Cùng thử tìm hiểu xây hồ có thực sự cứu nguy cho người dân vì hạn hán ra sao.
Khải Đơn
6 SEP 2023
Tôi nhận được rất nhiều chất vấn của người đọc, chủ yếu tập trung vào các ý sau:
1. Người dân Hàm Thuận Nam cần có hồ chứa nước để chống hạn hán, tại sao lại ngăn cấm họ mưu sinh có nước uống, hay bảo vệ rừng chỉ là ý tưởng lãng mạn của các anh hùng bàn phím?
Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ cố gắng làm rõ mệnh đề “xây hồ nước sẽ chống được hạn hán”.
Trước khi hồ Sông Móng – Ka Pét gây xôn xao dân mạng, thì đến năm 2016, huyện Hàm Thuận Nam sở hữu 14 hồ chứa nước, phục vụ nước tưới cho 8.000 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 7.394 hộ dân, với tổng chiều dài các tuyến kênh mương khoảng 328,2 km (1).
Tôi sử dụng công cụ đo khoảng cách trên Google Maps và xem được khu vực Mỹ Thạnh sẽ bị chuyển thành hồ Sông Móng – Ka Pét nằm ở vị trí như sau (các vị trí đo là tương đối, để bạn có thể tưởng tượng khoảng cách, tôi không có chuyên môn địa lý).
Vùng màu đỏ trong hình, nơi sẽ trở thành hồ Sông Móng – Ka Pét được bao bọc bởi nhiều hồ khác đã xây dựng nhưng không hề giảm hạn hán như đã hứa
Vùng rừng xã Mỹ Thạnh sẽ bị xóa sổ làm hồ cách hồ Đạ Mi 17 km, cách hồ Hàm Thuận 26 km, cách hồ Biển Lạc 27,7 km, cách hồ Sông Móng 13,2 km, cách hồ Ba Bàu 17,8 km, cách hồ Đu Đủ 24,64 km. Có thể nói, nơi này đã được bao quanh bởi nhiều hồ nước quy mô lớn mà theo báo Bình Thuận là “địa phương đang phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp” (năm 2023).
Tuy nhiên, cũng chính báo Bình Thuận thừa nhận rằng Hàm Thuận Nam “là một vùng đất khô hạn”. Có nghĩa là về tự nhiên, nơi đây sẽ có tháng 3-4 cao điểm mùa khô là khô hạn. Khô hạn với nơi này không phải thiên tai, đó là đặc tính địa lý của khu vực bán hoang mạc. Cũng như Ninh Thuận, một số tháng trong năm là mùa khô hạn, là tự nhiên phải khô hạn.
Hiện nay, thông tin “hạn hán” và “người dân đang mong ngóng nước” được sử dụng rất triệt để trong những ngày nay để biện minh cho việc PHẢI LÀM HỒ và PHẢI PHÁ RỪNG MỚI LÀM HỒ ĐƯỢC.
Hạn hán xảy ra như một thiên tai, gần đây có hai đợt hạn hán lớn xảy ra tại Việt Nam và các quốc gia khu vực xung quanh như Lào, Campuchia, Thái Lan, Đồng bằng Sông Cửu Long chứ không chỉ riêng Bình Thuận, trong năm 2016 và năm 2020. Cần nhấn mạnh ở hai năm bản lề này là đây là thiên tai và không thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, ta đều biết biến đổi khí hậu đang khiến thiên tai có xu hướng sẽ cực đoan hơn trong các năm sắp tới. Vậy nghĩa là, nếu tỉnh Bình Thuận cực kỳ quan tâm tới hạn hán, thì cũng nên cực kỳ quan tâm đến lũ quét.
Ta quay trở lại câu hỏi liệu các hồ chứa nước có thực sự giúp cải thiện tình trạng hạn hán không?
Trước dự án hồ Ka Pét này, đã có 14 hồ tồn tại từ năm 2016, và đã trải qua thử thách hạn hán năm 2020.
Tháng 5/2020, cũng báo Bình Thuận viết “hồ Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam đã hết nước, không còn nguồn nước để cung cấp cho sản xuất. Hồ Ba Bàu, Tân Lập, Đu Đủ mực nước cũng xuống thấp nên diện tích thanh long trên địa bàn huyện này thiếu nước tưới, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt” (2) và “Có khoảng 26.000 hộ dân với khoảng 97.000 nhân khẩu ở khu vực nông thôn tại 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ”.
