Trịnh Khải Nguyên-Chương (tổng hợp)
Vào tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết rằng cuối cùng ông sẽ từ bỏ phản đối Thụy Điển gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hungary, quốc gia ủng hộ lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có dấu hiệu cho thấy họ sẽ không cản trở việc Thụy Điển gia nhập nếu Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh. Điều đó có nghĩa là, sau cuộc bỏ phiếu theo thủ tục vào mùa thu này, Thụy Điển sẵn sàng trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Thụy Điển và NATO đã hợp tác chặt chẽ hơn kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và mạnh mẽ hơn kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine lần đầu vào năm 2014-2015. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chỉ một số ít người Thụy Điển tin rằng việc gia nhập liên minh quân sự sẽ mang lại lợi ích cho họ.
Chiến lược ngoại giao của Nga đã tìm cách ngăn chặn Thụy Điển gia nhập NATO kể cả những đường lối đe dọa bao gồm cả việc ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên những đe dọa như vậy, kể cả việc cho phóng pháo cơ có khả năng ném bom nguyên tử xâm phạm không phận Thụy Điển trái phép, cũng như tàu ngầm xâm nhập hải phận, cuối cùng chỉ đẩy Thụy Điển ngày càng gần NATO hơn. Và cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã thuyết phục được đa số dân Thụy Điển (cũng như nước Phần Lan láng giềng) rằng họ cần sự đảm bảo an ninh bổ sung do liên minh đem lại hầu chống lại sự xâm lược khó lường từ phía Nga.
Nhưng không giống như Phần Lan, vốn chính thức gia nhập NATO vào ngày 4 tháng 4 năm nay, Thụy Điển phải chịu sự ngăn cản kéo dài của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary thân thiện với Putin. Thổ Nhĩ Kỳ viện cớ rằng Thụy Điển tỏ ra dung túng thành phần ly khai người Kurd gốc Thổ Nhĩ Kỳ và những người chống Hồi giáo, lại còn cho phép người biểu tình bài đạo Hồi. Sự cản trở của Erdogan cũng có thể xuất phát từ cuộc tranh cử Tổng thống năm 2023 của ông ta, hoặc được sử dụng như một con bài thương lượng để đảm bảo việc nâng cấp chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Sự gia nhập NATO của Thụy Điển nếu nhìn từ mặt ngoài, với khoảng 24.000 quân nhân đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang, dường như không phải là sự bổ sung lớn lao cho một liên minh phòng thủ ước tính có đến hơn 3,5 triệu quân. Nhưng mặc dù trong nhiều thập kỷ đứng ở vị thế trung lập, Thụy Điển có một lực lượng phòng thủ được trang bị với những vũ khí tối tân hiện đại. Hơn nữa, Thụy Điển nằm ở một vị trí địa lý hiểm yếu rất tốt cho việc phòng thủ của NATO.
Thụy Điển nằm giữa các thành viên NATO là Na Uy và Đan Mạch ở phía Tây và Phần Lan ở phía Đông, đồng thời có khoảng 2.000 dặm bờ biển – Biển Baltic. Điều đó quan trọng vì hạm đội Baltic của Nga tập trung lực lượng đáng kể ở Kaliningrad, vùng đất Baltic nằm ở ngay “bản lề” giữa Ba Lan và Litva, và tại St. Petersburg. Trước khi Nga xâm chiếm Ukraine, Thụy Điển có hơn 20 tàu hộ tống được trang bị cho các nhiệm vụ chống tàu và/hoặc chống tàu ngầm cùng nhiều khẩu đội tên lửa phòng không, chống hạm và chống tấn công trên đất liền. Với việc Thụy Điển gia nhập NATO, các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay của Nga muốn di chuyển trên vùng biển Baltic sẽ buộc phải di chuyển giữa “hai hàm răng sắc nhọn của một con cá sấu”, đó là bờ biển của Thụy Điển-Phần Lan ở phía Bắc, và bờ biển của Đức-Đan Mạch-Ba Lan và các nước vùng Baltic phía Nam. Chưa kể, đảo Gotland của Thụy Điển nằm ngay trung tâm biển Baltic.
Với tư cách là thành viên của liên minh, sự can thiệp của NATO để bảo vệ Thụy Điển, trong trường hợp bị tấn công từ bất cứ phía nào, được đảm bảo. Và ngược lại, Thụy Điển cũng cam kết hỗ trợ nếu Phần Lan hoặc các nước vùng Baltic bị tấn công.
