Nhìn thấy gì ở dự án hồ thủy lợi Ka Pét sẽ làm mất hơn 600 hecta rừng tự nhiên?

Lê Quỳnh

Mình đi nhanh một số vấn đề, để những ai quan tâm có thêm thông tin mà tự nhận định vấn đề.

 Phóng viên Vnexpress đã đưa hình ảnh một số cây cổ thụ trong thực tế không có trong khu vực dự kiến xây dựng hồ thủy lợi vào bài “Khu rừng hơn 600 ha sắp chuyển thành hồ thủy lợi”. Đây là bài viết ghi nhận bằng hình ảnh về thực tế hiện trạng rừng sắp bị mất đang như thế nào, giúp bạn đọc hình dung rõ hơn vấn đề, thay vì bằng những bài chỉ thuật lại những gì đang được nói trên bàn nghị sự từ năm 2019. https://vnexpress.net/khu-rung-hon-600-ha-sap-chuyen… . 

Thông tin “một số cây cổ thụ” không chính xác này đã được đính chính theo luật Báo chí. Phóng viên sai và bị phạt là đúng. Tuy nhiên chi tiết không chính xác này không có nghĩa đây là rừng nghèo, cũng như không làm thay đổi bản chất vấn đề. 

Bản chất vấn đề vẫn không thay đổi: dự án hồ thủy lợi Ka Pét nếu được xây dựng thì sẽ làm mất hơn 600 hecta rừng tự nhiên, trong đó có 130 hecta rừng đặc dụng (là loại rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất theo luật VN bởi tính chất và chức năng của nó). 

Tuỳ thuộc vào từng vùng sinh khí hậu khác nhau sẽ hình thành nên các hệ sinh thái rừng có những đặc tính riêng như: tính đa dạng sinh học, tổ thành loài cây, cấu trúc rừng, trữ sản lượng rừng… Ví dụ bạn không thể nói rừng khô hạn trên núi đá ở Ninh Thuận là rừng nghèo. 

Nếu nhìn nhận ở góc độ trữ sản lượng rừng/trữ lượng gỗ để đánh giá chất lượng rừng thì không đúng và chưa đủ! 

 Tới nay Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án thủy lợi này. Báo cáo thẩm tra của Chính phủ về thực hiện dự án ở đây, tui vào nhiều lần mà trang luôn báo lỗi, không tải file về được. https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/67267?mode=full…

Báo cáo thẩm tra nói trên được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCNMT) báo cáo Quốc hội ngày 21.10.2021. Nội dung này có thể tìm đọc ở đây: https://quochoi.vn/…/quo…/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx…

Còn đây là nội dung UBKHCNMT trả lời mới nhất về dự án này, ngày 6.9.2023. Tóm ý: “chất lượng rừng cụ thể ở toàn bộ khu vực đó ra sao thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Quốc hội chỉ giám sát, thẩm tra trên hồ sơ, số liệu Chính phủ trình. Quốc hội rất tiếc khi phải phá bỏ rừng bởi mất rất nhiều thời gian mới có thể hình thành. Song trong vấn đề này tùy thuộc vào quan điểm, góc nhìn mỗi người. Với dự án này, Chính phủ chọn phương án tối ưu và yêu cầu trồng rừng thay thế, gấp 3 lần diện tích rừng sử dụng (hơn 1.800 hecta)”. https://tuoitre.vn/binh-thuan-lam-ho-chua-nuoc-tren-600ha…

Từ những thông tin cơ bản trên, bạn hoàn toàn có thể đọc và tự có nhận định riêng của mình về chất lượng quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án của Quốc hội. 

 Về việc trồng rừng thay thế: 

Bí thư tỉnh Bình Thuận vừa lên tiếng về sự cần thiết làm hồ thủy lợi Ka Pét, trong đó có chi tiết: diện tích trồng rừng thay thế trên 1.800 hecta có tổng chi phí gần 177 tỷ đồng.

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư khi trồng rừng thay thế chỉ phải đóng tiền cho 1 năm trồng rừng và 4 năm chăm sóc rừng. 

Như vậy 177 tỷ đồng là chi phí tính cho 1 năm trồng và 4 năm chăm sóc cây con được trồng trên 1.800 hecta. Vậy những năm sau đó thì sao?