Vậy 14 cái hồ, sau 5 năm thử nghiệm qua 2 đợt hạn hán, vẫn gần 100000 người thiếu nước sinh hoạt. Các cái hồ đó đã thực sự phát huy vai trò chống hạn hán như nó nói không? Câu này bạn tự tìm câu trả lời.
Quay trở lại với anh Tifosi, cáo buộc các độc giả có ý muốn bảo vệ rừng là không “thương tiếc cho gần 100.000 người dân Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt, sản xuất”. Vì lý do đạo đức, nhiều người đọc chùn bước. Tất nhiên không ai trong chúng ta muốn sống thiếu nước, vậy người đọc lập tức sẽ cảm thấy mình sai trái khi làm vậy với dân Bình Thuận, họ không dám nghĩ tới chuyện bảo vệ khu rừng nữa. Hoặc họ nghĩ có khi xây thêm 1 cái hồ nữa thì sẽ bớt khát cho dân ở đó. Nhưng nếu hạn hán tới mà hồ cạn sạch như năm 2020 thì tác dụng của hồ là gì?
Người dân Hàm Thuận Nam ít nhất đã cho chính quyền Bình Thuận ít nhất 14 lần làm hồ để cứu họ có nước sinh hoạt sản xuất, nhưng chính những cái hồ đó vào mùa hạn hán cũng hết nước và cũng 100000nhân khẩu đó không hề có nước sinh hoạt dù có hồ. Vậy nghĩa là, lý luận xây hồ sẽ giảm hạn hán là không đáng tin cậy.
Bạn có phá hết luôn rừng Núi Ông, rừng Mỹ Thạnh xây thêm một cái hồ nữa cũng không hề có gì chắc chắn nếu hạn hán xảy đến thì luận điệu các hồ trữ nước đã hết nước không xảy ra thêm một lần nữa như bài viết bên trên.
2. Tính đến các nguy cơ thời tiết cực đoan khác
Vì tỉnh Bình Thuận quá lo lắng cho sự hạn hán cực đoan vì biến đổi khí hậu của Hàm Thuận Nam, tôi nghĩ mình cũng nên chú ý tính toán thêm một thái cực thời tiết cực đoan khác là lũ lụt ở vùng này.
Khi tôi tìm đến thông tin lũ lụt thì tìm được bài viết vào tháng 9/2022, khi có bão số 4 xảy ra và đi ngang qua nơi này. Bản tin trên báo Bình Thuận viết, “UBND huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu UBND các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm thông báo kịp thời cho người dân trên các phương tiện truyền thanh và người dân dọc tuyến xả lũ từ các hồ chứa nước Sông Móng, Ba Bàu không lưu thông qua lại trên tuyến xả lũ trong thời gian trên” (4).
Vào tháng 10/2022, Hàm Thuận Nam bị ngập lụt nặng nề ở khu vực gần UBND xã Tân Lập và thị trấn Thuận Nam (6). Báo Bình Thuận viết, “mưa lớn cục bộ kết hợp lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về lưu vực sông Phan gây lũ, ngập lụt diện rộng trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Hàm Thuận Nam” (7) thiệt hại 2,1 tỷ đồng, nhiều nhà dân và vườn thanh long ngập trong nước lũ. Xã Tân Lập là nơi có đập Tà Mon, hồ Tân Lập. Các hồ này cũng không hề làm được chức năng điều tiết chống lũ như nó được dự tính là chống hạn giảm lũ.
Cách đây chỉ vài ngày, vào ngày 2/9/2023, vì mưa lớn, hồ Lòng Sông và hồ Hàm Thuận dâng cao, “mực nước hồ Hàm Thuận sẽ đạt cao trình mực nước cao nhất trước lũ 602,5 m trong ngày 2/9” (5).
Vậy có nghĩa là ở Hàm Thuận Nam, tình trạng hạn hán xảy ra vào 2016, 2020 là do thiên tai ở quy mô lớn. Nhưng lũ lụt thì năm nào cũng xảy ra vào mùa mưa bão. Nước thì từ thượng nguồn về ào ạt làm nước dâng lên nhanh chóng. Vườn thanh long ngập, nhà và đường phố cũng ngập. Mà thượng nguồn của Hàm Thuận Nam nằm ở đâu? – Nó nằm ở chính khu vực rừng núi Ông, Mỹ Thạnh sắp bị phá và khu vực Lâm Đồng cao hơn đó.