Tất nhiên, hành động gây hấn của Nga chống lại các quốc gia thành viên NATO dường như càng khó hiểu hơn khi Nga đã tiêu hao sức mạnh chiến đấu và thể hiện sự kém cỏi về mặt quân sự trong cuộc xâm lược Ukraine. Nhưng chính những quyết định của Putin bắt tay vào một hành động hấp tấp và mang tính hủy diệt như vậy đã là lý do tại sao Thụy Điển và Phần Lan mất niềm tin lâu dài vào ý định của Nga và tìm cách trở thành thành viên của liên minh. Và đó cũng là ác mộng của Putin.
Sức mạnh quân sự của Thụy Điển
Lực lượng vũ trang Thụy Điển được thành lập để bảo vệ lãnh thổ và các vùng biển Baltic gần đó, mặc dù họ đã thể hiện một số khả năng triển khai máy bay phản lực và lực lượng bảo vệ hòa bình ở ngoài biên thùy quốc gia.
Thủ đô Stockholm là nơi tập trung ngành công nghiệp vũ khí đa dạng và khá bất thường cho một quốc gia với vẻn vẹn 10,5 triệu dân. Thụy Điển tự sản xuất chiến đấu cơ phản lực, máy bay cảnh báo sớm trên không, tàu ngầm tối tân, xe chiến đấu bộ binh, vũ khí chống tăng và pháo hạng nặng. Phản lực cơ và xe bọc thép của Thụy Điển đã được sử dụng ở nhiều quốc gia NATO và nhờ vậy phù hợp với tiêu chuẩn của NATO.
Không quân Thụy Điển trang bị 94 máy bay chiến đấu đa chức năng Saab JAS-39 Gripen C/D thế hệ thứ tư – có thể so sánh với F-16C của Mỹ, nhưng được cải tiến cho các hoạt động phân tán từ sân bay nhỏ. Lực lượng này sẽ mở rộng với việc bổ sung 70 máy bay chiến đấu Gripen-E thế hệ 4,5 với khả năng tàng hình được cải tiến, có tầm bay xa hơn, trang bị ra-đa/thiết bị gây nhiễu AESA tiên tiến và động cơ cánh quạt “turbo” F414 nâng cấp cho phép bay với tốc độ siêu âm.
Không quân Thụy Điển còn có hai máy bay cảnh báo sớm chế tạo trong nước, một máy bay vận tải tiếp dầu KC-130, năm máy bay vận tải C-130 và hơn 50 chiếc trực thăng dùng vào các công tác tiện ích linh tinh.
Trên biển, Hải quân Thụy Điển vận hành năm hộ tống hạm tàng hình nhỏ lớp-Visby được trang bị vũ khí chống tàu ngầm và tên lửa chống hạm RBS-15 Mk.2 (tầm bắn 43 dặm). Ngoài ra, còn có bốn hộ tống hạm cũ hơn, mặc dù hai chiếc tạm thời bị hạ cấp thành tàu tuần tra. Tuy nhiên, hải quân Thụy Điển thiếu các tàu chiến lớn tầm xa với khả năng phòng không hiệu quả do vai trò trung tâm của vùng Baltic yêu cầu.
Về tàu ngầm, Thụy Điển có ba chiếc lớp-Gotland (và một tàu thuộc lớp cũ) sử dụng “động cơ đẩy không khí độc lập”, có khả năng chạy dưới nước với tốc độ chậm trong vài tuần – vẫn lâu hơn nhiều so với loại tàu ngầm diesel-điện lớp cũ.
Tàu ngầm HSwMS Gotland của Hải quân Thụy Điển trong chuyến viếng thăm San Diego năm 2005.
Các phương tiện hỗ trợ hải quân đáng chú ý bao gồm 11 tàu tuần tra có khả năng chống tàu ngầm, 9 tàu quét mìn và khoảng 150 tàu tấn công nhanh CB90 chạy bằng phản lực nước. Những chiếc tàu này được đặt dưới quyền điều động của hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến. Mặc dù Stockholm đã ngừng sử dụng các khẩu đội phòng thủ ven biển cố định, nhưng thủy quân lục chiến Thụy Điển hiện đã trang bị tên lửa tầm ngắn RBS-17 di động chế tạo dựa trên tên lửa Hellfire của Mỹ trong vai trò chống hạm kể từ năm 2016.
