Quyền bảo hiến ở đâu sao không sử dụng?

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Quốc hội với quyền bảo hiến có thể hủy toàn bộ vụ án, điều tra xét xử lại khi thấy quyền con người bị xâm hại.

Ở đây tôi muốn nói đến vụ án Nguyễn Văn Chưởng, một tử tù liên tục kêu oan suốt 17 năm trời.

Tòa án nhân danh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự, hành chính… để bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung và việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền: Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; Đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, nhằm xét xử đúng người, đúng tội, không bị oan sai – đó là điều cơ bản cốt yếu nhất để bảo vệ quyền con người của các bị can, bị cáo.

Trong xét xử các vụ án hình sự, tòa án cần đảm bảo các nguyên tắc: không làm oan người không có tội phải đi liền với không để lọt tội phạm. Nhiệm vụ phát hiện xử lý tội phạm phải đi liền với việc bảo đảm quyền con người. 

Hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện trên cơ sở coi trọng các yếu tố đó. Bỏ qua hoặc coi nhẹ yếu tố này hay yếu tố khác nói trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đạt được mục đích tố tụng.

Nếu muốn chứng minh tội phạm, xử lý tội phạm bằng bất cứ giá nào thì dễ dẫn đến vi phạm quyền con người; ngược lại nếu quá chú ý đến việc bảo đảm quyền con người thái quá mà không mạnh dạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng để phát hiện, chứng minh tội phạm thì sẽ làm cho hoạt động tố tụng thiếu hiệu quả, không thể phát hiện, xử lý kịp thời người phạm tội, thậm chí bỏ lọt tội phạm…

Các vụ oan án liên quan khung tử hình như bài viết “Cần hoãn thi hành án tử hình với Nguyễn Văn Chưởng” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 6-8, có kể tên như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Đặng Thị Nga, Nguyễn Minh Hùng, Trần Trung Thám, Võ Tê, Trần Văn Thêm, Bùi Minh Hải… cho thấy, nếu sắp tới đây việc thi hành án tử đối với Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, thì rõ ràng quyền con người đã bị xem nhẹ, vì chứng cứ phạm tội của những con người này là không đủ sức thuyết phục về mặt pháp lý.

Diễn biến liên quan số phận tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã được nhắc đến trong một tin nhắn đúng kiểu “thời công nghệ 4.0” mà ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 14 đã nhắn tin đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào sáng 5-8-2023.

Nội dung tin nhắn được ông Nhưỡng đồng ý cho báo chí công khai như sau:

“Trân trọng chào Anh.

Tôi rất xin lỗi vì phiền đến Anh trong ngày cuối tuần.

Tuy nhiên trong lòng tôi bứt rứt quá khi biết người ta đưa Nguyễn Văn Chưởng ra hành hình, trong khi chỉ vì các cơ quan có chức năng nói rằng họ không còn thẩm quyền do luật định. Một bản án rõ ràng không thuyết phục mà đưa con người vào tội chết là không hợp lòng dân, trái với những nguyên tắc pháp quyền.

Đề nghị Anh chỉ đạo xem xét và yêu cầu Hải Phòng cho dừng thi hành án để xem xét theo thủ tục đặc biệt.

Cứu một người phúc đẳng hà sa Anh ạ.

Trân trọng

Lưu Bình Nhưỡng”.

Về lý thuyết, Chủ tịch nước có quyền dùng định chế Chủ tịch nước để tạm hoãn thi hành án tử hình với Nguyễn Văn Chưởng. Thế nhưng điều này xem ra đã đặt gánh nặng kiểu đơn phương lên vai Chủ tịch nước, và có thể xem đó là giải pháp tình thế trong thời gian chờ đợi Quốc hội với quyền bảo hiến có thể ra tuyên bố hủy toàn bộ vụ án, điều tra xét xử lại khi thấy quyền con người bị xâm hại.

Xin tạm kết ở đây bằng một nhắn nhủ của cựu tổng thư ký báo Thanh Niên (ông từng là tù Côn Đảo vì hoạt động chính trị thời trước 1975): “Những người dân tin vào thuyết nhân quả cho rằng mỗi án oan dẫn đến cái chết cho người vô tội không chỉ tạo nên quả nghiệp cho những ai trực tiếp gây nên án oan, mà còn tạo quả nghiệp cho chế độ nói chung và cho các nhà lãnh đạo chế độ ấy nói riêng.

Thậm chí oan khí quá nhiều còn tạo nên cộng nghiệp dẫn đến suy vong cho cả một dân tộc qua thiên tai địch hoạ…

Vậy hãy hết sức cẩn trọng trước khi ra quyết định tước đoạt mạng sống của một công dân nào đó hỡi các người cầm quyền!

P.L.Đ.

VNTB gửi BVN 

This entry was posted in án oan, luật pháp, Vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Bookmark the permalink.