Vậy kịch bản xây thật nhiều hồ chống hạn không hề chứng minh được tác dụng của nó khi hạn hán thực sự tới, nhưng lại rất chắc chắn có thể gây ra lũ quét nếu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở trên cao bị cạo sạch.
Giữa hai kịch bản này, bạn nghĩ 100.000 người dân Bình Thuận cần gì? – Làm sao tôi biết được, không hề có cuộc thăm dò ý kiến của chính người dân ở các khu vực trên cho biết họ cần gì cả, anh Tifosi và cả tôi đều đoán mò hết.
3. Đánh giá tác động môi trường của dự án này cho thấy điều gì?
Khi một dự án như hồ Ka Pét ra đời, sẽ cần có một cái hồ sơ tên là đánh giá tác động môi trường nộp cho Bộ Tài nguyên – Môi trường. Và hồ sơ này, là người dân, bạn hoàn toàn có thể truy cập tại 2 link tôi để ở số (8). Nếu bạn có chuyên môn về kiến trúc và xây dựng, tôi mong bạn sẽ dành thời gian đọc để xem những thông tin trong đây có gì.
Với kỹ năng hạn hẹp của một người viết, tôi đọc một số chi tiết sau:
Tại trang 13 của báo cáo đánh giá tác động môi trường, loại đất được ghi là “Diện tích sử dụng đất của dự án : 697,73 ha (Nghị Quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội, đã cập nhật lại diện tích đất có rừng theo số liệu kiểm kê hiện trạng rừng được Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ lập tháng 12 năm 2020 và cập nhật lại hiện trạng rừng trồng đến thời điểm tháng 04/2022)”. Trong bản tóm tắt của báo cáo cũng tương tự, không hề nêu rõ về cơ cấu rừng trong 697,73 ha này là gì. Nếu không biết cơ cấu rừng và môi trường từng phần, thì báo cáo sẽ đánh giá tác động của cái gì trên diện tích đó?
Tại trang 16, phần đánh giá về tác động xấu đến các đối tượng tự nhiên được chia ra là sông suối, hồ đập. Bạn có biết rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được xếp vào nhóm nào không? Nó được xếp vào nhóm “các đối tượng tự nhiên khác” trong vỏn vẹn một cái gạch đầu dòng 5 dòng có nội dung như sau: “Gần khu vực dự án không có rừng, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên ở khá xa dự án khoảng 5 km về phía Tây Nam có khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Trong vùng ngập lòng hồ không có di tích văn hóa lịch sử, chỉ có khoảng 30 ngôi mộ của đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh”.
137,95 ha rừng đặc dụng, 1/5 lượng đất sẽ xài cho một dự án khổng lồ rộng 600 ha, được đánh giá bằng 5 dòng, và trong 5 dòng đó nó bị xóa xổ hoàn toàn là không tồn tại. Xin lưu ý, đây cũng là bản đánh giá tác động môi trường mà người dân nhận được, có trong tay các đại biểu Quốc hội. Bản đánh giá này đã xóa xổ 1/5 diện tích rừng đặc dụng khỏi dự án như chưa từng có sự tồn tại.
Càng đọc sâu vào bản báo cáo này, tôi càng thấy sự không đáng tin cậy của nó. Cụ thể, trong cùng trang 17, ở đầu trang viết có 30 ngôi mộ của đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh, đến giữa trang nó đã trở thành 20 ngôi mộ. Không biết bằng cách màu nhiệm nào các thạc sĩ, kỹ sư chủ nhiệm cái đề tài này đủ can đảm xóa xổ 10 ngôi mộ trong nửa trang giấy và khẳng định “Trên diện tích đất của dự án không có nhà cửa của người dân và công trình hạ tầng nào ngoài 20 ngôi mộ nằm trong vùng ngập lòng hồ”. Bạn có xây mộ của người thân tại đó không nếu bạn không có nhà tại đó? – Càng đọc báo cáo tôi càng thấy cái báo cáo này như một cuốn tiểu thuyết bịa đặt vậy.