Về mặt thiết giáp hạng nặng, lực lượng của Thụy Điển thực sự là gần như tương đương lực lượng Anh vừa bị cắt giảm quy mô gần đây, mặc dù dân số Thụy Điển chỉ bằng 1/6 Anh Quốc. Họ có 120 xe tăng Stridsvagen-122; 354 xe chiến đấu bộ binh bánh xích CV9040 (bọc thép hạng nặng và trang bị đại bác 40 ly), và hơn 300 xe Patria bọc thép chở quân do Phần Lan chế tạo. Để trinh sát, họ sử dụng 8 máy bay không người lái giám sát tầm trung RQ-7 Shadow.
Tuy nhiên, quân đội Thụy Điển vẫn còn nhỏ về mặt nhân sự, với lực lượng tại ngũ chỉ có 16.850 binh sĩ được chia thành tám tiểu đoàn cơ giới; bốn tiểu đoàn súng trường; một tiểu đoàn biệt kích Dù; và một tiểu đoàn bộ binh miền núi cao, gọi là Jaeger.
Thụy Điển từng tự chế tạo xe tăng của riêng mình, bao gồm xe tăng S không tháp pháo và xe tăng hạng nhẹ L-60, nhưng Stridsvagen-122 là loại xe tăng được tùy chỉnh rất nhiều từ chiếc Leopard 2A5 của Đức với lớp giáp kim loại hỗn hợp dày nặng và tối tân hơn, hệ thống ngụy trang hồng ngoại Barracuda, lựu đạn khói GALIX của Pháp, riêng hệ thống truyền tin và điều khiển hỏa lực thì do Thụy Điển chế tạo. Các đơn vị hỗ trợ đáng chú ý bao gồm bốn tiểu đoàn pháo binh được trang bị đại pháo Archer, hai tiểu đoàn công binh và hai tiểu đoàn phòng không với hệ thống tầm ngắn RBS-70 và IRIS-T cũng như tên lửa tầm trung HAWK (AKA RBS-97). Hệ thống phòng không sẽ được thay thế bởi hệ thống Patriot của Mỹ.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia, tức là lực lượng dự bị của Thụy Điển, có thể tập hợp thêm 40 tiểu đoàn bộ binh hạng nhẹ với tổng số 22.000 quân nhân. Nhập ngũ giới hạn với khoảng 4.000 thanh niên Thụy Điển hàng năm hỗ trợ lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Mặc dù lực lượng vũ trang của Thụy Điển không lớn nhưng họ có giá trị nội tại vì nằm cạnh những địa điểm trọng yếu, nơi NATO cần tăng cường nhất trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, tức là các nước vùng Baltic và Phần Lan.
Lực lượng hải-không-quân của Thụy Điển có thể góp phần phòng thủ tập thể cho các quốc gia đó vào “Ngày Số 1” của cuộc xung đột, trong khi lực lượng mặt đất có thể được triển khai nhanh hơn để hỗ trợ nước láng giềng Phần Lan hoặc thông qua các tuyến đường hàng không và đường biển tới vùng Baltic. Các đường dây liên lạc bổ sung mà Thụy Điển mở ra cũng cho phép NATO tăng viện cho các nước Baltic nằm trơ trọi ở tuyến đầu, đặc biệt có giá trị vì chúng làm giảm sự phụ thuộc vào Suwalki Gap, một hành lang đất hẹp giữa Belarus và Kaliningrad nối liền với Nga.
Từ trung lập đến NATO
Từng là cường quốc quân sự đi chinh phục và là đối thủ của Liên Xô, Thụy Điển bước vào thế kỷ XX với diện tích lãnh thổ bị thu hẹp và họ tìm cách duy trì chính sách trung lập không liên kết. Tuy nhiên, phe cánh hữu vẫn bận tâm đến mối đe dọa từ đế quốc Liên Xô láng giềng, trong khi phe cánh tả (ở các mức độ khác nhau) lại xem những quan ngại đó là cường điệu và họ chỉ trích các nền dân chủ phương Tây. Khi Liên Xô xâm chiếm Phần Lan vào tháng 11 năm 1939, Thụy Điển đã gửi viện trợ quân sự bao gồm 26 máy bay chiến đấu, hơn 340 khẩu pháo và 8.000 quân tình nguyện. Tuy nhiên, Thụy Điển không phản đối cuộc xâm lược Na Uy sau đó của Đức Quốc xã và đã đối phó với cả hai bên trong thời gian còn lại của Thế chiến thứ hai.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các chính trị gia theo chủ nghĩa duy tâm lý tưởng của Thụy Điển như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjöld và Olof Palme chủ trương đứng giữa những chia rẽ Đông-Tây. Olof Palme lên án mạnh mẽ cả việc Liên Xô đàn áp Mùa xuân Praha tại Tiệp Khắc năm 1968 lẫn việc Mỹ ném bom Việt Nam. Ông cũng thể hiện sự ủng hộ đối với các đội tử thần Salvador vào những năm ‘80.
