Tiềm năng mạnh hơn mọi văn bản

Việt – Mỹ với “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP)

TS. Đinh Hoàng Thắng

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden trong hai ngày 10 và 11/9 được hy vọng sẽ làm sâu sắc hơn các mối liên hệ Mỹ – Việt và sẽ nâng bang giao lên tầm cao mới về chất, đúng như những gì mà người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo hai nước kỳ vọng. Chuyến thăm còn tạo ra hệ tiền đề cho những tiến triển của các mối quan hệ sẽ còn ngốn nhiều giấy mực không chỉ ở thì hiện tại.

Tuyên bố chung ngày 11/9/2023 tại Hà Nội nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden khẳng định: Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ thêm cho Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp thông minh và bền vững, cũng như tham gia rộng rãi và bền vững hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đặc biệt chú trọng đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) dự định tiếp tục tài trợ cho các dự án của khu vực tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khí hậu và hiệu quả năng lượng, y tế và các lĩnh vực kinh doanh nhỏ của Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp tập trung vào khí hậu và do phụ nữ làm chủ”.

Trong dịch chuyển chuỗi cung ứng

Cùng với “Tuyên bố chung” (Leaders’ Joint Statement) gồm 10 trụ cột làm nền tảng cho mối bang giao Việt – Mỹ vừa duyên nợ vừa định mệnh, “Bản liệt kê mang tính chất gợi ý” (Fact Sheet) bao hàm 8 lĩnh vực ưu tiên, định hình rõ hệ tiền đề cho những tiến triển trong tương lai của các mối liên hệ sẽ còn ngốn nhiều giấy mực, không chỉ ở thì hiện tại. Với chuyến thăm của Tổng thống Biden trong hai ngày 10 và 11 tháng 9 vừa qua, CSP sẽ tiếp tục được làm sâu sắc hơn để nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới, đúng như những gì mà người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam đón đợi. Bên cạnh sự hợp tác về chính trị và ngoại giao, các kết nối về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây càng bảo đảm cho sự tăng trưởng trong tương lai, hy vọng sẽ tạo nên hàng loạt ấn tượng cho kỷ nguyên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP) (1).

Tháng 7/2000, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết “Hiệp định Thương mại” (BTA). Tháng 12/2006, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua quy chế “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR) với Việt Nam. Đây là hai dấu mốc lớn trong hợp tác thương mại song phương giữa hai nước. Đến nay, Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng khoảng 274 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 123,86 tỷ USD năm 2022 và tăng gấp 4,2 lần so với 29,07 tỷ USD của năm 2013. Đặc biệt, năm 2022, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Con số này từng chỉ đạt 23,85 tỷ USD khi Việt Nam và Mỹ bắt đầu thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện”. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ

Ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, cho biết: “Tăng trưởng thương mại Việt - Mỹ nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Từ khi ký BTA tới nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại là chưa từng có trong lịch sử. Tăng rất nhanh, nhất là xuất khẩu”. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 51,29 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng chủ lực bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hàng dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm từ gỗ… Năm 2013, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện của Việt Nam chưa xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã đạt 0,42 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính và linh kiện trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2013 (2).

Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre, tuyên bố: “Khi Hoa Kỳ tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khu vực ASEAN, Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thực hiện chính sách ấy”. Mối quan tâm mà Washington hướng tới, theo các chuyên gia, không gì khác hơn là tăng cường hợp tác với các quốc gia có liên quan trong chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (friendshoring) của mình. Việt Nam đã được Mỹ nhắm đến là một phần trong tiến trình đó, được chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận. Tại Hà Nội hồi tháng 7/2023, Bộ trưởng Janet Yellen đã tuyên bố “friendshoring” là một cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy. “Mục tiêu của chúng tôi là giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế đối với cú sốc cung ứng trong sản xuất những loại hàng hóa quan trọng”, bà nói.