Đến trang 18, ở phần “Tóm tắt các nguồn gây tác động đến môi trường của dự án trong giai đoạn thi công dự án”, có một chi tiết tôi chú ý đó là phần Phát quang thực vật, san nền, được các anh chị làm báo cáo ghi mức độ tác động là “tất yếu, tạm thời” và “trung bình”. Không rõ chặt sạch rừng có phải là tạm thời không thì tôi không diễn giải được.
Tới một hoạt động khác cùng trang, khác cột là “Rà phá bom mìn, Phát quang thực vật, san nền” để giải phóng mặt bằng, thì tác động được ghi là “Tất yếu, lâu dài, mức độ cao”.
Thứ nhất là việc phân chia này không hiểu vì sao cùng một yếu tố được viết thành 2 cột, với 2 mức độ khác nhau dù cùng là một hoạt động là san nền. Còn đánh giá cao, trung bình, thấp cũng không được giải thích cụ thể là dùng phương pháp nào, do chúng tao nhìn mà thấy hay tự tưởng tượng ra điền đại vô cho xong thì không rõ. Tôi nhấn mạnh, không hề có mức độ, chuẩn mực, phương pháp nào được giới thiệu ở bảng này.
Tới trang 51, khi trích dẫn báo cáo kiểm kê hiện trạng rừng trong diện tích dự án, thì bảng này lại lòi ra 136,88 ha rừng đặc dụng, bên trên thì không có rừng, bên dưới thì có rừng là sao vậy? Cũng không hiểu mấy người làm cái báo cáo này có đọc không hay ngồi google xong cắt dán nữa.
Để biện minh cho dự án hồ, báo cáo này viết ở trang 39 (xem theo đánh số trang, trên file PDF là trang 70) giải thích về sự phù hợp của dự án như sau: “Vị trí thực hiện dự án “Hồ chứa nước Ka Pét”, thuộc xã Mỹ Thạnh và xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Tại huyện Hàm Thuận Nam tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô liên tục xảy ra những năm gần đây với mức độ ngày càng mạnh và khốc liệt hơn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Mời bạn xem lại ý 1 và 2 bên trên của tôi. Hạn hán chỉ xảy ra ở nơi đây năm 2016 và 2020, trong khi đó lũ lụt xảy ra ở đây hàng năm.
4. Một vài người đọc nói bài viết trước của tôi sử dụng số liệu họp Quốc hội năm 2019 cũ rồi, Quốc hội đã thay đổi sửa đổi, dự án đã tốt lên rồi.
Bạn có thể đọc thông tin cả hai phiên họp Quốc hội năm 2019 và 2023 tại đây (3a) và (3b). Thông tin về diện tích rừng đặc dụng trong hai kỳ họp này thay đổi rất ít, nghĩa là đến kết luận năm 2023, đất rừng đặc dụng là 137,95 ha (giảm 24,6 ha); đất rừng phòng hộ là 0,51 ha (giảm 0,4 ha); đất rừng sản xuất là 440,4 ha (giảm 30,69 ha).
Nghĩa là tổng diện tích rừng đặc dụng vẫn chiếm khoảng 1/5 diện tích toàn dự án, là diện tích phá rừng cực kỳ lớn. Thay đổi quan trọng nhất giữa hai phiên họp 2019 và 2023 là… tăng tiền đổ vào đầu tư thêm 288 tỷ. Tiền đó là đầu tư của chính phủ. Tiền thuế của bạn đang được sử dụng để phá rừng, nhưng giờ thì nhiều tiền hơn năm 2019.
Ngoài ra, những câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội nêu vào năm 2019 như tại sao trồng lại rừng mới chỉ là keo lai, giáng hương, bạch đàn… không được trả lời hay có giải pháp gì hết trong phiên họp mới này. Câu hỏi về độ đa dạng sinh học cực lớn của 20% diện tích là rừng đặc dụng sẽ bị đem đấu giá cũng không được trả lời trong phiên họp 2023.
5. Hai ngày vừa qua, Facebook Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận liên tục đăng các post về dự án này, sử dụng các luận điểm sau: “Bao năm qua, khát, khô là điều hiển nhiên của người dân Hàm Cần, Mỹ Thạnh… Do vậy, khi Quốc hội thông qua việc xây dựng hồ Ka Pet để mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, đã khơi dậy, tiếp thêm niềm khát khao cháy bỏng trong họ”.
