Đã đến lúc “trong chăn mới biết chăn có rận”?

Mai Vũ Phạm 

Danh sách những người thay đổi lập trường từ ủng hộ, đến chỉ trích cựu Tổng thống Donald J. Trump ngày càng dài. Đáng chú ý nhất, hầu hết tất cả những người này là những người từng rất thân cận và trung thành với Trump.

Phải chăng “ở trong chăn mới biết chăn có rận?”.


Jenna Ellis 

Jenna Ellis bước vào nghề luật vào năm 2012, với tư cách là phó luật sư quận ở một khu vực nông thôn, thuộc Weld County, bang Colorado. Ellis từng là cựu cố vấn pháp lý của Thomas More Society, một nhóm Công giáo bảo thủ.

Khi còn nắm quyền Tòa Bạch c, Trump đã tuyển dụng Jeanna Ellis làm cố vấn pháp lý hàng đầu cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông vào Tháng Mười một năm 2019. Sau khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 kết thúc, Ellis đã thường xuyên xuất hiện trước công chúng, cùng với các luật sư riêng của Trump, bao gồm Rudolph W. Giuliani, gieo rắc hàng loạt tuyên bố sai trái của Trump về gian lận bầu cử.

Ủy ban điều tra 6 Tháng Giêng của Hạ viện cho biết Ellis là một trong những “kỹ sư” đằng sau kế hoạch áp lực Phó tổng thống Mike Pence lật ngược kết quả bầu cử hợp pháp. Theo hồ sơ điều tra, Pence phải loại bỏ các đại cử tri được chứng nhận hợp pháp khỏi các bang chiến trường vào ngày 6 Tháng Giêng, và thay vào đó sử dụng các đại cử tri giả của Đảng Cộng hòa.

Với âm mưu gian lận bầu cử này, Ellis cùng với 18 cộng sự trung thành của Trump, đã bị đại bồi thẩm đoàn buộc tội ở Georgia. Cụ thể, Ellis bị buộc tội vi phạm luật chống gian lận của Georgia và tội xúi giục một quan chức vi phạm lời tuyên thệ. Hiện tại, Ellis đang được tại ngoại, đợi ngày ra tòa xét xử.

Hiếm có ai nghi ngờ về lòng trung thành của Ellis đối với Trump. Thế nhưng, mới đây, Ellis cho biết bà ấy sẽ không ủng hộ nỗ lực tranh cử tổng thống lần thứ hai của Trump, vì ông không biết thừa nhận các hành vi sai trái. Ellis nói trong một tập của chương trình American Family Radio:

“Tôi chỉ đơn giản là không thể ủng hộ Trump cho chức vụ dân cử một lần nữa. Tại sao tôi chọn lên tiếng? Là vì hội chứng ái kỷ (yêu bản thân một cách thái quá) của ông ấy, nói rằng ông ấy chưa bao giờ làm điều gì sai trái.

Và sự tôn thờ tuyệt đối mà tôi đang thấy từ một số người ủng hộ (Trump), là những người không sẵn lòng đặt hiến pháp, quốc gia, cũng như các nguyên tắc bảo thủ lên trên tình yêu của họ dành cho một cá nhân (Trump), thực sự rất đáng lo ngại”.

Mike Pence 

Danh sách những người Cộng hòa nhảy khỏi chuyến tàu mang tên Trump có một cái tên đáng ngạc nhiên nhất: Mike Pence. Cựu Phó tổng thống đang trong cuộc chiến tranh cử tổng thống 2024, cuối cùng đã lên tiếng chỉ trích người mà ông đã phục vụ trong suốt gần bốn năm.

“Mối quan hệ ngọt ngào” của Pence và Trump đầy biến động vào cuối nhiệm kỳ của họ, sau cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol vào ngày 6 Tháng Giêng năm 2021.

Âm mưu của Trump và đồng bọn nhằm áp lực Pence lật ngược kết quả bầu cử và từ chối chứng nhận chiến thắng của Joe Biden, được trình bày chi tiết trong bản cáo trạng của công tố viên đặc biệt Jack Smith. Bản cáo trạng với các chi tiết được chính Pence cung cấp trong một cuộc phỏng vấn với các nhà điều tra và trong các ghi chú đương thời mà ông cung cấp theo trát tòa.