Những rào cản phải vượt qua

Bất chấp những sức mạnh của tiềm năng, bang giao song phương vẫn có thể bị nhiều rào cản để Việt Nam sớm trở thành một đối tác của Mỹ trên nhiều lĩnh vực thiết yếu, đặc biệt trong hợp tác đất hiếm. Các mỏ khoáng sản lớn tại Việt Nam đã được phát hiện và nghiên cứu cho thấy chủ yếu là loại đất hiếm nhẹ. “Đất hiếm nhẹ” có nguồn gốc nhiệt dịch không thật “hiếm” như tên gọi của chúng. Trong khi đó, “đất hiếm nặng” mới thực sự là “hiếm” hơn và được sử dụng chủ yếu trong các ngành công nghệ cao như quân sự… Dù vậy, đất hiếm nhẹ vẫn có một số thành phần quan trọng đóng vai trò cốt lõi trong nam châm vĩnh cửu, xe điện, tua bin gió và các ứng dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến khác… Bên cạnh đó, các nghiên cứu về đất hiếm của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Ngoài những mỏ lớn ở các vùng Tây Bắc thì chưa có những nghiên cứu đầy đủ về những nguồn cung cấp khác hay tiềm năng của khoáng sản (3).

Trước việc hàng loạt nhà đầu tư Mỹ, Nhật ngỏ ý làm các dự án Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG ​​(Liquefied Natural Gas), Khánh Hòa cho biết sẽ dành 1.000 ha đất tại Nam Vân Phong để triển khai. Mới đây, Công ty Phát triển điện lực J-Power đề xuất lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đầu tư dự án nhà máy điện khí tua bin chu trình hỗn hợp, công suất 3.000 MW với tổng mức đầu tư của dự án gần 3,2 tỷ USD. Dự án dự kiến được xây dựng tại khu công nghiệp Ninh Thuỷ, tổng diện tích khoảng 40 ha. J-Power là cái tên mới nhất trong danh sách những nhà đầu tư ngỏ ý muốn làm điện khí tại Nam Vân Phong. Tại khu công nghiệp này, Tổ hợp Công ty cổ phần tập đoàn HBRE, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2, Công ty cổ phần Hoàn cầu Vân Phong, Công ty trách nhiệm hữu hạn PHOUSY Group cũng từng đề xuất đầu tư Nhà máy điện khí LNG Ninh Thủy công suất 1.500 MW, kết hợp với hệ thống chế biến và kho lạnh bảo quản nông hải sản.

Trong phát biểu của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phần ngoại văn bản, có nhấn mạnh thêm: Tất cả mới chỉ là “thành công bước đầu”. Có lẽ đây không phải là phát ngôn mang tính văn vẻ. Chúng ta không khó để giải thích các cản trở đến từ đâu. Câu phát ngôn ngoại biên ấy của TBT có lẽ cũng phản ánh phần nào sự lo lắng của ông về những thách thức trước mắt. Những lực cản sẽ đến từ nhiều hướng. Lấy một ví dụ: Số tiền tài trợ của các nước cho Việt Nam là 15 tỷ đô la. Đây là số tiền nhóm các đối tác G7 đã thống nhất trong một chương trình chung có tên “Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP)”. Tuy nhiên, hiện khoản tài trợ này dường như không được đảm bảo đúng mục đích sử dụng và không có cơ chế giám sát từ phía người dân. Chưa hết, trước ngày TT Biden đến Việt Nam, một kế hoạch phá huỷ 600ha rừng nguyên sinh trong tổng số 0,25% rừng nguyên sinh còn lại trong cả nước được báo chí công khai trước công luận… Rồi Bộ Văn hoá lại “bồi tiếp” một kế hoạch nữa, tình cờ cũng tương đương 15 tỷ đô la, nói là để “chấn hưng văn hoá”. Nhan nhản những ví dụ này cho thấy, trong khi TBT Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo tham nhũng đang “đe doạ tới sự tồn vong của chế độ” thì mọi chuyện vẫn diễn ra hết sức tự nhiên… (4)