Trang FB của Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Bình Thuận viết: “Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, ngay bây giờ, người dân ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh cũng mong ngóng sớm xây dựng hồ Ka Pet để có nước sản xuất, có cuộc sống mới. Bởi trong mùa khô rồi, chứ không đâu xa, người dân ở đây đã ra sông Linh đào giếng lấy nước cho sinh hoạt, nên nước cho sản xuất là một sự xa xỉ. Sao có thể không quan tâm, khi đã gần 50 năm sau giải phóng mà 2 xã còn nhiều đồng bào thuộc diện nghèo, cận nghèo đến vậy (Mỹ Thạnh: nghèo chiếm 66%, cận nghèo 11%; Hàm Cần: nghèo 20,53 %, cận nghèo 42,67% dân số), bất chấp những chính sách hỗ trợ liên tục được triển khai. Bởi cái chính là chính quyền có cấp đất 04, đất dân tự khai phá, hộ ít nhất cũng khoảng 1 ha đất, hộ nhiều cũng tới 2 – 4 ha đất nhưng không có nước thì chỉ hy vọng đến “con cá” được cho, chứ làm sao phát huy “cần câu”, dù đã được tập huấn kỹ thuật trồng, nuôi cây này, con nọ”.
Tôi không rõ là năm 2016 lúc đã có mớ hồ Sông Móng, hồ Ba Bàu, hồ Đu Đủ, hồ Tân Lập cách xã Mỹ Thạnh chỉ 10-20 km, sao mãi bảy năm sau tới 2023 mà bà con ở đó vẫn nghèo 66% như vậy? Đó đâu phải là lỗi của 50 năm sau giải phóng? Con số đó cũng chứng minh là xây những 14 cái hồ rồi mà người dân vẫn không bớt nghèo, thì có xây thêm 1 cái hồ nữa các bạn có chắc chắn là hết nghèo không?
Không ai có thể chắc chắn, và chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng không hề chứng minh được sự chắc chắn của họ. Trong khi xã Mỹ Thạnh nằm trong bán kính cách một đống hồ bên trên chỉ từ 10-20 km, mà vẫn nghèo 66%. Vậy hồ không thể nào là nguyên nhân giúp ta nhanh giàu được các bạn ạ.
6. Bạn có thể làm gì nếu chỉ là một cá nhân yếu ớt?
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường ở link bên dưới có đầy đủ hết tên họ và số điện thoại cũng như học vị của những người đã ngồi sáng tác ra cái báo cáo đánh giá tác động môi trường cẩu thả trên. Nó là một mắt xích quan trọng để dự án này được đại biểu Quốc hội nhắm mắt thông qua.
Nếu bạn làm trong giới học thuật, bạn có thể chất vấn họ đã thực hiện cái báo cáo kỳ cục trên kiểu gì mà cho ra các đánh giá ảo diệu và không đáng tin cậy như vậy.
Nếu bạn là một người bình thường, hãy lên trang web của tỉnh Bình Thuận, Facebook của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, FB của Đoàn đại biểu Quốc hội và tag họ vào các đối thoại phải trả lời về những quyết định này.
Những gì mà FB Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Bình Thuận (10) nỗ lực viết và đáp trả những ngày này cho thấy họ đang lắng nghe và họ sẽ phải lắng nghe những gì bạn nói.
===
Chú thích trong bài:
(1) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-thuc-hien-tai-co-cau-nganh-thuy-loi-7839.html
(2) https://baobinhthuan.com.vn/cap-do-han-han-o-binh-thuan-cang-tang-86008.html
(3b)https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76070
(5) https://baobinhthuan.com.vn/xa-lu-ho-long-song-va-ho-ham-thuan-111818.html
(6) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-thiet-hai-nang-do-mua-lu-trong-dem-101657.html
(7) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-uoc-thiet-hai-2-1-ty-dong-do-mua-lu-101722.html
(8) https://monre.gov.vn/VanBan/Lists/VBDuThao/Attachments/1818/bao%20cao%20DTM%20Kapet%20Tham%20van.pdf
(9) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-phat-huy-loi-the-san-xuat-nong-nghiep-106616.html
K.Đ.
Nguồn: khaidon.substack.com