân vật vô danh trong giới truyền thông, bị phần lớn giới cầm quyền ở Nga coi thường, xem là một thất bại chính trị vì đã không thể giao Ukraine cho Điện Kremlin. Trong nhiều năm, ông hưởng lợi hàng trăm triệu đô la từ các hợp đồng năng lượng với Nga, nhưng lại thất bại trong việc xây dựng một đảng ủng hộ Điện Kremlin hùng mạnh ở Ukraine, cung cấp cho Putin thông tin sai lệch về khuynh hướng thân Nga của người Ukraine.

Là cựu tổng thống bị Quốc hội Ukraine lật đổ sau Cách mạng Maidan, Yanukovych nắm trong tay cơ hội trở thành tiếng nói của phe đối lập Ukraine. Tuy nhiên, ngoại trừ những ngày đầu sau khi ông rời khỏi Kyiv năm 2014, Putin chưa bao giờ bổ nhiệm Yanukovych làm lãnh đạo của chính phủ Ukraine lưu vong, thân Điện Kremlin.

Tương tự, sau cuộc xâm lược năm 2022, Nga chưa bao giờ tìm cách thành lập bất cứ thứ gì tương tự như “ủy ban giải phóng dân tộc,” một phương pháp quen thuộc từ thời Xô-viết để chuẩn bị cho sự kiểm soát của Điện Kremlin. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy Điện Kremlin đang nỗ lực lập cơ sở tuyên truyền cho việc thành lập một chính phủ thân Moscow ở Kyiv, bất chấp các báo cáo tình báo phương Tây cho rằng Nga đang tìm kiếm một kịch bản như vậy. Tất cả những hành động này cho thấy mục đích của Putin không bao giờ là kiểm soát nhà nước Ukraine bằng những con rối của mình, mà là tiêu diệt nó hoàn toàn.

Trong cuộc chiến đang diễn ra của Nga, những kẻ phản bội có ảnh hưởng lớn nhất là những kẻ đã thâm nhập vào cơ quan an ninh của Kyiv. Trong số những gián điệp và chỉ huy gián điệp bị vạch trần cho đến nay, nổi bật nhất là Andriy Klyuyev, cựu chánh văn phòng của Yanukovych, và Vladimir Sivkovich, cựu phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cả hai đều đã trốn sang Nga vào năm 2014.

Mạng lưới của họ được cho là đã đạt thành công lớn trong việc đưa gián điệp vào trong các cơ quan an ninh của Ukraine, một vài người trong nhóm này đã phá hoại hệ thống phòng thủ của Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược năm 2022 của Nga. Ukraine đã xác định và bắt giữ nhiều điệp viên của nhóm này, trong đó có một số người được cho là đã cung cấp thông tin sai lệch cho Kyiv về các hoạt động của Nga, và chia sẻ thông tin tình báo với Moscow, cho phép Nga nhanh chóng chiếm được những vùng đất rộng lớn ở miền nam Ukraine.

Những kẻ phản bội Ukraine đã đóng vai trò lớn trong việc xâm nhập vào các cơ cấu nhà nước, hỗ trợ Nga quản lý các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, và phục vụ trong các đơn vị quân sự của Nga hoặc do Nga kiểm soát. Một tác động quan trọng khác của những kẻ phản bội này là, đối với người dân Nga và những người phương Tây cả tin, họ sẽ được chứng kiến cảnh người Ukraine lặp lại những câu chuyện của Điện Kremlin về việc người Ukraine đang bị một phe phái kiểu Đức Quốc Xã cai trị, và rằng họ khao khát được về chung một mái nhà với những người anh em Nga trong một quốc gia thống nhất.

Tất nhiên, sự thật phải là điều ngược lại. Kể từ năm 2014 và đặc biệt là từ năm 2022, người Ukraine đã củng cố gần như hoàn toàn sự ủng hộ đối với một nhà nước Ukraine độc lập, có chủ quyền và bản sắc dân tộc riêng, thoát khỏi sự thống trị của Nga. Ngày nay, những kẻ phản bội và những kẻ tuyên truyền thân Nga đang bị khinh miệt và ghê tởm vì đã trở thành một trong những công cụ chiến tranh của kẻ thù. Sự ghê tởm này cũng thúc đẩy những nỗ lực không ngừng của chính phủ Ukraine và cả xã hội dân sự trong việc lưu trữ hồ sơ về các hành vi phản quốc, ngay cả bởi những người Ukraine đã trốn thoát ra nước ngoài, với hy vọng rằng công lý cuối cùng sẽ được thực thi.

A.K.

Adrian Karatnycky là nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương và là nhà sáng lập Tập đoàn Myrmidon.

Nguồn: Nghiencuuquocte.org

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.