Tuy vậy, khi Liên Xô cho chiến hạm và tàu ngầm vào “nắn gân” cũng như thi hành các công tác do thám tiềm năng phòng ngự của Thụy Điển ở biển Baltic, thì Thụy Điển đã chuẩn bị một chiến lược “phòng thủ toàn diện” nhằm chống lại một cuộc xâm lăng có thể xảy ra của Liên Xô bằng cách huy động thường dân cầm súng ra trận trên một quy mô rộng lớn và phân tán các máy bay chiến đấu đến các sân bay nhỏ, thậm chí cả đường cao tốc để tránh thiệt hại trong trường hợp các căn cứ không quân bị tấn công.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 10 và tháng 11 năm 1981 khi một tàu ngầm diesel-điện lớp Whiskey của Liên Xô mắc cạn khi ẩn nấp trong lãnh hải của Thụy Điển gần đảo Torumskär. Một cuộc đối đầu căng thẳng với hạm đội cứu hộ của Liên Xô đã xảy ra sau đó, và cuối cùng Liên Xô đồng ý cho phép Thụy Điển thẩm vấn các sĩ quan chỉ huy tàu ngầm và kéo tàu ngầm trở lại biển.
Với sự sụp đổ của Liên Xô, Thụy Điển gia nhập Liên hiệp Châu Âu/EU và bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội phương Tây. Điều này bao gồm cả NATO kể từ năm 1994, khi Thụy Điển bắt đầu tham gia các sứ mệnh bảo vệ hòa bình ở Bosnia, Kosovo, Afghanistan và Libya. Họ cũng lãnh đạo Biệt đoàn chiến đấu Bắc Âu của EU, thành lập vào năm 2008. Vào thời điểm này, phe cánh hữu muốn gia nhập NATO ngay, nhưng hầu hết đều cảm thấy điều đó là không cần thiết và có thể gây bất lợi.
Hành động hung hăng của Nga ở Ukraine cuối cùng đã thay đổi cục diện. Việc Stockholm lên án cuộc xâm lược đầu tiên của Putin vào năm 2014 đã dẫn đến việc Nga trả đũa bằng các cuộc tuần tra tích cực hơn của phóng pháo cơ có khả năng hạt nhân gần không phận Thụy Điển và các cuộc xâm nhập của tàu ngầm. Để đáp lại, Thụy Điển và Phần Lan ngày càng xích lại gần NATO hơn, họ gia hạn quyền đóng quân tạm thời cho các lực lượng NATO và hợp tác trong các cuộc tập trận lớn của NATO như ở Trident Juncture.
Nhưng chính cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng Hai năm 2022 cuối cùng đã thuyết phục đa số người Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập NATO. Ngay từ đầu, Thụy Điển đã viện trợ rộng rãi cho Ukraine, bắt đầu bằng các hệ thống di động đơn giản mà lực lượng Ukraine có thể nhanh chóng sử dụng – bao gồm 15.000 tên lửa chống tăng AT4; tên lửa địa-không cầm tay RBS-70; tên lửa đạn đạo chống tăng NLAW và BILL; súng máy; súng bắn tỉa Barret; và hơn 5.000 bộ áo giáp.
Sau đó là các thiết bị nặng, bao gồm 10 xe tăng Stridsvagen-122; hơn 50 xe chiến đấu CV9040C; súng phòng không; tên lửa chống hạm RBS-17 Hellfire; và 8 xe tải kéo pháo Archer 155 ly. Các thiết bị quân sự mạnh mẽ này của Thụy Điển được tập hợp lại trong Lữ đoàn cơ giới 21 mới thành lập của Ukraine, lực lượng này cũng được Thụy Điển huấn luyện.
Tóm lại, với sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, cục diện ở Bắc Âu chuyển hướng toàn diện, và sự chuyển hướng đó sẽ làm Putin suy nghĩ lại một khi ông ta có ý định xâm lăng bất cứ một quốc gia nào ở biển Baltic hay phía Tây lãnh thổ của ông ta. Nhờ đó, hy vọng chiến tranh không xảy ra và người dân châu Âu được sinh sống trong thanh bình.
T. K. N.-C.
Tác giả gửi BVN