Cựu Phó tổng thống của Trump khuyến khích mọi người đọc bản cáo trạng và cho biết: “Tôi không biết liệu chính phủ có thể đáp ứng được tiêu chuẩn, nghĩa vụ chứng minh vượt trên sự nghi ngờ hợp lý đối với các cáo buộc hình sự (chống lại Trump) hay không. Nhưng người Mỹ xứng đáng được biết rằng Tổng thống Trump và các cố vấn của ông ấy không chỉ yêu cầu tôi tạm dừng (đếm phiếu Đại cử tri) mà còn yêu cầu tôi từ chối và trả phiếu Đại Cử tri, về cơ bản là lật ngược cuộc bầu cử”.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CBS News, Pence nhấn mạnh: “Không có quyền quyết định nào từng được trao cho phó tổng thống trong lịch sử và cũng không nên có. Tôi không có quyền lật ngược kết quả bầu cử và Kamala Harris cũng sẽ không có quyền lật ngược cuộc bầu cử, khi chúng tôi đánh bại họ vào năm 2024”.

Trong bài phát biểu mới đây ở Ankeny, bang Iowa, cựu phó tổng thống Mike Pence đã thẳng thắn tố cáo Trump kích động đám đông tấn công Điện Capitol vào ngày 6 Tháng Giêng và nhấn mạnh rằng hành động của ông Trump vào ngày 6 Tháng Giêng sẽ khiến ông ấy không đủ tư cách để trở lại nắm quyền:

“Tôi tin rằng bất cứ ai đặt mình lên trên hiến pháp sẽ không bao giờ trở thành tổng thống Hoa Kỳ”.

William Barr

Người được chính Trump tuyển chọn cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, William Barr, cũng từng là người rất trung thành với Trump. Xuyên suốt năm 2020, Barr đã lạm dụng quyền lực to lớn của mình để giúp Trump tái đắc cử tổng thống. Chính Barr là người đã đưa ra “những tuyên bố gây hiểu lầm trước công chúng” khi thông báo kết quả điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller để bảo vệ Trump.

Cũng chính Barr đã cử các quan chức cao cấp đến các thành phố lớn để trấn áp và bắt giữ những người biểu tình ôn hòa theo ý muốn của Trump. Và chính Barr đã ra lệnh đàn áp vũ lực những người biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Lafayette, để Trump có thể chụp ảnh tại nhà thờ St. John.

Tuy nhiên, vào đầu Tháng 12 năm 2020, khi Barr không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về hành vi gian lận bầu cử mà Trump yêu cầu Bar phải công bố, cựu Bộ trưởng Tư pháp đã tuyên bố từ chức để phản đối Trump.

Vào tháng trước khi Công tố viên Đặc biệt Jack Smith công bố truy tố hình sự đối Trump về âm mưu lật đổ kết quả bầu cử năm 2020, các luật sư riêng của Trump cho rằng cáo buộc này xâm phạm quyền tự do ngôn luận của cựu tổng thống.

Phát biểu trên CNN, Barr đã phản biện lập luận đó, cho rằng Trump có thể nói bất cứ điều gì ông muốn, thậm chí có thể nói dối rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Nhưng điều đó không bảo vệ Trump khỏi trách nhiệm pháp lý đằng sau âm mưu thay đổi kết quả bầu cử.

Barr nhấn mạnh:

“Về mặt pháp lý, tôi không thấy bản cáo trạng có vấn đề gì và Bộ Tư pháp đã không lạm quyền khi tiến hành tố tụng chống lại cựu tổng thống vì âm mưu phá hoại quá trình bầu cử”.

Đáng chú ý, Barr tiếp tục xác nhận Trump đã nhiều lần được các cố vấn pháp lý của Tòa Bạch Ốc thông báo không tìm thấy bằng chứng gian lận bầu cử, nhưng Trump vẫn bỏ ngoài tai.

“Tức nước vỡ bờ”

Nhiều chuyên gia cho rằng Trump mắc bệnh yêu bản thân thái quá, nên ông dường như tin rằng mình không thể bị châm biếm, phê bình, hoặc chỉ trích. Cho nên, Trump đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối từ những người dưới trướng ông. Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Tư pháp Barr, lòng trung thành chỉ là “con đường một chiều” đối với Trump.

Nghĩa là, Trump có thể phản người khác, nhưng họ thì tuyệt đối không được phê bình Trump. Tư tưởng này của Trump có khác gì chủ nghĩa sùng bái lãnh tụ thời Mao Trạch Đông, Stalin, hoặc Hồ Chí Minh?

Trên hết, tất cả những thông tin tố cáo bản chất của Trump không đến từ những thành viên Đảng Dân chủ, hoặc cử tri độc lập, mà hầu hết đến từ chính những người Cộng hòa đã từng phục vụ thân cận và trung thành với Trump.

Thế nhưng, tới lúc “tức nước” thì họ phải “vỡ bờ” phơi bày sự thật xấu xí về Trump. Suy cho cùng, phải chăng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”?

M.V.P.

Nguồn: Saigonnhonews

 

This entry was posted in bầu cử Tổng thống Mỹ, Donald Trump. Bookmark the permalink.