Nếu ai đã từng trồng một cái cây, hay đi trồng rừng thì sẽ hiểu bấy nhiêu thời gian cây con sẽ sinh trưởng tới đâu. Đặc biệt trong thời tiết khí hậu cực đoan hiện nay. Và ai cũng biết, giá trị rừng trồng chắc chắn không thể bằng giá trị rừng tự nhiên.

Trồng rừng thay thế tức là đi kiếm một quỹ đất ở nơi/địa bàn khác để trồng. Việc trồng rừng ở địa bàn khác là không bù đắp và thay thế được giá trị mà rừng bị mất đã mang lại cho khu vực, cộng đồng nơi đó.

 Thông tin này là tham khảo và cần được làm rõ có đúng không: Dự án này nếu được thực hiện thì sẽ làm mất di tích văn hóa bản địa (xem thêm nội dung ở hình ảnh bên dưới). Nếu điều này là sự thật thì đây là một trong những vấn đề lớn! 

Trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (viết tắt ĐTM  đang chờ Bộ Tài Môi thẩm định), thông tin về di tích bản địa không được nhắc đến. Chỉ có thông tin ghi nhận về vài chục nấm mộ trong rừng và chấm hết. “Trong vùng ngập lòng hồ không có di tích văn hóa lịch sử, chỉ có khoảng 30 ngôi mộ của đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh”. “Bán kính 1 km cách khu vực dự án không có các công trình văn hóa, tôn giáo, các di tích lịch sử nào”. 

Điều này đặt ra câu hỏi, liệu đơn vị thực hiện ĐTM đã tham vấn người dân bản địa thực chất, đàng hoàng chưa, hay cũng chỉ “làm hình thức, cho có” như từ trước đến nay? Trong danh sách nhân sự tham gia thực hiện ĐTM, không có bất cứ ai có chuyên môn liên quan tới khoa học văn hóa, xã hội, lịch sử,… (xem thêm hình ảnh bên dưới). Tham vấn ý kiến cộng đồng (bản địa), đánh giá tác động xã hội là một trong những yêu cầu buộc phải làm khi thực hiện ĐTM. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi gần đây đã đưa ra khá nhiều chỉnh sửa để hỗ trợ việc tham vấn cộng đồng được làm cho đàng hoàng, thực chất hơn thực tế đã. 

Cũng cần nhìn nhận thêm rằng: chính đời sống thực hành văn hóa tín ngưỡng bản địa này đang góp rất lớn vào việc nuôi, giữ gìn, bảo vệ và phát triển những cánh rừng. 

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại đây để hiểu thêm về di tích, đời sống văn hóa tâm linh của người Chăm – đang được xem là sẽ bị mất nếu hồ Ka Pét được xây dựng:

https://www.facebook.com/wa.praong/posts/6265071250269928

https://www.facebook.com/jaya.thien/posts/2919572434885814

(Qua thực tế làm việc tôi nhận thấy rằng, nhiều thông tin được đưa vào bản ĐTM nói chung thường bị cắt bớt, không đầy đủ. Vì vậy, để biết chính xác một nội dung trong ĐTM mà bạn nghi vấn, ví dụ chất lượng rừng đó ra sao, hãy đi tìm đọc thêm bản gốc về đánh giá hiện trạng rừng. 

Cũng như khi bạn đọc một quyết đnh phê duyệt ĐTM cho một dự án  sau khi được sự thông qua của Hội đồng thẩm định ĐTM, bạn hãy tìm đọc biên bản ghi lại buổi họp hội đồng ấy. Có thể sẽ tìm ra nhiều sự thật bất ngờ).

 Thông tin này, bạn cũng có thể tham khảo khi tìm hiểu vấn đề. Theo Thanhnien, “nếu hồ thủy lợi Ka Pét được xây dựng thì đây là hồ thủy lợi thứ 50 của Bình Thuận. Bình Thuận hiện nay là địa phương không còn thiếu nước nữa”. https://thanhnien.vn/binh-thuan-chuyen-doi-hon-680-ha…

Nhận diện lãng phí: Hồ thủy lợi hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang trên vùng đất khát: https://quochoitv.vn/nhan-dien-lang-phi-ho-thuy-loi-hang…