Việt Nam trong không gian FOIP

FOIP là viết tắt của cụm từ bao hàm không gian “Ấn-Thái Dương Tự do và Rộng mở” (Free and Open Indo-Pacific), là chiến lược lớn của Mỹ và các nước dân chủ, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc… và các thành viên châu Âu (EU). Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) ở Nhật Bản từ ngày 19 – 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã được mời tham dự. Tại Hội nghị đó, Nhật Bản đã công bố một phiên bản mới của FOIP. Phiên bản này ra đời trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước bước ngoặt lịch sử. Với sự trỗi dậy của các nước mới nổi và các nước đang phát triển, cán cân quyền lực đang thay đổi đáng kể. Trong khi đó, khủng hoảng phức hợp diễn ra sự đan xen, với nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm những thách thức toàn cầu.

Các nguyên tắc cốt lõi của FOIP là bảo vệ “tự do”, “luật pháp”, tôn trọng “sự đa dạng”, “hòa nhập” và “cởi mở”. Những nguyên tắc này đã chiếm được nhiều thiện cảm từ cộng đồng quốc tế. FOIP nhận được sự ủng hộ và chứng thực rộng rãi không chỉ từ các nước Âu Mỹ, mà còn từ cả các nước mới nổi và đang phát triển. Hiện nay FOIP là một tầm nhìn đang đạt được xem là phù hợp để tìm kiếm sự hợp tác rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Trong Tuyên bố chung Việt – Mỹ ngày 11/9 tại Hà Nội, Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và “Tầm nhìn của ASEAN về khu vực FOIP”. Đặc biêt, hai bên hoan nghênh những tiến triển đạt được vừa qua và mong muốn có thêm những bước tiến đáng kể về “Khuôn khổ Kinh tế Indo-Pacific” (IPEF). Việt Nam là một trong 14 nước tham gia IPEF ngay từ những ngày đầu. Việt Nam cũng luôn sẵn sàng trao đổi với các nước thành viên Hội nghị Bộ trưởng IPEF vì sự thịnh vượng, góp phần xây dựng các nội dung thiết thực và phù hợp. (5)

Trong tuyên bố chung sau hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã tái khẳng định việc nâng cấp mối quan hệ song phương lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững (CSP). Các nội hàm của mối quan hệ đối tác mới kế thừa những nội dung hiện có và được nâng lên một tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ là đột phá của quan hệ CSP. Ngoài ra, trong Tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho ngành công nghiệp bán dẫn, đầu tư, thương mại, giáo dục, khủng hoảng khí hậu, y tế, tội phạm.

Tóm lại, một trong những mục tiêu hàng đầu của tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên CSP trong không gian FOIP hy vọng sẽ tạo động lực mới cho việc thu hút thêm nhiều vốn FDI từ các tập đoàn ở đa dạng các lĩnh vực của Mỹ, Nhật, châu Âu… vào Việt Nam./.

(1) https://baochinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-ve-nang-cap-quan-he-viet-nam-hoa-ky-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-102230911170243626.htm

(2) https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dam-phan-nguyen-dinh-luong-tac-dong-cua-hiep-dinh-thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-la-cuc-ky-to-lon-post329584.html

(3) https://vneconomy.vn/viet-nam-dung-thu-2-the-gioi-ve-dat-hiem-nguyen-lieu-chien-luoc-san-xuat-chat-ban-dan.htm

(4) http://xuandienhannom.blogspot.com/2023/09/viet-my-sau-ngay-109-ngo-sau-nhin-truoc.html

(5) https://baochinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-ve-nang-cap-quan-he-viet-nam-hoa-ky-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-102230911170243626.htm

https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/09/10/fact-sheet-president-joseph-r-biden-and-general-secretary-nguyen-phu-trong-announce-the-u-s-vietnam-comprehensive-strategic-partnership/

Đ.H.T.

NQT gửi BVN

This entry was posted in Nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ. Bookmark the permalink.