 Hồ thủy lợi Ka Pét (không phải là một hồ thủy lợi lớn) sẽ đảm nhiệm rất nhiều chức năng: cấp nước cho gần 8.000 hecta đất sản xuất nông nghiệp Hàm Thuận Nam, cung cấp 2,63 triệu m3/năm nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II, tạo nguồn nước thô cho nước sinh hoạt của 120.000 người dân Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết. Điều này chính xác không? Tại sao? Chi phí lợi ích kinh tế xã hội môi trường như thế nào?… 

Tôi nghĩ cần thêm tiếng nói chuyên gia, bao gồm những phương án có thể thay thế. Và, cho tới nay vẫn cần các điều tra độc lập của báo chí, không chỉ ghi lại các phát ngôn. 

Tại cuộc họp báo chiều nay, ngày 7.9.2023, Bí thư Bình Thuận cho biết mong được đọc, nghe ý kiến nhiều chiều, từ nhiều bên. Nếu dự án hồ Ka Pét bất cập, tỉnh sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh. 

Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ đúng hơn khi chính quyền mời các nhà khoa học độc lập vào cùng nghiên cứu, làm việc để tìm ra giải pháp khả thi, hiệu quả nhất. Và có cơ chế cho họ làm việc thực sự hiệu quả, khách quan, công bằng. 

Người yếu thế, xã hội không có nghĩa vụ đi tìm lời giải, chứng minh một vấn đề/dự án có nguy cơ gây tác động xấu. Họ có quyền lên tiếng đòi hỏi vấn đề được làm rõ khi nhìn thấy những bất hợp lý, nguy cơ tiềm ẩn. 

*

 Nhân tiện nói thêm về câu hỏi hiệu quả của việc trồng rừng thay thế nói chung hiện nay: 

Hiện nay nhiều tỉnh thành cho biết rất khó tìm được quỹ đất trồng rừng thay thế. 

Theo quy định, chủ đầu tư một dự án (có làm mất một diện tích rừng) có thể lựa chọn hoặc đóng tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) địa phương đó, hoặc tự trồng rừng thay thế. Thực tế cho thấy đa số doanh nghiệp chọn đóng tiền. 

Tiền được đóng về Quỹ BV&PTR địa phương sẽ được địa phương phân bổ về nơi trồng rừng thay thế. Tuy nhiên thực tế hiện nay các địa phương đang rất thiếu quỹ đất để trồng rừng.

Sau một năm, nếu không có chỗ trồng rừng thay thế, địa phương đó phải chuyển tiền về Quỹ BV&PTR trung ương. Từ đây, Quỹ trung ương sẽ phân bổ tiền về những địa phương khác cần trồng rừng. 

Lý thuyết là vậy. Vấn đề đặt ra là dòng tiền này đã đi đâu, ở đâu, ai giám sát? Hiện đã có bao nhiêu diện tích rừng trồng thay thế đã được hiện thực hóa? Trồng ở đâu? Chất lượng như thế nào? Bao nhiêu diện tích rừng đã bị mất cho các dự án? Mất ở đâu?… 

 Cập nhật thông tin về dự án:

Những gói thầu nào đã được triển khai ở dự án hồ chứa nước Ka Pet ở Bình Thuận? https://www.baogiaothong.vn/nhung-goi-thau-nao-da-duoc…

Theo báo Giao thông, “chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, phần vốn dự phòng ngân sách Trung ương đã bố trí sẽ hết hiệu lực. Nếu không triển khai kịp thời, rất có khả năng sẽ dẫn đến sự phức tạp về điều chỉnh, bổ sung trong thủ tục bố trí vốn đối với dự án cấp thiết này”.

*

Nói thêm: Tôi không cổ súy, không đồng ý bất kỳ ngôn ngữ chửi bới, đả kích nào, kể cả nếu nó nằm trong nội dung trích dẫn. Những thông tin được trích dẫn bởi nó đã được trao đổi, “thẩm định” bước đầu với người làm khoa học trong ngành, như nghi vấn liệu có di tích, nghi lễ thực hành văn hóa tín ngưỡng của người Chăm trong khu vực dự kiến xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét hay không?

L.Q.

Nguồn: FB Lê Quỳnh

 

 

This entry was posted in Bảo vệ môi trường, Bảo vệ rừng, Phá rừng. Bookmark the permalink.